Chương 2: THỰC TRẠNG ĐỊA VỊ PHÁP LÝ HÀNH CHÍNH CỦA BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP – TỪ THỰC TIỄN TỈNH HẢI DƯƠNG
2.3. Vị trí, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương
2.3.1. Vị trí, chức năng của Ban Quản lý khu công nghiệp
2.3.1.1.Vị trí, chức năng của Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Hải Dương trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước
Theo quy định của pháp luật, Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Hải Dương là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Ban này có chức năng quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong khu công nghiệp.
Ban quản lý khu công nghiệp là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, chịu sự chỉ đạo và quản lý về tổ chức, biên chế, chương trình kế hoạch công tác và kinh phí hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ban quản lý các KCN chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của các bộ, ngành quản lý về ngành, lĩnh vực có liên quan. Ban có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác quản lý khu công nghiệp.
Về tư cách pháp nhân và tổ chức hoạt động: Ban quản lý khu công nghiệp có tư cách pháp nhân; có tài khoản và con dấu mang hình quốc huy. Kinh phí quản lý hành chính nhà nước, kinh phí hoạt động sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch hàng năm và nguồn kinh phí khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong thực hiện chức năng quản lý KCN, ngoài các công việc được phân công, phân cấp Ban phải phối hợp các cơ quan chuyên môn để quản lý hiệu quả.
Về nguyên tắc, việc phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế phải gắn với năng lực, trình độ và tổ chức của Ban quản lý, đảm bảo sự ổn định, tạo điều kiện để thực hiện cơ chế hành chính "một cửa tại chỗ", hỗ trợ
nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong khu công nghiệp. Các bộ, ngành chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Nội vụ ban hành các điều kiện, tiêu chí để phân cấp, ủy quyền trong từng lĩnh vực quản lý theo nguyên tắc tạo điều kiện cho các Ban quản lý khu công nghiệp thực hiện cơ chế hành chính
"một cửa tại chỗ” và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước khu công nghiệp.
Ban quản lý các KCN tỉnh Hải Dương được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, dựa trên hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong những giai đoạn khác nhau và ngày càng được bổ sung, hoàn thiện.
Theo quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP, Nghị định số 114/2015/NĐ-CP hiện nay được thay bởi Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ , thì các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương thực hiện chức năng QLNN đối với các KCN bao gồm: Chính phủ, các Bộ, ngành. Các cơ quan này có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp ban quản lý các KCN trong công tác QLNN đối với KCN.
Trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, ban quản lý các KCN xây dựng quy hoạch chung xây dựng KCN; Xây dựng phương án phát hành trái phiếu công trình; Phương án huy động các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội quan trọng trong KCN trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo thẩm quyền; Ban quản lý các KCN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư tại khu công nghiệp; Phối hợp với Bộ KH&ĐT trong việc xây dựng và quản lý hệ thống thông tin về KCN; Báo cáo định kỳ với Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành có liên quan về tình hình: Xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; thực hiện việc cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
triển khai và hoạt động của dự án đầu tư; thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước; thực hiện các quy định của pháp luật lao động và các biện pháp bảo vệ môi trường trong KCN; Ban Quản lý KCN tham gia ý kiến với các bộ, ngành và
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy hoạch có liên quan đến hoạt động đầu tư, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; Ban Quản lý KCN thực hiện luật pháp, chính sách về khu công nghiệp dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, các Bộ, ngành.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về KCN trong phạm vi cả nước, trên cơ sở đó phân công nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho từng Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ban Quản lý trong công tác QLNN đối với KCN và chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển và ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về KCN. Bộ KH&ĐTchủ trì giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với KCN trong phạm vi cả nước. Bộ KH&ĐT có trách nhiệm Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan xây dựng, điều chỉnh Quy hoạch phát triển khu công nghiệp và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 18/7/2016 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức BQLKCN tỉnh Hải Dương, Ban Quản lý các KCN Tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn dưới sự phân công, ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp theo quy định của pháp luật; Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ phục vụ công tác quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực được giao; Tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực đầu tư, môi trường lao động, thương mại, xây dựng thuộc phạm vi quản lý nhà nước được phân cấp, ủy quyền của ban quản lý; tham gia thanh tra, tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; thực hiện phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí.
Ban quản lý các KCN được phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức, vị trí
việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, ban quản lý này cũng thực hiện chế độ tiền lương và chính sách chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Ban theo quy định của pháp luật. Ban quản lý các KCN quản lý và chịu trách nhiệm về tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật; Tổ chức phong trào thi đua và khen thưởng cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
2.3.1.2. Vị trí, chức năng của Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Hải Dương trong bộ máy hành chính của tỉnh Hải Dương
Ngày 18/7/2016, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức BQLKCNthuộc UBND tỉnh. Ban quản lý các KCN thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp đối với các KCN trên địa bàn tỉnh và có nhiệm vụ xây dựng các văn bản trình UBND tỉnh.
Ngoài ra, ban quản lý còn có nhiệm vụ giúp UBND tỉnh quản lý việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng, phát triển khu công nghiệp.
Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, cơ chế, chính sách về khu công nghiệp sau khi được ban hành, phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, theo dõi thi hành pháp luật về khu công nghiệp của tỉnh.
Ban quản lý các KCN là một thiết chế quản lý đặc biệt trong hệ thống chính quyền địa phương (CQĐP). Chính quyền địa phương là hệ thống các cơ quan nhà nước ở địa phương bao gồm HĐND và UBND cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc ở ba cấp: tỉnh, huyện và xã. UBND cấp tỉnh là cơ quan hành chính cao nhất tại địa phương, có thẩm quyền chung trong QLNN trên địa bàn toàn tỉnh. Các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh được thành lập theo hướng dẫn của Chính Phủ, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng QLNN ở địa phương trong lĩnh vực được phân cấp, hoặc hướng dẫn của các bộ, ngành.
Cơ quan chuyên môn chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cùng cấp, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn cấp trên. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn có trách nhiệm giải trình với UBND cùng cấp, cơ quan chuyên môn cấp trên và với HĐND cùng cấp. Bộ máy CQĐP còn có UBND cấp huyện cùng các phòng, ban trực thuộc và UBND cấp xã để phân cấp thực hiện QLNN theo lãnh thổ, kết hợp với quản lý theo ngành, lĩnh vực trên địa bàn toàn tỉnh. UBND cấp huyện cùng các phòng, ban trực thuộc thực hiện chức năng QLNN trên địa bàn lãnh thổ hành chính của huyện, chịu sự chỉ đạo của UBND cấp tỉnh và QLNN theo ngành, lĩnh vực của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Uỷ ban nhân dân xã là cấp chính quyền cơ sở, thực hiện chức năng QLNN trên lãnh thổ hành chính của xã theo phân cấp, chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện và HĐND cùng cấp, đồng thời chịu tác động của QLNN theo ngành, lĩnh vực của các cơ quan chuyên môn cấp huyện. Bên cạnh hệ thống các cơ quan thuộc bộ máy CQĐP, còn có các cơ quan của Trung ương đóng trên địa bàn địa phương thực hiện chức năng QLNN theo ngành dọc như: thuế, hải quan, cảng vụ hàng hải…
Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Hải Dương, không phải là cơ quan chuyên môn. Tuy là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KCN, được sử dụng con dấu hình Quốc huy, nhưng trên thực tế, theo quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, Nghị định 164/2013/NĐ-CP, thẩm quyền của Ban Quản lý rất hạn chế, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ theo sự ủy quyền của cơ quan nhà nước khác, không được giao phụ trách bất kỳ ngành, lĩnh vực riêng biệt nào, nhưng lại thực hiện nhiều chức năng thuộc lĩnh vực quản lý của nhiều cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh như cấp giấy phép đầu tư, lao động, giấy phép xây dựng…, được phân cấp, ủy quyền nhiều chức năng của một cơ quan có thẩm quyền chung như phê duyệt quy hoạch, quyết định đầu tư dự án từ vốn ngân sách, giao đất, cho thuê đất… Ban quản lý các KCN có con dấu hình quốc huy nhưng không phải là cơ quan có thẩm quyền chung như UBND huyện. Ban quản lý các KCN vừa có những chức năng giống
và thậm chí có một số chức năng vượt trội hơn so với các cơ quan chuyên môn của tỉnh như giao lại đất, cho thuê lại đất, ban hành phí,… và UBND huyện như thẩm quyền quyết định đầu tư, cấp phép đầu tư, quản lý lao động,… nhưng lại không có những chức năng quan trọng mà các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND huyện có như thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính, quản lý dân cư, nông nghiệp…Như vậy ban quản lý các KCN là một bộ phận ở cấp tỉnh trong bộ máy CQĐP ba cấp, mang tính chất như là một chính quyền không đầy đủ, lý do đó thể hiện ở vị trí nó nằm chồng lấn giữa cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và chính quyền cấp huyện. Mặc dù các cơ quan chuyên môn như các sở, ban, ngành…có thẩm quyển quản lý và giải quyết trong phạm vi lĩnh vực nó quản lý nhưng chỉ đối với ngoài KCN, còn trong KCN thì thẩm quyền thuộc về BQLKCN là cơ quan phối hợp các cơ quan quản lý trên nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết các vấn đề có tính chất đan xen, mà không có một cơ quan nào khác có đủ năng lực để quản lý và giải quyết được.
Để làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BQLKCN tỉnh Hải Dương trong bộ máy hành chính Nhà nước của Tỉnh, phải xem xét các mối quan hệ hành chính giữa nó với UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và chính quyền cấp huyện, chính quyền xã (các xã có KCN đặt trên địa bàn), thông qua việc phân cấp, phân quyền, hay các hoạt động ủy quyền trực tiếp cho ban quản lý các KCN thực hiện.