CHƯƠNG 2: QUAN NIỆM VÀ GIÁ TRỊ CHỮ HIẾU TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM
2.2. Quá trình phát triển truyền thống chữ Hiếu trong văn hóa Việt Nam
Quá trình hình thành và phát triển quan niệm chữ Hiếu ở Việt Nam giai đoạn cổ trung đại có thể tóm tắt như sau:
Sơ đồ.2. Quá trình hình thành và phát triển quan niệm chữ Hiếu ở Việt Nam thời cổ trung đại. (Nguyễn Ngọc Thơ)
Cho đến nay, vẫn chưa có một công trình nghiên cứu hoặc khảo cổ học nào có thể xác định được thời gian cụ thể xuất hiện truyền thống Hiếu đạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, căn cứ theo tiến trình lịch sử Việt Nam và đi từ cách tiếp cận liên ngành (địa - văn hóa; sử - văn hóa v.v...) thì chúng ta vẫn có thể xác định được sự tồn tại quan niệm chữ Hiếu cũng như cơ bản xác định được tiến trình phát triển đạo Hiếu của Việt Nam theo các giai đoạn lịch sử như sau[22], [32]:
Ở thời kỳ cổ đại, cũng như các quốc gia phương Đông có cùng gốc văn minh nông nghiệp khác, xã hội Việt Nam lúc này có đặc điểm là chuyển dần từ chế độ mẫu hệ sang phụ hệ, cấu trúc gia đình hạt nhân dần hoàn thiện, các quan hệ luân lý được củng cố. Thời kỳ này người Việt cổ mặc dù vẫn còn sinh sống bầy đàn theo mô hình xã hội thị tộc nguyên thủy nhưng đã bắt đầu xuất hiện “mầm mống” của tín ngưỡng thờ tổ tiên (có thể thấy qua mô típ hoa văn trên bề mặt trống Đông Sơn (như nhà sàn Đông Sơn với bộ ba cha - mẹ - con, ba con nai [41]).
Rõ ràng rằng, ngay từ thời kỳ tiền sử mông muội và sơ khai nhất, dù sinh hoạt theo chế độ phụ hệ hay mẫu hệ thì về bản chất, trong quan niệm và tư tưởng của người Việt cổ đã hình thành khái niệm về mối quan hệ huyết thống, cũng như đã hình thành ý thức về “tôn ti trật tự” trong phạm vi mình sinh sống. Đây chính là những nền tảng quan trọng cho tín ngưỡng thờ tổ tiên và cũng là nền tảng cho quan niệm về chữ Hiếu được ra đời và phát triển ở Việt Nam.
Giai đoạn Văn Lang(TK 8 – TK 2 trCN) là nhà nước đầu tiên của Việt Nam, trải qua 18 đời vua Hùng được coi là “đỉnh cao thứ nhất của lịch sử văn hóa Việt Nam”. Tuy những nghiên cứu về chữ Hiếu trong thời kỳ này chưa có nhiều và hệ thống, tuy nhiên chỉ qua những câu truyện truyền thuyết, thần thoại như “Sự tích Bánh chưng – Bánh dày” (Lang Liêu và các Hoàng tử dâng quà chúc thọ vua Hùng),
“Sự tích Quả dưa hấu” (Mai An Tiêm biết mình bị vu oan song vẫn tuân mệnh Vua đi đày cho tròn chữ Hiếu); truyền thuyết Chử Đồng Tử nhường khố cho cha; Truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy (An Dương Vương giết Mỵ Châu vì tội bất hiếu, bất trung do đã “vô ý trao nỏ thần vào tay giặc”) v.v. , chúng ta phần nào có thể thấy
được quan niệm về chữ Hiếu và giá trị chữ Hiếu trong xã hội Việt Nam thời Văn Lang - Âu Lạc.3 Cuốn Hán Thư(Giáp Quyên Chi Truyện) “Dân Lạc Việt… cha con cùng tắm trên một dòng sông..” (駱越之人,父子同川而浴..) [32]. Có thể thấy đạo Hiếu thời kì này hoàn toàn mang tính dân gian tự phát, tự thân tồn tại mà không có cơ sở lý luận nào.
Bước vào thời kỳ văn hóa giao lưu với Trung Hoa và khu vực (khoảng 179 tr.CN – đầu TK 20), xã hội Việt Nam bước vào giai đoạn văn hóa chống Bắc thuộc và giai đoạn văn hóa Đại Việt (179 tr.CN – 938 sCN), quan niệm chữ Hiếu chịu ảnh hưởng nhiều từ Nho giáo và Phật giáo Trung Hoa, trong đó nổi bật nhất là Nho giáo.
Tuy nhiên, khi du nhập vào Việt Nam, Nho giáo nói chung, quan niệm về chữ Hiếu nói riêng, đã được Việt hóa về nhiều mặt và nảy sinh những cách hiểu cũng như hành vi Hiếu thảo mang tính thực tiễn theo quan niệm chữ Hiếu của người Việt.
Chữ Hiếu theo quan niệm của Nho giáo chính thống Trung Hoa tuy vẫn chuyển tải đầy đủ ý nghĩa ban đầu nhưng nội hàm đã được mở rộng nhằm phù hợp hơn với đặc điểm, hoàn cảnh xã hội Việt Nam đương thời.
Thời kỳ này xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ quan niệm Hiếu đạo của Nho giáo Trung Hoa cũng như đã có sự du nhập của Phật giáo nên nhiều giá trị của chữ Hiếu cũng được người Việt Nam tiếp nhận một cách tích cực. Không chỉ tầng lớp bình dân mà ngay cả các nhà thống trị phong kiến Việt Nam cũng thấm nhuần những luân lý tốt đẹp mà chữ Hiếu mang lại. Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận nhiều tấm gương về người con hiếu thảo tiêu biểu. Dù người con đó ở cương vị một ông Vua, một vị trung thần, một nhà Nho, một vị Hòa thượng tu hành đắc đạo hay chỉ là những người dân thường thì cũng hết sức đề cao việc thực hành Hiếu đạo.
Nhiều nhà chí sĩ yêu nước đương thời cũng rấy đề cao chữ Hiếu và việc thực hành Hiếu. Nhà thơ, người chí sĩ yêu nước nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX Phan Bội Châu (1867 - 1940) nuôi chí lớn của cha, gắng sức học hành đỗ đạt làm
3 Xem thêm Mục 3.4,chữ Hiếu trong góc nhìn Văn học dân gian.
yên lòng người cha đang hấp hối trên gường bệnh. Ông đã mở rộng đạo Hiếu với cha ra đạo Hiếu đối với dân tộc, tích cực hoạt động cách mạng và có nhiều đóng góp lớn cho đất nước, được người đời kính trọng và noi gương.
Bàn về vai trò gia đình và chữ Hiếu trong dân gian, tác giả người Pháp J.
Boissière (1890) cho rằng “tinh thần gia đình là đặc tính cơ bản nhất của con người An Nam thuộc tất cả mọi tầng lớp. Đối với người An Nam thì gia đình là tất cả”
[39,tr. 157]; trong khi J. L. Lanessan (1890) cũng nhấn mạnh “gia đình là cơ sở, là hạt nhân của xã hội An Nam, đó là một trục trung tâm mà mọi lợi ích và mọi ý nghĩa đều quay chung quanh nó”[26, tr. 47]; [39, tr.157]. Có thể thấy chính điều kiện sống chủ yếu dựa vào đơn vị gia đình hạt nhân của người Việt Nam là môi trường nuôi sống và kiến tạo truyền thống chữ Hiếu ở Việt Nam.
Ở Nam Bộ Việt Nam, chữ Hiếu đã thẩm thấu vào Nho-Phật-Đạo và tương tác với môi trường tự xã hội đa dân tộc – đa văn hóa, nhất là hồi cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX (trong đó có cả tác động của văn hóa phương Tây) đã làm sản sinh ra nhiều hiện tượng tôn giáo mới (phong trào tôn giáo cứu thế) lấy truyền thống chữ Hiếu làm một trong những tiền đề, cụ thể có Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo (đều đề cao Tứ ân, trong đó Ân cha mẹ đứng vị trí đầu tiên), đạo Cao Đài, Chơn Minh Đạo v.v..
Tác giả đã tiến hành phỏng vấn quan niệm chữ hiếu của các chức sắc đạo Cao Đài ở Tiên Thủy, Bến Tre, được phỏng vấn ông Huỳnh Phong Thanh để hiểu thêm quan niệm chữ Hiếu trong đạo Cao Đài. Ông Thanh cho rằng: “trong Đạo Cao Đài rất coi trọng “Hiếu”, bất cứ giáo nghĩa hay là các kinh điểm của Đạo Cao Đài đều khuyến bảo tín đồ “hành Hiếu’. Đặc biệt trong cấu trúc thế giới quan của Đào Cao Đài nếu không có hiếu thảo trong nhân đạo thì không thể về thiên đạo.”
“Đạo Cao Đài là một tôn giáo ở Việt Nam, theo truyền thống phong tục của người Việt Nam. Đạo Cao Đài ngoài tín ngưỡng tâm linh thì có giáo dục con người là cái tôn giáo nhập thế (trong đạo vợ chồng, cha con, anh em, bạn bè, đất nước, dân tộc). Đạo Hiếu cũng quan trọng, kính các bậc bề trên, luôn giáo dục con người hiếu
thảo. Ví dụ thiên đạo và nhân đạo trong đạo Cao Đài, nếu không có hiếu thảo trong nhân đạo thì không thể về thiên đạo được. Ngoài ra các kinh điển của đạo Cao Đài đều nhắc đến hiếu thảo, đạo làm người như: đạo hiếu thảo trong các kinh điển để giáo dục con cháu phải tưởng nhớ ơn sinh thành giáo dục của cha mẹ”. [Phụ lục 3, Biên bản phỏng vấn 13]
H.1. Bàn thờ Đạo Cao Đài. Ảnh Yang Zhi Bin chụp tại xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, ngày 27 tháng 7 năm 2016
Trải qua hơn một ngàn năm giao lưu văn hóa Trung Hoa, chữ Hiếu ở Việt Nam đã được lý luận hóa và gắn liền với những tiêu chí đạo đức xã hội: Tam cương – Ngũ thường. Nhưng mặt khác, chữ Hiếu bước từ quy mô gia đình ra xã hội, chuyển từ trạng thái dân gian sang xu thế quan phương hóa, từ chưa mang tính hệ thống sang tính quy củ v.v.. Mặt khác, qua những khái quát ở trên có thể thấy rằng, mặc dù thời kỳ này văn hóa Việt Nam có sự giao lưu mạnh mẽ với các nền văn hóa khác trong khu vực, đặc biệt là văn hóa Nho giáo, Phật giáo... du nhập từ Trung Hoa thế nhưng khi vào đến Việt Nam, quan niệm về chữ Hiếu đã được các triều đại phong kiến Việt Nam cũng như người Việt Nam thay đổi để phù hợp hơn với bản sắc của dân tộc mình. Đạo Hiếu ở Việt Nam vẫn có những nét độc đáo riêng, không “tàn khốc”, “hà khắc” và tuyệt đối như trong quan niệm của Nho giáo Trung Hoa.
Ở thời kỳ hiện đại (từ 1945 đến nay), cùng với các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và sự cải cách, mở cửa với sự du nhập của văn hóa phương Tây
một cách mạnh mẽ và toàn diện, quan niệm về chữ Hiếu truyền thống đã có nhiều thay đổi trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Một mặt tiếp tục kế thừa những giá trị của chữ Hiếu truyền thống trước đó, một mặt cũng thay đổi do có sự du nhập của văn hóa phương Tây. Nhất là từ sau khi chữ La-tinh theo các nhà truyền giáo phương Tây vào Việt Nam, chữ Quốc ngữ ra đời, địa vị của chữ Hán, chữ Nôm trước đó đã bị thay thế. Ảnh hưởng của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo với văn hóa truyền thống Việt Nam v.v. cũng giảm dần, nhiều nguyên tắc lý luận bị xóa bỏ hoặc được cải tạo để phù hợp hơn với tình hình đất nước.
Trong thời gian chống Pháp và Mỹ, toàn xã hội Việt Nam đều đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy đạo Hiếu của người Việt trong giai đoạn này đã ra khỏi phạm vi gia đình, dường như người ta không còn quá nhấn mạnh vào những luật hệ hà khắc “Tam cương - Ngũ thường” hay “Vô hậu vi đại” v.v., toàn dân tộc Việt Nam lúc này sát cánh vì mục tiêu giành độc lập dân tộc, thống nhất Bắc - Nam. Vì vậy chữ Hiếu truyền thống được gắn liền với chữ Trung, trở thành chuẩn mực không chỉ với giai cấp cầm quyền hay tầng lớp tri thức, Phật tử như trong các thời kỳ lịch sử trước đó... mà là với tất cả người dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, chính là một tấm gương sáng cho tư tưởng Trung - Hiếu thời kỳ này. Trung và Hiếu là hai phạm trù đạo đức được Hồ Chủ tịch sử dụng và kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn, được coi như chuẩn mực Hiếu đạo cao nhất của người cách mạng nói riêng và tiêu chuẩn về đạo làm người nói chung.
Kế thừa và phát huy tư tưởng Hiếu trị, Lễ Trị, Đức trị v.v. của các nhà triết học cổ đại Trung Hoa, nhưng Hồ Chí Minh lại nhận thấy mối quan hệ biện chứng giữa
“Pháp trị” với “Đức Trị”, trong đó pháp luật và đạo đức gắn bó chặt chẽ, bổ sung cho nhau trong việc thực hiện chức năng quản lý xã hội của nhà nước. Vì vậy Hồ Chí Minh đã mang đến cho quan niệm về chữ Hiếu của Việt Nam những giá trị khác biệt.
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là sự kế thừa tư tưởng của các nhà triết học phương Đông như Khổng Tử, Lão Tử v.v. nhưng đã có sự cải tạo để phù hợp với thời đại mới. Nho giáo là một trong những tôn giáo có ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc đời và hoạt động tư tưởng của người. Hồ Chí Minh đã từng nói rằng: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân.”[62]
Trong quan hệ với tổ quốc, người quân tử phải “trung với nước”. Chữ “Trung”
trong Nho giáo là “Trung quân” tức là trung với Vua, Vua là người thống trị thiên hạ, nơi nơi là đất của Vua, vì vậy Trung với Vua là yêu nước. Nhưng đến Hồ Chí Minh, người đã mượn chữ Trung trong Nho giáo để thể hiện tư tưởng đạo đức Trung với nước. Chữ Trung trong Nho giáo hay chữ Trung trong tư tưởng Hồ chí Minh đều thể hiện tinh thần yêu nước. Tuy nhiên khi nói “trung với nước” dường như chúng ta cảm nhận được tình cảm cao đẹp và ý thức trách nhiệm của mỗi người hơn. Giống như cảm giác của người viết luận văn với cụm từ “trung với quốc gia”
(忠於國家) vậy.
“Hiếu với dân” cũng là một nét bản sắc văn hóa Việt Nam. Chúng ta biết rằng, Nhân là cốt lõi của học thuyết Khổng Tử, thực hành Nhân phải lấy Hiếu làm tiền đề.
Là người chịu nhiều ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo, Hồ Chí Minh đã thấm nhuần ý nghĩa sâu sắc của Hiếu Kinh. Trên cơ sở đó, Bác đã vận dụng và phát triển một cách sáng tạo tư tưởng Nho giáo như một bộ phận cấu thành văn hóa của nhân loại, đồng thời dân tộc hóa để nó trở thành giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Hồ Chí Minh cũng tâm niệm rằng, Hiếu với dân thì phải “lấy dân làm gốc”. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” không phải đến thời đại này mới xuất hiện mà có nguồn gốc từ thời Khổng, Mạnh và là một trong những nguyên tắc trị nước quan trọng.
Mạnh Tử nói: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (民為貴,社稷次之,君 為輕), đại ý là “Dân là quý hơn hết, kế đó là xã tắc, vua chỉ là nhẹ”. Các triều đại phong kiến Việt Nam xưa kia hưng thịnh cũng nhờ vận dụng đạo lý “lấy dân làm
gốc” này như triều Lý, triều Trần. Tuy nhiên, quan điểm “lấy dân làm gốc” thời kỳ phong kiến không giống như quan niệm của thời đại Hồ Chí Minh cũng như thời đại của chúng ta ngày nay, mặc dù không thể phủ nhận rằng xuất phát điểm của chúng cũng là từ những mặt tích cực của đạo đức phong kiến[62].…
Vì đã sinh sống và học tập ở Việt Nam được một thời gian, cũng như có nhiều cơ hội được nói chuyện, phỏng vấn người Việt Nam về nhiều chủ đề, tác giả có thể hiểu khá rõ tinh thần “Trung quân - Ái quốc” của người Việt. Nhất là trong chuyến viếng thăm lăng Bác ở Hà Nội vào tháng 12/2015, tác giả đã được phỏng vấn cô Trang hướng dẫn viên du lịch về tư tưởng “lấy dân làm gốc” của tầng lớp lãnh đạo Việt Nam (do tư tưởng này cũng là tư tưởng quan trọng trong nền tảng trị nước của người Trung Hoa) thì được cô cho biết rằng phàm là người Việt Nam thì đều hiểu đạo lý này, đây không chỉ là một quan niệm trong hệ tư tưởng mà còn là một nguyên tắc, một chuẩn mực đạo đức quan trọng đối với những người quản lý nhà nước. Trong xã hội Việt Nam hiện tại, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, những hành vi không coi trọng dân hoặc có thái độ trịch thượng, không tận tụy với dân... đều bị lên án, chỉ trích gay gắt và sẽ chịu hình phạt của chính phủ căn cứ theo mức độ nặng nhẹ.
Như vậy, từ chữ Hiếu trong Nho giáo, Hồ Chí Minh đã thực hiện sự chuyển hóa từ Hiếu với cha mẹ thành Hiếu với dân. Mỗi người ngoài trách nhiệm với cha mẹ còn phải thực hiện trách nhiệm của một người con trước bà mẹ tổ quốc, trước nhân dân. Gắn chữ Hiếu với quan niệm “đầy tớ của dân” Hồ Chí Minh muốn đưa ra một chuẩn mực cho những người nắm vận mệnh đất nước, coi đó là cái đạo dựng nước và giữ nước. Với ý nghĩa rộng lớn ấy, hiếu thảo vẫn gắn liền với hiếu trung.
Chính bản thân Hồ Chí Minh là một tấm gương của quan niệm đó, trong lúc sinh thời và mãi mãi sau này.
Bên cạnh đó, chữ Hiếu trong xã hội Việt Nam ngày nay đã thay đổi. Có tích cực, nhưng cũng có cả hạn chế. Đạo đức xã hội, đạo đức gia đình có nhiều biểu hiện suy thoái. Nhiều gia đình đã lơ là gia huấn, truyền thống Hiếu đạo ngàn đời của tổ