Những hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Hoạt động giám sát của mặt trận tổ quốc việt nam đối với các cơ quan dân cử và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương từ thực tiễn tại thị xã an khê, tỉnh gia lai (Trang 78 - 83)

CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM ĐỐI VỚI CƠ QUAN DÂN CỬ VÀ CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC Ở ĐỊA PHƯƠNG (Từ thực tiễn tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai)

1. Thực trạng hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với cơ quan dân cử và cơ

1.4. Đánh giá chung về thực trạng hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với cơ quan dân cử và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương

1.4.2. Những hạn chế và nguyên nhân

Dù kết quả do hoạt động giám sát của MTTQVN đối với HĐND và UBND các cấp ở địa phương mang lại đã đạt được một số thành công bước đầu nhưng nhìn nhận khách quan thì hoạt động này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập sau:

Thứ nhất, hoạt động giám sát còn mang tính hình thức, hiệu quả giám sát chưa cao. Bản chất của hoạt động giám sát này là nhằm phát huy dân chủ, làm cho quá trình tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước được vận hành một cách khoa học và hiệu quả. Tuy nhiên trong thực tế, hoạt động giám sát của MTTQVN thực hiện nhiều khi mang tính hình thức, chiếu lệ, vì vậy mà hiệu quả chưa cao. Ví dụ hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND và Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND là một chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính quyền cơ sở, nhưng nhìn từ thực trạng nêu trên và theo báo cáo ở đa số các địa phương thì số lượng cán bộ lãnh đạo cơ sở có tín nhiệm thấp (dưới 50%) chiếm tỉ lệ rất nhỏ mặc dù trong thực tế kết quả tín nhiệm thu được không phản ánh trung thực sự tín nhiệm của nhân dân. Từ đó có thể thấy, với công tác giám sát cơ quan dân cử và cơ quan hành chính nhà nước một cách hình thức, không tích cực thực hiện thì những phát hiện của MTTQVN đối với hai cơ quan này là hết sức hạn chế, do đó mà không thể đưa ra những ý

73

kiến, kiến nghị hợp lý để góp phần xây dựng chính quyền địa phương vững chắc và bảo đảm phát huy dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm của nhân dân.

Thứ hai, phạm vi giám sát, nội dung giám sát của MTTQVN đối với HĐND và UBND các cấp chưa được quy định đầy đủ, toàn diện. Trong xu hướng phát triển chung về kinh tế – xã hội cùng với nhu cầu xây dựng một chính quyền địa phương mạnh mẽ, vấn đề giám sát HĐND và UBND ngày càng được đặt ra với yêu cầu cao hơn, điều đó không thể đòi hỏi MTTQVN phải giám sát hết tất cả các lĩnh vực hoạt động của hai cơ quan này. Tuy nhiên, đứng trước trách nhiệm bảo vệ lợi ích của nhân dân địa phương, nhiều nội dung, phạm vi giám sát rất thiết yếu lại thiếu đi những quy định cụ thể về mặt pháp chế nên MTTQVN không thể thực hiện được. Phạm vi giám sát chưa bao quát hết được những nội dung quan trọng, thậm chí còn bỏ trống. Thực tế, Mặt trận mới chỉ tham gia giám sát được một số hoạt động của cơ quan hành chính, còn đối với hoạt động của cơ quan dân cử thì chưa được bao nhiêu. Bên cạnh đó nhiều nội dung quan trọng trong giám sát của Mặt trận chưa được quy định cụ thể như việc phối hợp tham gia các đoàn giám sát với HĐND các cấp thì trách nhiệm, quyền hạn của Mặt trận bao gồm những vấn đề gì, hậu quả pháp lý của các kiến nghị của Mặt trận đến đâu chưa được quy định rõ. Việc giám sát các lĩnh vực nhạy cảm như quản lý đất đai, quản lý các dự án đầu tư, tài chính, kê khai tài sản… còn khó khăn trong công tác thực hiện. Nhiều lĩnh vực nhân dân bức xúc, có nhiều ý kiến nhưng chưa có cơ chế cụ thể để giám sát, như giám sát các chương trình, dự án do Nhà nước đầu tư trực tiếp tới xã; thu, chi ngân sách, thu chi các loại quỹ, các khoản đóng góp của dân; giám sát đại biểu HĐND, cán bộ, công chức…

Thứ ba, các hoạt động giám sát đối với HĐND và UBND các cấp ở địa phương chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, chưa thể hiện đúng và đầy đủ quyền lực của nhân dân. Hoạt động giám sát đối với các cơ quan nhà nước nói chung là một nhiệm vụ cơ bản của MTTQVN, để hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy, đòi hỏi hoạt động này phải luôn được diễn ra song song với hoạt động của đối tượng được giám sát để từ đó mới có thể phát hiện ra những sai phạm, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Bản thân nhân dân địa phương cũng chưa có cơ chế cũng như kiến thức một cách đầy đủ để tham gia vào hoạt động giám sát này của MTTQVN.

Thứ tư, các ý kiến, kiến nghị của MTTQVN sau khi giám sát chưa được HĐND và UBND các cấp ở địa phương lắng nghe, tiếp thu. Mục đích cuối cùng của hoạt động giám sát của MTTQVN đối với cơ quan dân cử và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương chính là xây dựng một chính quyền địa phương hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, bảo vệ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mục đích này có đạt được hay không là phụ thuộc vào phương thức tổ chức, thực hiện cũng như hiệu quả hoạt động giám sát của MTTQVN,

74

trong đó quan trọng là hiệu lực pháp lý của những ý kiến, kiến nghị của MTTQVN đối với chính quyền địa phương sau khi tiến hành giám sát. Tuy nhiên, đây lại chính là khâu yếu nhất của quá trình này. Nguyên nhân xuất phát từ tính chất giám sát của MTTQVN là mang tính nhân dân (tính xã hội) nên kết quả giám sát chỉ là đề xuất, kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền mà không có quyền quyết định những biện pháp hay hình thức xử lý.

Do đó, mặc dù đưa ra nhiều ý kiến đúng đắn và hợp lý nhưng các ý kiến này đôi khi vẫn không nhận được bất kỳ sự phản hồi nào của cơ quan chức trách. Việc xử lý kết quả giám sát chưa được quan tâm đúng mức và thiếu chế tài bắt buộc chính là nguyên nhân lý giải vì sao hiệu quả giám sát của MTTQVN với các cơ quan nhà nước nói chung và đối với HĐND và UBND nói riêng còn rất hạn chế bởi khi kiến nghị của MTTQVN không được các cơ quan này xem xét giải quyết và phản hồi thì tác dụng của việc kiểm tra, giám sát đôi khi đi ngược lại với mục đích, với quy định của pháp luật.

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có ba nguyên nhân chính:

Thứ nhất, xuất phát từ hệ thống pháp luật quy định về vị trí, vai trò của MTTQVN và cơ chế giám sát của MTTQVN đối với các cơ quan nhà nước nói chung.

Hiện nay, nhận thức của không ít cấp uỷ Đảng, cơ quan nhà nước đặc biệt là HĐND và UBND các cấp về vị trí, vai trò của Mặt trận còn chưa đầy đủ, toàn diện và ngang tầm với nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Không ít cấp uỷ Đảng và cán bộ, công chức còn coi nhẹ công tác Mặt trận, xem Mặt trận chỉ là tượng trưng, hình thức, lúc thường thì ít quan tâm khi có vấn đề gay cấn hoặc mâu thuẫn trong nhân dân mới cần đến Mặt trận để hoà giải, đoàn kết. Điều này xuất phát từ những quy định của pháp luật quy định về vị trí, vai trò của MTTQVN là chưa đầy đủ, ngay cả trong Luật MTTQVN cũng chưa có quy định nào xác định MTTQVN chính là một tổ chức chính trị - xã hội nằm trong hệ thống chính trị, là nơi tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân, có chức năng giám sát, tham gia xây dựng chính quyền cùng các cơ quan nhà nước khác, chứ không thể xem đây là một cơ quan giống cơ quan hành chính thực hiện chức năng theo sự chỉ đạo của các cấp chính quyền. Có thể thấy, so với các bộ phận khác của hệ thống chính trị, MTTQVN và các đoàn thể là những tổ chức bị lệ thuộc vào Đảng và Nhà nước - đối tượng giám sát của MTTQVN, trên cơ sở những quy định của pháp luật thì vấn đề công tác cán bộ và tài chính của MTTQVN lại không hoàn toàn tự chủ, trong thực tế điều kiện và kinh phí hoạt động của Mặt trận các cấp, nhất là cấp cơ sở hiện nay còn rất nhiều khó khăn. Ngân sách hoạt động của Mặt trận chưa được thực hiện theo hệ thống dọc, mà vẫn theo cơ chế "xin - cho", phụ thuộc vào cơ quan nhà nước, nhất là UBND địa phương do đó, MTTQVN khó

75

có thể xem là tổ chức độc lập, tự chủ để tổ chức hoạt động giám sát HĐND và UBND một cách khách quan, từ đó, làm giảm hiệu quả của công tác giám sát này.

Cơ chế pháp lý là điều kiện tiền đề cho giám sát của MTTQVN, nguyên tắc pháp chế XHCN và yêu cầu của Nhà nước pháp quyền đòi hỏi MTTQVN cũng như mọi tổ chức, cơ quan, cá nhân phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật. Vì vậy, hoạt động của MTTQVN nói chung và hoạt động giám sát của MTTQVN đối với HĐND và UBND nói riêng trước hết cần có những quy định cụ thể của pháp luật. Cho đến hiện nay, nhìn chung hệ thống văn bản pháp luật đã có những quy định cho một số nội dung giám sát của MTTQVN đối với chính quyền địa phương, nhưng xét một cách tổng thể thì luật hiện hành chưa đủ đảm bảo cho hoạt động giám sát của MTTQVN nói chung được hiệu quả.

Do cơ chế giám sát của MTTQVN được quy định trong các văn bản luật còn thiếu dẫn đến hoạt động giám sát của MTTQVN trong một số lĩnh vực còn tỏ ra lúng túng, chưa biết thực hiện như thế nào. Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội còn chậm trong việc thể chế hoá các quan điểm của Đảng về Mặt trận và nhất là chức năng giám sát của Mặt trận. Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng chưa cụ thể hoá thành cơ chế, chính sách, pháp luật để thực hiện trên các lĩnh vực mà pháp luật quy định MTTQVN có quyền giám sát. Cho đến hiện nay, Luật MTTQVN số 75/2015/QH13 và Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị – xã hội chính là hai văn bản quan trọng và chi tiết nhất quy định cụ thể về khái niệm, mục đích, tính chất, nguyên tắc, đối tượng, nội dung, phạm vi, phương pháp, quyền và trách nhiệm của các bên có liên quan trong giám sát và phản biện xã hội, ngoài ra, các quy định về giám sát của MTTQVN còn nằm rải rác ở các văn bản luật khác, đặc biệt hoạt động giám sát của MTTQVN đối với cơ quan dân cử và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương còn quy định chung chung, không xác định rõ được trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đến đâu, tạo điều kiện như thế nào, việc xử lý các kiến nghị của Mặt trận ra sao. Trên cơ sở chưa có những cơ chế pháp lý cụ thể về nội dung, phạm vi điều chỉnh, cơ sở pháp lý đảm bảo cho sự kết hợp giữa giám sát của MTTQVN với giám sát của Đảng và giám sát của Nhà nước, thiếu chế tài xử lý sau giám sát của MTTQVN đối với chính quyền địa phương nói riêng đã dẫn đến những khó khăn trong công tác thực hiện và sự tuỳ tiện của một số cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết những kiến nghị của Mặt trận sau giám sát.

Thứ hai, xuất phát từ hệ thống tổ chức UBMTTQVN các cấp.

Hệ thống MTTQVN chưa đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng giám sát của mình cũng là một trong một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến chất lượng giám sát đối với HĐND và UBND các cấp chưa cao. UBMTTQVN các cấp vẫn chưa nhận thức được

76

hết vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động giám sát. Trong điều kiện nhân lực, vật lực hạn chế, hoạt động giám sát đối với chính quyền địa phương vốn đã khó và nhạy cảm đã dẫn đến cán bộ MTTQVN hay chọn giải pháp né tránh để tập trung những công tác khác. Ngoài ra, mặc dù yêu cầu, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các tổ chức đoàn thể là rất lớn nhưng hiện nay đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận và các đoàn thể cả về số lượng và chất lượng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đội ngũ cán bộ Mặt trận còn thiếu; không được đào tạo bài bản, nhất là ở cấp huyện và cơ sở. Nhiều cán bộ chưa ngang tầm với nhiệm vụ, tính chuyên sâu không cao; năng lực nhìn nhận, phân tích vấn đề, đánh giá và kết luận trong quá trình giám sát còn có mặt bất cập.

Tính chủ động, sáng tạo của một số cán bộ làm công tác Mặt trận có nơi chưa được phát huy đúng mức. Cá biệt ở một vài nơi, cán bộ yếu kém về năng lực lại được điều chuyển sang làm công tác Mặt trận, đoàn thể. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ Mặt trận chưa đủ năng lực trình độ để tự tin thực hiện hoạt động giám sát đối với chính quyền địa phương nói riêng, trong khi việc sử dụng và phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn, các chuyên gia không phải ở đâu và khi nào cũng có điều kiện. Bên cạnh đó, UBMTTQVN các cấp chưa tập hợp được sức mạnh tổng hợp của các chủ thể xã hội khác để cùng tham gia giám sát HĐND và UBND ở địa phương, do vậy mà chưa tạo được sức mạnh của xã hội, của cộng đồng để hạn chế những tiêu cực, khiếm khuyết của chính quyền địa phương.

Thứ ba, xuất phát từ sự phối hợp giữa MTTQVN và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, thống nhất.

Hoạt động của Mặt trận nói chung và hoạt động giám sát của Mặt trận nói riêng chỉ cộng hưởng sức mạnh và phát huy hiệu quả mạnh mẽ khi Mặt trận xây dựng và hoàn thiện các quy chế phối hợp với các cơ quan nhà nước, đồng thời tạo được cơ chế phối hợp thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên trong Mặt trận. Nếu không có những quy chế và cơ chế phối hợp thì hoạt động của Mặt trận sẽ trở lên lẻ loi, không phát huy được sức mạnh của tổ chức liên minh chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân và xa rời tính chất nhân dân. Mặc dù ở các cấp đều đã có Quy chế phối hợp công tác giữa Mặt trận với HĐND, UBND nhưng việc thực hiện nhìn chung còn nhiều hạn chế và hình thức, việc tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội – Thường trực HĐND – UBND – BTT UBMTTQVN có lúc chưa tốt, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc đánh giá việc thực hiện Quy chế phối hợp hàng năm cũng như trong việc đánh giá hoạt động giám sát của MTTQVN. Không ít nơi, MTTQVN chưa mạnh dạn giám sát; vẫn còn có biểu hiện giám sát theo kiểu “lựa chiều”, theo ý của người lãnh đạo hay người có thẩm quyền. Một số nơi, chính quyền chưa thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chuyên môn trong việc phối hợp với MTTQVN cùng cấp; chưa

77

tạo điều kiện để MTTQVN thực hiện chức năng giám sát; nhiều cơ quan, tổ chức trả lời các ý kiến, kiến nghị của MTTQVN và các đoàn thể còn chậm, đôi khi còn không có sự phản hồi về việc tiếp thu.

Một phần của tài liệu Hoạt động giám sát của mặt trận tổ quốc việt nam đối với các cơ quan dân cử và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương từ thực tiễn tại thị xã an khê, tỉnh gia lai (Trang 78 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)