CHƯƠNG 4 QUAN ĐIỂM, GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC VÀ HẠN CHẾ TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TỚI XUẤT NHẬP KHẨU Ở VIỆT NAM
4.3. Quan điểm tăng cường tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về tác động của FDI tới xuất nhập khẩu ở Việt Nam giai đoan 1988-2018, định hướng thu hút FDI và phát triển hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đến năm 2030, tác giả luận án đề xuất 04 quan điểm như sau:
Tăng cường tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của FDI tới xuất nhập khẩu ở Việt Nam cần dựa trên việc điều chỉnh các chính sách thu hút FDI để tăng cường xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu và chuyển dịch cơ cấu hàng hoá xuất khẩu theo hướng tích cực. Thứ nhất, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích thu hút FDI vào các ngành chế biến sâu - tinh chế, vào lĩnh vực công nghệ cao có định hướng xuất khẩu như ngành công nghiệp ô tô, xe máy; máy móc, thiết bị công nghiệp; logistics;
sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ môi trường; năng lượng tái tạo; dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin; CNHT (sản xuất kim loại, khoáng chất, hoá chất, nhựa phẩm cao cấp và linh kiện công nghệ cao). Thứ hai, Việt Nam cần có chính sách tăng cường thu hút các nhà đầu tư đến từ những quốc gia công nghệ nguồn như Mỹ và EU, khuyến khích nhà đầu tư thực hiện hoạt động R&D tại Việt Nam để có thể tăng cường tác động lan toả tích cực về công nghệ từ FDI tới xuất khẩu của Việt Nam. Thứ ba, Việt Nam cần có chính sách tăng cường thu hút FDI vào các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao để tăng cường tác động tích cực của FDI trong việc làm giảm tỷ trọng nhóm hàng tiêu dùng thông qua kênh thay thế hàng nhập khẩu bằng hàng hoá được sản xuất bởi chính các DN FDI tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, chính sách thu hút FDI vào ngành nông nghiệp cần tập trung thu hút nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và tối đa hoá VA nhằm lấp đầy chỗ trống trong chuỗi cung ứng để hạn chế nhập khẩu và tăng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế và VA cao.
Tăng cường tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của FDI tới xuất nhập khẩu ở Việt Nam cần dựa trên việc tạo lập các điều kiện thuận lợi để phát huy được tối đa những tác động lan toả tích cực của FDI tới các DN xuất khẩu nội địa. Thứ nhất, Việt Nam cần đổi mới giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước, từ đó có thể nâng cao khả năng hấp thụ công nghệ và tri thức từ FDI, nâng cao được khả năng đổi mới và sáng tạo công nghệ tiến tới tự chủ được công nghệ, giảm nhập khẩu và tăng tỷ trọng các mặt hàng có hàm lượng công nghệ chất xám cao trong cơ cấu hàng hoá xuất khẩu. Thứ hai, Việt Nam cần tăng cường mối liên kết thương mại và sản xuất giữa các DN FDI và các DN nội địa để có thể tăng cường tác động lan toả tích cực của nguồn vốn FDI tới hoạt động xuất nhập khẩu của các DN trong nước thông qua kênh CGCN, chuyển giao tri thức, học hỏi kỹ năng và kinh nghiệm quản lý và sản xuất từ các DN FDI. Thứ ba, Việt Nam cần phải phát triển ngành CNHT trong nước. CNHT kém phát triển chính là nguyên nhân chính dẫn tới làm tăng KNNK và làm giảm VA của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam khiến cho FDI chưa phát huy tối đa được tác động tích cực trong việc làm giảm nhập khẩu của Việt Nam. Thêm vào đó, ngành CNHT quá yếu sẽ không hấp dẫn các MNCs đầu tư sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là các MNCs có mục tiêu xuất khẩu, làm cho FDI chưa phát huy hết tác động tích cực tới tăng KNXK. Thứ tư, Việt Nam cần nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng khu vực nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng yếu kém là một trong những nguyên nhân dẫn tới sức hấp dẫn trong thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam kém hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cơ sở hạ tầng yếu kém cũng chính là nguyên nhân khiến cho FDI không chảy vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, dẫn tới những tác động tích cực của FDI vẫn chưa được phát huy tới xuất nhập khẩu của ngành này.
Tăng cường tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của FDI tới xuất nhập khẩu ở Việt Nam cần dựa trên việc giải quyết các nguyên nhân gây ra các tác động tiêu cực của FDI tới xuất nhập khẩu. Thứ nhất, Việt Nam cần nâng cao năng lực tài chính cho các DN xuất khẩu nội địa, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (SMEs). Nâng cao năng lực tài chính của các DN xuất khẩu nội địa sẽ góp phần hạn chế một số tác động tiêu cực và tăng cường một số tác động tích cực của FDI tới xuất nhập khẩu ở Việt Nam, cụ thể: (1) Nâng cao năng lực tài chính của các DN xuất khẩu nội địa sẽ hạn chế được tác động tiêu cực của FDI tới xuất khẩu của các DN nội địa thông qua kênh tạo áp lực cạnh tranh từ các DN FDI; (2) Nâng cao năng lực tài chính cũng giúp các DN xuất khẩu nội địa có điều kiện đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh như đổi mới
công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... để có thể cạnh tranh được với các DN FDI. Từ đó có thể tăng cường tác động tích cực của FDI tới xuất khẩu của các DN này thông qua kênh tạo áp lực cạnh tranh; (3) Nâng cao năng lực tài chính của các DN xuất khẩu nội địa sẽ góp phần hạn chế nhập khẩu cũng như nhận CGCN từ khu vực châu Á, đặc biệt là từ Trung Quốc. Với tiềm lực tài chính mạnh hơn, các DN có thể nhập khẩu hoặc nhận CGCN từ các quốc gia có trình độ công nghệ cao, công nghệ nguồn như Mỹ và EU; (4) Nâng cao năng lực tài chính cũng giúp các DN xuất khẩu nội địa hạn chế được hiện tượng “chảy máu chất xám” sang các DN FDI. Với tiềm lực tài chính mạnh hơn, các DN sẽ nâng cao chế độ đãi ngộ cũng như cải thiện môi trường làm việc tốt hơn, người lao động sẽ gắn bó lâu dài và cống hiến nhiều hơn cho DN. Từ đó, có thể nâng cao được năng suất lao động và giá trị xuất khẩu của DN. Thứ hai, Việt Nam cần phải nâng cao năng lực công nghệ trong nước, phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng tạo công nghệ của các DN nội địa. Trình độ KHCN được cải thiện sẽ tạo điều kiện cho các DN nội địa Việt Nam: (i) nâng cao được năng lực cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là trên thị trường nước ngoài từ đó tăng cơ hội và khả năng xuất khẩu hàng hoá; (ii) giảm nhập khẩu công nghệ, đặc biệt là công nghệ trình độ thấp và trung bình từ các nước châu Á và Trung Quốc; (iii) nâng cao được khả năng hấp thụ công nghệ hiện đại từ các đối tác đầu tư. Đây chính là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể thu hút được dòng FDI chất lượng của thế giới kèm với những công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực có chất lượng cao. Đồng thời, đây cũng là điều kiện để các DN nội địa của Việt Nam có thể tăng cường hợp tác và liên kết với các DN FDI, từ đó có thể hạn chế những tác động tiêu cực và tăng cường những tác động tích cực của dòng vốn FDI tới xuất nhập khẩu ở Việt Nam.
Tăng cường tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của FDI tới xuất nhập khẩu ở Việt Nam rất cần thiết phải tăng cường sự tham gia sâu hơn của các DN nội địa vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN FDI. Tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN FDI không chỉ giúp tăng tỷ lệ nội địa hoá và gia tăng VA cho hàng hoá xuất khẩu Việt Nam mà còn giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài, tăng xuất khẩu và mở rộng hơn nữa phạm vi thị trường xuất khẩu cho các DN Việt Nam.
Cuối cùng, để tăng cường tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của FDI tới xuất nhập khẩu ở Việt Nam cần phải tăng cường và nâng cao hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là về đầu tư và thương mại. Kết quả ước lượng ở chương 3 cho thấy việc gia nhập WTO làm tăng mức độ tác động tích cực của FDI tới cả KNXK và KNNK ở Việt Nam. Sự thay đổi mức độ tác động của FDI tới KNXK và KNNK ở Việt Nam trong hai giai đoạn trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO đều là tích cực.
Kết quả này cho thấy, hội nhập kinh tế quốc tế góp phần tăng cường tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực tới xuất nhập khẩu ở Việt Nam.