CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TÁC ĐỘNG CỦA ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TỚI XUẤT NHẬP KHẨU Ở NƯỚC NHẬN ĐẦU TƯ
2.1. Cơ sở lý luận về tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới xuất nhập khẩu ở nước nhận đầu tư
2.2.1. Kinh nghiệm của các nước
Tác giả luận án lựa chọn hai quốc gia đó là Trung Quốc và Thái Lan để nghiên cứu về kinh nghiệm trong việc tăng cường tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của FDI tới xuất nhập khẩu. Tác giả luận án lựa chọn Trung Quốc và Thái Lan để
nghiên cứu vì hai quốc gia này đều nằm ở Châu Á, có nhiều nét tương đồng về kinh tế, về văn hoá xã hội với Việt Nam. Bên cạnh đó, xuất phát điểm của hai nền kinh tế này khi bắt đầu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng khá tương đồng với Việt Nam. Do đó, nghiên cứu kinh nghiệm từ hai quốc gia này sẽ giúp tác giả rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích và phù hợp với Việt Nam trong việc tăng cường tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của FDI tới xuất nhập khẩu.
2.2.1.1. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Trung Quốc là một trong những quốc gia thành công trong việc thu hút FDI cho quá trình CNH-HĐH đất nước. Từ đầu những năm 1980, Trung Quốc đã xuất hiện trong danh sách 10 nước đang phát triển đứng đầu thế giới về thu hút FDI.
Trong thời kỳ đầu cải cách mở cửa, Trung Quốc thành lập 4 đặc khu kinh tế, mở cửa 14 thành phố ven biển, đẩy mạnh thu hút vốn và kỹ thuật của nước ngoài với những ưu đãi về thuế, đất đai và lao động… Trong giai đoạn này, FDI của Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào các ngành gia công, chế tạo, sử dụng nhiều lao động. Sau khi gia nhập WTO vào cuối năm 2001, chính sách thu hút FDI của Trung quốc có sự điều chỉnh phù hợp với các quy định của WTO với việc từng bước mở cửa thu hút FDI vào các ngành dịch vụ, bất động sản, tiền tệ… Trong giai đoạn 2010-2020.
Trung quốc nêu rõ quan điểm thu hút FDI vào các ngành kỹ thuật cao, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trung Quốc cũng tiến hành sửa đổi bổ sung “Danh mục hướng dẫn ngành nghề đầu tư nước ngoài”, đồng thời cho phép chính quyền địa phương phê chuẩn dự án đầu tư từ 100 triệu USD đến 300 triệu USD. Kinh nghiệm tăng cường tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của FDI tới xuất nhập khẩu của Trung Quốc thể hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất, ưu tiên thu hút FDI định hướng xuất khẩu vào ngành công nghiệp điện tử Với việc cải cách chính sách đáng kể, nguồn nhân lực dồi dào, chi phí lao động thấp và thị trường khổng lồ, ngành công nghiệp điện tử của Trung Quốc đã hấp dẫn rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài với những khoản đầu tư rất lớn để xây dựng nền tảng về công nghệ và hạ tầng cho việc sản xuất và phát triển các sản phẩm điện tử để xuất khẩu. Bằng việc kích thích tốt tác động của FDI tới xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu sản phẩm điện tử số 1 thế giới. Để kích thích tác động của FDI tới xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử, Trung Quốc đã tận dụng những lợi ích từ việc chuyển giao công nghệ và tri thức bằng việc liên doanh liên kết với các hãng điện tử lớn trên thế giới như HP, IBM, Digital, Toshiba, Samsung… Việc công ty đa quốc gia quốc tịch Trung Quốc là Lenovo mua bộ phận sản xuất máy tính xách tay của công ty đa quốc gia mang quốc tịch Mỹ là IBM được xem là một chiến lược để Lenovo tiếp cận công nghệ sản xuất máy tính ưu việt của
IBM. Hay việc TCL (Trung Quốc) trong sáp nhập với Thompson (Pháp) thành TCL- Thompson Electronics, việc National Offshore Oil Corporation (Trung Quốc) trong ngành khai thác dầu lửa mua lại Unocal (Mỹ) cũng với chiến lược như vậy. Qua thời gian, Trung quốc đã xây dựng và phát triển được các thương hiệu riêng và xuất khẩu rất lớn ra thị trường thế giới.
Thứ hai, chú trọng phát triển ngành CNHT, đặc biệt là CNHT phục vụ xuất khẩu ngay khi bắt đầu thu hút FDI
Để trở thành cường quốc điện tử, xuất khẩu sản phẩm điện tử số 1 thế giới, Chính phủ Trung Quốc đã chú trọng phát triển CNHT. CNHT phục vụ ngành công nghiệp điện tử của Trung Quốc đã nghiên cứu và sản xuất được các phụ tùng linh kiện nhựa, kim loại, nguyên vật liệu bao bì đóng gói, vỏ thùng máy... Việc thiết lập được một mạng lưới cung cấp khép kín không những làm tăng tỷ lệ nội địa, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN Trung Quốc mà còn hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được một lượng khổng lồ vốn FDI vào ngành công nghiệp điện tử và các ngành công nghiệp khác. Sự phát triển lớn mạnh của ngành CNHT điện tử là tiền đề quan trọng giúp Trung Quốc có thể thu hút FDI vào ngành công nghiệp điện tử, đồng thời giúp tăng giá trị xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu của ngành này. Để trở thành cường quốc điện tử, ngay từ khi mới xây dựng, Chính phủ Trung Quốc đã chú trọng phát triển CNHT trên nền tảng các ngành chế tạo khuôn mẫu, rèn, đúc, ép nhựa… với hàng triệu lao động tay nghề cao, hàng ngành doanh nghiệp CNHT rất phát triển. Do đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất xuất khẩu của các DN FDI trong ngành, đồng thời giảm nhập khẩu sản phẩm CNHT, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu. Đây là một trong những bài học thành công của Trung Quốc trong việc tăng cường tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của FDI tới xuất nhập khẩu.
Thứ ba, đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động sản xuất của các ngành có định hướng xuất khẩu
Chính phủ Trung Quốc cũng rất chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các ngành có định hướng xuất khẩu. Điều này giúp đội ngũ người lao động ở Trung Quốc có thể nhanh chóng tiếp cận được với công nghệ và tri thức mới cũng như các thị trường xuất khẩu từ các DN FDI. Từ đó nâng cao khả năng xuất khẩu của ngành điện tử nói riêng và xuất khẩu của cả nền kinh tế Trung Quốc nói chung.
Thứ tư, ưu đãi về thuế và lãi suất vay vốn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nội địa, chú trọng phát triển xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước song song với thu hút FDI
Các chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn lãi xuất thấp có thể giúp các doanh
nghiệp sản xuất xuất khẩu nội địa của Trung Quốc có thể giảm chi phí sản xuất kinh doanh, đồng thời tăng được lượng vốn đầu tư cho sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ nguồn nhân lực… giúp gia tăng khả năng xuất khẩu cho các doanh nghiệp nội địa, từ đó tăng giá trị nhập khẩu đồng thời giảm nhẩp khẩu của Trung Quốc.
2.2.1.2. Kinh nghiệm của Thái Lan
FDI luôn được coi là một trong những nhân tố kích thích quan trọng đối với nền kinh tế Thái Lan. Chính phủ Thái Lan ngay từ khi bắt đầu thu hút FDI đã xây dựng một chính sách ưu đãi để vừa có thể tăng cường thu hút nguồn vốn này vừa có thể phát huy được lợi thế của nguồn vốn này. Ngay từ giai đoạn 1959 - 1971, Thái Lan đã thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế thay thế hàng nhập khẩu. Thái Lan đã sớm có chủ trương giảm dần đầu tư từ Chính phủ, khuyến khích đầu tư tư nhân. Năm 1959, Thái Lan đã thành lập Bộ Đầu tư và năm 1960 đã ban hành Đạo Luật đầu tư. Giai đoạn 1972 - 1996, Bộ Đầu tư Thái Lan đã ban hành chính sách thu hút chuyên gia, lao động chất lượng cao từ bên ngoài với những ưu đãi về đất, việc làm để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế theo hướng xuất khẩu. Từ năm 2005, chính sách thu hút FDI của Thái Lan có sự chuyển biến theo hướng đầu tư chọn lọc với chính sách ưu tiên các nhà đầu tư trong nước trong việc hỗ trợ phát triển các loại hình dịch vụ phi sản xuất và các loại hình dịch vụ tài chính. Để có thể tăng cường tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của FDI tới xuất nhập khẩu và đạt được những thành tực đáng kể như hiện nay, Thái Lan đã thực hiện các biện pháp hiệu quả sau:
Thứ nhất, thực hiện chính sách phát triển kinh tế tạo nền tảng xuất khẩu tốt trước khi thu hút FDI
Thái Lan đã rất chú trọng tới việc tạo nền tảng tốt cho hoạt động xuất khẩu để dòng FDI có thể phát huy tối đa được tác động lan toả tích cực tới xuất khẩu của nước này. Vì vậy, song song với việc xây dựng chính sách thu hút FDI, ưu tiên thu hút FDI có định hướng xuất khẩu và thay thế nhập khẩu, Thái Lan đã thực hiện chính sách phát triển kinh tế trong nước để có thể tạo nên một nền tảng xuất khẩu tốt. Cụ thể: (1) CNHT phát triển, một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất xuất khẩu các DN FDI, mặt khác góp phần hạn chế nhập khẩu các sản phẩm CNHT (điều xảy ra ở hầu hết các nước nhận đầu tư) và tăng tỷ lệ nội địa và giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Thái Lan; (2) Nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản phục vụ cho hoạt động sản xuất xuất khẩu tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất xuất khẩu của các DN FDI. Đồng thời, cũng giúp cho các DN FDI thực hiện hiệu quả hoạt động R&D tại Thái Lan. Đây là điều kiện tiên quyết giúp cải thiện năng suất lao động và nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu của Thái Lan, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh
của hàng hoá Thái Lan trên thị trường xuất khẩu. Đây cũng là điều kiện giúp cho Thái Lan thu hút được những dự án FDI công nghệ cao vào nước này; (3) Các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp CNHT phục vụ xuất khẩu được ưu tiên về vốn. Vốn là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp có điều kiện đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, tiếp cận thị trường xuất khẩu, từ đó có thể nâng cao khả năng xuất khẩu và cải thiện kết quả xuất khẩu; (4) Cơ sở hạ tầng phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp nội địa cũng như các DN FDI. Sự phát triển đồng bộ từ hệ thống giao thông vận tải, hệ thống ngân hàng, hệ thống thông tin liên lạc, các dịch vụ logistics… giúp hàng hoá của Thái Lan dễ dàng tiếp cận khách hàng nước ngoài đồng thời cũng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào Thái Lan; (5) Môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch là điều kiện hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Môi trường kinh doanh có ý nghĩa quan trọng và mang tính quyết định tới thành công của Thái Lan trong việc tận dụng FDI làm đòn bẩy để thúc đẩy sản xuất xuất khẩu trong nước.
Thứ hai, kết hợp chặt chẽ giữa việc phát triển sản xuất xuất khẩu trong nước với chính sách thu hút và điều chỉnh FDI
Kinh nghiệm của Thái Lan là sự kết hợp chặt chẽ giữa việc phát triển sản xuất xuất khẩu trong nước với chính sách thu hút và điều chỉnh FDI để dòng vốn FDI phát huy tối đa tác dụng trong việc thúc đẩy sản xuất hàng hoá xuất khẩu của Thái Lan. Đặc trưng cơ bản về quản lý kinh tế của Chính phủ Thái Lan là rất xem trọng khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Tăng cường thu hút FDI nhưng vẫn chú trọng và tập trung phát triển kinh tế của khu vực tư nhân. Đây là một trong những bài học thành công của Thái Lan trong việc phát huy vai trò của dòng vốn FDI để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Từ một nền kinh tế nông nghiệp, Thái Lan đã trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu chủ chốt của thế giới. Hiện nay, Thái Lan là nhà sản xuất ô tô lớn nhất khu vực ASEAN và đang hướng đến top 10 trên toàn cầu. Rất nhiều các hãng ô tô lớn trên thế giới đã đặt nhà máy tại Thái Lan như Ford, General Motors, BMV, Mitsubishi, Mazda, Toyota, Nissan, Honda, Yamaha, Suzuki, Isuzu… Không chỉ công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử của Thái Lan cũng rất phát triển. Thái Lan hiện là nhà sản xuất ổ cứng lớn thứ hai thế giới, cung cấp tới 40% sản lượng cho thế giới chỉ sau Trung Quốc.
Thứ ba, vai trò điều tiết của Chính phủ Thái Lan trong việc hướng FDI tác động tích cực tới triển xuất khẩu
Ngay từ khi mới bắt đầu thu hút FDI, Chính phủ Thái Lan đã có chính sách
chọn lọc FDI theo hướng phát triển kinh tế hướng đến xuất khẩu. Việc thu hút và sử dụng FDI luôn được kiểm soát và điều chỉnh để không chệch hướng mục điêu đã đặt ra ban đầu. Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan đã đặc biệt coi trọng việc phát triển ngành CNHT, việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn. Chính phủ Thái Lan cũng đã ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng từ hệ thống giao thông vận tải, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống sân bay, cảng biển, hệ thống ngân hàng tài chính và bảo hiểm… tạo nền tảng tốt cho hoạt động xuất khẩu. Môi trường đầu tư kinh doanh cũng đã được Chính phủ Thái Lan coi trọng cải thiện, minh bạch hoá và tạo các điều kiện tốt nhất cho hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Với những biện pháp hiệu quả làm trên, Thái Lan đã rất thành công trong việc kích thích tác động lan toả tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của FDI tới xuất nhập khẩu, trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhất trong khu vực và trên thế giới.