Chương 1: CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ ĐỊA VỊ PHÁP LÝ HÀNH CHÍNH CỦA BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP
1.2. Địa vị pháp lý hành chính của Ban Quản lý khu công nghiệp
1.2.1. Quan niệm về địa vị pháp lý hành chính của Ban Quản lý khu công nghiệp
Địa vị pháp lý của một chủ thể là vị trí của chủ thể pháp luật (cá nhân, pháp nhân, tổ chức) được xác định khi đặt nó vào trong mối quan hệ với những chủ thể pháp luật khác. Địa vị pháp lý của chủ thể chỉ được xác định trên cơ sở các quy định pháp luật về quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ thể.
Thông qua xem xét địa vị pháp lý của một chủ thể có thể phân biệt được chủ thể pháp luật này với chủ thể pháp luật khác, đồng thời cũng có thể xác định được vị trí, tầm quan trọng của chủ thể pháp luật trong các mối quan hệ pháp luật.
Bộ máy Nhà nước hợp thành từ nhiều cơ quan và tổ chức Nhà nước từ Trung ương xuống địa phương, có cơ cấu tổ chức phức tạp, phong phú và đa
dạng. Mỗi cơ quan, tổ chức ra đời đều xuất phát từ nhu cầu xã hội cần được quản lý. Do đó, các cơ quan, tổ chức ra đời đều có vị trí, vai trò nhất định, gắn với các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn riêng, nhưng chúng hợp thành một thể thống nhất, tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc chung, cùng thực hiện chức năng chung và nhằm đạt được những mục tiêu thống nhất đặt ra trước nhà nước.
Theo Hiến pháp năm 2013 quy định, cơ quan quản lý Nhà nước là một trong bốn cơ quan trong hệ thống Bộ máy Nhà nước gồm: Cơ quan quyền lực Nhà nước, cơ quan hành chính Nhà nước (cơ quan quản lý Nhà nước), các cơ quan xét xử, viện kiểm sát. Trong đó, các cơ quan hành chính Nhà nước là chủ thể chủ yếu của quan hệ pháp luật hành chính. Là một bộ phận hợp thành của bộ máy Nhà nước, cơ quan quản lý Nhà nước có những đặc điểm chung của cơ quan Nhà nước.
Thứ nhất, nó là một tổ chức công quyền.
Thứ hai, có tính độc lập tương đối về tổ chức - cơ cấu: Có cơ cấu bộ máy và quan hệ công tác bên trong của cơ quan được quy định trước hết bằng nhiệm vụ, chức năng thể hiện vai trò độc lập của nó, nhưng đồng thời nó có những quan hệ đa dạng về tổ chức và hoạt động với cơ quan khác trong hệ thống bộ máy quản lý và bộ máy Nhà nước nói chung mà quan hệ đó được quy định chính bởi vị trí của từng cơ quan trong hệ thống chung đó.
Thứ ba, có thẩm quyền do pháp luật quy định, đó là tổng thể những nhiệm vụ chung và quyền hạn cụ thể mang tính quyền lực pháp lý mà Nhà nước trao cho để thực hiện nhiệm vụ chức năng Nhà nước.
Dưới góc độ lý luận và thực tiễn hoạt động của BQLKCN có thể nhận thấy BQLKCN nó mang tất cả những đặc điểm chung của cơ quan quản lý Nhà nước. nó vừa mang tính chất của cơ quan hành chính, lại vừa không hành chính.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động nó mang yếu tố hành chính nhiều hơn.
Cách tiếp cận trong lý luận về nhà nước và pháp luật về địa vị pháp lý của một chủ thể pháp luật cho phép xem xét địa vị pháp lý hành chính của Ban quản
lý KCN theo hai phương diện:
Một là, toàn bộ những quyền hạn, trách nhiệm trong hoạt động quản lý KCN do pháp luật quy định, phụ thuộc vào ý chí của Nhà nước.
Hai là, bao gồm những quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của Ban quản lý KCN phát sinh trong quá trình cán bộ, công chức của Ban này thực thi công vụ trên cơ sở quy định pháp luật hoặc từ những hành vi họ thực hiện mà pháp luật không cấm, nhằm bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của xã hội.
Địa vị pháp lý được hiểu theo cả hai phương diện trên đây sẽ phản ánh đầy đủ đặc trưng pháp lý của Ban Quản lý KCN. Từ những phân tích trên đây có thể đưa ra khái niệm về địa vị pháp lý của Ban Quản lý KCN như sau:
Địa vị pháp lý hành chính của BQLKCN là tổng thể các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong hoạt động quản lý Khu Công nghiệp được Nhà nước quy định bằng pháp luật cho Ban quản lý Khu Công nghiệp, và những quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm mà họ tự tạo ra trong quá trình quản lý các trong Khu Công nghiệp.
Mặc dù thiết chế quản lý nhà nước trong KCN thông qua BQLKCN vẫn chưa được xác lập một vị trí rõ ràng trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương cho đến địa phương. Hơn nữa, việc quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý trong KCN của BQLKCN còn thể hiện ở nhiều hệ thống nhiều văn bản khác nhau. Các quy định cụ thể về BQLKCN vẫn còn mang tính dưới luật, cụ thể trong Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, của Chính phủ ngày 22 tháng 5 năm 2018 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế có quy định rõ BQLKCN có chức năng “quản lý nhà nước trực tiếp đối với KCN trên địa bàn tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương, quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong KCN” [14].
Ngoài những quyền hạn, nghĩa vụ được tạo ra bởi pháp luật trong quá trình hoạt động như quản lý, kiểm tra, giám sát, quyết định cấp, quyết định cấp
lại, quyết định thu hồi, quyết định gia hạn, quyết định điều chỉnh giấy phép…Mặt khác, Ban Quản lý các KCN còn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình dưới sự ủy quyền từ các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền khác. Mặc dù, các quy định của pháp luật đã có nhưng lại thiếu sự rõ ràng trong phân cấp, ủy quyền dẫn tới việc quản lý nhà nước của BQLKCN trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thông qua địa vị pháp lý hành chính có thể phân biệt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý các KCN với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ thể pháp luật hành chính khác, đồng thời cũng có thể xem xét vị trí và tầm quan trọng của Ban quản lý các KCN trong các mối quan hệ pháp luật hành chính.
Như vậy, xem xét về địa vị pháp lý hành chính của BQLKCN cần tiếp cận trên các phương diện sau:
Thứ nhất, Ban Quản lý các KCN là cơ quan quản lý Nhà nước do ai quyết định thành lập, thuộc cơ quan nào Chính quyền địa phương (CQĐP), trực thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ hai, Ban Quản lý các KCN có vai trò quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghiệp trong địa bàn tỉnh.
Thứ ba, Ban Quản lý các KCN do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.