Địa vị pháp lý hành chính của cơ quan quản lý các Khu công nghiệp tại vùng lãnh thổ Đài Loan

Một phần của tài liệu Địa vị pháp lý hành chính của ban quản lý các khu công nghiệp từ thực tiễn tỉnh hải dương (Trang 37 - 41)

Chương 1: CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ ĐỊA VỊ PHÁP LÝ HÀNH CHÍNH CỦA BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

1.3. Địa vị pháp lý hành chính của cơ quan quản lý các khu công nghiệp ở một số nước và vùng lãnh thổ các nước trên thế giới

1.3.2. Địa vị pháp lý hành chính của cơ quan quản lý các Khu công nghiệp tại vùng lãnh thổ Đài Loan

Giống như nền kinh tế Việt Nam, Đài loan cũng xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, cây trồng chủ yếu là cây mía và lúa nước, thuộc loại hình kinh tế hải đảo, đất hẹp người đông (diện tích Đài loan khoảng 36.000 km2, chủ yếu là đất đồi núi; dân số hơn 23 triệu người, trình độ học vấn cao), tài nguyên khoáng sản nghèo nàn, mức độ phụ thuộc của nền kinh tế trong nước vào hoạt động ngoại thương rất lớn. Đài Loan thực hiện một “cơ cấu kinh tế hướng ngoại”. Với sự giúp đỡ của Mỹ từ giai đoạn 1953- 1962, Đài Loan đã chọn cho mình một phương thức thích hợp để phát triển công nghiệp và tiến hành CNH, trong đó có áp dụng các mô hình phát triển KCN. KCN đầu tiên của Đài Loan bắt đầu được xây dựng ở Kulung năm 1960, đến năm 1991 Đài Loan đã có 95 KCN với tổng diện tích 13.000 ha. Theo số liệu của Bộ Kinh tế Đài Loan, hiện có 88 KCN đang hoạt động trên khắp lãnh thổ với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 11.422 ha, thu hút được hơn 11.000 dự án đầu tư, trong đó Cục Phát triển công nghiệp (IDB) trực tiếp quản lý 62 KCN trên cả nước cùng 41 trung tâm xử lý nước thải và 2 bến cảng có vai trò quan trọng tới việc phát triển các vùng.

Ngoài ra có 23 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích 18.414 ha và 18 KCN khác đã được quy hoạch với tổng diện tích gần 4.400 ha.

Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của WEF 2012-2013, Đài Loan được xếp hạng nhất trong số 144 nền kinh tế trên toàn thế giới về "tình trạng phát triển KCN”. Có ba loại khu công nghiệp được phát triển ở Đài Loan là: “Các khu công nghiệp dựa trên khoa học” (thuộc thẩm quyền phát triển của Hội đồng khoa học quốc gia), “khu chế xuất” (thuộc thẩm quyền phát triển của Văn phòng Quản lý Khu chế xuất, MOEA) và “các khu công nghiệp” (do Cục Công nghiệp trực thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp tư nhân phát triển).

Cục Công nghiệp (IDB- Industrial Development Bureau) trực thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan (MOEA-Ministry of Economic Affairs) là cơ quan đồi mối

Quản lý Nhà nước đối với các KCN chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và điều hành hoạt động của các KCN trong phạm vi toàn lãnh thổ; ban hành các văn bản pháp lý, xây dựng các chuẩn mực cho phát triển KCN. Căn cứ vào tiến trình phát triển, hình thức tổ chức quản lý được thay đổi cho thích hợp.

Trong thời kỳ đầu, chính quyền Trung ương Đài Loan thống nhất quản lý đối với tất cả các KCN, KCX trên phạm vi toàn lãnh thổ, bao gồm từ việc xây dựng chiến lược phát triển các KCN, hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp và các KCN, lựa chọn vị trí xây dựng KCN, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KCN, vận động xúc tiến đầu tư và triển khai các dự án đầu tư. Khi các KCN đã đi vào hoạt động ổn định, Chính quyền Trung ương tiến hành phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương (trừ những KCN có vị trí chiến lược, sản xuất các mặt hàng mũi nhọn, có tác động lớn đối với nền kinh tế). Hiện tại, Cục Công nghiệp thuộc Bộ Kinh tế trực tiếp quản lý theo hình thức thành lập Ban điều hành KCN, do các doanh nghiệp KCN cử đại diện, chính quyền Trung ương không thành lập cơ quan quản lý riêng cho từng khu, hoặc cụm khu công nghiệp. Đối với các KCN do tư nhân xây dựng, chủ đầu tư chịu trách nhiệm hoàn toàn việc đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN theo đúng quy hoạch của Chính phủ. Đối với các KCN do Chính phủ đầu tư, Cục Phát triển kinh tế sẽ thành lập nhóm công tác phát triển KCN với thành phần đại diện các cấp chính quyền Trung ương và địa phương cũng như các cơ quan chức năng của Bộ Kinh tế như Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững, Cơ quan quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, Cục Bảo vệ môi trường... Nhóm công tác này được tổ chức thành những bộ phận chuyên trách đảm nhiệm các chức năng, nhiệm vụ cụ thể: Bộ phận hoạt động kinh doanh có trách nhiệm đầu tư, xây dựng và phát triển KCN sau khi dự án đầu tư đã được thông qua; tự huy động các nguồn vốn cần thiết để triển khai dự án và thu hồi vốn đầu tư qua việc bán, cho thuê đất đã có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh. Việc lập kế hoạch, thiết kế và giám sát xây dựng sẽ do các bộ phận tư vấn kỹ thuật chuyên trách đảm nhiệm. Việc phối hợp công

tác xây dựng với phát triển KCN như thu hồi đất, đăng ký đất đai, kết nối hạ tầng đòi hỏi sự hỗ trợ của các cấp chính quyền Trung ương, địa phương có liên quan. Sau khi đã hoàn tất việc xây dựng KCN, nhóm công tác phát triển KCN sẽ ban hành các điều lệ quản lý nhằm quy định các hoạt động của các nhà máy trong KCN, các quy định về bảo vệ môi trường, thuê nhân công và các dịch vụ tiện ích khác.

Các doanh nghiệp KCN chịu sự quản lý của chính quyền địa phương và các ngành chức năng như những doanh nghiệp ngoài KCN. Do có sự phân cấp quản lý và phân loại KCN rõ ràng nên Nhà nước và địa phương có điều kiện tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng một hệ thống kết cấu đồng bộ, hiện đại tạo điều kiện cho KCN phát triển không bị chồng chéo, trùng lắp đảm bảo khai thác tốt các nguồn lực và đạt hiệu quả cao.

Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động của các KCN ở Đài Loan như cấp phép đầu tư, hải quan, thuế… được tiến hành theo cơ chế “một cửa”. Chính quyền Trung ương quy định rất rõ, người có nhu cầu giải quyết công việc chỉ cần đến một nơi, ở đó sẽ được thông báo công khai tiến trình, thời hạn xử lý công việc. Nơi nhận hồ sơ sẽ chịu trách nhiệm đôn đốc, xử lý công việc ở các khâu tiếp theo và trả kết quả đúng hẹn cho người có nhu cầu.

Các chính sách và biện pháp của chính quyền Đài Loan hoàn toàn không theo nguyên tắc cứng nhắc, mà luôn đổi mới sát theo tình hình thực tế. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, các chính sách quản lý các KCN được chính phủ Đài Loan đề ra đều rất chú trọng đến tính tổng thể, có tầm nhìn dài hạn và toàn cục được xây dựng trên cơ sở cân nhắc rất kỹ mục tiêu CNH cho từng thời kỳ. Có thể nói, hệ thống chính sách kinh tế của Đài Loan luôn được hoạch định và điều chỉnh kịp thời khi tình hình kinh tế- xã hội trong nước và quốc tế thay đổi, nên nó có tính năng động và tính khả thi cao, thực sự trở thành kim chỉ nam, là đòn bẩy kích thích sự phát triển của các KCN

Tiểu kết chương 1

Học tập kinh nghiệm từ các quốc gia trên Thế giới có thể nhận thấy được sự hình thành và phát triển các KCN thực sự có hiệu quả trong vấn đề phát triển đất nước. Bởi vì, phát triển KCN giúp cho những người lãnh đạo đất nước đặc biệt là những nước đang phát triển giải bài toán về giải quyết việc làm cho người lao động, thu hút công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm phát triển công nghiệp, hay nói cách khác là nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ các nước phát triển.

Ở Việt Nam sự hình thành, phát triển các khu công nghiệp đã tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì thế, phát triển bền vững các KCN sẽ góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Để xây dựng và phát triển bền vững các KCN đòi hỏi phải có cơ quan quản lý chuyên ngành về KCN cùng với đó là những quy định về cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư từ trong nước và nước phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội ngày càng mạnh hơn.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, Chính phủ đã thành lập ra BQLKCN với chức năng giúp Thủ tướng CP và UBND tỉnh quản lý KCN. Để BQLKCN phát huy được vai trò của mình trong quá trình thực hiện quản lý KCN Chính phủ cũng trao cho BQLKCN quyền quản lý thông qua những quy định của pháp luật để từ đó tạo ra cơ sở pháp lý cho BQLKCN xác định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình, lúc ấy, hoạt động quản lý và phát triển KCN mới đúng định hướng của Đảng và Nhà nước đưa ra góp phần thúc đẩy cho sự nghiệp phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.

Bằng sự tìm hiểu, nghiên cứu cùng với kinh nghiệm thực tiễn của các nước. Luận văn đã đưa ra được những quan điểm riêng về vấn đề lý luận cơ bản trong khái niệm cũng như đặc điểm, vai trò của KCN và cơ quan quản lý của KCN là BQLKCN để từ đó khái quát lên được địa vị pháp lý hành chính cũng như yếu tố cấu thành của nó. Và đây chính là nền móng cơ sở để tác giả đi tiếp trong những chương sau.

Chương 2

Một phần của tài liệu Địa vị pháp lý hành chính của ban quản lý các khu công nghiệp từ thực tiễn tỉnh hải dương (Trang 37 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)