CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.1. Các nghiên cứu nước ngoài
1.1.1. Tác động của FDI tới kim ngạch xuất nhập khẩu ở nước nhận đầu tư
Các nhà nghiên cứu ở nhiều quốc gia trên thế giới đã đã làm rõ tác động của FDI tới xuất khẩu ở nước nhận đầu tư bằng những nghiên cứu thực nghiệm ở nhiều quốc gia khác nhau. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng FDI có tác động tới xuất khẩu ở nước nhận đầu tư thông qua kênh tác động tực tiếp và hàng loạt các kênh truyền dẫn tác động như kênh tạo áp lực cạnh tranh, kênh chuyển giao công nghệ, kênh di chuyển lao động và chuyển giao tri thức, kênh liên kết giữa DN FDI và DN nội địa… Thông qua đó, xuất khẩu hàng hoá của nước nhận đầu tư gia tăng do: (i) xuất khẩu của chính các DN FDI hoạt động tại nước nhận đầu tư; (ii) khả năng xuất khẩu của các DN nội địa tăng nhờ những tác tác động lan toả tích cực từ FDI (Aitken & Hansen & Harrison, 1997; Blomstrom & Kokko, 2003; Bwalya, 2006; Gorg & Greenaway, 2004; Greenaway &
Kneller, 2004; Günther Jutta, 2002; Kneller & Pisu, 2007; Nakamura, 2002; Sun, 2009;
Wagner, 2007; Wang & Blomstrom, 1992).
DN FDI với lợi thế về vốn, công nghệ, trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh, bí quyết quản lý đã tạo sức ép đáng kể buộc các buộc các DN xuất khẩu nội địa phải thay đổi cách thức quản lý, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ quản lý và chất lượng nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Dưới sự gia tăng cạnh tranh và phải chống đỡ cạnh tranh, các DN xuất khẩu nội địa buộc phải hoạt động hiệu quả hơn, phải cải tiến, áp dụng công nghệ mới sớm hơn, do đó, năng lực và giá trị xuất khẩu của các DN trong nước gia tăng, cộng hưởng làm tăng giá trị xuất khẩu của nước nhận đầu tư (Blomstrom & Kokko, 1998; Kokko & Tansini &
Zejan, 1996; Kokko & cộng sự, 2001; Wang & Blomstrom, 1992).
Nghiên cứu bởi Aitken & cộng sự (1997) tại Mexico trong giai đoạn 1986-1990 đã tìm ra tác động tích cực của MNCs tới khả năng của các DN nội địa khi tham gia vào thị trường xuất khẩu. Tương tự, Greenaway & cộng sự (2004) phân tích trường hợp nước Anh trong giai đoạn 1992-1996 và quan sát thấy tác động tích cực của các MNCs trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng khả năng xuất khẩu của DN nội địa. Kết quả khẳng định rằng các DN nội địa được học hỏi bởi hoạt động R&D của MNCs và quá trình hoạt động của các MNCs làm gia tăng năng lực cạnh tranh và bắt buộc các DN nội địa phải tăng năng suất lao động để tồn tại. Kết quả là các DN nội địa nâng cao năng lực sản xuất, tăng quy mô và giá trị xuất khẩu. Trong một nghiên cứu
thực chứng ở nước Anh giai đoạn 1998-2002, Greenaway & Kneller (2008) đã chỉ ra rằng sự có mặt của các DN FDI tại Anh đã làm xuất hiện thêm các DN xuất khẩu mới tại nước này, tạo thêm nhiều áp lực cạnh tranh và có tác động tích cực tới xuất khẩu của nước Anh.
DN FDI còn mang đến công nghệ sản xuất, kỹ năng, trình độ quản lý tiên tiến… mà các DN trong nước có thể tiếp nhận thông qua kênh CGCN. Việc liên kết sản xuất và kinh doanh giữa các DN trong nước với các DN FDI góp phần làm gia tăng xuất khẩu của các DN này do học hỏi được trong quá trình liên kết với các DN FDI. Đồng thời, lao động tại các DN này cũng được đào tạo các kỹ năng để có thể sản xuất và xuất khẩu hàng hoá đạt tiêu chuẩn của các DN FDI (CIEM, 2011).
Kokko (1994) khẳng định khả năng hấp thụ cộng nghệ và trình độ công nghệ của các DN nội địa là các nhân tố ảnh hưởng tới việc xuất hiện các tác động tràn tích cực của FDI tới xuất khẩu của các DN nội địa. Hamida (2011) cũng khẳng định điều này và làm rõ hơn bằng các nghiên cứu thực chứng trong các ngành khác nhau. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong ngành chế biến chế tạo các DN trong nước với trình độ công nghệ cao thu được nhiều lợi ích từ tác động lan toả của FDI nhờ sự gia tăng cạnh tranh hơn so với các DN trong nước với trình độ công nghệ trung bình và thấp.
Kaufmann (1997), Fosfuri & cộng sự (2001) và Glass & Saggi (2002) cũng đã chỉ ra rằng các DN trong nước có thể tiếp cận và nhận chuyển giao tri thức từ các DN FDI do có sự di chuyển lao động từ khu vực FDI sang khu vực kinh tế trong nước. Tác động này xuất hiện khi những lao động được đào tạo để làm việc trong các DN FDI chuyển tới làm việc cho các DN nội địa hoặc tự thành lập DN mới. Những lao động này sẽ áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm sản xuất hàng hoá xuất khẩu đã học hỏi được ở các DN FDI vào việc sản xuất hàng hoá xuất khẩu tại các DN trong nước, từ đó nâng cao cơ hội và khả năng xuất khẩu hàng hoá cho các DN này (Hamida & Gugler, 2009; Todo & cộng sự, 2009).
FDI thường được phân loại theo hình thức đầu tư, gồm có FDI theo chiều dọc và FDI theo chiều ngang (Fukao & Amano, 1998). Trong FDI theo chiều dọc, động lực để tiến hành FDI là nhằm tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào cần thiết cho các quy trình sản xuất hàng hoá cuối cùng của các nhà đầu tư. Ngược lại, hình thức FDI theo chiều ngang là việc tiến hành xây dựng các nhà máy, sản xuất hàng hoá và cung ứng dịch vụ tương tự ở nước đi đầu tư tại nước nhận đầu tư. Clare (1996) chỉ ra rằng dòng vốn FDI có thể tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu của các DN nội địa trong các ngành công nghiệp sản xuất từ nguyên liệu thô (upstream industry) và nguyên liệu đã qua chế biến (downstream industry) thuộc cùng một chuỗi giá trị (cả thượng nguồn và hạ nguồn) thông qua các liên kết dọc. Trong khi đó, Kokko & cộng sự (2001) và Alvarez & Lopez (2008) lại chỉ ra tác động tích cực của FDI tới xuất
khẩu của các DN trong nước thông qua các mối liên kết ngang, đồng thời khẳng định FDI có tác động tích cực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các DN trong nước hoạt động trong cùng một lĩnh vực.
Tuy nhiên, cũng có những nghiên cứu chứng minh FDI không có tác động hoặc tác động tiêu cực tới xuất khẩu của nước nhận đầu tư như nghiên cứu của Barrios &
cộng sự (2003) cho trường hợp của Tây Ban Nha, nghiên cứu của Aitken & Harrison (1999) cho trường hợp của Venezuela, nghiên cứu của Djankov & Hoekman (2000) cho trường hợp của Cộng hoà Séc, nghiên cứu của Bernard & Jensen (2004) cho trường hợp của Mỹ. Nghiên cứu về tác động tràn của FDI tới hoạt động xuất khẩu của Tây Ban Nha giai đoạn 1990-1998, Barrios & cộng sự (2003) đã không tìm được bằng chứng để chứng minh rằng FDI có tác động lan toả tích cực tới hoạt động xuất khẩu của các DN nội địa Tây Ban Nha trong giai đoạn này. Bernard & Jensen (2004) cũng chỉ ra rằng FDI không có tác động lan toả tới xuất khẩu của các DN trong ngành chế tạo của Mỹ. Đây cũng là kết luận của một số nghiên cứu khác của Lutz &cộng sự (2003) và Greenaway & cộng sự (2004).
Như vậy, kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của “tác động tràn xuất khẩu” cho nhiều kết quả khác nhau và chưa có sự đồng nhất. Các tác động này phụ thuộc rất nhiều vào loại hình FDI và sự khác biệt về chiến lược kinh doanh giữa DN nội địa và MNCs (Kneller & Pisu, 2007). Mặt khác, các nghiên cứu về tác động tràn của FDI tập trung chủ yếu vào phân tích trong phạm vi một quốc gia, thường là quốc gia thu hút chỉ một loại FDI nhất định với nhiều tác động tràn tiềm năng khác nhau. Vì lí do này, phân tích sự ảnh hưởng của tác động tràn thường đứng dưới góc nhìn chưa bao quát và còn thiếu tính áp dụng rộng rãi cho các quốc gia khác (Javorcik & Spatareanu, 2008).
Tác động của FDI tới kim ngạch nhập khẩu
Nhìn chung, sự tác động của FDI tới nhập khẩu ở nước nhận đầu tư không nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu như đối với xuất khẩu. Hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng ở giai đoạn đầu khi tiến hành đầu tư (trong ngắn hạn), FDI làm tăng nhập khẩu, ngược lại trong dài hạn, FDI có thể làm giảm nhập khẩu của nước nhận đầu tư.
Nghiên cứu của Penelope Pacheco (2005) đã chỉ ra rằng ngay sau khi các MNCs được thành lập ở nước sở tại, họ sẽ nhập một số loại đầu vào nhất định (thường là những linh kiện cơ bản và hàng hoá trung gian được sản xuất tại trụ sở chính ở nước đầu tư) để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của thị trường quốc tế. Do đó, dòng vốn FDI làm tăng nhu cầu nhập khẩu. Chani & cộng sự (2014) cũng khẳng định FDI có thể làm tăng nhập khẩu đầu vào sản xuất vì phần lớn đầu vào sản xuất của các ngành công nghiệp dịch vụ đều liên quan đến công nghệ cao mà các nước nhận đầu tư chưa sản xuất được, phải phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu. Do đó, dòng FDI từ những nước cung cấp đầu vào cho nước nhận đầu tư thường hấp dẫn và được tập trung thu hút hơn.
Theo Yasir Khan & cộng sự (2018), tồn tại mối quan hệ dương giữa FDI và nhập khẩu ở nước nhận đầu tư trong ngắn hạn. Nghĩa là, trong ngắn hạn FDI sẽ làm tăng nhập khẩu ở nước nhận đầu tư và ngược lại. Jayakumar & cộng sự (2014) cũng cho rằng, ở giai đoạn đầu tư ban đầu, các DN FDI có xu hướng nhập khẩu thiết bị, máy móc, thiết bị lắp đặt và các chuyên gia không có sẵn hoặc không đáp ứng được tiêu chuẩn của các DN FDI ở nước sở tại. Điều này làm cho nhập khẩu ở nước sở tại tăng. Các nghiên cứu của Tabassum & cộng sự (2012), Muhammad & cộng sự (2014) cũng đã chỉ ra FDI làm tăng nhập khẩu từ bên ngoài vào nước nhận đầu tư.
Xét về hình thức, FDI thường được chia thành FDI theo chiều dọc và FDI theo chiều ngang (Fukao & Amano, 1998). Theo Franco & cộng sự (2010), tác động của FDI tới nhập khẩu ở nước nhận đầu tư, theo cách tiếp cận này, phụ thuộc rất nhiều vào hình thức đầu tư. FDI theo chiều ngang sẽ làm gia tăng nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu từ các quốc gia đi đầu tư sang các quốc gia nhận đầu tư. Trong khi đó, Inui & Seki (1997) chỉ ra rằng FDI theo chiều ngang đồng thời xuất hiện hai xu hướng: (i) gia tăng nhập khẩu các hàng hoá trung gian cho sản xuất và (ii) tăng xuất khẩu các hàng hoá cuối cùng từ các nước tiếp nhận đầu tư do sự chuyển dịch địa điểm sản xuất.
Một cách phân chia khác chi tiết hơn của Eiteman & cộng sự (1995) thì động cơ của các doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư trực tiếp nước ngoài gồm: (1) FDI tìm kiếm thị trường, (2) FDI tìm kiếm nguồn nguyên liệu, (3) FDI tìm kiếm hiệu quả sản xuất, (4) FDI tìm kiếm lợi thế nhân lực và (5) FDI tìm kiếm an toàn chính trị. Trong đó, FDI tìm kiếm nguồn nguyên liệu, FDI tìm kiếm an toàn chính trị và FDI tìm kiếm lợi thế nhân lực có tác động thuận chiều rõ rệt tới xuất khẩu, trong khi đó, đối với FDI tìm kiếm thị trường và FDI tìm kiếm hiệu quả sản xuất tại tác động thuận chiều rất rõ ràng tới nhập khẩu của nước nhận đầu tư, thậm chí còn khiến cho các nước này rơi vào tình trạng nhập siêu.
Một số nghiên cứu cho thấy tác động của FDI tới nhập khẩu của nước nhận đầu tư phụ thuộc vào nhiều nhân tố. Dunning (1979) đã đưa ra mô hình OLI nhằm lí giải hành vi đầu tư của các quốc gia và các MNCs. Theo đó, một quốc gia sẽ tiếp nhận FDI, đi đầu tư FDI, sản xuất trong nước để xuất khẩu hay nhập khẩu phụ thuộc vào các lợi thế chủ sở hữu, lợi thế về địa điểm và lợi thế nội bộ hoá của quốc gia mình với quốc gia định đầu tư. Cụ thể, nếu một quốc gia không có nhiều lợi thế về sở hữu (ownership advantages), lợi thế về vị trí (location advantages) hoặc lợi thế về nội bộ hoá (internalization advantages) thì có thể cân nhắc việc nhập khẩu hàng hoá, máy móc để đáp ứng nhu cầu trong nước. Phát triển lý thuyết này, Liu & cộng sự (2001) chỉ ra rằng hầu hết các MNCs đều thành lập tại các quốc gia phát triển. Các công ty này dần dần mở các công ty con của mình tại các quốc gia kém phát triển hơn nhằm tận dụng những lợi thế so sánh của quốc gia này như lao động, tài nguyên giá rẻ. Do vậy, FDI và tình hình nhập khẩu tồn tại đồng thời với nhau và có tác động thúc đẩy lẫn nhau [68]. Aizenman & Noy (2006) bổ sung thêm yếu tố độ mở của thị trường và độ
vững mạnh của thị trường tài chính, là những yếu tố có ảnh hưởng tới tác động của FDI đối với nhập khẩu của quốc gia nhận đầu tư.
Pfafermayr (1996) sử dụng số liệu thu thập từ các DN FDI chỉ ra rằng FDI có tác động bổ sung, thúc đẩy lượng nhập khẩu. Fukakaku & Mello (2000) bổ sung thêm rằng các tác động này có xu hướng mạnh hơn khi luồng FDI được đầu tư vào các nước Nam Á so với vào các nước cùng trình độ phát triển ở Châu Mĩ Latinh. Các nghiên cứu của Do & Levchenko (2004), Lane & Ferretti (2004), Rose & Spiegel (2004) và Swenson (2004) còn chỉ ra rằng sự gia tăng của dòng vốn FDI không chỉ thúc đẩy thương mại quốc tế mà còn làm gia tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) của nước nhận đầu tư. Tác động tràn này của FDI sẽ làm tăng năng suất lao động, khiến hàng hoá sản xuất ra nhiều hơn và kết quả là hoạt động thương mại quốc tế cũng sôi động hơn (Drifield & Love, 2007).