Chương 3. KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT - PHƯƠNG DIỆN QUAN TRỌNG
3.2. Không gian lao động, sinh hoạt của nhân dân từ thời chiến tới thời bình
3.2.1. Không gian cộng đồng thời chiến
Cũng như bao miền quê khác trên miền Bắc vào những năm vừa sản xuất vừa chiến đấu, Thái Bình không chỉ là tỉnh điển hình cho phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” mà còn vươn lên với tinh thần “thóc thừa cân, quân vượt mức”. Không gian lao động hối hả, vừa sản xuất vừa chiến đấu và tổ chức sinh hoạt thích nghi hoàn cảnh chiến tranh thời đó in dấu ấn sâu đậm trong văn học Thái Bình nói chung, văn xuôi Thái Bình nói riêng.
Khi cuộc chiến leo thang của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, tuy không phải là khu vực "cái rốn của chiến tranh", cũng phải là địa phương có các cơ quan đầu não như Hà Nội, Hải Phòng nhưng Thái Bình cũng vẫn hứng chịu mưa bom bão đạn. Từ năm 1965 tới khi Hiệp định Geneve được ký kết, Mỹ đã dội xuống Thái Bình hơn 2000 tấn bom đạn. Thiệt hại về kinh tế do bom đạn của Mỹ với vùng quê này vô cùng lớn. Dẫu vậy, nhân dân Thái Bình đã kiên cường vượt qua.
Khắp các làng quê, mọi người dân đã nhanh chóng tạo cho mình một sự thích nghi với hoàn cảnh. Người dân ở phố khi nghe tiếng còi báo động: “Đường phố nhớn nhác, người thì nhanh nhảu nhảy tọt xuống các hố cá nhân trên hè đường, người thì ngửa mặt nhìn lên trời… chừng 3 phút sau đã có còi báo yên”, mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Còn ở làng Đông (Diêm Điền): "Từ ngày cống Linh bị máy bay Mĩ ném bom, tối đến không nhà nào dám thắp đèn… Ban ngày không ai mặc áo trắng, đội nón trắng. Học sinh đội mũ rơm, đeo lá ngụy trang đến trường. Những khóm tre làng Đông đã chặt trụi để ghép hầm kéo ở từng gia đình và các nơi công cộng như ủy ban, sân kho hợp tác. Đêm đêm có tiếng máy bay từ xa đã phải bật dậy lăn xuống hầm một, hai lần” [25;136]. Nhưng “Một lần, hai lần, một tháng, hai tháng mọi sự căng thẳng cũng quen dần. Và bây giờ thì mặc mẹ nó ném bom đâu thì cứ ném, việc ngủ cứ ngủ. Có nghĩa là mọi việc diễn ra như nó vẫn thế. Các cô gái làng Đông trong Bến không chồng có những chiếc áo trắng, giờ giặc leo thang ném bom, ban ngày không mặc được thì các cô mặc vào những buổi sáng trăng, có sao đâu: “Đã may rồi chẳng lẽ để mục rõ phí. Ở lứa tuổi tưng tưng mười chín đôi mươi chưa chồng vận chiếc áo trắng áo
mầu vào người nó cứ phừng phừng như muốn nhảy nhót một tí cho tươi đời”.
[25;141]. Những suy nghĩ mộc mạc, chân chất như hạt lúa, củ khoai của các cô gái làng Đông cũng là lối suy nghĩ chung của người dân quê lúa. Họ không màu mè, không khách sáo, có dịp gặp nhau là trò chuyện, sẻ chia. Đây là cảnh bến cầu Đá Bạc, sông Đình vào những buổi chiều hè: “Từ con trâu con nghé, đến trẻ con, người già, con trai, con gái dắt díu nhau ra bến tắm… Họ nhởn nhơ với nước, với gió… Khổ nhất là bọn đàn bà con gái lại hớ hênh phơi cái phần da thịt trắng hớn ra giữa trời đất” [25;287]. Họ, những người dân quê ấy không phải không biết ý tứ mà có lẽ trong suy nghĩ của họ, bến sông ấy là của mọi người, của anh em xóm làng, bến sông ấy, vào các buổi chiều, nhất là vào những đêm trăng, chính là nơi họ gặp gỡ, trò chuyện vô tư thoải mái sau những giờ lao động vất vả, không phải câu nệ, giữ kẽ: “Cầu Đá Bạc là nơi các cô gái làng Đông tụ tập. Mấy ông già mang vó thả kiếm cá nấu riêu" [24;141].
Viết về một thời “cả nước là chiến trường” Tố Hữu đã có những vần thơ ca ngợi đầy khí thế:
Chào các cụ bạch đầu quân chống Mỹ Chào các em, những đồng chí tương lai Mang mũ rơm đi học đường dài
Chuyện thần kỳ của dân tộc ta là vậy.
Khi giặc ngoại xâm đến, người dân nơi đây đón nhận với tinh thần sẵn sàng nghênh chiến. Vừa chiến đấu vừa sản xuất. Mặc cho bom đạn chiến tranh, ai cũng hối hả với tinh thần thi đua của “gió đại phong, sóng duyên hải” người công nhân trong xưởng máy thì “mỗi người làm việc bằng hai", người nông dân trên cánh đồng thì “tay cày tay súng”, người đồng muối thì “tay trang tay súng”.
Ở thời đại của cái Ta cộng đồng, lịch sử ấy, mọi sinh hoạt, lao động đều diễn ra với không khí tập thể, trong không gian rộng lớn, không gian xã hội. Ở những vùng quê nông thôn thì người ta sinh hoạt, lao động trong biên chế hợp tác xã.
Mọi công việc của hợp tác xã phải được bàn bạc dân chủ đến người dân. Chủ nhiệm hợp tác xã là người nắm bắt tường tận mọi việc, phải có đầu óc quyết đoán không thể “dĩ hòa vi quý” được. Cô chủ nhiệm Quý (Dâu xanh ven sông -
Đỗ Vĩnh Bảo) là một ví dụ. “Đưa nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc” là một chủ trương lớn của toàn tỉnh Thái Bình những năm 70. Chủ trương đó đòi hỏi cùng với việc trồng lúa, những vùng có đồng bãi phải phát triển trồng các cây xen kẽ ngắn ngày như ngô, đậu, lạc và cây dâu tằm nhằm phát triển ngành nghề ươm tơ dệt lụa. Điều này càng làm cho cô chủ nhiệm có
“cái miệng nhỏ hơi xếch lên” lúc nào cũng đau đáu với công việc và khi cần cứng rắn, quyết liệt cô cũng vẫn phải dứt khoát: “Như vậy là có một số ý kiến phản ứng, nhưng không phải là phổ biến. Điều cốt yếu, cán bộ, đảng viên ta cần thực sự thông suốt, để kiên trì giải thích, không nên vì những mắc mớ cá nhân mà làm khó dễ việc chung" [35;24]. Sự quyết đoán của Quý đã làm cho những người còn có tư tưởng “lừng khừng” như Giang và một số người khác trong ban quản trị hợp tác phải thay đổi ý kiến và làm theo: “Đã đành ý kiến quần chúng bao giờ chả có chỗ đúng, chỗ sai, nhưng ta cũng cần phải biết cho hết, để mà lường trước. Chứ còn việc làm thì ta cứ làm, nhưng đừng có bốc” [35;17].
Không chỉ phải lo sản xuất để duy trì, đảm bảo cuộc sống của nhân dân, đặc biệt để vượt chỉ tiêu sản lượng đóng góp cho tiền tuyến lớn miền Nam, người dân Thái Bình, cũng như nhân dân nhiều địa phương khác trên miền Bắc còn phải chiến đấu để bảo vệ, duy trì sản xuất. Trong nghề nông, hệ thống kênh mương nội đồng và các cống thủy lợi giữ vai trò hết sức quan trọng. Khi cống Lân (Tiền Hải) bị máy bay địch bắn phá, ngay lập tức đại đội 4 được cử về công Lân để bảo vệ. "Cống Lân là dạ dày của nhân dân bốn huyện. Dạ dày đó lại ở trên đất Đông Lâm, nên Đông Lâm phải bảo vệ. Nhưng bảo vệ thế nào, chớ để giặc Mỹ nó đánh nát mất dạ dày. Người mà mất dạ dày thì khó sống. Nhân dân Thái Bình mất cái cống Lân này, là khó nói đến chuyện sản xuất 5 tấn” [35;317].
Yêu cầu, trách nhiệm bảo vệ cống là như vậy. Nhưng việc đào đắp trận địa ở đây không hề dễ dàng. Ở vùng cống Lân, ngoài con đê, cái cống, còn lại toàn những cảnh ruộng nước trũng. Tháng bảy, mưa gió luôn. Mỗi khi mưa, mức nước ở ngoài sông với trong đồng không cách xa nhau lắm. Muốn có một trận địa pháo đánh địch, bảo vệ cống, không có cách nào khác là những công sự pháo của họ phải được mọc lên từ những cánh ruộng trũng đầy nước kia. Và để xây
dựng được công sự pháo đó là việc hết sức gian nan. Vậy nhưng "mấy đêm nay, nhiều làng ở ven biển Thái Bình, trai gái kể có hàng trăm, tối nào cũng đến xếp hàng ở trước trụ sở ủy ban xã, xin đi làm trận địa pháo", "nhiều bà con, anh em ở xa, không sớm đăng ký là không được tham gia xây dựng trận địa. Thật là rắc rối. Lắm hôm xã đội cứ phải giải quyết nhùng nhằng đến tận khuya" [35;311].
“Từ trong những ngõ xóm, các cụ, các mẹ, các chị và các em thiếu niên, nhi đồng người đội khoai, kẻ gánh chuối rùng rùng đi về phía trận địa.”. [35;313].
Người ta còn nhớ mãi hình ảnh :” Một lão ông chừng là đại diện, đến gặp Cân bí thư đảng ủy. Ông cụ nói giọng năn nỉ: “Thôi này, còn cái khoản kéo pháo vào trận địa đêm nay, các anh phải để dành cho chúng tôi đấy!”. Lời đề nghị nghe đơn giản, chân thành mà đầy ý nghĩa. Câu nói ấy là minh chứng cho vẻ đẹp tâm hồn của người dân quê lúa mỗi khi giặc xâm lăng. Vào những thời khắc quê hương, đất nước lâm nguy, người Thái Bình sẵn sàng cống hiến và hi sinh như thế, góp phần tạo nên một không khí đậm chất sử thi, một không gian của cái ta cộng đồng trong thời gian lịch sử. Không gian đó tràn ngập tinh thần hồ hởi, nô nức, nhiệt thành mong muốn được đóng góp sức mình cho cách mạng, cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.
Với người nông dân giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám, không gian gắn bó với họ là những nơi sinh hoạt tập thể như ủy ban, sân kho, sân chiếu bóng, ....
Khi chiến tranh đến, những địa điểm sinh hoạt tập thể đó, kể cả những nơi linh thiêng nhất như từ đường cũng được sử dụng để phục vụ cách mạng. “Từ đường họ Nguyễn thương binh nằm kín ba gian từ đường. Những cánh cửa lim hạ hết xuống làm bàn mổ, là giường cho thương binh” [25;47]. Chiến tranh - biến cố của cả dân tộc đã gắn kết họ lại. Họ cùng chiến đấu, cùng bảo vệ xóm làng, cùng chia sẻ đau thương, mất mát. Không gian lớn thường thấy trong những trang văn xuôi Thái Bình viết về giai đoạn 30 năm chiến tranh vệ quốc là không gian cộng đồng, ở đó: "Già trẻ gái trai làng Đông lại lục tục kéo nhau đi nghe ông Hoà ở trên huyện về nói chuyện thời sự quan trọng. Các cụ già râu tóc trắng phơ chống gậy lọc cọc đến với vẻ long trọng. Các ông các bà trung niên có vẻ mạnh mẽ thâm trầm. Cánh nam nữ thanh niên lại sôi nổi cười the thé. Tụi trẻ chạy lăng
xăng láo nháo như thể đi xem hội.” [25;87]. Không gian sân kho là một trong những địa điểm thường gặp trong các trang truyện Thái Bình nửa sau thế kỷ XX, nhất là ở thời kỳ trước 1975 thì đó là không gian dành cho cộng đồng họp bàn những vấn đề hệ trọng của xóm làng hoặc để lĩnh hội những vấn đề chính trị, xã hội quan trọng mà Đảng, chính quyền cách mạng phổ biến tới toàn dân. Không gian ấy chính là địa điểm gắn kết nhân dân thành một khối. Không gian ấy cũng là nơi chứng kiến hạnh phúc lứa đôi khi Nghĩa và Hạnh nên duyên vợ chồng:
“Chi đoàn thanh niên cố tình tổ chức đám cười Nghĩa và Hạnh tại nhà kho hợp tác thật long trọng, nổi đình nổi đám. Từ sáng sớm tụi trẻ đã lo trang trí phòng cưới lộng lẫy như thể sân khấu diễn kịch. Chúng lấy phông màn của đội văn nghệ và mang trống ra khua ầm ĩ cả làng” [25;78]. Không gian cộng đồng ấy còn là nơi họ tới trút bầu tâm sự. Họ tìm đến đó để trò chuyện, vui chơi, để tâm tình và nắm bắt thông tin thời sự quan trọng. Không gian ấy đã trải qua và ghi lại những biến cố của thời cuộc. Nhà ủy ban là nơi tập trung người dân khi có chiến tranh, và vào thời khắc kết thúc 30 năm khói lửa chiến tranh, nhà ủy ban đó là nơi cả làng Đông cùng tụ về: “Tin giải phóng Sài Gòn làm náo nức lòng người. Mấy người đi làm đồng quẳng cả quang gánh, cuốc cào đến bên gốc quéo đứng lặng đi như uống từng lời từ chiếc loa phát cái tin vô cùng hệ trọng!”[25;184].
Có thể thấy, không gian tập thể là không gian chủ yếu, thường gặp nhất trong văn xuôi Việt Nam nói chung, văn xuôi Thái Bình nói riêng từ sau 1945 tới trước Đổi mới 1986. Trong không gian ấy, những người dân quê lúa Thái Bình thể hiện tinh thần đoàn kết, ý thức tập thể, sự gắn kết thành một khối, thống nhất về một hướng, một lòng đánh giặc, giữ nước, xây dựng quê hương.
Đó là không gian đậm chất sử thi của một thời, lưu giữ những trang sử vàng oanh liệt, rất đỗi tự hào của nhân dân vùng đất làm nên "Bài ca năm tấn" đầu tiên trên quê hương miền Bắc những năm đánh giặc giữ nước.