Cơ sở thực tiễn để thành lập Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Hải Dương

Một phần của tài liệu Địa vị pháp lý hành chính của ban quản lý các khu công nghiệp từ thực tiễn tỉnh hải dương (Trang 41 - 45)

Chương 2: THỰC TRẠNG ĐỊA VỊ PHÁP LÝ HÀNH CHÍNH CỦA BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP – TỪ THỰC TIỄN TỈNH HẢI DƯƠNG

2.1. Cơ sở thành lập Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Hải Dương

2.1.1. Cơ sở thực tiễn để thành lập Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Hải Dương

Phát triển khu công nghiệp là một giải pháp quan trọng nhằm thu hút vốn đầu tư thúc đẩy công nghiệp phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đồng thời tạo điều kiện bảo vệ môi trường sinh thái bảo đảm phát triển bền vững. Ở nước ta, năm 1991, Đảng và Nhà nước có chủ trương triển khai thí điểm việc thực hiện giải pháp quan trọng này. Tính đến hết tháng 6 năm 2017 cả nước đã có 325 Khu công nghiệp với các quy mô, loại hình được phân bổ hầu khắp các tỉnh, thành phố. Sự phát triển các khu công nghiệp đã góp phần to lớn vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước.

Hải Dương là tỉnh mới được tái lập từ 1/1/1997, thuộc một trong tám tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm ở đồng bằng Bắc bộ với hệ thống giao thông thủy, bộ, đường sắt thuận lợi. Hải Dương trở thành địa bàn cung cấp hàng hóa quan trọng đồng thời tham gia trung chuyển hàng hóa giữa hệ thống cảng biển với các tỉnh và thành phố lớn ở phía Bắc. Trong tương lai, Hải Dương là trọng điểm thu hút, phát triển công nghiệp, du lịch thương mại và trở thành một trong các đô thị lớn trong vùng.

Trong xu thế phát triển chung của cả nước, tính đến năm 2018, tỉnh Hải Dương có 10 KCN được thành lập và đang hoạt động, với tổng diện tích quy hoạch là 1.732 ha (chiếm gần 4% diện tích đất nông nghiệp). Sự phát triển mô hình KCN ở Hải Dương trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thu hút vốn và công nghệ hiện đại, thể hiện tính chuyên nghiệp

cao trong quản lý quy hoạch, sắp xếp tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động xuất - nhập khẩu trước xu thế hội nhập kinh tế và giao thương quốc tế đang phát triển ngày một mạnh mẽ. Ở Hải Dương, năm 2003, có 3 KCN đầu tiên được thành lập là KCN Đại An, KCN Nam Sách và KCN Phúc Điền với tổng diện tích trên 320 ha, đã mở ra hướng đi mới trong đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp đặc biệt là công nghiệp tập trung của tỉnh Hải Dương.

Ban đầu, khi chưa có quyết định thành lập Ban quản lý các KCN tỉnh Hải Dương thì Ban Quản lý dự án các KCN được UBND tỉnh lập ra, thuộc UBND tỉnh quản lý trực tiếp và là cơ quan thay UBND tỉnh quản lý các KCN trong địa bàn tỉnh, Ban Quản lý dự án các KCN này theo Quyết định số 3149/2002/QĐ-UB của UBND tỉnh Hải Dương về việc ban hành quy định về ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương nó có chức năng phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chuyên môn thực hiện, giải quyết các thủ tục đầu tư, quản lý hoạt động trong KCN theo cơ chế “một cửa, một đầu mối”. Quy định chức năng hoạt động của Ban Quản lý dự án trong giai đoạn này mang tính phụ thuộc rất lớn vào cơ quan chuyên môn, không có tính độc lập do đó nó gặp khó khăn trong vấn đề tự ra quyết định trong lĩnh vực nó quản lý. Điều đó đòi hỏi phải có quy định thành lập đối với cơ quan chuyên trách, làm nhiệm vụ quản lý nhà nước với KCN quy định chức năng, nhiệm vụ linh động hơn, thay vì chỉ có chức năng phối hợp thì nó còn được phân cấp, phân quyền, ủy quyền của UBND tỉnh, các cơ quan sở, ban, ngành chuyên môn trong các lĩnh vực quản lý. Vì vậy, cũng như bất kỳ tỉnh nào phát triển mô hình các KCN trong nước thì tỉnh Hải Dương cũng cần phải có một Ban Quản lý các KCN ra đời.

Để thực hiện chức năng và nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương, ngày 13/5/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 96/2003/QĐ-TTg về việc thành lập Ban quản lý các KCN tỉnh Hải Dương trực thuộc UBND tỉnh. Trong 15 năm xây dựng và trưởng thành, Ban Quản lý các KCN luôn

nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các địa phương và đặc biệt là sự tin tưởng, hợp tác của các nhà đầu tư. Các KCN của tỉnh Hải Dương đã từng bước hình thành, phát triển, đạt được nhiều thành tựu và kết quả đáng ghi nhận.

Theo quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 1156/TTg-KTN ngày 14/7/2014, Hải Dương có 18 KCN với diện tích quy hoạch là 3.710 ha. Qua 15 năm xây dựng và phát triển, hiện nay tỉnh Hải Dương đã có 11 KCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng với tổng diện tích 2.224 ha; 10 KCN đã được thành lập đang hoạt động với tổng diện tích quy hoạch là 1.732 ha; thu hút 12 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng với tổng vốn đầu tư đăng ký 9.120 tỷ đồng. Diện tích đất đã bàn giao để xây dựng hạ tầng KCN là 1.013 ha, chiếm 58,4% diện tích quy hoạch các KCN đã được thành lập; tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN tính trên diện tích đất thực tế đã giao để xây dựng hạ tầng đạt trên 65%; vốn đầu tư thực hiện xây dựng hạ tầng 5.427 tỷ đồng, đạt gần 60% vốn đăng ký của các dự án hạ tầng [3], [4].

Sự phát triển của các KCN cùng với việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và chính sách hỗ trợ đầu tư hiệu quả của tỉnh Hải Dương đã tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào các KCN. Điều đó được thể hiện qua số lượng các dự án tăng nhanh, ngày càng có nhiều dự án với quy mô vốn đầu tư lớn, có chiều sâu, sản xuất những sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao.

Nếu năm 2013 sau 10 năm hoạt động và phát triển, các KCN của tỉnh Hải Dương thu hút được 163 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện 1,7 tỷ USD; Thì đến tháng 5 năm 2018 sau 15 năm hoạt động và phát triển, trong các KCN đã có 245 dự án đầu tư đến từ trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4,3 tỷ USD; Vốn đầu tư đã thực hiện trên 2,9 tỷ USD, đạt 67,4% vốn đầu tư đăng ký; hiệu suất thu hút đầu tư cao, bình quân đạt 17,5 triệu USD/01 dự án; hiệu quả sử dụng đất đạt gần 6,5 triệu USD/01 ha, đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư xã hội, hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn lực đầu tư quan

trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng kinh tế trong toàn tỉnh [7].

Hiện tại, đã có 203 dự án đang triển khai đầu tư và hoạt động sản xuất - kinh doanh trong các KCN tạo việc làm ổn định cho trên 8,3 vạn lao động, chủ yếu là lao động địa phương (vào thời điểm tháng 5/2013, số liệu tương ứng là 100 dự án và 6,3 vạn lao động); sản phẩm chủ yếu là điện, điện tử, may mặc, cơ khí và các ngành công nghiệp nhẹ khác. Nếu năm 2007, giá trị sản lượng công nghiệp của các doanh nghiệp trong KCN đạt 2.800 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu trên 3.250 tỷ đồng; Năm 2012, giá trị sản lượng công nghiệp đạt gần 36.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu trên 37.000 tỷ đồng, nộp ngân sách cho nhà nước gần 1.000 tỷ đồng; Thì năm 2017, doanh thu của của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt gần 73.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu trên 70.000 tỷ đồng, giá trị nhập khẩu trên 50.000 tỷ đồng; nộp ngân sách cho nhà nước trên 1.586 tỷ đồng [7] .

2.1.2. Cơ sở pháp lý về việc thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương được thành lập theo Quyết định số 96/2003/QĐ-TTg ngày 13/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập BQLKCN tỉnh Hải Dương. Theo Quyết định này, ban quản lý các KCN tỉnh Hải Dương là cơ quan trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu hình quốc huy. Biên chế và kinh phí hoạt động của Ban thuộc biên chế và ngân sách nhà nước cấp cho tỉnh Hải Dương. Ban quản lý các KCN tỉnh Hải Dương có chức năng quản lý các khu công nghiệp trên địa bản tỉnh Hải Dương và có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý khu công nghiệp theo quy định tại Điều 27 Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ. Ban quản lý các KCN tỉnh Hải Dương có Trưởng ban do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, một số Phó Trưởng ban, một số ủy viên do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương bổ nhiệm và bộ máy giúp việc theo quy định tại Điều 28 của Nghị định số 36/CP

ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ [30].

Một phần của tài liệu Địa vị pháp lý hành chính của ban quản lý các khu công nghiệp từ thực tiễn tỉnh hải dương (Trang 41 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)