Lịch sử tỉnh Thái Bình qua các thời kỳ

Một phần của tài liệu Con người trong văn xuôi thái bình nửa sau thế kỷ xx từ góc nhìn địa văn hóa (Trang 31 - 37)

Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

1.2. Đặc điểm địa - văn hóa tỉnh Thái Bình - những yếu tố ảnh hưởng tới khí chất con người Thái Bình

1.2.2. Lịch sử tỉnh Thái Bình qua các thời kỳ

Tự bao đời, người Thái Bình luôn tự hào về nguồn cội xuất thân từ vùng đất anh hùng. Thái Bình là nơi lưu giữ dấu chân nhiều tướng lĩnh của các vương triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Trần… Đây cũng là mảnh đất có nhiều hiền tài, học giả uyên bác như Lê Quý Đôn, trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Đi qua những thăng trầm lịch sử, nhân dân Thái Bình đã có những đóng góp ý nghĩa trong công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước.

Trong những thiên niên kỉ đầu, nhân dân Thái Bình bị hai tầng áp bức của chính quyền Hán tộc và bộ máy lạc hầu, lạc tướng người Việt. Người Hán chia bờ cõi Nam Việt thành các quận, huyện, châu, hương. Trên cơ sở những hoạt động kinh tế đa dạng ấy, người Thái Bình thời đại đồ đồng và đồ sắt đã sớm có một đời sống tinh thần phong phú. Những di vật tìm thấy trong các di chỉ cư trú và mộ táng thời kỳ này đã phản ánh khả năng tư duy trừu tượng, tư duy vũ trụ, năng lực thẩm mỹ thể hiện trên trống đồng Đông Sơn và đồ gốm, đồ đất nung. Đời sống tinh thần của người Thái Bình cũng như của các chủ nhân nền văn minh sông Hồng thời đại đồ đồng, đồ sắt sớm đã bộc lộ khá đầy đủ trên các họa tiết thể hiện các cảnh sinh hoạt như giã gạo, chèo thuyền, nhảy múa, nhà sàn, chim hạc... Cả hai trống đồng Minh Tân và các di vật đồng ở Quỳnh Xá, Diêm Điền và trong các mộ táng cổ ở Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Phú Xuân - thành phố Thái Bình đều là những tuyệt tác về kỹ thuật đúc đồng, thể hiện tài năng, trí tuệ, tư duy số đếm, cảm nhận về vũ trụ, sự am hiểu vững vàng về cơ học vật lý của cư dân nơi đây hơn 2000 năm trước. Các di vật trong mộ táng như gốm, gạch, đồ đất nung cũng

tàng ẩn tư duy của người Việt, bảo lưu bền bỉ yếu tố nội sinh (gốc văn hóa Việt), đồng thời phản ánh sự ảnh hưởng văn hóa ngoại sinh từ thế kỷ thứ II TCN với sự xâm chiếm của Triệu Đà. Đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Thái Bình thời văn hóa Đông Sơn biểu hiện trên di vật khảo cổ, qua kỹ thuật đúc đồng và làm gốm đã chuyển tải được tinh thần của một thời đại phát triển, đầy sức sống trong quá khứ.

Từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX, lịch sử, văn hóa Thái Bình có những biến động nhất định theo tình hình chung của dân tộc. Sau chiến thắng quân Nam Hán ở cửa sông Bạch Đằng vào cuối năm 938, người anh hùng dân tộc Ngô Quyền xưng vương định đô ở Cổ Loa, thành lập vương triều Ngô - nhà nước quân chủ mở đầu thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của đất nước. Từ đó đến đầu thế kỷ XI (1009) liên tiếp ba vương triều Ngô - Đinh - Tiền Lê nối nhau quản lý đất nước.

Ngay từ thời Ngô - Đinh - Tiền Lê, vùng đất Thái Bình ngày nay đã nổi lên như một địa bàn trọng yếu của các nhân vật Trần Lãm, Đinh Bộ Lĩnh, Bùi Quang Dũng. Theo ghi chép sử sách, từ giữa thế kỷ X, cư dân ở vùng đất Thái Bình đã đứng dưới cờ của Đinh Bộ Lĩnh. Trên mảnh đất Thái Bình, Đinh Bộ Lĩnh đã xây dựng được thế lực đủ mạnh để đương đầu với triều đình Cổ Loa và đủ sức dẹp loạn, dựng nên nước Đại Cồ Việt. Trong sự nghiệp dẹp loạn, xây dựng nhà nước Đại Cồ Việt, dân Thái Bình, dân ven biển Nam Định cùng với dân Ninh Bình thực sự là đội quân tiên phong. Sau khi dẹp loạn thành công, Trần Lãm được Đinh Bộ Lĩnh phong làm Phụ Dực quốc chính Thượng tướng quân, được hưởng lộc ở đất Sơn Nam và mất ở đó. Thần phả đền Lạc Đạo chép: Thời ông nhậm sự tại triều, đất nước thanh bình, vạn dân yên ổn, ông dâng biểu xin vua đi chu du thiên hạ tìm đất kiến lập sinh từ để làm nơi hương hỏa về sau. Ông chọn trang Lạc Đạo, phủ Thiên Trường (thuộc huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), vua Đinh chấp nhận. Thần phả cho biết thêm: Ông đảm nhận việc nước, phàm đông chinh bắc chiến, nơi đâu ông cũng lập chiến công hiển hách. Vua ban thưởng công lớn cho các bậc quần thần thì không có ai sánh kịp ông. Ông làm việc tại triều một số năm, ngoài 60 tuổi ông dâng sớ xin về trí sĩ tại trang Lạc Đạo. Ông được dân lập đền thờ ở đình Xám (Lạc Đạo), đình Bo (thành phố Thái Bình) và nhiều nơi khác.

Góp phần xây dựng Nhà nước Đại Cồ Việt, ngoài Trần Lãm còn có Bùi Quang Dũng - người làng Đồng Thanh, xã Tân Bình, huyện Vũ Thư ngày nay. Đặc biệt, trong xây dựng nhà nước quân chủ thời trung đại, Thái Bình nổi lên một số nhân vật có cống hiến lớn lao với tên tuổi, sự nghiệp bao trùm, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc. Đó là nhà quân sự thiên tài Trần Quốc Tuấn, là vua Trần Nhân Tông, Đình nguyên Bùi Sĩ Tiêm với tờ khải gồm 10 điều trần dâng lên chúa Trịnh Giang vạch trần những rối ren, thối nát, tệ nạn trong chính trị - xã hội - giáo dục khoa cử. Về trước tác, đại biểu xuất sắc là nhà bác học Lê Quý Đôn với hàng chục tác phẩm giá trị để đời, làm phong phú cho gia tài văn hóa của dân tộc. Còn phải kể đến Bùi Viện - một nhà nho có tư tưởng canh tân tiến bộ dưới triều Nguyễn với những kiến nghị nhằm đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng bế tắc, lạc hậu ở nửa sau thế kỷ XIX.

Thế kỷ XIII, đứng trước họa xâm lăng của quân Mông - Nguyên, nhà Trần vừa thay thế nhà Lý đã phải thực hiện gấp rút các chính sách phát triển kinh tế, tăng cường lực lượng quân đội và củng cố quốc phòng. Thái Bình khi ấy gồm 3 lộ phủ Long Hưng, Kiến Xương, An Tiêm vốn là đất phát tích - dựng nghiệp của dòng họ Trần . Mặt khác, đây còn là địa bàn giao thông thuận lợi, đất đai màu mỡ, dân cư đông đúc nên sớm được nhà Trần đặc biệt quan tâm củng cố, mở mang về kinh tế và từng bước xây dựng trở thành một vị trí có tầm chiến lược góp phần quan trọng lập nên những chiến công kì vĩ của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên.

Vị trí, vai trò của vùng đất Thái Bình trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược hồi thế kỷ XIII thực sự đã khẳng định đây là vùng “địa lợi, nhân hòa”.

Thái Bình đã sớm trở thành một hậu cứ dồi dào sức người, sức của; một phòng tuyến lợi hại góp phần cùng cả nước tạo nên một thế trận liên hoàn giúp triều Trần liên tục đánh bại thế lực xâm lược hung hãn nhất trong lịch sử chiến tranh thời trung cổ.

Sang thế kỷ XV, không khí chống giặc Minh được nhóm lên khắp vùng đất Thái Bình ngay từ khi Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng chỉ huy quân đội nhà Hồ kêu gọi sắm sửa vũ khí, thuyền chiến, xây dựng các chiến lũy chuẩn bị

cho kháng chiến. Với sự hưởng ứng của nhân dân, chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ các cửa biển quanh vùng và những điểm trọng yếu trên các tuyến sông Luộc, sông Hóa, sông Tiểu Hoàng (sông Trà Lý) và khúc sông Hoàng Giang (sông Hồng) phía hạ lưu đều được đóng cọc, cắm kè, đắp lũy, dựng chướng ngại vật.

Hệ thống phòng thủ này đã giúp quân đội nhà Hồ kéo dài sức kháng cự và gây cho kẻ thù không ít tổn thất. Hoạt động mạnh mẽ của phong trào chống xâm lược đã làm cho Thái Bình trở thành một địa bàn tranh chấp, giành giật ác liệt.

Trên đất Thái Bình, mặc dù kẻ thù tăng cường đàn áp, các cuộc nổi dậy vẫn ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Đến thế kỷ XIX, sau khi triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước đầu hàng hoàn toàn ngày 6-6-1884, thực dân Pháp xúc tiến việc thiết lập chế độ cai trị trên toàn lãnh thổ Đông Dương, tỉnh Thái Bình thành lập theo Nghị định ngày 21 tháng 3 năm 1890 của Toàn quyền Đông Dương Juyn-lơ Pi-kê (Jules Piquet).

Ngay từ những ngày đầu của thời kỳ thực dân nửa phong kiến, không khí kháng Pháp đã sớm được khuấy động ở Thái Bình bởi một nhân vật vừa trở về từ sau các trận giao chiến ở Đà Nẵng là tiến sĩ Phạm Thế Hiển người làng Luyến Khuyết (nay thuộc xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy) - là người được giao trọng chức Tham tán quân vụ đại thần quân thứ Quảng Nam, dưới quyền Thống đốc Nguyễn Tri Phương.

Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 vừa thành công, cả nước lại đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách mới trong bối cảnh thù trong giặc ngoài bủa vây. Tại Thái Bình, quân đội Nhật chưa rút thì 500 lính Tưởng Giới Thạch đã kéo vào chốt giữ các vị trí đầu mối giao thông quan trọng, thường xuyên khủng bố, bắt bớ, gây rối, vu cáo và trợ giúp bọn phản động Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách) chống phá cách mạng. Lợi dụng dịp này, bọn phản động đội lốt tôn giáo; bọn lý dịch, địa chủ cường hào ở nhiều địa phương ngóc đầu dậy tuyên truyền xuyên tạc về Đảng Cộng sản và tìm cách chui vào các cấp chính quyền, đoàn thể để phá hoại. Thực hiện dã tâm cướp nước ta một lần nữa, được đế quốc Anh - Mỹ giúp sức, thực dân Pháp trắng trợn xé bỏ Hiệp định sơ bộ và phủ nhận cuộc đàm phán ở Pháp.

Pháp đánh chiếm Lạng Sơn, gây xung đột ở Hải Phòng, nổ súng khiêu khích và đưa tối hậu thư đòi tước vũ khí của lực lượng vũ trang ta ở Hà Nội. Để ngăn chặn và đánh địch lâu dài, có hiệu quả hơn nữa, công cuộc xây dựng làng xã kháng chiến, thực hiện quyết tâm “mỗi làng là một pháo đài” được Thái Bình triển khai đồng thời, bắt đầu từ những làng nằm ở các vị trí xung yếu mà theo dự kiến địch có thể dễ dàng đánh vào như: ven sông, ven biển và gần các tuyến giao thông quan trọng. Ban vận động xây dựng làng kháng chiến được thành lập gồm đại biểu các đoàn thể, các cụ phụ lão trong làng. Mỗi xã chọn một thôn làm trước để có kinh nghiệm mở rộng sang các thôn khác. Dân quân du kích là lực lượng nòng cốt trong xây dựng làng kháng chiến. Như vậy, chỉ ít năm sau Cách mạng tháng Tám, Thái Bình đã có những tiến bộ đáng kể trên các mặt trận cách mạng. Những thắng lợi giành được trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quân sự đã củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ mới. Tuy nhiên, các chiến dịch càn quét của địch đã gây nhiều tổn thất cho phong trào kháng chiến ở Thái Bình. Để khôi phục phong trào, các vùng kháng chiến đã chuyển hướng đấu tranh thích hợp với mức độ, tính chất khác nhau. Vào trung tuần tháng 11-1951, Pháp mở cuộc hành quân Lô-tút (Lotus) đánh chiếm thị xã Hoà Bình nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ. Đây là thời cơ thuận lợi để chiến tranh nhân dân ở những vùng sau lưng địch phát triển. Thái Bình nhanh chóng hưởng ứng đợt thi đua “Tiêu diệt sinh lực địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích, củng cố phong trào cơ sở, tranh thủ nhân dân” do Liên khu Ba phát động. Kết thúc đông xuân 1953-1954, quân dân Thái Bình đã ở thế áp đảo đối với quân địch. Ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Đầu tháng 4-1954, tin chiến thắng Điện Biên Phủ liên tiếp dội về làm nức lòng quân dân Thái Bình. Không khí hồ hởi, khẩn trương hướng về chiến dịch Điện Biên Phủ đã lan rộng ra khắp các địa phương trong tỉnh, kể cả vùng còn bị địch tạm chiếm. Hàng ngàn quần chúng xung phong làm dân công gánh thóc vượt sông Hồng để chuyển ra chiến trường.

Trên 3.000 thanh niên Thái Bình đã được tuyển chọn bổ sung cho bộ đội chủ lực. Nhân dân Thái Bình đóng góp hàng chục tấn tặng phẩm gửi các chiến sĩ

Điện Biên Phủ. Tuy ở trong vùng kiểm soát của địch, nhân dân thị xã cũng viết hàng nghìn lá thư động viên kèm theo hàng vạn đồng thuốc chữa bệnh, hàng nghìn chiếc khăn mặt và nhiều đồ dùng khác gửi lên Điện Biên Phủ. Lực lượng vũ trang trong tỉnh cũng tiến công, bao vây bức hàng, bức rút hàng loạt vị trí đóng quân của địch. Nhiều nơi địch phái dùng hàng chục lần chiếc máy bay trong ngày để tiếp tế cho các đồn bốt bị vây hãm. Trên các tuyến đường giao thông, bộ đội cùng du kích cũng thường xuyên tập kích, phục kích chặn đánh các đoàn xe cơ giới, các cuộc hành quân của địch. Sáng ngày 1-7-1954, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng ngụy quyền, đặt một dấu son lịch sử cho ngày giải phóng hoàn toàn Thái Bình sau cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau 10 năm (1954-1964) xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đầu năm 1965, Thái Bình thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân theo chỉ đạo của Đảng. Chấp hành nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của trên, Thái Bình đã chuyển từ thời bình sang thời chiến và khẩn trương triển khai thế trận phòng không nhân dân. Dưới sự chỉ đạo của Quân khu 1, hàng năm, lực lượng quân sự Thái Bình đều tổ chức diễn tập hiệp đồng để rút kinh nghiệm. Từ đó, tạo cơ sở lý luận và thực tiễn cho Tỉnh ủy ra nghị quyết về “Chỉ đạo chiến tranh” và cơ quan quân sự dự thảo “Quyết tâm tác chiến”. Đây là hai văn kiện cơ bản của tỉnh trong xây dựng quốc phòng toàn dân và tiến hành chiến tranh nhân dân trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vừa đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên quê hương vừa chi viện sức người, sức của cho chiến trường là hai nhiệm vụ chiến lược của Thái Bình. Chỉ tính riêng con em Thái Bình lên đường vào Nam chiến đấu từ 1965-1968, bình quân mỗi năm ngót 20 nghìn người. Xây dựng, bổ sung từ đại đội đến tiểu đoàn và nhiều tiểu đoàn, dẫn quân vào thẳng chiến trường.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch động viên cả nước lên đường chống Mỹ xâm lược, từ năm 1965 đến năm 1975, Thái Bình có 151.993 thanh niên nam nữ tòng quân (145.816 nam và 6.177 nữ), chiếm 10,94%

dân số. Đặc biệt là 3 năm cuối của cuộc kháng chiến (1973 - 1975), Thái Bình đã dốc sức tuyển quân chi viện chiến trường vượt chỉ tiêu trên giao.

Để chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Thái Bình đã tổ chức hệ thống phòng không nhân dân, gồm: báo động máy bay, cứu thương, cứu sập, cứu hỏa, bảo đảm giao thông, bảo vệ trị an... Hệ thống này hoạt động thường xuyên nên giảm được thương vong và thiệt hại cho nhân dân, năm sau ít hơn năm trước.

Với phong trào “Toàn dân đánh giặc”, các lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội địa phương tỉnh, huyện được phát triển nhanh để đưa vào chiến đấu. Ghi nhận những đóng góp của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tính đến năm 1975, Nhà nước đã tặng thưởng quân dân Thái Bình 6 Huân chương Quân công, 185 Huân chương Chiến công, 322 Huân chương Kháng chiến và 207 Huân chương Lao động các hạng; tuyên dương 3 tập thể Anh hùng, 3 Anh hùng lao động của địa phương và tuyên dương 26 người con của Thái Bình trong các đơn vị lực lượng vũ trang toàn quân với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; tặng bảng vàng danh dự cho 12.896 gia đình quân nhân... Có thể nói xuyên suốt quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, trong không khí chung của cả nước, nhân dân Thái Bình đã có những đóng góp đáng tự hào vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Một phần của tài liệu Con người trong văn xuôi thái bình nửa sau thế kỷ xx từ góc nhìn địa văn hóa (Trang 31 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)