2.1. Các quy định về chủ thể tham gia thủ tục xét hỏi và vai trò của các chủ thể
2.1.8. Sự tham gia và vai trò của người làm chứng
Trong TTHS nói chung, tại phiên tòa sơ thẩm nói riêng người làm chứng có vai trò rất quan trọng đối với việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Người làm chứng
là người biết những tình tiết của vụ án và được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa để khai báo trung thực những điều mà họ biết.
Người làm chứng tham gia tố tụng không phụ thuộc vào ý chí của họ hay ý chí của người tiến hành tố tụng, mà việc tham gia tố tụng của họ là do yêu cầu khách quan của việc giải quyết vụ án. Tất nhiên, trong thực tiễn họ có được cơ quan tiến hành tố tụng đưa vào danh sách những người tham gia tố tụng hay không còn phụ thuộc vào nhận thức của các cơ quan đó. Người làm chứng có thể là trẻ em, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất nhưng có khả năng nhận thức được những tình tiết của vụ án hoặc có khả năng khai báo đúng đắn. Điểm a khoản 2 Điều 55 BLTTHS quy định trường hợp người bào chữa của bị can, bị cáo thì không được làm chứng là chưa phù hợp với tính đặc thù của chủ thể này như đã phân tích ở trên, sẽ là hợp lý hơn nếu quy định người làm chứng thì không được làm người bào chữa của bị can, bị cáo. Vì người làm chứng trong vụ án thì không thể thay thế, nhưng người bào chữa có thể thay thế được bởi người bào chữa khác.
Người làm chứng tham gia phiên tòa là để thực hiện nghĩa vụ khai báo về những tình tiết của vụ án án mà họ biết. Nghĩa vụ này xuất phát từ nghĩa vụ chung của mỗi công dân, nhằm bảo đảm cho việc xét xử đúng người, đúng tội… Lời khai của người làm chứng trong nhiều vụ án là nguồn chứng cứ cơ bản. Những chứng cứ đó thường là cơ sở quan trọng để giải quyết đúng đắn vụ án.
Việc lấy lời khai của người làm chứng tại phiên tòa khác với ở giai đoạn điều tra, vì việc lấy lời khai tại phiên tòa được tiến hành công khai, có sự tham gia của những người tham gia tố tụng khác và được nhiều người hỏi ở những khía cạnh khác nhau của sự việc. “Lấy lời khai của người làm chứng ở phần xét hỏi tại phiên tòa không chỉ là một biện pháp thu thập chứng cứ mà còn là phương tiện để kiểm tra tính đúng đắn cuûa noù” [52].
Người làm chứng có thể có những lời khai có lợi hay bất lợi cho bị cáo, nhưng họ không phải là chủ thể buộc tội hay bào chữa. Nhiệm vụ của họ tại phiên tòa là giúp HĐXX làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án một cách trung thực, khách quan. Trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì có thể bị dẫn giải, nếu cung cấp các thông tin sai lệch hoặc
trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 hoặc Điều 308 BLHS.
Tính chính xác, đầy đủ, tin cậy của các thông tin từ người làm chứng phụ thuộc rất nhiều vào thái độ khai báo của họ. Trong thực tiễn, người làm chứng bị tác động bởi nhiều yếu tố nên rất nhiều trường hợp họ không dám ra làm chứng hoặc không dám khai, nếu có thì khai không đúng sự thật. Điều này có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân chủ yếu là chúng ta chưa có cơ chế bảo vệ cho họ và gia đình họ bởi sự trả thù của gia đình bị cáo hay người bị hại. Có người chấp nhận làm chứng tại Cơ quan điều tra, nhưng khi được Tòa án triệu tập thì không dám đến, vì tại Cơ quan điều tra chỉ có một mình họ và điều tra viên, còn ở phiên tòa có gia đình bị cáo, gia đình người bị hại, những người tham gia tố tụng khác và quần chúng nhân dân.
Ngoài ra, chính sách vật chất của Nhà nước đối với họ không đủ bù đắp những chi phí, tổn thất mà họ phải chịu khi phải đến khai báo tại các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ở nước ngoài, việc bảo vệ người làm chứng và chế độ chăm lo của Nhà nước đối với họ được quy định bằng những chương trình cụ thể. Các nước như Đức, Hà Lan, Philippines, Thái Lan nhân chứng được Nhà nước chăm sóc thoả đáng về chi phí sinh hoạt, trợ cấp, sức khoẻ, công ăn việc làm, nhất là bảo vệ danh tính… Trường hợp nhân chứng bị sát hại, con cái họ được học hành miễn phí đến hết đại học. Ở Philippines Bộ Tư pháp đã triển khai Chương trình trợ cấp, an ninh và bảo vệ nhân chứng từ năm 1991. Theo đó, nhân chứng và người thân thân gia chương trình được bảo vệ an toàn đến khi không còn bị nguy hiểm nữa. Nếu cần thiết, họ có thể thay đổi chỗ ở, tên họ và được trợ cấp tiền bạc… Chấp nhận tham gia chương trình bảo vệ nhưng nếu không chịu khai hoặc khai không đúng sự thật, nhân chứng sẽ bị xử lý về tội khinh thường Tòa án, tội khai man… Ở Thái Lan có Luật bảo vệ nhân chứng được thông qua tháng 12/2003, nhân chứng trong các vụ án rửa tiền, buôn ma tuý, tham nhũng, mại dâm trẻ em hoặc tội ác có tổ chức (có án tù từ 10 năm trở lên) sẽ được tham gia chươmg trình bảo vệ nhân chứng trong thời gian một năm. Trong thời gian này, nhân chứng và người thân sẽ được đưa đến nơi ở an toàn, được trợ cấp hàng tháng, đào tạo nghề và thay đổi họ tên. Nhân chứng được bồi thường khi bị thương tật hay bị sát hại trong thời gian tham gia chương trình bảo vệ [30].
Ở Việt Nam chưa có chương trình hay chính sách đối với người làm chứng trong các vụ án hình sự. Đồng thời, ý thức pháp luạât của một bộ phận nhân dân ta còn chưa cao, tâm lý ngại đến pháp đình vẫn là những rào cản thái độ nhiệt tình của họ. Vì vậy, trong thực tiễn, Toà án cũng như những cơ quan tố tụng khác rất khó khăn khi triệu tập người làm chứng.
Trong phần xét hỏi tại phiên tòa, người làm chứng là những nguồn chứng cứ sinh động để có thể xác định các tình tiết của vụ án. Nhưng cũng cần thận trọng khi sử dụng những thông tin mà họ cung cấp, ngoài việc chú ý đến mối quan hệ của họ với bị cáo, người bị hại thì còn quan tâm đến việc họ có bị mua chuộc, dụ dỗ hay bị đe doạ hay không. Vụ án mà có nhiều người làm chứng thì có nhiều nguồn chứng cứ để xác định sự thật vụ án, nhưng để cho họ khách quan thì không để cho lời khai của những người làm chứng ảnh hưởng lẫn nhau. Chính vì vậy, khoản 1 Điều 211 BLTTHS quy định phải hỏi riêng từng người làm chứng và không để cho những người làm chứng khác biết được nội dung xét hỏi đó.
Trong thực tiễn, khi xét hỏi nhiều phiên tòa không cách ly người làm chứng mà để tất cả những người làm chứng cùng ngồi trong phòng xử án nên việc tìm sự thật của vụ án rất khó khăn. Nguyên do điều kiện cơ sở vất chất của nhiều Tòa án khó khăn, nhất là các Tòa án cấp huyện khi phòng làm việc còn không đủ thì lấy đâu phòng cách ly người làm chứng. Chính vì vậy, vần đề cách ly người làm chứng trong khi xét hỏi cần phải được quán triệt trong thực tiễn xét xử và cần có cơ chế để người làm chứng nhiệt tình tham gia trong các phiên tòa hình sự.