CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU NGHIÊN CỨU
2.1. Tổng quan về doanh nghiệp nhỏ và vừa
2.1.3. Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện cả nước có khoảng 592.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 97% số doanh nghiệp đang hoạt động thực tế, với tổng số vốn đăng ký khoảng 130 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp. Nhóm DNNVV được xác định là “động lực tăng trưởng”
và là “xương sống” của nền kinh tế khi hàng năm tạo thêm trên nửa triệu lao động
mới; sử dụng từ 60-70% lao động xã hội và đóng góp hơn 50% GDP, 33% thu nộp ngân sách Nhà nước, 35% giá trị sản lượng công nghiệp, 31% giá trị hàng hóa xuất khẩu,...
DNNVV có vai trò rất lớn và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. DNNVV có vốn đầu tư ban đầu tuy không lớn nhưng được hình thành và phát triển rộng khắp ở cả thành thị cũng như nông thôn, ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo và là công cụ đắc lực trong việc duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống...
Đặc biệt, DNNVV có mặt ở mọi điểm trong các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng dưới dạng nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà phân phối, đại lý; là nhà thầu phụ cho các đơn vị, doanh nghiệp lớn. Nhờ đó, DNNVV còn đóng góp những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hữu ích xuất phát từ yêu cầu trong hoạt động sản xuất hàng ngày.
2.1.2.2. Đối với hoạt động ngân hàng:
Mở rộng nền khách hàng:
Thực trạng hiện nay trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng tại Việt Nam, tín dụng vẫn là hoạt động kinh doanh chính, đóng góp tỷ trọng lớn vào lợi nhuận của ngân hàng. Để tăng quy mô dư nợ và lợi nhuận từ hoạt động tín dụng, một trong những giải pháp chính của ngân hàng là phát triển mở rộng nền khách hàng, đa dạng hóa các đối tượng khách hàng. DNNVV có số lượng doanh nghiệp lớn, chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, là thị trường tiềm năng phát triển mở rộng khách hàng tín dụng. Vì vậy, phát triển mở rộng hoạt động tín dụng đối với DNNVV là một trong những giải pháp lớn được nhiều ngân hàng quan tâm, áp dụng trong chiến lược thực hiện tái cơ cấu ngân hàng nhằm mở rộng và đa dạng hóa nền khách hàng tín dụng. Mở rộng tín dụng hướng tới phân khúc KH DNNVV, nhằm gia tăng cả về số lượng KH và quy mô cấp tín dụng của ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn kinh doanh ngày càng gia tăng của các DNNVV, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội chung hiện nay
Tăng trưởng quy mô, nâng cao hiệu quả tín dụng:
Như đã nêu trên, phân khúc khách hàng DNNVV là thị trường tiềm năng để ngân hàng đa dạng hóa khách hàng tín dụng, là giải pháp để các ngân hàng tăng trưởng quy mô cấp tín dụng. Các DNNVV với hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng, quy mô nhỏ, có nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt, ổn định, là khách hàng tốt để ngân hàng phát triển tín dụng với chất lượng tốt, ổn định, giảm thiểu rủi ro tín dụng, nâng cao hiệu quả tín dụng ngân hàng. Từng DNNVV thường có vị thế trên thị trường không bằng các doanh nghiệp lớn, khả năng tiếp cận với dịch vụ ngân hàng kém hơn các doanh nghiệp lớn, vì vậy DNNVV thường gắn bó hơn với ngân hàng đã có quan hệ giao dịch, các ngân hàng sẽ dễ dàng hơn khi đàm phán về lãi suất, điều kiện sử dụng dịch vụ ngân hàng bán kèm, bán chéo với DNNVV so với các doanh nghiệp lớn. Trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường dịch vụ ngân hàng ngày càng lớn, phát triển tín dụng DNVVN là giải pháp để tăng trưởng quy mô, nâng cao hiệu quả tín dụng ngân hàng
Giảm thiểu rủi ro tín dụng tập trung, phát triển tín dụng bền vững:
DNNVV với quy mô hoạt động nhỏ và vừa, nhu cầu vốn không lớn, hoạt động trên nhiều ngành nghề. Ngân hàng phát triển hoạt động tín dụng đối với DNNVV là một giải pháp giảm sự phụ thuộc, tập trung tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn - đây là hạn chế trong hoạt động kinh doanh của nhiều ngân hàng tại Việt Nam trong đó có BIDV. Trong nhiều năm qua, BIDV luôn được các tổ chức tư vấn quốc tế khuyến nghị giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhóm khách hàng lớn (giảm dư nợ cấp tín dụng đối với 20 KH lớn nhất.). Tăng cường tín dụng đối với khách hàng DNNVV, ngân hàng sẽ có cơ cấu tín dụng với đối tượng khách hàng đa dạng, phân bố ngành nghề rộng hơn, vốn vay không chỉ tập trung một số KH nhất định, một số ngành nghề chủ yếu mà phát triển, cơ cấu mở rộng, phong phú hơn. Tín dụng DNNVV với quy mô dư nợ từng món vay, từng khách hàng ở mức độ trung bình vì vậy ngân hàng thường không bị ảnh hưởng biến động lớn khi khách hàng rút dư nợ, hoặc khách hàng gặp rủi ro khó khăn trong hoàn trả nợ vay... Vì vậy, phát triển tín dụng đối với KH DNNVV sẽ góp phần phát triển tín dụng bền vững, giảm
thiểu rủi ro tập trung tín dụng vào một hoặc một số khách hàng lớn, tăng cường an toàn tín dụng của ngân hàng.