CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN TƯ TƯỞNG XÃ HỘI TRUYỀN THỐNG Ở TRUNG HOA VÀ VIỆT NAM
1.2. Tổng quan cơ sở tư tưởng
1.2.2. Đặc điểm tư tưởng xã hội Việt Nam truyền thống và giao lưu văn hóa tư tưởng Việt Nam – Trung Hoa
1.2.2.1. Đặc điểm tư tưởng xã hội Việt Nam truyền thống
Cũng như cộng đồng Trung Hoa, cộng đồng Việt Nam đã được hình thành cách đây hàng ngàn năm, được biết đến như cái nôi của văn minh loài người - nền văn minh lúa nước. Trên nền tảng phát triển kinh tế - xã hội thời Đông Sơn, trước những đòi hỏi của công cuộc trị thủy và vừa dựng nước vừa chống xâm lăng vô cùng gian khổ, cộng đồng người Việt Nam đã dần tạo ra truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, yêu nước, tương thân tương ái, sống có đạo lý, coi trọng nhân nghĩa.
Lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm đã đòi hỏi người Việt Nam phải liên
kết lại với nhau. Điều này đã tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa con người Việt Nam với thiên nhiên, giữa con người với nhau trong mối quan hệ gia đình, láng giềng, dòng họ cũng như trong mối quan hệ với xã hội (nhà - làng - nước - dân tộc). Như vậy có thể thấy rằng, tư tưởng xã hội Việt Nam truyền thống là tổng hòa những quan niệm, tư tưởng, lý luận của những tình cảm, ước muốn, tâm trạng, truyền thống của dân tộc Việt Nam, phản ánh điều kiện kinh tế, chính trị, lịch sử, đạo đức, thẩm mỹ của dân tộc Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử.
Từ những giới thiệu về các khái niệm liên quan đến hệ tư tưởng, hệ tư tưởng xã hội v.v. ở trên mà chúng ta hiểu được rằng tư tưởng dân tộc là tư tưởng của một xã hội cụ thể. Ở tính độc lập của mình, những tư tưởng ấy quy định những nội dung tâm lý của mỗi cá nhân trong đó, nó mang tính kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những tư tưởng này có mặt tích cực, và cũng có cả những hạn chế nhất định mà chúng ta vẫn thường gọi là những hạn chế của lịch sử.
Theo phân tích của tác giả Trần Ngọc Thêm [41], văn hóa Việt Nam mang các đặc trưng cơ bản gồm tính cộng đồng, tính tổng hợp, tính linh hoạt, tính ưa hài hòa và xu hướng coi trọng âm tính, hết thảy được đúc kết qua quá trình ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội xuyên suốt mấy ngàn năm lịch sử.
Ngoài những đặc điểm trên, tư tưởng xã hội Việt Nam truyền thống còn có những đặc điểm nổi bật sau:
1). Mặt khác với sự tiếp thu và ảnh hưởng từ những nguồn tư tưởng ngoại nhập (giao lưu tiếp biến văn hóa), nên dưới góc nhìn của văn hóa bản địa, người Việt khi bàn đến các phạm trù về thế giới quan đã sử dụng các khái niệm mang tính chất trừu tượng song song với các khái niệm dân dã. Ví dụ: Thuyết Thiên mệnh, Trời, Phật (Bụt) v.v.
2). Trong thời kỳ lịch sử lâu dài có sự tích hợp giữa ba hệ tư tưởng lớn từ Trung Hoa đó là Nho – Phật – Đạo (tư tưởng tam giáo) với tín ngưỡng dân gian phù hợp với tư duy và bản sắc văn hóa của người Việt Nam.
Đặc thù lịch sử dân tộc, tạo ra những nhu cầu tư tưởng ở mỗi giai đoạn khác
nhau, song vai trò của tam giáo trên nền tảng văn hóa bản địa đã tạo nên diện mạo bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Việt Nam. Người Việt đã tiếp thu và “tái sáng tạo” một cách linh hoạt những giá trị văn hóa tiếp thu từ các nền văn hóa khác đã tạo ra một nền văn hóa truyền thống rất riêng của mình.
3). Tư tưởng về khối dân tộc thống nhất, độc lập tự chủ là nét độc đáo, xuyên suốt trong lịch sử tư tưởng dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Có thể nói ngay từ trong thời phong kiến, các triều đại Việt Nam đã có ý thức về vấn đề độc lập dân tộc gắn với đại đoàn kết các cộng đồng tộc người trên cùng một lãnh thổ. Hưng Đạo Đại Vương từng nói: “Lúc bình thời phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”. Sau này Nguyễn Bỉnh Khiêm - vị Trạng Trình nổi tiếng của Việt Nam trong bài Cảm hứng đã viết rằng
“Cổ lai quốc dĩ dân vi bản - Đắc quốc ưng tri tại đắc dân” (Xưa nay nước lấy dân làm gốc; Được nước biết là chỗ được dân) [22].
1.2.2.2. Giao lưu văn hóa Việt Nam - Trung Hoa
Với vị trí địa lý là giao điểm của các luồng văn hóa, có thể nói quá trình phát triển lịch sử - xã hội của Việt Nam đã bị chi phối mạnh mẽ bởi các quan hệ giao lưu văn hóa rộng rãi với Đông Nam Á, Trung Hoa, Ấn Độ và phương Tây. Trong đó quan hệ với văn hóa Trung Hoa để lại dấu ấn sâu đậm hơn cả, nó khiến cho trong nhận thức của nhiều người đã có định kiến cho rằng văn hóa Việt Nam chỉ là sản phẩm của văn hóa Trung Hoa, là một bộ phận của văn hóa Trung Hoa, trong khi thực tế thì vấn đề này lại phức tạp hơn rất nhiều [41].
Nhìn chung, sự giao lưu văn hóa tư tưởng của Việt Nam và Trung Hoa ngày xưa có thể chia thành hai giai đoạn:
(1) Giai đoạn văn hóa thời kỳ giành độc lập
Khởi đầu từ tr.CN và kéo dài dến khi Ngô Quyền giành lại độc lập cho Việt Nam. Tư tưởng văn hóa giai đoạn này gồm 3 đặc điểm: Thứ nhất là ý thức đối kháng và thường trực trước nguy cơ xâm lăng từ phía trong phong kiến phương Bắc;
thứ hai là sự suy tàn của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc và thứ ba là giai đoạn
văn hóa giao lưu - tiếp nhận văn hóa Trung Hoa và khu vực, cũng tức là mở đầu cho quá trình văn hóa Việt Nam hội nhập vào văn hóa khu vực.
(2) Giai đoạn văn hóa Đại Việt
Văn hóa thời kỳ này phát triển mạnh mẽ về mọi phương diện với sự dung hòa của cả ba tôn giáo lớn ảnh hưởng từ văn hóa truyền thống Trung Hoa là Nho giáo - Phật giáo - Đạo giáo. Đặc biệt đến thời Lê, Nho giáo đạt đến độ thịnh vượng nhất và nắm trong tay toàn bộ guồng máy xã hội [41].
Tuy nhiên, dân tộc Việt Nam đã biết tiếp thu chữ Hán và Nho học một cách sáng tạo, biến nó trở thành công cụ tăng sức mạnh cho dân tộc. Văn hóa Nho giáo để lại dấu ấn đậm trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Nho giáo ở Việt Nam có tính chất tôn giáo (như thờ cúng tổ tiên; tế lễ ở Văn Miếu, Tông Miếu và Đàn Nam giao, hệ thống Khổng Tử Thánh Điện (Chơn Minh Đạo) ở Nam Bộ v.v.) nhưng mặt chính của nó là quản lý xã hội, được coi là một học thuyết chính trị – xã hội. Đó là một tiếp biến văn hóa tích cực. Diện mạo mới đó là nêu cao chữ “Nhân Nghĩa” và “Lễ”, mà “Nhân Nghĩa” ở đây “cốt để yên dân” [41]. Văn hóa Việt Nam chủ động giao lưu tiếp biến văn hóa ngoại lai, góp phần tăng sức mạnh cho dân tộc để giữ vững bản sắc văn hóa đất nước.
Trên đại thể, các đặc điểm quan trọng của hệ tư tưởng xã hội Việt Nam trên đây có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển truyền thống chữ Hiếu, trong đó yếu tố bản địa hóa và kiến tạo bản sắc văn hóa trong văn hóa Việt Nam trong truyền thống chữ Hiếu cũng hết sức nổi bật.
Tiểu kết Chương 1
Trong Chương 1, luận văn đã đi từ việc giới thiệu các khái niệm cơ bản liên quan đến đề tài nghiên cứu như “văn hóa”; “các đặc trưng văn hóa”; “chức năng của văn hóa”; “hệ tư tưởng”, “hệ tư tưởng xã hội” kết hợp giới thiệu các góc nhìn, lý thuyết nghiên cứu được áp dụng trong luận văn nhằm tạo cơ sở để triển khai các chương tiếp theo được chọn lọc và chuẩn xác hơn.
Tiếp đó, tác giả đã giới thiệu tổng quan các tư tưởng xã hội Trung Hoa và Việt Nam truyền thống, qua đó đã đưa ra được những đặc điểm cơ bản trong hệ thống nhận thức, quan niệm đã chi phối xã hội Trung Hoa và Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử, nhiều quan niệm trong đó vẫn có vai trò “thống lĩnh” trong xã hội ngày nay. Nổi bật nhất trong các hệ tư tưởng xã hội Trung Hoa cổ đại, chi phối mọi giai tầng xã hội đó chính là tư tưởng Nho giá do Khổng Tử đề xuất. Ngoài ra, Đạo giáo, Phật giáo cũng có những ảnh hưởng không nhỏ.
Với xã hội Việt Nam truyền thống, tuy về mặt lý thuyết chưa có một hệ tư tưởng mang tính hệ thống và “bài bản” như các học thuyết của Trung Hoa (Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo...) nhưng không vì vậy mà người Việt Nam tiếp thu một cách “hỗn tạp” các đặc trưng của tư tưởng xã hội Trung Hoa truyền thống. Ngược lại, với những đặc tính riêng của cư dân gốc nông nghiệp trồng lúa nước, người Việt đã tiếp thu một cách có chọn lọc và sáng tạo các tư tưởng ấy, biến chúng thành những nét đặc trưng riêng mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam mà không quốc gia nào có được, chẳng hạn như sự dung nạp và tiếp nhận cả ba tôn giáo Nho - Đạo - Phật là một ví dụ điển hình. Những cơ sở lý luận trên đây sẽ là nền tảng để tác giả tiếp tục thực hiện Chương 2 và 3 của luận văn.