CHƯƠNG 3: QUAN NIỆM VÀ GIÁ TRỊ CHỮ HIẾU TRONG XÃ HỘI TRUNG HOA
3.4. Đặc điểm truyền thống chữ Hiếu trong văn hóa Trung Hoa
Câu nói kinh điển của Nho gia “Phu hiếu, thiên chi kinh dã, địa chi nghĩa dã, dân chi hành dã” (夫孝, 天之經也, 地之義也, 民之行也) đã nêu lên đặc điểm đầu tiên của chữ Hiếu đó là tính tự nhiên. Khi nói chữ Hiếu thành việc “Thiên kinh nghĩa địa”, tức là chúng ta đã đi từ góc độ suy luận trên mối quan hệ về huyết thống.
Mặc dù nội hàm của truyền thống Hiếu đạo là hệ thống các quy định khắt khe với hành vi, chuẩn mực ứng xử trong xã hội của con người, nhưng tính logic về mặt nguồn gốc của chữ Hiếu chính là sự giải thích đúng đắn nhất cho đặc tính tự nhiên này của chữ Hiếu. Tục ngữ Trung Hoa có câu “Công đáo tự nhiên thành (功到自然 成), hễ có thế chế gia đình hoàn chỉnh thì tự nhiên sẽ có truyền thống chữ Hiếu [85].
Trong hệ giá trị chữ Hiếu, huyết thống không chỉ là cơ sở để con người tồn tại trong gia đình một cách tự nhiên nhất, mà còn là cơ sở để anh ta có thể tồn tại được ở trong môi trường xã hội, giúp anh ta định vị được bản thân trong xã hội cũng như tự quy phạm hành vi, chuẩn mực cho mình. Và cũng chính từ những sự “bất bình đẳng” một cách “tự nhiên” trong các mối quan hệ huyết thống đó, xã hội đã tạo ra những sự phân công khác nhau cho từng đối tượng cụ thể. Văn hóa Hiếu đạo của người Trung Hoa là một dạng văn hóa mang tính đẳng cấp, nó cùng với chế độ tông pháp của xã hội Trung Hoa truyền thống là hai mặt của cùng một vấn đề.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trước Nho giáo đã có truyền thống chữ Hiếu, các triều đại phong kiến Trung Hoa đã “lý luận hóa” và “thể chế hóa” đạo đức chữ Hiếu.
Kể từ đó, quan niệm về chữ Hiếu dần dà được hoàn chỉnh và cố định, trở thành một trong những giá trị đạo đức kinh điển của mỗi con người Trung Hoa.
Tác giả luận văn trong thời gian học tập 1 năm ở Hà Nội đã có dịp đến thăm tại gia đình chị N.T.T. (Hà Nội) và được chị cho biết rằng gia đình chị đã sinh sống ở Hà Nội được 6 đời (từ kỵ ngoại, kỵ nội) và tương đối truyền thống, gia giáo. Khi
phỏng vấn chị một số vấn đề về chữ Hiếu thì được chị cho biết rằng ở các thế hệ trước, quan niệm của ông cha về chữ Hiếu khá hà khắc, đời cụ, kỵ thì phần lớn học chữ Nho nên chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo, quan niệm phổ biến trong gia đình vẫn là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, nhưng đến thời ông nội chị trở đi (sinh vào thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ) nên đã có nhiều chuyển biến, đặc biệt là việc tự do hôn nhân, trong sinh hoạt gia đình hàng ngày con cái cũng được tranh luận và đưa ý kiến với cha mẹ nếu không đồng tình mà không còn bị phê phán là vô lễ hay bất hiếu như thời cụ, kỵ của gia đình chị nữa. Tất nhiên về cơ bản, do chịu ảnh hưởng nhiều từ gia phong và truyền thống giáo dục của dòng họ nhiều đời, về cơ bản trong các sinh hoạt hàng ngày ở gia đình chị, người quyết định và có tiếng nói nhất vẫn là bố và mẹ của chị. Đây là tính cố hữu trong đặc trưng về nguồn gốc của chữ Hiếu.
3.4.2. Đặc trưng về quá trình phát triển: tính lịch sử
Nền văn hóa Hiếu đạo truyền thống được coi là hòn đá hộ mệnh của hệ thống đạo đức phong kiến, là công cụ để các nhà thống trị đương thời thực hiện hiệu quả chính sách “ngu dân”. Nói cách khác, nó là công cụ được ra đời với mục đích phục vụ và bảo vệ cho chế độ quân chủ chuyên chế phong kiến. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử đầy biến động của các triều đại, dần dần chữ Hiếu đã bị tuyệt đối hóa, cực đoan hóa, với sự phức tạp càng ngày càng tăng cả về nội dung lẫn hình thức, đặc biệt là tính chất phong kiến hà khắc, độc đoán xa rời thực tế ngày càng nổi bật. Tất cả những điều này dẫn đến những hệ quả là một mặt, chữ Hiếu mang lại những ảnh hưởng tích cực với gia đình, với cộng đồng. Nhưng mặt khác những tồn tại, những tàn dư từ chế độ “Hiếu trị” của xã hội cũ cũng để lại nhiều hậu quả cho xã hội Trung Hoa ngày nay và vẫn chưa thể khắc phục [76].
Quan niệm chữ Hiếu dù không có thay đổi lớn về ý nghĩa song nội hàm và ngoại diên của quan niệm chữ Hiếu thay đổi theo hướng sâu sắc hóa và “thiêng liêng hóa” dưới ảnh hưởng của Nho giáo.
Là con một trong một gia đình thuộc thế hệ sau cải cách mở cửa của Trung
Hoa nên tác giả luận văn ít nhiều có thể cảm nhận được tính lịch sử này. Điển hình như cha mẹ của tác giả, do sinh vào thời kỳ Trung Quốc đẩy mạnh cải cách mở cửa với nỗ lực xóa bỏ nhiều hệ lụy, tàn dư của các triều đại phong kiến cũng như những hủ tục được lưu truyền hàng ngàn đời nay nên họ được tiếp thu nhiều cái mới, nhiều quan niệm cũ đã thay đổi, nhất là trong quan niệm về giáo dục con cái, quan niệm về chữ Hiếu. Bản thân tác giả ngay từ nhỏ đã luôn được lựa chọn những việc mình thích, được thoải mái bày tỏ quan điểm và có thể phản biện lại những ý kiến của cha mẹ nếu không đồng tình, dù là trong vấn đề học hành hay quan niệm về hôn nhân cũng không bao giờ bị ép buộc hay gò bó theo khuôn khổ những lễ nghi phong
kiến. .
Ngược lại, khi tác giả đến thăm quan và phỏng vấn một số khu vực tập trung nhiều người dân tộc thiểu số ở khu vực Hà Khẩu, Vân Sơn, Đại Lý, Lệ Giang tỉnh Vân Nam thì vẫn được thấy các trưởng bối lớn tuổi có địa vị cao trong các bản làng vùng sâu, có một vị lớn tuổi tên là Hei Mai Zu Yin cho biết rằng đến giờ dân tộc họ vẫn giữ nhiều quan niệm về hôn nhân của cha ông, trong đó vai trò của người chồng vẫn là “độc tôn” trong gia đình. Mô hình gia đình hạt nhân phổ biến vẫn là người chồng đi làm còn người vợ ở nhà chăm con, phụng dưỡng cha mẹ chồng (nếu còn sống). Việc người vợ đi làm cho đến nay vẫn không được khuyến khích.
3.4.3. Đặc trưng bản chất: tính tôn ti và tính mực thước
Tôn ti(尊卑) là một thuật ngữ Hán Việt, ám chỉ trật tự xã hội có thứ bậc rành mạch từ trên xuống. Vềtính mực thước (tiếng Trung làtính chuẩn tắc 准则性), tác giả Trần Ngọc Thêm trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (1999) đã dùng khái niệm này để bàn về chuẩn mực truyền thống văn hóa làng xã nông thôn Việt Nam. Trong văn hóa Trung Hoa, để bàn về sự nghiêm túc, tính chỉnh chu trong việc tuân thủ một nguyên tắc nào đó, người ta dùng đặc trưng tính chuẩn tắc để gọi tên.
Chuẩn là chuẩn mực,tắc là phép tắc. Tính chuẩn tắccũng có nghĩa nôm na là tính mực thước.
Tính “vô ngã” trong nội hàm văn hóa của chữ Hiếu thể hiện rất rõ rệt, điều này vô hình trung sẽ khiến những người thực hành Hiếu sẽ biến mình thành một công cụ
“không mang lại lợi ích cho bản thân”, cũng tức là hoàn toàn mất đi tính độc lập, tự chủ của chính mình. Nền tảng tinh thần của các bậc gia trưởng chuyên chế trong xã hội phong kiến đó là “Hiếu tử chi sự thân: Cư tắc trí kỳ kính, dưỡng tắc trí kỳ lạc, bệnh tắc trí kỳ ưu, tang tắc trí kỳ ai, tế tắc trí kỳ nghiêm”(孝子之事親也, 居則致 其敬,養則致其樂,病則致其憂,喪則致其哀,祭則致其嚴), nhấn mạnh “Việc phụng sự cha mẹ của người con hiếu là: Cư xử hết lòng kính trọng, dưỡng nuôi cố làm đẹp lòng, bệnh đau tận tâm lo lắng, tang ma hết sức xót thương, tế lễ nghiêm trang rất mực”. Cha mẹ có địa vị như những bậc “thánh thần siêu nhiên” mà người làm con tuyệt đối không được “mạo phạm”. Từ tư tưởng này mà dẫn đến tư tưởng “trung với nước”, người thực hành Hiếu không những phải Hiếu với cha mẹ trong gia đình, mà còn phải hết lòng bảo vệ tổ quốc, phải tuyệt đối trung thành với vua, vua bảo chết thì phải chết, không chết sẽ là bất trung, cũng tức là bất hiếu. Những tư tưởng phong kiến độc đoán, chuyên quyền như vậy thể hiện tính hà khắc và tàn khốc của chữ Hiếu trong nền văn hóa truyền thống Trung Hoa. Chính vì thế, một khi tính tôn ti phát triển quá mạnh mẽ sau quá trình thể chế hóa có thể dẫn tới đặc trưng tính hà khắc của quan niệm chữ Hiếu [86].
Những dẫn chứng cho tính tôn ti này không chỉ được thấy trong các gia đình mà chúng tôi thực hiện phỏng vấn hoặc trong cuộc sống hàng ngày ở xã hội Trung Hoa hiện đại mà còn là trong vô số tác phẩm văn học đã được lưu truyền hàng ngàn năm qua ở Trung Hoa (nhiều tác phẩm trong đó đã được chuyển dịch sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới bao gồm cả tiếng Việt), cũng không chỉ giới hạn trong Nho giáo. Ví dụ như truyện “Ngu Thuấn hành Hiếu cảm động trời đất” trong Sử Ký (史 記) [66]; truyện “Tăng Sâm hiền hiếu” trong Luận Ngữ [67]; đều là những minh chứng cho tính tôn ti có phần hà khắc của quan niệm về chữ Hiếu trong lịch sử Trung Hoa.
3.4.4. Đặc trưng nội dung: tính suy luận nhân - quả
Sở dĩ đạo Hiếu có thể đột phá bức tường huyết thống tông tộc để thâm nhập sâu rộng vào lĩnh vực đời sống chính trị, một trong những nguyên nhân quan trọng đó chính là tính suy luận nhân quả của chữ Hiếu. Những luân lý đương thời nói về đạo dạy con, đạo trị nước v.v. trong Hiếu Kinhlà những minh chứng cho đặc điểm này của chữ Hiếu. Chẳng hạn như người làm cha mẹ trong gia đình phải biết “Giáo dĩ hiếu, sở dĩ kính thiên hạ chi vi nhân phụ mẫu giả dã. Giáo dĩ đễ, sở dĩ kính thiên hạ chi vi nhân huynh giả dã. Giáo dĩ thần, sở dĩ kính thiên hạ chi vi nhân quân giả
dã” (教以孝, 所以敬天下之為人父母者也, 教以悌, 所以敬天下之為人兄者也。
教以臣,所以敬天下之為人君者也), đại ý của các câu này nghĩa là “dạy bảo con cái hiếu thảo thì chúng sẽ kính trọng cả cha mẹ người khác. Dạy bảo con cái kính trọng các bậc trưởng bối thì chúng sẽ kính trọng cả các bậc trưởng bối của người khác. Dạy bảo con cái có lòng kính trọng thiên hạ thì chúng sẽ là người lãnh đạo của nhân dân.”
Còn cái Hiếu của người được coi là “thiên tử” thì phải là “Ái kính tận ư sự thân, nhi đức hiếu gia ư bách tính, hình ư tứ hải, thiên tử chi hiếu dã” (愛敬盡於事 親, 而德孝於百姓, 刑於四海, 天子之孝也), có nghĩa là phải “Kính yêu hết lòng, phụng thờ cha mẹ, mà đức giáo hóa mở rộng ra đến trăm họ, khuôn phép đến với bốn bể”.
Đến cái Hiếu của chư hầu, của thanh quan cũng thể hiện rất rõ đặc tính “suy luận nhân quả” này: “Tại thượng bất kiêu, cao nhi bất nguy, tiết chế cẩn độ, mãn nhi bất dật, cao nhi bất nguy, sở dĩ thường thủ quí dã. Mãn nhi bất dật, sở dĩ thường thủ phú dã. Phú quí bất ly kỳ thân, nhiên hậu năng bảo kỳ xã tắc, nhi hòa kỳ dân nhân”
(在上不驕,高而不危。制節謹度,滿而不溢。高而不危,所以長守貴也。滿 而不溢,所以長守富也。富貴不離其身,然後能保其社稷,而和其民人), chỉ rõ người làm quan phải hiểu được rằng “Ở trên không kiêu căng, ngôi cao mà không
hiểm nguy, tiết chế giữ gìn pháp độ, đầy mà không đầy tràn. Ở ngôi cao mà không hiểm nguy, cho nên luôn giữ là sang, đầy mà không đầy tràn, cho nên luôn giữ là giàu. Giàu sang không xa rời thân mình, rồi sau có thể giữ gìn được xã tắc, mà người dân hòa vui” (tríchHiếu Kinh, Mục 3, chương chư hầu).
Lịch sử Trung Hoa đã chứng kiến nhiều câu truyện do người làm vua không giữ đạo làm vua - người làm con không giữ đạo làm con dẫn đến nước mất nhà tan.
Đặc biệt là trong thời kỳ rồi ren loạn lạc của các triều đại phong kiến tranh quyền đoạt vị, những câu truyện như vậy không phải hiếm. Hoàng đế Đường Hiến Tông (唐宪宗, 778-820) đến nay vẫn được xếp hạng là vị Hoàng đế bất hiếu nhất lịch sử Trung Hoa khi ông hại chết cha đẻ và đuổi mẹ đẻ ra khỏi nhà 10 năm không đến thăm không nhìn mặt. Thân làm Hoàng đế nhưng ông lại không chăm lo triều chính, chỉ lo hưởng thụ, đam mê tửu sắc, để rồi phải chết thảm do bị chính cận thần bên cạnh hạ độc, người đời cười chê [55].
Nhờ có tính suy luận và mở rộng theo luật “nhân-quả” này mà người Trung Hoa trong xã hội xưa mới coi những vị thanh quan như phụ mẫu, coi đồng môn như huynh đệ, tạo nên sự ổn định và hài hòa các quan hệ xã hội [81].
Tiểu kết Chương 3
Trong quá trình lịch sử hàng ngàn năm, người Trung Hoa đã theo nhiều loại tín ngưỡng. Truyền thống Hiếu đạo có thể coi là nền tảng của một trong những tín ngưỡng cổ xưa nhất ở Trung Hoa - tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Có những bằng chứng cho thấy chữ Hiếu đã có từ 4000 năm trước đây với nhiều cứ liệu khảo cổ thu được trên các Giáp cốt văn.
Mang trong mình những đặc điểm như tính tự nhiên, tính phong kiến và cả tính tàn khốc, chữ Hiếu đã trải qua một tiến trình lịch sử lâu dài với nhiều biến đổi lớn. Tuy nhiên nổi bật lên trong đó chính là tư tưởng “dĩ Hiếu trị thiên hạ” đã thống trị nền văn hóa, chính trị, xã hội Trung Hoa, gắn liền với các triều đại phong kiến.
Bên cạnh những tác động, ảnh hưởng tích cực mà chữ Hiếu đem lại như góp phần ổn định, duy trì trật tự, kỷ cương xã hội, giúp con người có chuẩn mực, cơ sở để ứng xử với nhau thì việc quá “tôn sùng” chữ Hiếu đã dẫn đến một số hệ quả tiêu cực mà đến tận ngày nay nhà nước Trung Hoa vẫn chưa thể khắc phục được, điển hình nhất chính là tư tưởng “trọng nam kinh nữ”.
Nhìn chung, có thể khẳng định rằng không phải chỉ các nhà tư tưởng Tiền Nho gia mới thấy tầm quan trọng của hiếu mà là cả các học thuyết khác trong xã hội, như Mặc gia, Đạo gia, Pháp gia. Chẳng hạn như Mặc gia, học thuyết đại diện cho tư tưởng của những người sản xuất nhỏ lẻ cũng thấy cần thiết phải có Hiếu. Đạo gia thì đại biểu cho tầng lớp thống trị đã thất thế, tuy một mặt, phê phán Nho gia về việc đưa chữ Hiếu vào trong “Nhân - Nghĩa”, nhưng mặt khác, vẫn cho thấy
“Hiếu từ” là cần thiết đối với dân: “Vứt bỏ nhân nghĩa thì dân quay về với Hiếu từ”10. Từ góc độ khác, Pháp gia cũng nêu lên tầm quan trọng của “Hiếu”. Hàn Phi Tử nhấn mạnh: “Quan phụng sự vua, con phụng sự cha... đó là phép tắc của thiên hạ mà vua sáng tôi hiền không thể thay đổi”. Như vậy, đề cao giá trị của chữ Hiếu và chú trọng thực hành Hiếu là đặc điểm chung của các học thuyết cổ đại.
10 Nguyên văn: “Tuyệt nhân khí nghĩa, dân phục hiếu từ” (絕仁棄義、民複孝慈), 《老子》 (Lão Tử), Chương XIX.