CHƯƠNG 3: QUAN NIỆM VÀ GIÁ TRỊ CHỮ HIẾU TRONG XÃ HỘI TRUNG HOA
3.3. Vai trò của truyền thống chữ Hiếu trong văn hóa Trung Hoa
(1) Chế độ “Hiếu cử” trong hệ thống quan viên truyền thống
Xã hội Trung Hoa xưa về cơ bản chia làm hai hạng người: quan viên và thứ dân. Quan là người giúp vua điều khiển bộ máy chính trị để đem lại trật tự, an ninh cho dân. Hệ thống thi cử, sát hạch để tuyển người ra làm quan được gọi là “khoa cử”.
Trước thời Chu ở Trung Hoa, chế độ thế tập (cha truyền con nối) rất thịnh hành, các dòng họ quý tộc đời đời truyền nối làm quan, nhà vua không được tùy ý bổ nhiệm hoặc bãi miễn, trừ khi họ phạm tội nặng. Tuy nhiên cũng có một vài trưởng hợp đặc biệt nhà Vua cũng tuyển chọn những người có thực tài trong giới bình dân để bổ nhiệm trọng trách, điển hình như trường hợp vua Thành Thang phong chức Tướng quốc cho Y Doãn, một anh nông dân cày ruộng ở đất Sằn hoặc vua Văn nhà Chu phong chức Đại tể (thời chiến quốc gọi là Thừa tướng) cho Khương Tử Nha, một ngư phủ bên bờ sông Vị.
Mãi đến thời Hán (206 tr.CN – 220 sCN) mới có chế độ “sát cử” (察舉), các quan đại phu ở triều đình hoặc quận thú ở các nơi cứ mỗi năm tiến cử một vài người,
mỗi người được tiến cử đều phải qua sự khảo sát của người tiến cử, việc khảo sát này cũng còn tùy tiện, chưa có một mô hình thống nhất. Những người được tiến cử lại được triều đình tùy lúc đặt cho một cái tên đại diện cho một dạng nhân tài như:
“Hiền lương phương chính”(賢良方正), “Hiếu đễ lực điền”(孝悌力田). Do các vị Vua nhà Hán đặc biệt coi trọng đạo Hiếu theo quan điểm của Nho gia, chủ trương dùng “Hiếu trị” để giải quyết mọi mối quan hệ trong xã hội. Chế độ tuyển chọn nhân tài thời Hán có hai loại khoa (khoa mục) là: “Hiếu tử” (孝 子), tức là chọn người có hiếu, và “Liêm lại” (廉吏) tức là chọn cử quan lại “thanh liêm”. Về sau hai khoa này được hợp nhất thành một gọi là “Hiếu liêm”7. “Hiếu” được coi là chuẩn mực để tuyển chọn quan lại cho triều đình. Hán Vũ Đế ra quy định việc chọn Hiếu liêm hàng năm phải dựa theo số dân và ban hành những chiếu lệnh rất nghiêm khắc, kèm theo các hình phạt nếu dám chống lại chiếu lệnh: “Không tiến cử người hiếu là bất kính, không cử liêm là không làm tròn nhiệm vụ, kẻ đó phải bãi bỏ”
(Hán Thư. Vũ Đế ký).8 Trong Hậu Hán Thư, các nhà sử học cũng kết luận được rằng Vua quan thời Hán thấm nhuần quan niệm: “Phu hiếu giả, bách hành chi quán, chúng thiện chi thủy” (夫孝者, 百行之冠、眾善之始” ), đại ý chỉ Hiếu đứng đầu trong tất cả các hành vi của con người, là nguồn gốc của các điều thiện và họ tin tưởng sâu sắc vào việc tìm trung thần ở các gia đình có con cái hiếu thuận với cha mẹ tổ tiên [77].
Các đời vua sau đó, bao gồm đời Minh, Thanh dùng mỹ từ “hiếu liêm” làm danh xưng cho “cử nhân”. Nhiều quan lại được tuyển chọn đều có xuất thân từ
“hiếu liêm”, những người đỗ chức quan hiếu liêm, có người xuất thân từ gia đình quan lại, cũng có người xuất thân từ gia đình thường dân. Một số thanh quan nổi tiếng tuyển chọn từ chế độ hiếu cử được lưu truyền trong dân gian Trung Hoa xưa
7 Trong tiếng Việt vẫn thường được gọi là chế độ “Hiếu cử”.
8 Nguyên văn trích trongHán Thư. Vũ Đế kỷ《漢書•武帝紀》: “ Bất cử hiếu, bất phụng chiếu, đương dĩ bất kính luận. Bất sát liêm, bất thắng nhiệm dã, đương miễn” (不舉孝,不奉詔,當以不敬論。不察廉,不勝 任也,當免)。
có thể kể đến Lại bộ thượng thư Du Xian (杜暹) đời Đường (không rõ năm sinh, mất khoảng năm 740); Liu Chong (劉寵) thời Đông Hán (không rõ năm sinh năm mất) đã kinh qua nhiều chức quan trong triều. Điều này cho thấy ảnh hưởng và vai trò to lớn của chữ Hiếu đối với lịch sử văn hóa các triều đại phong kiến Trung Hoa [89].
Lý Mật sinh năm 224 sống vào thời Tây Tấn, Lý Mật sinh ra được sáu tháng thì cha mất, năm lên bốn tuổi mẹ ông là Hà Thị đi lấy chồng khác, ông được bà nội họ Lưu đem về nuôi lý mật nổi tiếng là hiếu thảo. Bà ốm đau ông hầu hạ thuốc men cơm cháo không chút lơ là, lúc trẻ làm chức lang trung cho nước thực, nhà thực mất, Tấn Vũ Đế trưng tập ông làm chức lang trung, sau đó được cử làm tẩy mã cho dạy dỗ cho Thái tử, nhà vua đã nhiều lần xuống chiếu chi, các quan ở quận huyện thôi thúc nhưng vì lòng hiếu thảo đối với bà nội ông dâng bài trần tình biểu trình bày nguyên vọng mình được ở nhà nuôi bà không đi nhậm chức, khi bà nội mất lý mật ra kinh đô làm chức các chức thái tử tẩy mã, thái thủ Hán Trung.
(2) Tác động của quan niệm chữ Hiếu đối với lịch sử văn hóa Trung Hoa
Việc coi trọng chữ Hiếu, lấy Hiếu làm tiêu chuẩn để “trị quốc” đã cho thấy sự coi trọng của các nhà cầm quyền đối với phẩm chất, nhân cách đạo đức bắt buộc phải có của người làm quan. Vì vậy, ảnh hưởng trước hết của chữ Hiếu đối với các triều đại Trung Hoa chính là tạo ra những giá trị về đạo đức quan trong xã hội.
Trong đó bất kể người làm quan có xuất thân từ tầng lớp quan lại, quý tộc hay xuất thân từ tầng lớp bình dân, bất kể còn tồn tại những sự bất bình đẳng và phân hóa xã hội nhất định... thì bên cạnh sự tu dưỡng về mặt kiến thức, năng lực, thì còn phải đặc biệt chú trọng sự tu dưỡng về mặt nhân cách, làm con trong gia đình phải “hiếu đễ”, làm quan trong triều đình phải “liêm khiết”. Điều này sẽ có tác động rất lớn trong việc phòng tránh và xử lý các hiện tượng tham nhũng, quan liêu chốn quan trường, khiến cho “quốc thái, dân an”.
Lấy ví dụ việc tuyển chọn nhân tài bằng Hiếu cử thời Hán, do bản chất của
việc tuyển chọn này là thông qua sự tiến cử nên nếu người được tiến cử không
“chính danh”, tức là người tiến cử đã không làm tròn trách nhiệm “cử tuyển nhân tài” của mình, và ngược lại. Các Hoàng đế nhà Hán coi đây là tội nặng, hình phạt có thể bị cách chức, giáng chức, phạt lưu đày, thậm chí phải vào tù. Điều này đã giúp cho việc tuyển chọn quan lại thời Hán được công bằng, liêm minh, khắc phục và hạn chế tối đa tình trạng “cha truyền con nối” hoặc do mối quan hệ thân thiết, do hối lộ... để được làm quan. Có thể nói, đây là một trong những tác động tích cực nhất mà chữ Hiếu cùng những giá trị của nó đã đem lại cho lịch sử văn hóa các triều đại Trung Hoa.
Tuy nhiên, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, việc “sùng bái” quá mức chữ Hiếu cũng mang đến những tác động tiêu cực đối với văn hóa truyền thống Trung Hoa. Trước hết đó chính là tình trạng “hữu danh vô thực”. Do bản chất của “Hiếu trị” là coi trọng phần đạo đức, phẩm chất được truyền miệng hơn là coi trọng hành động, hành vi cụ thể, điều này dẫn đến một số người đã bất chấp thủ đoạn, lừa gạt, cố tình tạo ra các câu chuyện để tạo dựng danh tiếng là “hiếu tử”, là người có phẩm chất hơn người... để được tiến cử và đỗ đạt làm quan. Nếu xét từ góc độ này thì vô hình chung việc thực hiện “Hiếu trị” đã góp phần gây ra hiện tượng “mua quan bán tước” trong chốn quan trường. Người được tiến cử sẽ phục vụ cho các mục đích và ý đồ chính trị của người tiến cử, nhất là khi người tiến cử thuộc tầng lớp quan lại, gây ra tình trạng lạm dụng chức quyền, xung đột lợi ích và thiếu khách quan trong việc tuyển chọn nhân tài. Trong dân ca đương thời phổ biến câu nói: “Cử Tú tài, bất tri thư, cử Hiếu liêm, phụ biệt cư” (舉秀才,不知書,察孝廉,父別居), đại ý là
“Người được tiến cử Tú tài lại không biết chữ, người được tiến cử Hiếu liêm cha phải dọn nhà ra ở riêng” đã phản ánh rõ thực trạng này trong hệ thống quan viên Trung Hoa truyền thống [77].
Những tồn tại trên của lịch sử quan trường phong kiến Trung Hoa là một trong những lý do vì sao mà xã hội Trung Hoa ngày nay, ngoài việc đề cao tinh thần trung hiếu còn phải rất chú trọng việc thực hành theo pháp luật. So với chế độ Hiếu cử
xưa kia thì ngày nay, việc thi tuyển ở các kỳ, các cấp đều phải tuân theo dạng thức các đề thi sát hạch, không qua giới thiệu, quen biết... rõ ràng khách quan và minh bạch hơn hẳn. Còn việc áp dụng “Pháp trị” kết hợp “Hiếu trị” sẽ giúp cho các nhà cầm quyền quản lý xã hội triệt để và hiệu quả hơn.
Văn hóa chữ Hiếu không chỉ ảnh hưởng đến phương thức tư duy và sách lược của giai cấp thống trị mà còn tác động sâu rộng đến mọi bình diện của Phật giáo Trung Hoa như giáo lý, văn học, hội họa, điêu khắc... Không chỉ Nho giáo mà Phật giáo cũng đặc biệt đề cao vai trò của chữ Hiếu. Đỉnh cao của biểu hiện này có thể kể đến bộ “Hiếu luận” của thời Bắc Tống, được các nhà nghiên cứu đánh giá là tác phẩm hệ thống và toàn diện nhấn của Phật giáo Trung Hoa về chữ Hiếu. Việc một tôn giáo không phải bắt nguồn từ Trung Hoa nhưng lại được “Hán hóa” một cách triệt để như vậy đã cho thấy ảnh hưởng và tầm quan trọng của chữ Hiếu đối với lịch sử văn hóa Trung Hoa.
Quần thể hang Mạc Cao Đôn Hoàng (Cam Túc) là một kho báu nghệ thuật Phật giáo, với quy mô và nội dung phong phú về điêu khác và bích họa, trong đó những bức bích họa phản ánh chữ Hiếu gọi là Kinh báo ân đặc biệt lưu hành vào thời Đường và thời Tống, trong các bức bích họaKinh báo ânmô tả những hình ảnh cha mẹ chăm sóc con cái một cách vất vả, để khuyến bảo tín đồ nhớ ân cha mẹ, hiếu kính với cha mẹ, rộng hơn là tổ tiên.
(3) Tác động của sự thay đổi quan niệm chữ Hiếu trong xã hội Trung Hoa hiện nay
Chữ Hiếu là một quan niệm mang tính phổ biến và tính dân gian, qua hàng nghìn năm tích lũy và theo thời đại phát triển đó trở thành cơ chế ổn định gia đình, đoàn kết dân tộc, kế thừa văn hóa. Đến thời hiện nay, tiến độ xã hội phát triển đã nhanh hơn mấy nghìn năm lịch sử trải qua, đã kéo theo quan niệm giá trị xã hội thay đổi chưa từng có. Truyền thống chữ Hiếu vốn là sản phẩm kết hợp của quan niệm huyết thống và sùng bái tổ tiên, được các triều đại phong kiến trọng Nho gia thể chế hóa và lý luận hóa để dùng vào trị quốc. Từ đó, quan niệm chữ Hiếu bị đẩy tới cực
đoan, trở thành một dạng thức công cụ để trị nước. Thậm trí các triều đại phong kiến còn tuyên truyền một cách huyền bí rằng Hiếu là “Thiên đao”, làm nảy sinh ra nhiều quan niệm cực kỳ hoang đường như: “Quân yêu thần tử, thần bất đắc bất tử, phụ yêu tử vong, tử bất đắc bất vong” (ở Việt Nam là “quân xử thần từ thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu”). Có thể nói đến đây quan niệm chữ Hiếu đã trở thành vũ khí của nhà thống trị nhằm duy trì trật tự xã hội theo ý nguyện chính mình.
Sau Phong trào Ngũ Tứ 1911 và Cách mạng Văn hóa 1966-1976, tinh thần chữ Hiếu đã “giải chính trị hóa”, một lần nữa được toàn xã hội quan tâm. Bắt đầu từ năm 2012, chính phủ đề xuất quy định mới rằng hằng năm vào dịp tết Thanh Minh mọi công dân được nghỉ phép 3 ngày để thờ cúng tổ tiên và chăm sóc gia đình.
Đồng thời vào tháng 11 năm 2015, chính phủ cũng đề xuất luật bảo vệ quyền người già, do vậy rất có thể trong tương lai gần, truyền thống chữ Hiếu trong văn hóa Trung Hoa sẽ “hưng thịnh” trở lại với ý nghĩa xã hội tuyệt đối (khác với ý nghĩa
“chính trị hóa” thời phong kiến).
Khi được phỏng vấn về những biến đổi quan niệm chữ Hiếu xưa và nay, giáo sư Phương Triệu Huy (Đại học Thanh Hoa) cho rằng: “nhắc đến chữ Hiếu thời xưa phải quan tâm hai vấn đề, thứ nhất là tính đặc thù của chữ Hiếu, thứ hai là tính đặc thù của Nho gia. Về tính đặc thù chữ Hiếu, trong thời phong kiến không chỉ đơn giản là kính dưỡng cha mẹ, vì xã hội thời ấy chủ trương “nhân trị” tức quản lý nhà nước theo đạo đức cá nhân theo ý nguyện của nhà thống trị, cho nên chữ Hiếu là một trong những yếu tố đạo đức hàng đầu. Dù các triều đại không ngừng thay đổi nhưng chữ Hiếu không chỉ không ngừng phát triển mà ngày càng có địa vị cao hơn nữa... Còn vấn đề thứ hai là tư tưởng Nho gia, ngay từ nhà Hán, tư tưởng Nho gia bước vào giai đoạn “quan phương hóa”. Kể từ đó, tư tưởng Nho gia luôn nằm vị trí chính thống, vì nó giúp giải quyết hai vấn đề với thời xưa rất là quan trọng: một là tính hợp pháp của chính quyền các triều đại, hai là trong kết cấu nhà nước cần có những “chất keo vô hình” để kết dính. Trong cả hai vấn đề trên, chữ Hiếu đều đóng
vai trò rất quan trọng, cho nên có thể nói thể hiện chữ Hiếu thời phong kiến là “bạn đồng hành của chữ Trung”. Chữ Hiếu thể hiện trong những hoạt động dân gian và hoạt động gia đình đều bị hạn định bởi chữ “lễ”. Đến thời hiện đại thì đã khác, thứ nhất kết cấu xã hội hiện đại được xây dựng trên cơ sở của những khế ước, cho nên chữ Hiếu mất đi nhiều tác dụng so với thời xưa, đẩy chữ Hiếu trở về quan hệ thân thiết gia đình. Có thể dự kiến trong tương lai chữ Hiếu ngày càng phát triển đơn thuần hơn trong các quan hệ luân lý gia đình” (Yang Zhi Bin phỏng vấn ngày 27/7/2016).
3.3.2. Vai trò trong xã hội
(1) Quan niệm chữ Hiếu trong phạm vi gia đình – dòng tộc
Trong xã hội truyền thống Trung Hoa, gia đình đóng vai trò trung tâm, là tế bào cơ bản nhất của xã hội, cũng có thể được ví như một “xã hội thu nhỏ”. Gia đình có vai trò quan trọng trong việc phát triển xã hội, kinh tế, chính trị. Chính vì vậy trong dân gian Trung Hoa mới phổ biến câu tục ngữ “Gia hòa vạn sự hưng”, nhấn mạnh sự ổn định trong gia đình là nền tảng cho sự ổn định xã hội. Và bất kỳ một gia đình nào muốn có sự êm ấm trọn vẹn, đều phải được thiết lập trên nền tảng gắn bó thân thiết giữa các thành viên trong gia đình.
Nhận thức được tầm quan trọng của gia đình nên các nhà thống trị phong kiến luôn coi trọng “tề gia trị quốc”. Họ đã sớm nhận thấy rằng cần phải điều hòa tốt mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình thì mới có thể xây dựng được một xã hội
“hòa mục”. Vì vậy họ đã đề ra 6 nguyên tắc ứng xử trong gia đình là “Phụ từ - Tử hiếu - Huynh hữu - Đệ cung - Phu xướng - Phụ tùy” 父慈、子孝、兄友、弟恭、
夫倡、婦隨), gọi tắt là “Lục thuận” (六順). Và rõ ràng, vai trò của chữ Hiếu ở đây là không thể coi nhẹ, trong đó cấu trúc của một gia đình truyền thống được xây dựng theo trục dọc, lấy quan hệ “phụ từ - tử hiếu” làm hạt nhân. Khổng Tử nói “Tông tộc xưng hiếu yên, hương đảng xưng đễ yên” (宗族稱孝焉、鄉黨稱悌焉), đại ý là
“trong gia tộc thì trọng Hiếu, trong quan hệ hương thôn thì trọng đễ). Hiếu cùng với
Đễ đã góp phần quy định trật tự tôn ti trong từng gia đình, từng gia tộc, góp phần tạo nên trật tự xã hội ổn định [31].
Tác phẩm Hồng Lâu Mộng, một trong bốn kiệt tác của văn học cổ điển Trung Quốc, được Tào Tuyết Cần sáng tác trong khoảng thời gian giữa thế kỉ 18 triều đại nhà Thanh của Trung Quốc. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện tình duyên trắc trở giữa hai anh em con cô con cậu: Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc. Tác phẩm cũng là một bức tranh hiện thực rộng lớn về xã hội thời phong kiến, trong thời đó bất cứ gia tộc lớn hay là giai cấp bình dân đều cực kỳ coi trọng trật tự xã hội, cụ thể biểu hiện là coi lục thuận(trong đó có hiếu đạo) là vinh dự, là tiêu chí làm vinh dự cho dòng họ, trong những mức độ phản ánh tính tôn ti nghiêm khắc của xã hội thời phong kiến Minh-Thanh.
(2) Quan niệm chữ Hiếu trong phạm vi cộng đồng
Trong phạm vi cộng đồng, chữ Hiếu có vai trò hạt nhân trong hệ thống văn hóa truyền thống Trung Hoa cổ đại. Có thể nói rằng mọi quy chuẩn luân lý đạo đức thường tình đều bắt nguồn và phát triển từ chữ Hiếu. Câu nói nổi tiếng trong xã hội đương thời là: “Bách thiện hiếu vi tiên” (百善孝為先), nghĩa là “Trăm điều thiện Hiếu trước tiên” là minh chứng rõ rệt nhất cho địa vị “tối thượng” của chữ Hiếu.
Chữ Hiếu khởi nguồn từ tình cảm tôn kính, quý mến giữa các thành viên trong cùng một gia đình, gia tộc, rồi mở rộng ra thành hành vi ứng xử trong cộng đồng, xã hội, trở thành lý luận chính trị cho tinh thần trung quân ái quốc. Điều này cho thấy truyền thống chữ Hiếu không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến nền tảng chính trị, giáo hóa truyền thống mà còn khiến cho toàn bộ phương thức sinh hoạt, các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân tộc thay đổi.
Việc coi trọng các giá trị của chữ Hiếu cũng giúp ích lớn cho chính phủ Trung Hoa trong việc áp dụng và thi hành các chính sách gia đình, các chính sách y tế, phúc lợi với cộng đồng và với người già trong xã hội ngày nay. Chính những quan niệm về chữ Hiếu cũng như địa vị thống trị của chữ Hiếu trong nền tảng đạo đức luân lý truyền thống kéo dài hàng ngàn năm lịch sử như vậy đã hướng sự tập trung