Nội dung của thủ tục xét hỏi

Một phần của tài liệu Thủ tục xét hỏi tại phiên tòa hình sự sơ thẩm (Trang 26 - 30)

1.2.1. Khái niệm về thủ tục xét hỏi:

Sau khi kết thúc phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, tiếp sau đó là thủ tục xét hỏi. Mọi vấn đề thuộc về xác định các tài liệu, lời khai có phải là chứng cứ của vụ án hay không, xác định tính hợp pháp và có căn cứ của các chứng cứ đều được thực hiện trong thủ tục này. Các thủ tục sau đó đều dựa vào kết quả của thủ tục xét hỏi để thực hiện.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của thủ tục xét hỏi là tái hiện, củng cố và khẳng định những sự kiện, tình tiết của vụ án một cách đầy đủ và toàn diện nhất. Trên cơ sở đó hình thành những thông tin chính xác giúp cho việc tranh luận, nghị án và tuyên án được tốt. Mặc dù việc xét hỏi là dựa vào kết quả của giai đoạn điều tra nhưng các kết quả của giai đoạn điều tra phải được thẩm tra lại trong thủ tục này thì mới có thể được thừa nhận chính thức có là chứng cứ của vụ án hay không. Tuy nhiên, so với các thủ tục tranh luận, nghị án và tuyên án thì các thủ tục sau đó lại hoàn toàn dựa vào kết quả của thủ tục xét hỏi, nên khi tranh luận, nghị án có vấn đề nào đó cần xem xét mà chưa được làm rõ tại thủ tục xét hỏi thì phải quay trở lại xét hỏi. Trong phiên tòa sơ thẩm, thủ tục xét hỏi là trung tâm của toàn bộ phiên tòa, giải quyết vụ án có tốt hay không là do thủ tục này quyết định.

Như vậy, thủ tục xét hỏi là một thủ tục chính và quan trọng của phiên tòa sơ thẩm, trong đó Tòa án cùng các bên tranh tụng xem xét, kiểm tra các chứng cứ của bên buộc tội thu thập trong hồ sơ vụ án cũng như các chứng cứ do bên bào chữa đề xuất được Tòa án chấp nhận nhằm làm sáng tỏ các tình tiết, sự kiện khách quan của vụ án.

1.2.2. Những nội dung chính của thủ tục xét hỏi:

- Công bố toàn bộ nội dung cáo trạng: KSV đại diện cho Viện kiểm sát công bố nội dung cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung, nếu có (Điều 206). Việc công bố bản cáo trạng tại phiên tòa chính là sự công khai nội dung buộc tội của Viện kiểm sát, thực ra bản cáo trạng mà KSV vừa công bố giống như bản cáo trạng mà bị cáo đã nhận trước đó (do Viện kiểm sát tống đạt). Tuy nhiên, ý nghĩa của việc công bố tại phiên tòa thể hiện sự buộc tội trước Tòa án (HĐXX), mang tính công khai, bằng lời và trực tieáp.

Việc KSV trình bày ý kiến bổ sung cũng cần phải hiểu thống nhất. Có ý kiến cho rằng quy định cho KSV trình bày ý kiến bổ sung cáo trạng là không phù hợp. Vì việc bổ sung như vậy không đảm bảo thời gian tối thiểu để bị cáo chuẩn bị cho việc bào chữa, là vi phạm quyền bào chữa của bị cáo nhất là sự bổ sung đó làm xấu đi tình trạng của bị cáo, nên bất cứ sự bổ sung nào vào bản cáo trạng đều phải giao cho bị cáo và nếu Viện kiểm sát không giao cho bị cáo thì nhất thiết phải hoãn phiên tòa.. Có ý kiến lại cho rằng việc bổ sung có thể chấp nhận được nếu nó không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo [50]. Chúng tôi cho rằng việc bổ sung cáo trạng của KSV như cách hiểu trên là không đúng tinh thần của điều luật. Có thể hiểu sự bổ sung cáo trạng là sự bổ sung những nội dung, những ý mà trong cáo trạng trước đó còn chưa rõ, còn có những câu tối nghĩa hay tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau. Cho nên, sự bổ sung này là sự giải thích thêm cho rõ nghĩa, dễ hiểu chứ không có bất cứ nội dung mới nào.

- Xác định thứ tự xét hỏi hợp lý: Thứ tự hợp lý ở đây chính là sự sắp xếp thứ tự nội dung hỏi, thứ tự người bị xét hỏi. Khái niệm thứ tự xét hỏi hợp lý trong trường hợp này chỉ mang tính tương đối: Việc quyết định hỏi ai trước, ai sau là do ý định chủ quan của người hỏi nhằm đạt mục đích nhất định, đây chính là vấn đề thuộc về kỹ năng xét hỏi. Trong thực tiễn, thông thường những vụ án mà bị cáo chối tội thì KSV hay HĐXX thường hỏi người làm chứng hay người bị hại trước; cũng vụ án đó người bào chữa sẽ hỏi bị cáo trước. Theo quy định của BLTTHS hiện nay HĐXX có nghĩa vụ hỏi để làm rõ các tính tiết của vụ án nên thứ tự hỏi như thế nào do Thẩm phán – chủ toạ phiên tòa quyết định, KSV và người bào chữa cũng như những người tham gia tố tụng khác không thể phản đối cách thức hỏi của HĐXX. Dĩ nhiên, KSV, người bào chữa cũng có kế hoạch và chiến thuật hỏi của mình và cũng không có ai phản đối, nhưng hỏi sau HẹXX.

- Xem xét và kiểm tra trực tiếp các chứng cứ của vụ án trong điều kiện công khai, bằng lời nói và liên tục: Chính các đảm bảo về tính công minh, dân chủ của xét hỏi, như bị cáo và những người tham gia tố tụng khác tự trình bày, trả lời hoặc không trả lời các câu hỏi, đề nghị với chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết có liên quan đến họ; xem xét vật chứng, xem xét tại chỗ với sự tham gia của các bên tham gia tố tụng nên các sự kiện, tình tiết được làm rõ trong thủ tục xét hỏi có giá trị pháp lý cao và chính thức được thừa nhận. Hoạt động điều tra ở giai đoạn điều tra cũng nhằm mục đích chứng minh tội phạm nhưng nó được tiến hành một cách bán công khai và chủ yếu là thu thập chứng cứ, còn xét hỏi tại phiên tòa là điều tra hoàn toàn công khai với sự chứng kiến của công chúng, sự chứng kiến và điều khiển của HĐXX . Mặt khác, tính tranh tụng và sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bào chữa chỉ thể hiện rõ nét nhất tại phiên tòa sơ thẩm. Việc xét hỏi được thực hiện đối với những người sau:

+ Hỏi bị cáo: Đầu tiên là hỏi bị cáo về việc bị cáo có hiểu nội dung buộc tội đối với họ hay không, có thừa nhận đã thực hiện những hành vi như cáo trạng nêu hay không, nếu không hiểu thì có thể được giải thích cho hiểu. Bị cáo cũng có quyền trình bày những điểm mà mình không đồng ý như cáo trạng nêu. Theo quy định tại khoản 2 Điều 209 BLTTHS thì bị cáo được trình bày về những tình tiết của vụ án, chỉ khi nào việc trình bày không đầy đủ hoặc có mâu thuẫn thì HĐXX mới hỏi thêm. Tuy nhiên, trong thực tiễn rất ít khi bị cáo được trình bày một cách thỏa mãn, đầy đủ các tình tiết của vụ án, thông thường HĐXX tiến hành hỏi bị cáo ngay sau khi KSV đọc xong bản cáo trạng. Điều này làm cho bị cáo luôn ở vào tình trạng bị động, tạo ra sự ức chế khi trả lời. Việc công bố lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra cũng phải tuân theo quy định của Điều 208 BLTTHS, tránh việc công bố lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra nhằm mục đích mớm cung, uy hiếp tinh thần của bị cáo..

+ Hỏi người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện của họ: Cũng như bị cáo, những chủ thể này trình bày về những tình tiết của vụ án có liên quan đến họ, sau đó việc hỏi mới được tiến hành nếu những điểm mà họ trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn. Khi hỏi những người này, cần chú ý đến việc làm rõ trước các tình tiết liên quan đến việc xác định tội danh và hình phạt đối với bị cáo, những yêu cầu về bồi thường thiệt hại cũng phải làm rõ nhưng có thể hỏi sau.

+ Hỏi người làm chứng: Hình thức hỏi người làm chứng cũng giống như hỏi các chủ thể khác. Tuy nhiên, việc làm rõ mối quan hệ giữa người làm chứng và các chủ thể khác, nhất là với bị cáo, người bị hại là rất cần thiết; điều này đảm bảo lời khai của người làm chứng là chứng cứ khách quan. Trong trường hợp vụ án có nhiều người làm chứng thì việc cách ly những người làm chứng tại phiên tòa là yêu cầu bắt buộc. Việc cách ly giữa những người làm chứng là để lời khai của họ không ảnh hưởng lẫn nhau, nên tính khách quan của các lời khai này cao hơn.

+ Hỏi người giám định: Người giám định có mặt tại phiên tòa khi có giấy triệu tập của Tòa án. Người giám định trình bày về kết luận giám định sau đó việc hỏi họ mới được tiến hành khi có điểm chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định.

Việc công bố kết luận giám định là yêu cầu bắt buộc đối với vụ án có giám định. Nếu vụ án có nhiều kết luận giám định thì phải công bố từng kết luận giám định, những người giám định có quyền đưa ra lý lẽ để bảo vệ kết luận giám định của mình nhưng không được tranh luận với nhau. Nếu người giám định vắng mặt thì việc công bố kết luận giám định là bắt buộc trong mọi trường hợp.

+ Xem xét vật chứng và xem xét tại chỗ: Theo quy định tại khoản 1 Điều 212 BLTTHS thì vật chứng, ảnh hoặc biên bản xác nhận vật chứng được đưa ra xem xét tại phiên tòa. Nhưng không phải vật chứng nào cũng có thể đưa đến tòa được, nhất là các vật chứng cồng kềnh. Chính vì vậy nên theo đề nghị của KSV, người bào chữa hay những người tham gia tố tụng khác hoặc tự mình HĐXX quyết định có xem xét vật chứng hay không. Việc xem xét vật chứng phải lập biên bản ghi lại các ý kiến nhận xét của những người cùng xem xét vật chứng đó.

Trong quá trình xét hỏi tại phiên tòa, nếu Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng đề nghị hoặc HĐXX quyết định việc xem xét tại chỗ. Những nơi có thể đi xem là nơi xẩy ra tội phạm hoặc những địa điểm khác có liên quan đến vụ án. Trong thực tế việc này ít xẩy ra, nhưng nếu có xem xét tại chỗ thì phải lập biên bản như trường hợp xem xét vật chứng.

+ Nghe việc trình bày, công bố các tài liệu của vụ án và nhận xét, báo cáo của cơ quan, tổ chức: Việc xét hỏi tại phiên tòa là làm rõ mọi tình tiết của vụ án để làm cơ sở cho phần tranh luận cũng như nghị án và tuyên án. Trong thủ tục xét hỏi không chỉ có lời khai của những người tham gia tố tụng mà còn có cả những tài liệu khác của vụ

án, các nhận xét hoặc báo cáo của các cơ quan, tổ chức về vụ án hoặc về bị cáo và những người tham gia tố tụng. Có những vấn đề liên quan đến vụ án nhưng phải nhờ đến những cơ quan, tổ chức trình bày hoặc nhận xét thì mới rõ được. Đó là những vấn đề thuộc về chuyên môn hay những nhận xét mang tính nghề nghiệp đặc thù. Thủ tục xét hỏi kết thúc khi HĐXX đã thấy mọi tình tiết của vụ án đã được làm rõ và tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, chuyển qua phần tranh luận.

Kết luận: Thủ tục xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm gồm nhiều nội dung, mỗi nội dung đều có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Mỗi vụ án đều khác nhau nên có những nội dung có ở vụ án này nhưng có thể không có ở vụ án khác.

Ý nghĩa, vai trò của thủ tục xét hỏi: Thủ tục xét hỏi làm rõ được toàn bộ các tình tiết của vụ án, hình thành lên bức tranh sống động về diễn biến vụ án đã xẩy ra trước đó. Kết quả đạt được trong thủ tục xét hỏi là cơ sở, tiền đề cho thủ tục tranh luận được thực hiện một cách có hiệu quả nhất. Chỉ khi nào việc xét hỏi được đầy đủ và toàn diện thì việc tranh luận của các chủ thể mới đạt được mục đích của nó. Tranh luận mà không dựa vào kết quả của thủ tục xét hỏi là không có sức thuyết phục, là giáo điều.

KSV hay người bào chữa dù có tài hùng biện đến đâu nhưng nếu không dựa vào kết quả xét hỏi thì không thể thuyết phục được HĐXX. Do đó khả năng tiến hành thủ tục xét hỏi thành công là một trong những bảo đảm cho tính có căn cứ của bản án.

Một phần của tài liệu Thủ tục xét hỏi tại phiên tòa hình sự sơ thẩm (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)