Chương 2. NHỮNG HÌNH TƯỢNG TIÊU BIỂU TRONG VĂN XUÔI THÁI BÌNH NỬA SAU THẾ KỶ XX TỪ GÓC NHÌN ĐỊA VĂN HÓA
2.3.1. Đẹp khỏe khoắn trong sản xuất và chiến đấu
Việt Nam là đất nước có nền văn hóa phong phú, đa dạng và độc đáo. Văn hóa dân tộc Việt Nam là sự tập hợp, kết tinh những giá trị bền vững, được gìn giữ, vun đắp và lưu truyền qua hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong đó nếp nhà với tình yêu hôn nhân, tình cảm gắn bó với gia đình, làng xóm, quê hương là đặc điểm nổi bật. Văn học Thái Bình đã thể hiện đặc điểm văn hóa dân tộc ấy một cách dung dị mà gợi cảm, qua đó, bồi đắp thêm trong độc giả sự thiện cảm, yêu mến với con người nơi đây. Đọc các tác phẩm văn xuôi Thái Bình nửa sau thế kỷ XX, thấy ở bề sâu mỗi nhân vật luôn có tình yêu thương gia đình và sự hi sinh thầm lặng mà vĩ đại. Điều này được thể hiện đặc biệt rõ ở hình tượng người phụ nữ,
Tần tảo, yêu thương chồng con, thủy chung tình nghĩa không phải là phẩm chất riêng có của người phụ nữ Thái Bình. Nhưng phẩm chất đó được các cây bút văn xuôi Thái Bình thể hiện một cách đậm nét. Đọc Nắng giữa trưa của Nguyễn Khoa Đăng, ta gặp một chị Đậu gần hai mươi năm về trước đã xây dựng gia đình với anh thương binh mà hoàn cảnh ai cũng ái ngại, "nhà cửa không có, một tấc đất cũng không”. Anh Đậu đi làm đồng, chị chịu trách nhiệm mang cơm cho anh. Có bát canh riêu cá, chỗ nào ngon nhất chị để phần anh. Thấy “cánh đồng vắng tanh vắng ngắt, mấy con trâu nằm dưới gốc phi lao đang mơ màng nhẩn nha nhai cỏ, còn anh vẫn miệt mài múc nước đổ vào máy bơm, chị trào nước mắt” [35;153]. Vậy nên, dù bụng chưa hột cơm nào, chị lại lao vào giúp
chồng làm cho xong việc. Xong xuôi, “Chị ngồi quạt cho anh ăn…". Rồi lại quạt cho anh tranh thủ ngả lưng chợp mắt. "Nhìn khuôn mặt hốc hác vì thiếu ngủ, chị thấy có cái gì nghèn nghẹn trong cổ…cố giấu sự xúc động trong lòng…mắt rơm rớm. Chị sợ mọi tiếng động nho nhỏ lúc này sẽ làm mất đi của anh một giấc ngủ ngon” [35;157]. Những biểu hiện, hành động, cử chỉ của chị Đậu, chẳng có gì công lênh to tát, nhưng mang lại ấn tượng đằm sâu về vẻ đẹp, tình yêu thương, nghĩa vợ chồng của người phụ nữ nông thôn vùng quê này. Hình ảnh chị Đậu chính là mẫu hình của người phụ nữ Việt Nam truyền thống rất mực yêu chồng thương con. Còn ở Dâu xanh ven sông (Đỗ Vĩnh Bảo), độc giả gặp Quý – một người phụ nữ hoạt bát, mạnh mẽ. Người phụ nữ ấy gây ấn tượng với mọi người bởi vẻ ngoài dễ mến: “Bình thường, chiếc áo sơ mi xanh đã sờn vai hoặc chiếc áo cánh gụ là hai chiếc Quý hay mặc. Nhưng hôm nay, cô vận áo trắng nom đến trẻ. Nước da bánh mật và đôi mắt lấp lánh thông minh, bạo dạn càng được tôn lên. Cái miệng nhỏ hơi xếch lúc thường trông ra vẻ tự mãn khinh người nhưng lúc cười lộ rõ hai lúm đồng tiền bên má lại có một vẻ duyên dáng kín đáo, rất dễ cảm hóa mọi người”. Nhưng quan trọng hơn, chính năng lực và phẩm chất của người lãnh đạo tập thể mới là điều khiến Quý được mọi người nể phục. Quý xuất hiện trong bối cảnh các làng ven sông Hồng nhận được chủ trương của cấp huyện, cấp tỉnh về việc quy hoạch vùng dâu. Vùng đất nơi ven sông Hồng vốn là nơi trồng lúa, trồng mía, trồng ngô, nay được định hướng chuyển sang trồng dâu. Đứng trước chủ trương mới mẻ đó, với tư cách là chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, Quý thể hiện sự tích cực, nhanh nhạy bắt nhịp thời đại. Theo nhận xét của ông Buồm thì “Quý là người đủ năng lực làm việc, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, với chủ trương mới” [35;15].
Đứng trước kế hoạch mới, nếu không biết thuyết phục hợp tình, hợp lý thì bà con khó mà nghe theo. Nhưng Quý đã thuyết phục được các xã viên với những lời lẽ xác đáng, có lí có tình, mềm mỏng mà quả quyết: “Bây giờ là lúc làm ăn theo quy mô lớn xã hội chủ nghĩa. Mỗi cán bộ, đảng viên ta phải mau chóng luyện cho mình một tàm nhìn, tầm nghĩ rộng ra phạm vi toàn quốc, toàn tỉnh, chí ít cũng là toàn huyện. cái tầm nhìn một xã, vài xã như trước là không hợp
rồi…Như thế mới gọi là phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, thâm canh toàn diện, tổng hợp…” [35;19]. Quý thuyết phục được tập thể còn bởi tinh thần trách nhiệm cao độ: “Chúng ta hiểu, chúng ta làm thì chúng ta dám chịu trách nhiệm”. Người phụ nữ này say sưa, toàn tâm toàm ý đóng góp cho quê hương, cho lãng xã. Mải việc công, nên khi về đến nhà với con “Hai mẹ con vừa ôm nhau ngồi bệt xuống hè thì trăng đầu tháng đã sáng lấp lóa góc sân”. Nhờ linh hoạt, xông xáo, mọi công việc, dù có khó khăn cỡ mấy, qua tay Quý và sự lãnh đạo của Quý đều được giải quyết. Khi Quý lên huyện, định nhờ huyện duyệt cho bản vẽ bổ sung quy hoạch vùng dâu nhưng "các ông ấy lại bận xuống xã chỉ đạo chống hạn tất tật”. Không thể để chậm việc, Quý thuận chân, đạp thốc lên tỉnh, xin vào gặp ông chủ tịch tỉnh”. Sự thông minh, tinh thần trách nhiệm của Quý thể hiện rõ qua chi tiết cô chỉ đạo mấy anh máy cày đánh rạch trồng dâu. Ở đó, người ta nhận ra một cô Quý tường tận, tính toán cẩn trọng, khom lưng vạch vạch ngang dọc trên mặt ruộng. "Ở đây, bãi rộng và tráng, dài và hẹp. Nếu đánh theo hướng đông tây thì phải biết bao nhiêu rạch cho vừa? Chỉ như thế đã mất toi gần chục héc ta đất rãnh, chưa nói đến hàng nghìn chỗ đầu bờ trống cho máy xoay chiều và cứ phải xoay luôn như vậy thì năng suất lao động rất thấp” [35;31]. Sau này, đến cả việc thuyết phục bà con để họ nghe theo chủ trương trồng dâu, phân phối lương thực sao cho bà con bằng mặt và bằng lòng, Quý cũng giải quyết thỏa đáng. Nghe Quý nói, “những người nóng nảy nhất cũng chỉ biết vùng vằng vứt quang, ngồi phịch xuống đất, im lặng”. Nhà văn Bùi Công Bính đã thành công khi khắc họa nhân vât Quý, người phụ nữ mẫu hình lý tưởng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và chắc chắn, còn nhiều người phụ nữ vùng ven sông ở Thái Bình cũng mang những vẻ đẹp vừa thuần hậu vừa mãnh mẽ như Quý.
Phát huy truyền thống quê hương của “Tiếng trống năm 30”, truyền thống của phụ nữ Việt Nam “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, trung đội gái dân quân Tiền Hải lại mang tới cho độc giả ấn tượng về một đội hình nữ trẻ trung, gan dạ, dũng cảm, không lùi bước trước khó khăn, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Các nữ dân quân còn là những người phụ nữ “ba đảm đang”. Trong lao
động sản xuất cũng như trong chiến đấu, họ luôn chủ động, tự tin “Máy bay lại đến… Nhưng việc đó cũng thường thôi, quen như một năm phải hai lần cấy hái”
[34;24]. Xác định như vậy nên "những chiến sĩ dân quân không bỏ mảnh đất nóng bỏng này", và, sau những trận đánh, họ lại miệt mài "cấy lúa trên những hố bom" [34;24]. Những người nông dân quê lúa vừa đánh giặc vừa sản xuất: “Trận địa có cả một mẫu ruộng cấy, một đàn lợn, một trâu, hai bò và cả mấy ao rau muống nữa” [34;25]. Tất cả góp phần nâng cao đời sống trong những tháng ngày chiến đấu “đánh cho Mỹ cút”. Dân quân gái của những năm chống Mỹ trên quê hương Tiền Hải, mỗi người một vẻ, một hoàn cảnh khác nhau nhưng chung nhau ở tinh thần đoàn kết, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì đất nước. Đó là trường hợp của Vũ Thị Mai, “bị mảnh đạn bắn vào ống chân, cô xé áo, tự băng lấy vết thương. Đồng đội xốc tay, cõng Mai ra khỏi công sự. Mai nằn nì: Mình có hề gì đâu, còn chiến đấu được, các cậu đừng bắt mình xuống hầm”. Đó còn là các chị em như Tám, Hợi, dù bị thương vẫn một mực không chịu rời trận địa. Đó còn là chỉ huy trưởng Nguyễn Thị Tựa: "mặc dù dáng người gầy và nhỏ nhưng ở Tựa ngời lên vẻ đẹp của cô gái “có một nếp nghĩ, làm gì cũng gắn với tập thể”. Quả thật, chúng ta dường như đã quen với những danh từ "dũng cảm", "kiên cường",... Chúng ta nghe nhiều những chuyện phi thường trong cuộc chiến đấu vệ quốc. Ở đây người ta cũng có thể kể ra được những chuyện tương tự như những việc làm của Tựa, của Tám, của Mai... Thế nhưng, nói như anh Giao, người có năm tháng sống trong quân đội nhiều hơn là sống với gia đình, nói:
“Song dù sao thì những người bình thường như chúng ta, hãy thử đặt mình vào trường hợp của những người phụ nữ ấy. Tôi là đàn ông. Tôi đã là người lính. Tôi thật lòng khâm phục tinh thần dũng cảm của những cô gái mà tuổi đời chỉ ngang với các con và em tôi” [34;30].
Như bao người phụ nữ Việt Nam của "thời đại Hồ Chí Minh sừng sững", người phụ nữ Thái Bình mang vẻ đẹp "anh hùng, bất khuất" trong chiến đấu chống xâm lăng. Còn trong lao động, phẩm chất ngời sáng ở họ là vẻ đẹp "trung hậu, đảm đang". Những nét đẹp đó đã được các nhà văn Thái Bình thể hiện một cách đậm nét trong những trang văn xuôi nửa sau thế kỷ XX.