Chương 3. KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT - PHƯƠNG DIỆN QUAN TRỌNG
3.1. Không gian thiên nhiên
3.1.1. Vùng đất cửa sông, cửa biển màu mỡ, căng tràn sức sống
Đọc các trang văn xuôi Thái Bình nửa sau thế kỷ XX, người đọc như được sống giữa thiên nhiên non nước hữu tình vừa trong trẻo vừa trầm lắng, bình dị. Giữa thiên nhiên như vậy, con người và tạo vật cùng hòa hợp, gắn bó.
Giữa đồng quê mênh mang, Nghĩa (Bến không chồng): “ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo” [25;67], gợi nhớ tới câu thơ "Ai thổi sáo gọi trâu đâu đó/ Chiều in nghiêng trên mảng núi xa" (Ngô Văn Phú), gợi nhớ về nghìn năm rơm rạ chất phác của làng quê Việt. Giữa ruộng đồng bình yên, “một đàn cuốc đen chũi cẳng cao kều, thơ thẩn bên bờ mương,… [25;100], "một gà trống tót lên bờ giậu gáy vang” [25;82] và "đàn chim sẻ lích rích trên bờ tường giậu khi có người đi qua lại bay xoà lên ngọn cau gần đó". Giữa quê hương thơm thảo, “tiếng hò của anh chân sào dưới thuyền cứ ngân nga, vút cao trong bầu trời đầy sao nhấp nháy”
[25;90]. Trong không gian đó, tâm hồn con người trở nên bình yên, an lành. Và những con người sinh ra, lớn lên trên vùng đất bình dị, an lành đó lại góp phần tô đậm hơn vẻ đẹp bình yên nơi đây. Làng Đông của Diêm Điền không chỉ mang vẻ đẹp trầm lắng với cây đa bến nước sân đình, nó còn mê hoặc độc giả bởi sự yên vui trên bến tắm bên sông. Như bao con sông khác có bến sông - nơi người dân tắm, giặt, hẹn hò…, nhưng bến sông làng Đông trong cảm thức của Vạn, của Nghĩa, của Hạnh cũng như của bao người dân làng này lại mang "vẻ quyến rũ lạ lùng”. Bến Tình - Bến không chồng được chia làm ba đoạn. "Mỗi đoạn riêng khuất bằng khúc quanh của dòng sông, đoạn cuối nước dành riêng cho trẻ trâu, đoạn giữa dành cho đàn bà con gái, đoạn trên đầu nước ưu tiên cho cánh đàn ông. Đàn ông phải tắm ở đầu nước, thì không sợ đàn bà bẩn mình.
Chiều đến, những đứa trẻ trần truồng, mặt đen nhẻm nghễu nghện trên lưng trâu phi ào xuống bến nước. Những gã trâu đực lượn lờ ve vãn ả trâu cái đòi làm tình
ngay dưới nước. Bọn trẻ thì lặn ngụp đỏ cả mắt từ lúc mặt trời bỏng lưng cho tới tối mịt mới chịu về. Những ông già để trần tay dắt cháu ra bến, những ông bố nhông nhông công kênh con trẻ trên vai. Rồi những chàng trai cô gái từ cánh đồng quần áo lấm lem cũng bổ nhào ra bến lặn ngụp một hồi cho đã rồi mới lột quần áo ra vỗ bồm bộp trên mặt nước. Gió hây hây, nước chảy nhẹ vờn da thịt như có một bàn tay vô hình mơn trớn, khiến ta quên hết nỗi cực nhọc, đau buồn.
Nước bến Tình mát, dễ làm lòng người khoái cảm. Chả vậy mà nhiều cặp vợ chồng trẻ tối đến thường lẻn ra bến Tình tắm, quên hết mọi chuyện về ba ba, thuồng luồng và con ma mắt đỏ.” [25;17]. Còn trên bãi Bàng bên bờ sông Sứ (Ngày xưa thương mến - Trần Văn Thước), nhiều thế hệ mục đồng đã lớn lên, mang theo những kỷ niệm ấm áp suốt đời. Bởi trên triền bãi ấy, từ những ngày mênh mang chiều hạ vun vút kéo tới mùa đông, sau những giờ chăn trâu, các bé gái chia tốp chơi ô ăn quan, rải chuyền, chơi "rồng rắn lên mây", còn đám con trai đánh trận giả, dàn trò thiết triều. Chơi chán, lũ trẻ con lại bắt ếch, bắt châu chấu, bắt chuột đồng,... Cuộc sống cứ êm đềm ôm ấp vỗ về những cuộc đời giản dị nơi đây như vậy.
Thanh bình và yên ả là đặc điểm gắn với không gian quê lúa Thái Bình.
Chiến tranh qua đi, cuộc sống bình yên trở lại, làng quê Thái Bình những năm trước thế kỉ XXI dường như vẫn giữ được hồn cốt làng quê Việt nghìn đời:
"Cánh đồng vừa qua vụ gặt. Trên đồng vô vàn những đụn rạ hình chóp đứng phơi nắng. Đâu đó bật lên màu xanh của những thửa ruộng tăng vụ" [39;8].
Làng Đông yêu dấu của chú Vạn sau khi chiến tranh đi qua trở lại là “thế giới huyền diệu" với "luỹ tre làng xanh mượt, những thân cau cao vút, dòng sông Đình lung linh in bóng cây quéo và nhịp cầu Đá Bạc" [25;19]. Cửa công Linh ngày xưa chịu sự tàn phá của bom đạn, nay có những phút bình yên đến lạ lùng
“Cống Linh lúc này đã lừng lững trước mặt hai đứa trẻ, chúng bò lên mặt đê.
Một thế giới mới nữa là biển cả mênh mông chúng chưa bao giờ được nhìn thấy.
Cái Hạnh nghĩ đây là thế giới của những câu chuyện huyền thoại, chuyện cổ tích mà ông của Nghĩa đã kể cho nó nghe. Cuộc phiêu lưu này Hạnh cứ ngỡ trong mơ. Trăng đã nhô lên in rõ bóng hai đứa trên vạt cỏ. Cửa Cống Linh đèn vó bè
rực lên như những ngôi sao lung linh trên mặt nước, thỉnh thoảng lại có những chiếc vó cất lên rít ken két. Cả hai đứa lặng nhìn những chú cá mòi trắng bạc nhảy xua xúa trong vó, tiếng nước chảy qua cửa cống nghe ào ào ngỡ như có mưa rào dưới trăng.” [25;36]. Hình ảnh con tép, con tôm nhảy trong vó cất từ cống Linh gợi tả cuộc sống bình dị và chan hòa, gắn bó với thiên nhiên của con người nơi đây.
Được bao bọc “ba bề bốn bên” là sông biển nên dễ hiểu vì sao trong bức tranh về vùng đất và con người Thái Bình, bên cạnh những cánh đồng bát ngát luôn có sự hiện diện của những dòng sông, những vùng đất cửa sông, cửa biển phì nhiêu, màu mỡ. “Vùng đất cửa sông Hồng phì nhiêu sức sống, phù sa tuôn đỏ rực ra tận biển xa. Một vùng đất cũ, ruộng đồng nhiều nhất, người đông vui đương mạnh mẽ tiến vào sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Sức sống mãnh liệt của con người sinh sống ở đây – tỏ rõ tiềm lực của dân tộc đã đời đời đắp bờ lấn ra biển Đông, vì tồn tại và phát triển” [35;4]. Con sông Hồng, cùng với sông Trà, sông Luộc, sông Hóa đã gắn bó với người dân Thái Bình tự bao đời, góp phần làm nên diện mạo văn hóa con người nơi đây. “Con sông Hồng … vật báu ấy chính là những lớp phù sa màu mỡ lắng dần ở phía dưới chỗ hai dòng nước giao nhau, tạo nên cánh bãi hình lưỡi trai nằm ườn bên vệ sông” [35;1]. Phù sa giúp cho đồng ruộng thêm màu mỡ, đồng thời bồi đắp và mở rộng vùng châu thổ duyên hải thuộc hai tỉnh Thái Bình, Nam Định. Nguồn cá bột của sông Hồng đã cung cấp giống đáng kể cho nghề nuôi cá nước ngọt ở đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài những giá trị kinh tế, sông Hồng còn làm nên một cảnh quan vô cùng tươi đẹp cho vùng đồng bằng Bắc Bộ. “Hòa bình lập lại, cánh bãi trở thành nơi có nhịp sống khẩn trương, sôi nổi… Kẻ cấy lúa, trồng ngô; người trồng dâu, trồng mía.
Những rạch, lạch lầy trũng hóa thành kho tôm cá vô tận. Tháng sáu những ngày nước ròng, tôm trứng, tôm chà, bống đen thi nhau vờn lên mặt nước như tằm ăn rỗi” [35;2]. Với lượng phù sa phong phú, dồi dào, sông Hồng đã đem đến nguồn lương thực vô tận cho các làng ven sông Thái Bình. Trên vùng cánh bãi hai bên con sông ấy, người ta chỉ cần "lấy chân mà dũi cũng ra khoai, ra đậu; cắm cây mạ xuống, chẳng phải chăm bón gì sất, đến vụ cũng thu một sào dư năm gánh
cật” [35;3]. "Ở cánh bãi chúng tôi, thứ gì cũng có, lúa này, ngô này, lạc này, rau này, đậu này, mía này…thôi thì đủ cả, cứ như cái vườn hoa trên tỉnh ấy, đến là đẹp” [35;3].
Nhưng người Thái Bình không chỉ biết tận dụng lợi thế sẵn có. Với khát vọng “xây dựng nền kinh tế theo quy mô lớn, thực sự làm cho dân giàu nước mạnh”, bằng tinh thần sáng tạo, người dân nơi đây đã phát triển được nền nông nghiệp toàn diện. Ngoài trồng lúa, trồng khoai, họ trồng dâu, nuôi tằm để phát triển thêm những ngành nghề sản xuất mới, góp phần mang lại vẻ đẹp tràn đầy nhựa sống cho mảnh đất Thái Bình: “Mới có mấy ngày đi họp ở tỉnh mà Quý cảm thấy nhớ cái bãi dâu của hợp tác xã mình, nhiều lúc tưởng đến nôn nao cả người… Gió sớm từ ngoài sông từng cơn lùa vào mát lạnh, nhưng cô lại kéo chiếc khăn sợi đỏ đang trùm tai xuống để nghe cho rõ những âm thanh mới lạ trên bãi dâu. Đó là tiếng rào rào trầm trầm của những ruộng dâu xanh thẫm, trồng từ ba bốn năm trước. Mấy vạt dâu năm ngoái, cây thấp, lá xanh tròn từng đám như nơm úp, có tiếng lào rào cứng và trong hơn. Tiếng lưỡi cuốc, lưỡi mai phầm phập bâm xuống đất phù sa, nghe êm và ngọt... [35;29].
Với đặc điểm của vùng đất được bồi đắp bởi phù sa, Thái Bình được xem là vùng đất màu mỡ để cho ra đời những khu vườn, những cánh đồng căng tràn nhựa sống. Và người Thái Bình, với phẩm chất cần cù, bền bỉ đã đệt nên bức tranh đời sống tươi đẹp. Đó là những cánh đồng dâu ven đê xanh mướt, là những cánh đồng 5 tấn, 10 tấn: “Mạ giống mới, gieo để tái giá đã lên xanh…Mỗi mẫu lúa tăng 50 cân…Trồng thêm nhiều dây khoai nữa, rau nữa. Bù cho vùng lụt và quyết tâm đạt mục tiêu cách mạng 7 tấn thóc một héc ta trên toàn tỉnh trong năm nay. Gần 5000 tấn thóc giống Thái Bình đã lên ô tô, sà lan đi các tỉnh bạn Hải Hưng, Hà Bắc… Trên đồng ruộng Thái Bình bây giờ là quang cảnh trừ sâu;
chăm đồng, bón lúa. Và, đồng lúa tươi xanh chạy mãi tới ven những con đê sừng sững!” [35;57].
Trong không gian thiên nhiên tĩnh lặng, thanh bình ấy, giữa những rặng cau cao vút, những vườn tược, cánh đồng bát ngát là những mái ngói sẫm màu rêu phủ. Điểm tô cho cuộc sống bình lặng ấy là những "cây núc nác đơn côi như
dấu than khổng lồ buông giữa cánh đồng", là "hàng phi lao xanh ngắt" ken dày, là những hàng bạch đàn cao vút hai bên đường làng, là những con đường xuyên đồng nho nhỏ như mạch máu chạy khắp đồng quê, là "cánh bãi bốn mùa cỏ hoa",... [12;42]. Giữa không gian ngan ngát hương đồng, mênh mang với mùi thơm hoa trái, mùi đất nồng nàn, mùi rạ nỏ, mùi cỏ dại, giữa những âm thanh ríu rít của lũ chim sẻ, chim ri, tiếng cuốc gọi đồng, tiếng đàn gà con ríu rít mổ tấm, tiếng ếch nhái râm ran trên đồng bãi màu mỡ là tiếng cày cuốc gieo trồng, là âm thanh của cày ải, là tiếng nói tiếng cười trên đồng bãi. Còn trên vùng đồng biển, hòa giữa "tiếng sóng dội ì ầm" là "những cánh đồng muối lấp lánh như những ô kính". Trong phố biển, "những phiên chợ biển đông vui, thơm nức mùi cá thu nướng, những bến sông tấp nập thuyền bè". Ở đó, "những ngôi nhà gạch san sát, thấp thoáng những cành lựu đỏ, những hàng cây hòe nở đầy hoa" [34;20]. Hình ảnh cây hòe nở đầy hoa gợi nhớ hình ảnh hoa lựu đỏ thấp thoáng, hàng cây hòe nở đầy hoa gợi nhớ tới hình ảnh "Hòe lục đùn đùn tán rợp trương/ Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ" của một mùa hè an yên trong thơ cụ Nguyễn Trãi xưa.
Tất cả quyện hòa, gợi ấn tượng về vùng đất đồng biển sống động nhưng yên bình, nơi con người hòa vào thiên nhiên, là một phần không thể tách rời của thiên nhiên.
Có thể thấy, mặc dù thường xuyên phải hứng chịu nhiều mất mát, thương tổn bởi thiên tai, nhưng vùng đất Thái Bình vẫn luôn giữ vẻ đẹp bình dị, bình yên và tươi đẹp.