Tại BIDV, quy trình cấp tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp đang được thực hiện theo Quy định số 2462/QyĐ – BIDV ngày 24/05/2019, cụ thể bao gồm các bước sau:
Bước 1: Tiếp thị, tiếp nhận hồ sơ
Đầu tiên, cán bộ QLKH cần tiếp thị tìm kiếm khách hàng, tiếp nhận thông tin từ khách hàng về nhu cầu sử dụng dịch vụ của BIDV. Hướng dẫn khách hàng cung cấp và tiến hành lập Hồ sơ tín dụng theo quy định
Bước 2: Phân tích tín dụng, lập Báo cáo đề xuất tín dụng
Cán bộ QLKH cùng các thành viên có liên quan tiến hành khảo sát thực tế hoạt động kinh doanh của khách hàng, thu thập các thông tin liên quan để phục vụ cho mục đích phân tích tín dụng, đánh giá khách hàng và khoản cấp tín dụng. Căn cứ hồ sơ khách hàng cung cấp và các thông tin thu thập được, thực hiện phân tích tín dụng. Sau đó, chuyển Cán bộ TĐTD Báo cáo đề xuất tín dụng cùng toàn bộ hồ sơ tín dụng để thực hiện thẩm định tín dụng
Bước 3: Thẩm định tín dụng
Trên cơ sở Báo cáo đề xuất tín dụng cùng toàn bộ hồ sơ tín dụng, Cán bộ TĐTD thực hiện:
- Thẩm định thông tin trên Hồ sơ tín dụng và Báo cáo đề xuất tín dụng.
- Thẩm định các nội dung đánh giá, phân tích tại Báo cáo đề xuất tín dụng theo quy định. Cán bộ TĐTD có thể hướng dẫn, yêu cầu Cán bộ QHKH bổ sung thông tin, làm rõ Báo cáo đề xuất tín dụng.
- Thẩm định sự tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động cấp tín dụng của nội dung đề xuất tín dụng và các nội dung liên quan khác.
Sau khi thẩm định tín dụng, Cán bộ TĐTD ghi ý kiến đồng ý/không đồng ý với nội dung đề xuất, bổ sung ý kiến (nếu có), ký, ghi rõ họ tên trên Báo cáo đề xuất tín dụng
Bước 4: Phê duyệt Báo cáo đề xuất tín dụng
- Cấp có thẩm quyền xem xét hồ sơ và Báo cáo đề xuất tín dụng, thực hiện phê duyệt trên Báo cáo đề xuất tín dụng.
Trường hợp khoản tín dụng vượt thẩm quyền phê duyệt của Chi nhánh, Bộ phận QLKH trình PGĐ QLKH/Giám đốc Chi nhánh xem xét, có ý kiến trước khi trình Hội đồng tín dụng cơ sở phê duyệt Báo cáo đề xuất tín dụng.
- Nếu cấp có thẩm quyền phê duyệt đồng ý đề xuất tín dụng, Bộ phận QLKH thực hiện:
+ Trường hợp khoản tín dụng thuộc thẩm quyền cấp tín dụng của Chi nhánh, chuyển hồ sơ tín dụng sang Bộ phận QLRR tại Chi nhánh hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cấp tín dụng (đối với khoản tín dụng không phải qua Bộ phận QLRR).
+ Trường hợp khoản tín dụng vượt thẩm quyền cấp tín dụng của Chi nhánh, sau khi Hội đồng tín dụng cơ sở phê duyệt đồng ý đề xuất tín dụng, trình Giám đốc Chi nhánh ký công văn đề xuất tín dụng, gửi hồ sơ tín dụng về Trụ sở chính
- Nếu cấp có thẩm quyền phê duyệt không đồng ý đề xuất tín dụng, Bộ phận QLKH thông báo từ chối cấp tín dụng với khách hàng
Bước 5: Các thủ tục thực hiện sau phê duyệt
Bao gồm việc soạn thảo văn bản phê duyệt tín dụng và sau đó đàm phán, thông báo cấp tín dụng với khách hàng. Nếu khách hàng đồng ý với các điều kiện tín dụng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cán bộ QLKH thực hiện soạn thảo hợp đồng. Sau khi hợp đồng đã được soạn thảo và kiểm tra lại bởi kiểm soát viên.
Sau khi các Hợp đồng được ký kết, Bộ phận QLKH chuyển trả 01 bản gốc Hợp đồng cho KH và bàn giao hồ sơ tín dụng cho Bộ phận QTTD Bộ phận QTTD thực hiện lưu hồ sơ, nhập thông tin vào Hệ thống SIBS. Bộ phận Kho quỹ lưu kho hồ sơ TSBĐ theo quy định giao dịch bảo đảm của BIDV
Bước 6: Giải ngân
Cán bộ QLKH tiếp nhận hồ sơ giải ngân từ khách hàng, kiểm tra mục đích, điều kiện giải ngân, hạn mức tín dụng của khách hàng; Chịu trách nhiệm đầy đủ về việc kiểm tra nội dung, tính chất của hồ sơ giải ngân (tính hợp pháp, hợp lệ của hoá đơn, chứng từ giải ngân, hợp đồng kinh tế…). Lập Đề xuất giải ngân, Hợp đồng tín dụng cụ thể/Bảng kê rút vốn/Giấy nhận nợ. Trả chứng từ căn cứ giải ngân (01 bộ bản gốc) cho khách hàng và chuyển toàn bộ hồ sơ đề nghị giải ngân cho Bộ phận QTTD
Bộ phận QTTD: Tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải ngân từ Bộ phận QLKH, kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ giải ngân, hạn mức tín dụng của khách hàng, việc thực hiện các điều kiện được phê duyệt, các điều kiện giải ngân được quy định trong Hợp đồng cấp tín dụng, quyết định phê duyệt tín dụng; thẩm quyền và chữ ký của người đề xuất giải ngân, người phê duyệt Đề xuất giải ngân. Căn cứ hồ sơ giải ngân đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện nhập dữ liệu vào hệ thống SIBS theo Quy định sử dụng phân hệ tiền vay của BIDV. Chuyển hồ sơ, chứng từ giải ngân cho bộ phận GDKH và các bộ phận có liên quan để giải ngân tiền vay
Bộ phận GDKH: Tiếp nhận hồ sơ, chứng từ giải ngân từ Bộ phận QTTD, kiểm tra tính khớp đúng của các chứng từ rút tiền vay của khách hàng (uỷ nhiệm chi và/hoặc giấy lĩnh tiền mặt,…) với Hợp đồng tín dụng cụ thể/Bảng kê rút vốn/Giấy nhận nợ… Thực hiện hạch toán giải ngân và chuyển tiền theo hồ sơ được phê duyệt giải ngân.
Bước 7: Quản lý, giám sát
Cán bộ QLKH có trách nhiệm quản lý, theo dõi, giám sát khoản cấp tín dụng cho đến khi thanh lý hợp đồng/tất toán khoản tín dụng theo quy định. Thường xuyên nắm bắt biến động kinh tế vĩ mô, ngành, lĩnh vực, các biến động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của khách hàng để kịp thời nhận biết các ảnh hưởng bất lợi đến khách hàng, khoản tín dụng. Lập bảng theo dõi nợ vay (áp dụng với nợ ngắn hạn từ thời điểm gia hạn nợ/quá hạn, khoản nợ trung, dài hạn), theo dõi tiến độ thực hiện dự án đối với cho vay đầu tư dự án (có thể theo dõi trên sổ hoặc trên file máy tính) để theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng khoản tín dụng. Thực hiện kiểm tra, đánh giá lại giá trị tài sản bảo đảm, theo dõi tình trạng bảo hiểm của tài sản bảo đảm, đôn đốc khách hàng mua bảo hiểm đầy đủ theo quy định về giao dịch bảo đảm trong cấp tín dụng của BIDV. Theo dõi, đôn đốc khách hàng thực hiện các điều kiện tín dụng. Thông báo cho khách hàng các điều kiện tín dụng đến hạn thực hiện. Tập hợp các tài liệu chứng minh việc đáp ứng các điều kiện tín dụng đến hạn gửi Bộ phận QTTD. Định kỳ không quá 6 tháng/lần kể từ thời điểm đánh giá liền trước Đề xuất cấp tín dụng, đánh giá định kỳ thực hiện lập Báo
cáo đánh giá biến động về hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính, tài sản của KH để kịp thời nhận diện các rủi ro tiềm ẩn. Ngay khi phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu, phát hiện dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro, Bộ phận QLKH phải báo cáo ngay bằng văn bản về tình trạng của khách hàng và đề xuất biện pháp xử lý trình cấp có thẩm quyền