CHƯƠNG 4: SO SÁNH QUAN NIỆM VỀ CHỮ HIẾU TRONG VĂN HÓA VIỆT
4.1. Điểm tương đồng trong truyền thống chữ Hiếu ở Việt Nam và Trung Hoa
4.2.2. Tính dân tộc thể hiện qua truyền thống chữ Hiếu ở Việt Nam và Trung Hoa
Trong bài “Lý thuyết trung tâm và ngoại vi" trong nghiên cứu không gian văn hóa”, tác giả Ngô Đức Thịnh [71] đã nhấn mạnh tính năng động, sáng tạo của ngoại vi trong việc tiếp nhận tinh hoa văn hóa mang tính lý luận và tính định hướng cao từ Trung Hoa. Người Việt cũng như Triều Tiên và Nhật Bản đều đã sáng tạo riêng, nhờ vậy đã gắn lên thêm tính dân tộc cho quan niệm chữ Hiếu trong văn hóa dân tộc mình. Với người Trung Hoa, “quốc” (tổ quốc) và “gia” (gia tộc, dòng họ) là hai thiết chế đồng tâm nhưng có phổ ảnh hưởng khác nhau, đồng thời là hai thể chế có tác động trực tiếp và sâu sắc tới từng cá thể. Người Trung Hoa đã dùng hai giá trị Trung và Hiếu để làm chuẩn mực cho cung cách ứng xử của từng công dân đối với hai thiết chế ấy; bởi thế mới có câu “quốc có quốc pháp, gia có gia quy”. Với người Hàn Quốc, họ chọn gia đình là xuất phát điểm, tức coi chữ Hiếu là khởi nguồn của mọi tiền đề. Từ Hiếu, con người ắt sẽ kính trọng và thuận theo ý nguyện ông bà, cha mẹ, mở rộng là ý nguyện của thượng cấp. Đó cũng là lúc họ kính và thuận theo thượng cấp của mọi thượng cấp – ấy là nhà vua. Từ Hiếu đến Trung ở Hàn Quốc tuy là hai phạm trù nhưng chỉ có một con đường mở rộng từ gia đình ra tổ quốc. Ngày nay, Luật gia đình Hàn Quốc hiện tại cũng có nhiều điều khoảng quy định về đạo
Hiếu và việc chia của hồi môn, việc thừa kế gia sản v.v.. Ở người Nhật Bản, tinh thần dũng mãnh, kiên trường của những người võ sĩ samurai xưa nay vẫn được đề cao. Tất cả những giá trị ấy của Đông Á đều có ở người Việt Nam, song có lẽ chuẩn mực vượt lên trên mọi chuẩn mực lại là cái Nghĩa. Cái Hiếu ở Việt Nam sớm được phân thành Tiểu Hiếu (hiếu kính với ông bà cha mẹ) và Đại Hiếu (hiếu nghĩa với non sông tổ quốc). Chữ Trung cũng được người Việt Nam viết lại nội hàm, Trung phải đi đôi với Nghĩa, mà trong số mọi cái nghĩa, Đại Nghĩa là lòng yêu nước;
chính vì thế chữ Trung trong văn hóa Việt Nam song hành cùng một bạn đồng hành vĩnh cửu: Trung quân – ái quốc [48];[54].
Khi bước vào thế kỷ XX, cả xã hội Trung Hoa và Việt Nam xảy ra những biến động lớn lao trước mối đe dọa thực dân đế quốc (về mặt chính trị) và làn sóng giao lưu mạnh mẽ từ văn hóa phương Tây. Quan niệm chữ Hiếu ở hai nền văn hóa đều xảy ra quá trình “giải tôn ti”, “giải lý luận”, song quá trình ấy diễn ra mạnh hơn ở Việt Nam do bối cảnh lịch sử - xã hội đặc thù hơn, quá trình tương tác và giao lưu văn hóa bản địa và phương Tây (Pháp, Mỹ) diễn ra mạnh mẽ hơn, theo đó truyền thống chữ Hiếu có xu hướng quay trở lại vạch xuất phát ban đầu thời tiền lý luận hóa, cũng là trạng thái quan niệm chữ Hiếu ở Việt Nam tiệm cận nhất với quan niệm chữ Hiếu trên toàn thế giới (vốn là một giá trị phổ quát toàn nhân loại), cũng là xu hướng tiến dần hơn về tính dân chủ (dù chỉ tiệp cận chứ không bao giờ chạm đích tính dân chủ do chữ Hiếu được xây dựng trên nền tảng quan hệ giữa hai thế hệ cha mẹ và con cái vốn có khoảng cách tôn ti). Trong khi đó, trong văn hóa Trung Hoa quan niệm chữ Hiếu cũng đang thay đổi theo hướng tiệm cận quan niệm phổ quát, song đó là một bước đi dài hơn, những thay đổi mang tính chất quyết liệt hơn trong cả quan niệm và thực hành. Hai quá trình ấy được miêu tả qua biểu đồ sau:
Sơ đồ.3. Hai đặc tính Việt Nam và Trung Hoa về quan niệm chữ Hiếu. (Nguyễn Ngọc Thơ)
Thật vậy, trong thời kì hiện đại và trong tương lai các quan hệ thân tộc ở cả Trung Hoa và Việt Nam dần dà giản lược hóa thành các quan hệ xã hội thông thường trong khi con người sống chủ yếu trong bối cảnh gia đình hạt nhân, quan niệm và thực hành chữ Hiếu ở Việt Nam và Trung Hoa chắc chắn sẽ có dự dịch chuyển theo hướng “giải tôn ti”, “giải lý luận” để trở về với trạng thái nguyên thủy sơ khai của nó (ở Việt Nam ứng với quan niệm thời chưa tiếp xúc văn hóa Trung Hoa, còn ở Trung Hoa tương ứng với thời tiền Khổng - Mạnh). Ở hai quá trình song song ấy, quan niệm chữ Hiếu trong văn hóa Việt Nam chắc chắn sẽ có sự chuyển dịch nhỏ hơn do vốn có truyền thống chữ Hiếu mang đậm minh triết dân gian giản dị và gẫn gũi; trong khi người Trung Hoa phải chủ động và tích cực nhìn nhận, đánh giá quan niệm chữ Hiếu trong trạng thái chuẩn giá trị đang biến đổi mạnh mẽ từ cực trọng tôn ti sang giải tôn ti, từ tính điển chế - quan phương sâu sắc sang tính hiện đại, tính linh hoạt do nhu cầu của thời đại. Dù với hai quá trình có phần hác biệt nhau, song nếu xã hội không làm chủ được diễn biến của nó thì hệ quả sẽ là giống nhau ở chỗ quan niệm chữ Hiếu bị phá vỡ, quan hệ tôn ti ruột thịt bị xáo trộn, nhất là trong quá trình di dân trẻ dưới sức hút của đô thị hóa, công nghiệp hóa.
Những kết luận được rút ra sau khi tiến hành những so sánh cơ bản nhất về giá trị chữ Hiếu trong văn hóa Việt - Trung giúp chúng tôi nhận thấy rằng, dù chữ Hiếu ở Việt Nam chịu ảnh hưởng từ chữ Hiếu của văn hóa Trung Hoa, dù chữ Hiếu ở Trung Hoa đã đang “bắt buộc” phải thay đổi và xóa bỏ nhiều giá trị không còn phù hợp với thực trạng phát triển của đất nước, nhưng nếu phải đưa ra một nguyên nhân
để lý giải cho những sự khác nhau đó thì tác giả cho rằng, đó chính là vì người Việt và người Hán đều chịu sự chi phối của tính dân tộc mà nhiều đặc trưng của nó đã trở thành hệ tư tưởng chi phối mọi hoạt động, phương thức tư duy của nhân dân hai nước. Dù có tương đồng đến mấy thì hai quốc gia Việt Nam, Trung Hoa vẫn mãi là hai quốc gia riêng biệt, con người Việt Nam và con người Trung Hoa dù có gần gũi nhau đến mấy thì vẫn có những khác biệt được quy định bởi tính dân tộc này. Tính dân chủ, thiên về âm tính, trọng tình làng nghĩa xóm... trong khi thực hành Hiếu; tư tưởng “Trung quân” nhưng phải gắn liền với “Ái quốc”, “Trung với Đảng” nhưng phải “Hiếu với dân” trong khi phụng sự tổ quốc; tư tưởng Đại Hiếu, coi cha mẹ của người khác cũng như cha mẹ mình để tôn kính, hiếu thảo của những người Phật tử...
đều là những hệ quả bắt nguồn từ những đặc trưng dân tộc rất riêng của người Việt từ thời cổ đại đến tận ngày nay.
Tương tự như vậy, người Trung Hoa dù có chịu ảnh hưởng của nhiều luồng văn hóa ngoại lai, chịu áp lực khi là quốc gia đông dân nhất thế giới, có cơ cấu dân số ngày càng già hóa và nhiều giá trị đạo đức bị mai một trong thời gian gần đây thì tính dân tộc vẫn chi phối người Trung Hoa trong hầu hết các hoạt động giao tiếp, ứng xử hằng ngày. Chữ Hiếu của người Trung Hoa phát triển theo chiều dọc, coi trọng tính dương, coi trọng tính tôn ti tuyệt đối, coi trọng pháp lý mà hạn chế cái tình cảm... và đây là những giá trị do những đặc trưng của dân tộc Trung Hoa với lịch sử hơn 4000 năm quy định thành. Tính dân tộc này của mỗi nước đều vô cùng chặt chẽ và không thể phá vỡ trong bất cứ trường hợp nào, trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào.
Tiểu kết Chương 4
Chương 4 của luận văn, tác giả chủ yếu tiến hành tổng kết, so sánh những sự tương đồng và dị biệt cơ bản nhất trong giá trị chữ Hiếu của hai nước Việt - Trung.
Trên cơ sở đó, tác giả đã đưa ra những quan điểm, nhận định khách quan nhất để lý giải cho nguyên nhân tạo ra những tương đồng và dị biệt này. Giá trị chữ Hiếu của người Việt và người Hán đều giống nhau về mặt ý nghĩa, nội hàm văn hóa, giống nhau trong cả những bước phát triển và thay đổi trong các giai đoạn lịch sử, giống nhau trong cả vai trò đối với gia đình, dòng tộc, cộng đồng.
Tuy vậy, chính do tương đồng về nhiều mặt mà vô hình trung lại mang đến cho giá trị chữ Hiếu của hai nước những điểm dị biệt. Bởi vì dù có tương đồng đến mấy về thể chế kinh tế, chính trị, sự gần gũi về mặt địa lý, điều kiện tự nhiên... thì Việt Nam và Trung Hoa vẫn là hai quốc gia độc lập và riêng biệt. Văn hóa Việt Nam và Trung Hoa không chỉ ảnh hưởng, giao lưu lẫn nhau trong cùng một vùng văn hóa Nho giáo mà còn chịu chi phối và quy định bởi những đặc trưng dân tộc của riêng mình. Những điều này đã mang lại cho giá trị chữ Hiếu ở từng nước có những đặc trưng rất riêng, phù hợp với bản sắc văn hóa chung của dân tộc mình và không bị trộn lẫn hay đồng hóa với bất cứ nền văn hóa nào khác trên thế giới.
Cũng qua những kết quả nghiên cứu thu được, có thể khẳng định quy luật của giao thoa văn hóa (giao lưu tiếp biến văn hóa) là quá trình năng động sáng tạo, cái được tiếp nhận luôn được sàng lọc, lựa chọn, tái cấu trúc và điều chỉnh cho phù hợp với thế giới quan, nhân sinh quan của dân tộc tiếp nhận.
Đông Á là một vùng văn hóa có một trung tâm và nhiều ngoại vi, trong đó sự tương tác giữa tính dân tộc của trung tâm và các dân tộc ngoại vi đã tạo nên một hiện thực tính nước đôi tuy phổ biến nhưng rất kỳ thú: vừa đảm bảo vị trí một bộ phận của vùng văn hóa Nho giáo Đông Á vừa thể hiện vị thế của các dân tộc độc lập với nét đặc thù dân tộc rõ nét, cùng tương tác tạo nên sự đa dạng văn hóa của vùng văn hóa Nho giáo.