Chương 2. NHỮNG HÌNH TƯỢNG TIÊU BIỂU TRONG VĂN XUÔI THÁI BÌNH NỬA SAU THẾ KỶ XX TỪ GÓC NHÌN ĐỊA VĂN HÓA
2.3.2. Nỗ lực vượt lên hoàn cảnh
Bên cạnh việc chú ý khắc họa vẻ đẹp điển hình của người phụ nữ trong sản xuất và chiến đấu, các nhà văn Thái Bình còn dành sự quan tâm đặc biệt cho những nỗi đau tinh thần mà những người phụ nữ vùng quê lúa phải gánh chịu trong và sau hai cuộc chiến tranh.
Trong 30 năm kháng chiến trường kỳ, khi lớp lớp trai tráng từ giã gia đình, quê hương để “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", những người phụ nữ nơi làng quê phải vò võ, mòn mỏi đợi chờ. Biết bao người phụ nữ Việt Nam của thời binh lửa ấy chỉ có ngày tiễn chồng con ra trận mà không có ngày đoàn viên, sum họp.
"Đất nước tôi, thon thả giọt đàn bầu... Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ" (lời bài hát Đất nước của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, phổ thơ Tạ Hữu Yên).
Trên thế giới này, dường như không có dải đất nào mà mỗi tấc đất lại thấm máu xương của những người đi trước nhiều như đất nước Việt Nam. Và có lẽ cũng không có đất nước nào có nhiều người vợ, người mẹ phải chịu nhiều đau thương mất mát như người phụ nữ Việt Nam. Những người mẹ, người vợ của vùng quê lúa Thái Bình cũng cùng có nỗi đau chung đó. Trong Bến không chồng, bà Nhân phải gánh chịu nỗi đau kéo dài đến hết cuộc đời. Bà tiễn chồng đi chiến đấu, đợi chờ mòn mỏi, nhưng chồng hy sinh không về. Rồi bà lại tiễn hai đứa con trai lên đường, để rồi chúng hy sinh cả. Hạnh - cô con gái trở thành niềm an ủi tựa nương duy nhất của bà. Nhưng số phận, cảnh ngộ của Hạnh cũng thật trớ trêu. Bà Nhân ngày một già đi, Hạnh lại nối phận mẹ làm vọng phu ở Bến không chồng. Hạnh có mối tình đẹp với Nghĩa. Sức mạnh tình yêu đã giúp họ vượt qua mối thù truyền kiếp cũng như lời nguyền độc địa giữa 2 dòng họ. Bao trai gái 2 họ Nguyễn - Vũ đã phải đứt gánh giữa đường, nhưng Hạnh và Nghĩa đã dũng cảm vượt qua. Họ làm đám cưới đời sống mới tại sân hợp tác xã giữa sự chứng kiến của bạn bè, còn họ hàng hai bên chẳng có một ai tới dự. Đêm tân hôn màn trời chiếu đất trên bến Tình, rồi sau đó Hạnh tiễn Nghĩa lên đường ra trận. 10 năm tuổi xuân phai nhạt, héo mòn. Từ một cô gái "đẹp rực rỡ như bông cúc trước cửa từ đường", có "mái tóc dài, đen óng", "khuôn ngực phập phồng, mỗi khi nhìn Nghĩa, ánh mắt Hạnh lại rực cháy lên ngọn lửa thiêu nóng trái tim cậu trưởng của dòng họ Nguyễn",
người phụ nữ ấy đã đi qua cái thời tươi trẻ nhất trong đằng đẵng đợi chờ. Tần tảo, đảm đang, lo gánh vác việc nhà chồng và cả nhà mình nữa, Hạnh tham gia tích cực các phong trào ở địa phương, sống chân thành, cởi mở, thấu hiểu và sẵn sàng chia sẻ tâm sự với mọi người. Rồi Nghĩa, may mắn hơn biết bao người trai khác phải bỏ thân nơi chiến trường, trở về trong vinh quang chiến thắng với lon thiếu tá. Nhưng khi chồng về thì Hạnh lại rơi vào bất hạnh khác: Không có con. Nghĩa đã mang trong mình chất độc da cam, nhưng mọi người lại đổ tất cả cái tội "cây khô không lộc, người độc không con" lên đầu Hạnh. “Bà thiếu tá phu nhân bị điếc”, những lời ấy giày vò Hạnh, để rồi cô phải ngậm ngùi li hôn cho chồng đi lấy người đàn bà khác. Nhưng cái khát khao được có con của Hạnh lớn đến mức cô dám vượt qua mọi rào cản, lao vào Nguyễn Vạn đầy bất ngờ và quyết liệt. Sau cái đêm điên rồ đó của Hạnh với Nguyễn Vạn, một người chú từng cưu mang quan tâm đến mẹ con cô, người mà cô suốt đời kính trọng - Hạnh có mang. Vì không chịu nổi định kiến của xã hội, Nguyễn Vạn tự vẫn ở Bến không chồng.
Còn Hạnh, người phụ nữ đã dám vượt qua định kiến và lời nguyền của 2 họ Nguyễn - Vũ để lấy Nghĩa, người phụ nữ không cam cái tiếng "người độc không con", quyết kiếm tìm để có mầm sống trong mình, một lần nữa kiên cường vượt qua số phận và định kiến. Hạnh nhận ra mình không hề có lỗi: “Từ ngày đi khỏi làng Đông, Hạnh mới nhận ra một điều, con người ta sống trên đời cần có một tổ ấm gia đình. Không có lý gì khi ta làm cho cuộc đời này tốt đẹp hơn lại là có tội lỗi được”.
Cùng lâm vào tình cảnh đáng thương như Hạnh là Thủy, vợ hai của Nghĩa. Là bác sĩ, Thủy phát hiện ra Nghĩa mới là người không còn khả năng sinh con bởi anh đã nhiễm chất độc màu da cam. Không muốn bỏ rơi Nghĩa, mong muốn Nghĩa được hưởng hạnh phúc của của người chồng, người cha và không muốn phải mòn mỏi đợi chờ một đứa con trong vô vọng, Thủy ra bến xe gặp và quan hệ với một người đàn ông lạ. Nhưng người đàn bà yêu chồng đó không vượt qua được sự đau đớn, dằn vặt khi phải lừa dối chồng và gia đình nhà chồng. Sau phút giây gần gũi với người đàn ông kia, Thủy đã chạy thục mạng như kẻ tội đồ, rồi lại tự chửi mình ngu vì là bác sĩ mà chạy như thế thì sao có thể
thụ thai. Cuối cùng, trong dằn vặt day dứt, Thủy cắn răng nói ra sự thực Nghĩa không thể có con vì chất độc da cam. Nỗi đau của Hạnh và Thủy đều giống nhau ở chỗ chồng của họ bị chiến tranh tước đoạt cơ hội làm cha, cũng tức là tước đoạt của họ cơ hội làm mẹ. Và Hạnh với Thủy còn giống nhau ở ý thức không cam chịu cái án "người độc không con" quàng lên mình. Mỗi người họ chọn cho mình một cách khác nhau, với kết quả thành bại khác nhau - Hạnh có con, còn Thủy thì không, nhưng cả hai đều đã nỗ lực tìm cách để thay đổi số phận.
Ngoài Hạnh, Thủy, Bến không chồng còn có những nhân vật nữ khác cũng đều là nạn nhân của chiến tranh. Và họ, mỗi người lại phản kháng chống lại định mệnh theo cách riêng của mình. Có lựa chọn được người đời ủng hộ, có lựa chọn khiến người ta cảm thương, và có những lựa chọn thể hiện sự phũ phàng. Chưa bàn đến đúng sai, nhưng rõ ràng, việc những người phụ nữ tìm cách vượt hoàn cảnh để đi tìm hạnh phúc cho đời mình là một mưu cầu mạnh mẽ, nằm ở bề sâu của người phụ nữ. Tinh thần không cam chịu hoàn cảnh số phận, luôn đấu tranh vượt lên đi tìm hạnh phúc là một đặc điểm nổi bật của nhân vật trong tác phẩm của Dương Hướng, cũng là đặc điểm chung của nhiều nhân vật nữ trong văn xuôi Thái Bình nửa sau thế kỷ XX mà Ngân, Quế (Ngày xưa thương mến - Trần Văn Thước) là một vài ví dụ. Có những lúc, tủi nhục xô ép Ngân tìm đến cái chết.
Những lời đàm tiếu cay độc của người đời dành cho cô: "Xinh đẹp thế mà hư hỏng", dành cho con trai cô: "Dào ôi, tuấn tú khôi ngô thì vẫn là con không có bố"
đã từng run rủi cô cầm đến cốc thuốc độc, nhưng tình yêu với con và điểm tựa tinh thần mỗi khi nghĩ về Sơn - mối tình đầu trong trẻo, người đã hi sinh nơi chiến trường đã giúp cô không gục ngã, tiếp tục sống để chở che cho con trai và hỗ trợ, động viên những người thân yêu còn nhiều khốn khó. Còn Quế lại ở một trạng huống khác. Lập - chồng Quế cũng đã hi sinh trên chiến trường, bỏ lại cô cùng bầy con thơ dại, nheo nhóc. Nhưng người phụ nữ bé nhỏ ấy đã gồng gánh đủ mọi công việc, từ làm ruộng, xúc tép, chạy chợ để các con mỗi ngày gắng gỏi trưởng thành. Còn ở Tháng ba thương nhớ (Trần Văn Thước), đó là một cô Nụ tảo tần, nết na và giàu tình yêu thương, là những người mẹ luôn chối từ, gạt đi những mong muốn được cùng gánh vác lo toan của con cái, "quyết giành hết về mình
những gánh nặng", "muôn lo chất cả lên vai, vào lòng" [12;38]. Và dù hoàn cảnh có khó khăn đến thế nào, thật tài tình, họ đều tìm cách đưa con thuyền gia đình vượt qua sóng gió, gian nan để hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.
Ở bút ký Người không cô đơn, bên cạnh nhân vật Thúc, nhà văn Minh Chuyên còn dành nhiều yêu thương khi viết về Học - người yêu của Thúc.
“Hơn mười năm trước, cái đêm cuối cùng hai người âu yếm trước khi Thúc lên đường, tiếng anh chân tình van vỉ đòi được hưởng tâm hồn trong trắng của cô.
Học từ chối, nghĩ cứ thương thương". Chưa là vợ Thúc, cũng chưa từng thuộc về anh, vậy mà suốt những năm tháng Thúc ngoài chiến trường, và cả bao tháng năm ngóng đợi tin tức của anh sau khi chiến tranh kết thúc, Học vẫn một lòng sắt son chờ đợi Thúc. Hiểu sự thủy chung son sắt đó mới thấy mất mát với Học thật lớn. Sau bao ngày tháng năm mòn mỏi đợi chờ người yêu, khi nhận tin Thúc còn sống, Học đã lăn lộn cùng gia đình Thúc đi tìm, đưa được Thúc trở về. Có điều, Thúc của ngày trở về không còn là Thúc của ngày xưa, không phải là con người bình thường mà là con người bị biến dạng cả thể chất và tinh thần. Thúc bây giờ trong dạng hình của một người ăn mày với sức khỏe tâm thần không bình thường. Đau đớn là vậy, nhưng Học không từ bỏ anh. Suốt những ngày Thúc trở về, Học vừa phải lo công việc của một bí thư đảng ủy xã, vừa lo chạy chữa thuốc men cho Thúc, lo thủ tục để Thúc lần lượt đi điều trị các viện 207, viện chức năng tâm thần. Không phụ sự chăm sóc của gia đình, đặc biệt là tình yêu và sự lo lắng ngược xuôi của Học, Thúc đã có những bước chuyển tích cực cả về thể chất và tinh thần: "Ngồi bên Thúc những lúc cơn bệnh dịu bớt, Học nhận ra tình cảm ở anh dần có sự thay đổi. Giờ đây, anh đã cảm nhận được tình yêu của gia đình và của cô, khác hẳn sự thờ ơ, dửng dưng trước đó. Anh muốn gần cô. Hôm ấy chỉ có hai người ngồi bên nhau, anh choàng tay ôm Học. Cô ngả đầu vào vai Thúc. Gần hai mươi năm xa cách, giờ đây Học mới nhận lại hơi ấm từ cánh tay của anh. Nhưng nó khác những ngày gần gũi khi xưa nhiều lắm.
Ngày ấy, Thúc nói bằng lời âu yếm và hôn cô. Giờ đây, anh vụng về, muốn gần gũi mà vẫn im lặng. Có lẽ vết thương thần kinh làm anh vụng về. Chỉ còn ánh mắt, ánh mắt là vẫn đằm thắm yêu thương. Thúc nhìn Học, nhìn rất lâu. Học
không kìm nổi những giọt nước mắt từ tận sâu thẳm đáy lòng trào ra.” [14;48].
Sức khỏe của Thúc dần dần hồi phục, mọi người rất mừng và nghĩ tới ngày hạnh phúc của hai người nhưng có ai hiểu đâu, nỗi lo khác lại day dứt trong lòng cô.
Sự tổn thất, mất mát bởi chiến tranh đầu phải chỉ là số người bị chết, số người bị thương, số làng mạc bị tàn phá,... Thương tổn, mất mát bởi chiến tranh còn dai dẳng trong trái tim tan nát của những người phụ nữ mất chồng, con, trong nỗi đau âm thầm của người phụ nữ có chồng, người yêu được may mắn sống sốt trở về nhưng lại nhiễm chất độc da cam. Còn với Học, nỗi đau đớn của cô lại là qua năm tháng đợi chờ, tới lúc gặp lại được người yêu, chữa trị để người yêu khỏe mạnh thì cô không còn được hưởng thiên chức làm mẹ. Vì bị bệnh, Học đã phải cắt bỏ cả hai buồng trứng. Nếu không có chiến tranh, nếu Thúc trở về sớm hơn, nếu Thúc không phải chịu những di chứng của chiến tranh… thì có lẽ Học cũng đã có một gia đình, một tổ ấm. Qua cuộc đời Học, nhà văn Minh Chuyên cho độc giả thấy một kiểu số phận phụ nữ khác - những người chịu thiệt thòi, mất mát gián tiếp do chiến tranh. Điều khiến độc giả thêm phần yêu thương, trân trọng Học là, cô đã đặt hạnh phúc của Thúc lên trên hạnh phúc của bản thân, không để Thúc phải tiếp tục thiệt thòi với cuộc sống trống vắng suốt quãng đời còn lại. Không muốn để mọi người quẩn quanh lo nghĩ và cảm thương cho những thiệt thòi mà mình phải gánh chịu, Học “quyết định nhận làm con gái của thầy mẹ Thúc và chọn Nguyễn Thị Mận, người bạn thân thiết nhất thay cô làm bạn đời của anh”. Không những thế “Học đã dành dụm vốn liếng, mua sắm, lo toan cho ngày lễ thành hôn của Thúc và Mận như lo cho người anh ruột của mình” [14;48]. Điều đáng nói là, Học không phải là nhân vật văn chương thuần túy mà là người thực việc thực. Nhân dịp 27 tháng 7 năm Bính Dần, tổ phóng viên đi lấy tài liệu viết bài về những gương người mẹ, người vợ liệt sĩ đảm việc nước, giỏi việc nhà. Họ đã được giới thiệu tìm đến Học: “Cô ấy không phải vợ liệt sĩ, nhưng là người yêu liệt sĩ , một cô gái rất tuyệt vời ... Hiếm có người con gái có nghị lực như cô ấy, vừa đảm việc nhà, vừa năng nổ công tác xã hội. Hiện cô ấy là bí thư Đảng ủy xã Vũ Chính, vừa được chọn đi dự đại hội, đại biểu phụ nữ giỏi toàn quốc ở thủ đô Hà Nội về" [14;32]. Hành động mà Học dành cho
Thúc là điều không phải người phụ nữ nào cũng có thể làm được. Nhưng hành động đó cũng không phải là hiếm gặp trong xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, nhất là sau khi đất nước kết thúc chiến tranh. Và ở Thái Bình, trường hợp cưới vợ mới cho chồng hoặc cưới vợ cho người yêu cũng không phải chỉ có riêng Học. Những hành động như vậy cho ta cảm nhận được tình yêu lớn lao, vô bờ mà những người phụ nữ hồn hậu, bao dung, vị tha, giàu đức hi sinh dành cho chồng, cho người yêu của mình. Họ tìm đường, mở lối mang lại hạnh phúc cho người mà họ yêu thương. Đó cũng là cách họ vượt lên hoàn cảnh để mang lại bình yên, hạnh phúc cho chính mình. Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn thì những người như Học có vai trò vô cùng quan trọng. Trên tất cả, đằng sau những thiệt thòi, những dang dở là những tâm hồn, nhân cách đẹp chỉ có ở những tấm lòng chung thủy, sắt son, sự vị tha, tấm lòng bao dung, biết sống vì người khác và tinh thần nghị lực.
Các nhân vật nữ trong văn xuôi Thái Bình nửa sau thế kỷ XX một mặt mang vẻ đẹp có tính hằng số của phụ nữ Việt Nam nói chung. Trong đời sống riêng, nhiều phụ nữ nơi đây cũng giống như nhiều phụ nữ Việt Nam khác trong và sau chiến tranh đã phải chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh. Nhưng, với lòng vị tha, sự bao dung, biết sống vì người khác, đặc biệt là tinh thần không cam chịu hoàn cảnh số phận, luôn đấu tranh vượt lên đi tìm hạnh phúc, họ chính là lực lượng nòng cốt trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đất nước, góp phần quan trọng dệt nên bức tranh văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc.
Tiểu kết Chương 2
Nghiên cứu con người trong văn xuôi Thái Bình nửa sau thế kỷ XX từ góc nhìn địa văn hóa, chúng tôi tập trung vào ba hình tượng lớn, tiêu biểu của con người vùng đất này giai đoạn nửa sau thế kỷ XX là người nông dân, người lính và người phụ nữ. Thực ra, mọi sự phân chia đều chỉ mang tính tương đối. Với cách chia tách đối tượng như tác giả đề tài đã thực hiện, thực tế vẫn có những vùng giao nhau. Người lính Thái Bình phần lớn là nông dân, người phụ nữ Thái Bình cũng hầu hết là nông dân. Mặc dù vậy, khi tách thành ba nhóm hình tượng, chúng
tôi vẫn thấy có những đường biên rõ nét, trong đó những phẩm chất nổi bật của mỗi loại hình tượng chính là căn cứ cơ bản để thực hiện phân nhóm. Người nông dân Thái Bình nổi bật ở phẩm chất kiên cường trong lao động sản xuất và chiến đấu ở thời chiến và ngời sáng ở nghị lực vượt khó khăn trong thời bình. Còn với người lính Thái Bình, khi đã xác định giã từ quê hương, tòng quân diệt giặc, mang trong mình truyền thống bất khuất, anh hùng, họ rất giống nhau ở phẩm chất anh dũng, yêu nước, sẵn sàng hi sinh, không tiếc đời mình cho Tổ quốc.
Nhưng cũng chính bởi vậy, khi chiến tranh kết thúc, may mắn không phải gửi mình nơi chiến trận thì họ lại là những người chịu nhiều mất mát, thương tổn sau chiến tranh. Còn người phụ nữ Thái Bình, bên cạnh những phẩm chất chung của người vùng đồng biển mà nổi bật là sự kiên trì, nhẫn nại, tinh thần quật cường vươn lên từ mất mát, đau thương thì họ còn sáng ngời ở vẻ đẹp khỏe khoắn trong sản xuất và chiến đấu, đặc biệt là ý thức vượt lên hoàn cảnh để tồn tại, để được sống với những ước mơ, khát vọng. Và dù là ai, nông dân hay bộ đội, nam hay nữ, người Thái Bình qua những trang văn xuôi nửa sau thế kỷ XX mang tới cho độc giả ấn tượng về sự mạnh mẽ, ý chí, nghị lực nhưng vẫn rất thuần phác. Ở họ luôn rực sáng niềm tin, hi vọng ở tương lai. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người Thái Bình vẫn mang trong mình vẻ đẹp của những người con quê lúa: giàu khát vọng, nỗ lực vươn lên và giữ niềm tin vào tương lai; luôn nồng nàn tình yêu nước, tinh thần trách nhiệm với công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước, quê hương.