CHƯƠNG 4: SO SÁNH QUAN NIỆM VỀ CHỮ HIẾU TRONG VĂN HÓA VIỆT
4.1. Điểm tương đồng trong truyền thống chữ Hiếu ở Việt Nam và Trung Hoa
4.1.1. Những nét tương đồng trong nhận thức và thực hành chữ Hiếu qua hai nền văn hóa
Những kết quả thu được trong chương 2 và 3 trên cơ sở và nền tảng lý luận của chương 1 đã khiến chúng ta có thể khẳng định rằng chữ Hiếu trong văn hóa Việt Nam và Trung Hoa chia sẻ nhiều điểm tương đồng. Sự tương đồng này không chỉ được thể hiện ở mặt nguồn gốc và tiến trình lịch sử mà còn tương đồng cả về mặt nội dung, hình thức biểu hiện lẫn ảnh hưởng, phạm vi tác động đối với lịch sử, với gia đình, dòng tộc và với toàn xã hội.
4.1.1.1. Sự tương đồng về mặt ý nghĩa và nội hàm
Đây là đặc điểm chung không chỉ của riêng mình văn hóa Việt Nam và Trung Hoa mà có thể nói là đặc điểm chung của rất nhiều nền văn hóa trên thế giới. Dù là chữ Hiếu theo quan niệm và hệ thống nhận thức của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo hay thậm chí là Thiên chúa giáo, dù là những quốc gia riêng biệt, chịu ảnh hưởng từ những vùng văn hóa khác nhau với những điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội v.v.
khác nhau thì cũng đều mang những nội hàm cơ bản nhất chính là nhấn mạnh và tập trung vào việc giáo huấn đạo lý làm con trong gia đình, nhấn mạnh sự hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, biết ơn tổ tiên của người làm con trong gia đình. Sự tương
đồng về mặt ý nghĩa và nội hàm này lại gắn liền với nguồn gốc, tiến trình phát triển của chữ Hiếu trong nền văn hóa truyền thống của hai nước.
4.1.1.2. Sự tương đồng về mặt nguồn gốc và tiến trình phát triển
Việt Nam và Trung Hoa là hai quốc gia có sự tương đồng về nhiều mặt, đây là điều không ai có thể phủ nhận. Ngoài sự tương đồng về ý nghĩa và nội hàm thì sự tương đồng rõ rệt nhất còn phải kể đến nguồn gốc cũng như tiến trình phát triển chữ Hiếu của hai quốc gia, hai dân tộc Việt - Trung. Cả hai nước đã cùng trải qua những thay đổi và biến động lịch sử tương tự nhau, dù là thời công xã nguyên thủy sơ khai hay đến tận thời kỳ hiện đại ngày nay. Đặc biệt chữ Hiếu được phát triển và hệ thống hóa trong thời kỳ giai cấp phong kiến đang thống trị Trung Hoa, kéo dài hơn 2000 năm lịch sử, bởi vậy cho nên hệ giá trị của chữ Hiếu truyền thống trong nền văn hóa của hai dân tộc được xây dựng chi tiết, bài bản với mục đích đầu tiên là phục vụ cho các ý đồ chính trị của giai cấp cầm quyền phong kiến. Trong đó có nhiều quan niệm đã trở nên lỗi thời, thậm chí là bảo thủ, cổ hủ và đang dần được xóa bỏ. Ví dụ điển hình nhất chính là quan điểm về “Tam cương - Ngũ thường” đã từng thống trị toàn xã hội Trung Hoa và Việt Nam trong một giai đoạn dài của lịch sử. Tuy người Việt Nam không xây dựng xã hội thành hệ thống luân lý hà khắc như Nho gia, nhưng rõ ràng rằng giai cấp phong kiến Việt Nam cũng như Trung Hoa đương thời đều đã sử dụng hệ thống luân lý này của Nho gia như một công cụ để quản lý nhân dân và giữ gìn trật tự kỷ cương đất nước.
Một ví dụ điển hình khác cho sự tương đồng này chính là chế độ “Hiếu cử”
(hay “Cử hiếu liêm”), đây là phương thức khoa cử chủ yếu thông qua việc tiến cử những người con nổi tiếng có hiếu trong gia đình đảm nhận chức quan “Hiếu liêm”
trong triều đình, được các học giả Trung Hoa đánh giá là biểu hiện cao nhất của chế độ “Hiếu trị”. Phương thức này rất phổ biến trong xã hội Trung Hoa đương thời, đặc biệt là vào thời Hán. Còn ở Việt Nam, nó cũng đã từng rất được các triều đại coi trọng và áp dụng [chương 2].
Sự tương đồng về những bước phát triển trong giá trị của chữ Hiếu không chỉ
thể hiện trong các giai đoạn của xã hội truyền thống cổ xưa mà còn kéo dài đến tận xã hội hiện đại ngày nay. Ngay cả khi hai nước đã hoàn toàn độc lập về tư tưởng, thể chế kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội v.v. thì vẫn có sự tham chiếu nhau trong từng bước phát triển của nền văn hóa truyền thống, đặc biệt là trong bước phát triển và thay đổi của hệ giá trị chữ Hiếu như dần xóa bỏ tư tưởng “nam tôn nữ ti” của Nho gia, xóa bỏ tư tưởng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, chủ trương tự do hôn nhân... Một sự thay đổi đáng “kinh ngạc” đó chính là xã hội Trung Hoa và Việt Nam ngày nay đã chấp nhận việc con cái có thể ở riêng, độc lập với cha mẹ, thậm chí cha mẹ khi về già có thể ở viện dưỡng lão do Chính phủ và các tổ chức xã hội xây dựng, không nhất thiết phải cùng ở với con cháu, tam, tứ đại đồng đường... Tuy hiện tượng này chưa phổ biến nhưng đang dần được xã hội tiếp nhận, cho thấy những bước phát triển rất mới trong hệ giá trị của chữ Hiếu, cũng cho thấy giá trị văn hóa chữ Hiếu của hai nước Việt Nam và Trung Hoa đang dần thay đổi để thích nghi với xã hội mới.
4.1.1.3. Sự tương đồng về vai trò đối với lối sống gia đình và cộng đồng Chữ Hiếu trong nền văn hóa truyền thống Việt Nam và Trung Hoa đều có những vai trò rất giống nhau đối với lịch sử cũng như với gia đình và cộng đồng.
Chữ Hiếu trong gia đình là công cụ để thiết lập và duy trì mối quan hệ tôn ti trật tự giữa những thành viên trong gia đình và dòng họ. Mà gia đình là một xã hội thu nhỏ, nên nói rộng ra nếu chữ Hiếu là công cụ để các thành viên trong gia đình sống có phép tắc, con cháu “kính trên nhường dưới” thì ra ngoài cộng đồng, chữ Hiếu là tiêu chuẩn và thước đo cho các nền tảng đạo đức xã hội và trình độ văn hóa của một người trong cộng đồng. Chính vì hiểu được điều này nên dù ở xã hội Việt Nam hay Trung Hoa, dù là với giai cấp lãnh đạo đất nước hay chỉ đơn thuần là trong các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng v.v. thì chữ Hiếu đều được coi là các biểu hiện cụ thể cho tinh thần “trung quân ái quốc” của nhân dân.
Cũng giống như bất kỳ quốc gia nào khác ở Đông Á, Trung Hoa đang chứng kiến những thay đổi sâu sắc của đời sống kinh tế - xã hội, đây là những nhân tố trực
tiếp tác động đến cấu trúc và chức năng gia đình, kéo theo những biến động đa chiều của các mối quan hệ luân lý. Tác giả cho rằng người Trung Hoa cần kiên định thực hành đạo hiếu và có những thay đổi để thích nghi với tình hình mới. Phải chăng những biến đổi này cũng chính là những đòi hỏi tương tự đối với chữ Hiếu của văn hóa Việt Nam?
Ở đây cũng cần bổ sung rằng ở Trung Quốc,chữ Hiếu gắn với môi trường gia tộc, dòng họ do vậy mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong một số trường hợp nhất định (hiện nay chỉ còn tồn tại ở các dân tộc thiểu số vùng sâu hoặc vùng nông thôn) bị che khuất hay bị lấn át bởi mối quan hệ dòng tộc; do vậy khi kinh tế thị trường phát triển, nhất là Trung Quốc đã từ lâu được biết đến là một quốc gia có tốc độ phát triển thần tốc nhưng đôi khi lại có sự tăng trưởng quá nóng gây ra nhiều hệ lụy. Truyền thống chữ Hiếu cũng nằm trong xu thế đó và với vai trò là nền tảng đạo đức trong gia đình, dòng tộc nên có phần thay đổi nhiều và mạnh mẽ hơn hẳn.
(H.6. Bài thơ Trung và Hiếu tại Phụng Sơn Tự, người chụp: Nguyễn Ngọc Thơ, địa điểm chụp: Tp.
Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.) ngày 13 tháng 4 năm 2016
Còn ở Việt Nam truyền thống chữ Hiếu gắn với quy mô gia đình đơn lẻ, chịu sự chi phối của không gian văn hóa làng xã trăm họ và ít chịu chi phối bởi quan hệ dòng họ, gia tộc; khi đi vào thời kinh tế thị trường, truyền thống chữ Hiếu có thay đổi nhưng không mạnh mẽ như tại Trung Quốc. Bởi suy cho cùng, truyền thống chữ Hiếu ở Việt Nam vốn có tính đàn hồi, linh hoạt, làm cho sức sống của truyền thống chữ Hiếu trong văn hóa Việt Nam hiện nay vẫn được truy trì và bảo đảm. Thêm vào
đó, truyền thống phong tục, nghi lễ ở Việt Nam vẫn được duy trì (như phong tục đoàn tụ gia đình ngày tết, phong tục hôn nhân gắn kết với mối quan hệ giữa con cháu và ông bà tổ tiên đã khuất, phong tục tang ma mang nặng truyền thống đạo Hiếu, phong tục cúng giỗ thường niên v.v.), trong đó mối quan hệ giữa cáithiêngvà cáiphàm tục vẫn rất chặt chẽ, điều này làm cho truyền thống chữ Hiếu ở Việt Nam vẫn tiếp tục dòng chảy trong nền văn hóa đương đại. Tuy nhiên, trong trường hợp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn, các quan hệ luân lý bị phá vỡ nhiều hơn thì chắc chắn rằng quan niệm và thực hành chữ Hiếu sẽ bị biến dạng mạnh mẽ. Theo quan sát của chúng tôi, truyền thống ấy bước đầu đang bị phá vỡ bởi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Việt Nam - lúc các nam nữ thanh niên phải rời xa gia đình, làng xóm để lập nghiệp ở nơi khác, không còn điều kiện trực tiếp để phụng sự đạo hiếu. Chính sự phá vỡ môi trường sống là một trong những động lực lớn nhất làm biến đổi nhận thức và thực hành chữ hiếu ở hiện tại và tương lai.
4.1.2. Tính khu vực của quan niệm chữ Hiếu trong vùng văn hóa Nho giáo
Các nền văn hóa được xây dựng và định vị trong một không gian. Fernand Braudel (1902–1985), nhà sử học người Pháp nổi tiếng với Lý thuyết hệ thống kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn thế giới [59], cho rằng có mối quan hệ biện chứng giữa môi trường và văn hóa. Lý thuyết sinh thái học văn hóa cũng khẳng định mối quan hệ này.
Trong đó “không gian văn hóa” là phạm trù quan trọng đã được nhiều nhà văn hóa nghiên cứu, nó tương ứng với một nền văn hóa riêng và một khu vực lãnh thổ riêng, giúp chúng ta phân biệt được các địa điểm và cái nôi văn hóa, các khu vực, các vùng văn hóa và các thế giới văn hóa. Tác giả Ngô Đức Thịnh coi không gian văn hóa “như là một không gian địa lý xác đinh, mà ở đó một hiện tượng hay một tổ hợp hiện tượng văn hóa nảy sinh, tồn tại, biến đổi và chúng liên kết với nhau như một hệ thống” [30]. Còn tác giả Trần Ngọc Thêm [41] thì cho rằng không gian văn hóa bao giờ cũng rộng hơn không gian lãnh thổ bởi lẽ văn hóa có tính lịch sử (yếu
tố thời gian) và thông thường thì không gian văn hóa của hai dân tộc ở cạnh nhau hẳn nhiên có phần giáp ranh, có phần giao thoa văn hóa do các tác động của lịch sử.
Tìm hiểu về lý thuyết vùng văn hóa, sẽ giúp chúng ta hiểu được bản chất và nguyên nhân hình thành nên các vùng văn hóa, thấy được những phạm trù liên quan như sự giao thoa và lan tỏa văn hóa, sự tiếp diễn hay biến đổi văn hóa v.v. trên cơ sở đó mà có thể phân loại được các vùng văn hóa khác nhau trên thế giới. Chẳng hạn như với giá trị chữ Hiếu thì từ những kết luận ở các chương trên, chúng tôi có thể thấy rằng chữ Hiếu ở Việt Nam và Trung Hoa thuộc phạm vi vùng văn hóa Nho giáo mà không phải là vùng văn hóa Phật giáo (như ở Ấn Độ, Thái Lan...), vùng văn hóa Thiên Chúa giáo (như các nước phương Tây...)
“Đạo Nho đã tồn tại ở Việt Nam hàng ngàn năm qua và nó đã thăm nhập cho văn hóa Việt Nam ít nhất là một hình thức khu biệt văn hóa này với các nước Đông Nam Á và kéo Việt Nam vào quỹ đạo của những nước theo văn hóa Hán. Không có một dấu vết nào của văn hóa Việt Nam mang một biểu hiện, một dấu hiệu có tính chất Nho giáo, dù đó là văn học, chính trị, phong tục, nghi lễ, nghệ thuật, tín ngưỡng. Cũng không có một người Việt Nam nào, dù chống Nho giáo đến đâu mà lại không ảnh hưởng Nho giáo..”. Nhận định này của Phan Ngọc [22] cùng sự đồng tình của nhiều nhà văn hóa, học giả Việt Nam và Trung Hoa khác khác đã cho thấy sức ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo tới văn hóa Việt Nam, khiến cho văn hóa Việt Nam, cũng như văn hóa Trung Hoa và các nền văn hóa thuộc phạm vi ảnh hưởng của vùng văn hóa Nho giáo như Nhật Bản, Hàn Quốc mang những đặc trưng rất tương đồng nhau mà các học giả vẫn thường gọi là những đặc trưng văn hóa mang tính khu vực [53]. Và dù phạm vi ảnh hưởng và nội hàm văn hóa có sâu rộng đến mấy thì nhìn chung, những nền văn hóa thuộc vùng văn hóa Nho giáo đều mang những đặc trưng cơ bản sau:
1) Dựa trên các giá trị đạo đức luân thường để xây dựng nên vùng văn hóa Nho gia (xã hội Nho gia);
2) Coi trọng gia đình;
3) Kính thiên, phụng tổ;
4) Chủ yếu coi trọng thế giới hiện thực mà không phải thế giới quỷ thần;
5) Giá trị quan hạt nhân của văn hóa Nho gia: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín - Trung - Hiếu - Liêm – Sỉ - Tiết.
Ở đây chúng tôi xin được thảo luận mở rộng thêm vấn đề này để làm rõ hơn đề tài nghiên cứu. Tuy đối tượng nghiên cứu so sánh của luận văn là Việt Nam và Trung Hoa nhưng nếu truy xét rộng ra thì một vài quốc gia khác cùng thuộc vùng văn hóa Nho giáo như Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên thì đều mang những đặc điểm này. Trong văn hóa Việt Nam, một Chử Đồng Tử vì lòng hiếu thảo đã nhường cho bố đẻ chiếc khố cuối cùng; một Thúy Kiều vì chữ hiếu đã phải “bán thân mình chuộc cha” để phải vấn thân vào biết bao đoạn trường khổ ải; một Lục Vân Tiên trên đường lai kinh ứng thí nghe tin mẹ mất đã bỏ quay về và khóc đến mù mắt v.v..
Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể thấy được những khác biệt nhất định như cùng có truyền thống Hiếu đạo ảnh hưởng của Nho giáo Trung Hoa, nhưng người Triều Tiên gần gũi người Trung Hoa nhiều hơn, đặc biệt coi trọng chữ Hiếu, người Nhật Bản thì coi trọng chữ Dũng. Vì vậy mà chữ Hiếu của người Trung Hoa và Triều Tiên mang đậm bản chất tôn ti còn chữ Hiếu của người Nhật mang bản chất lý luận nhiều hơn. Người Việt cũng coi trọng chữ Hiếu, song thiên về chữ Hiếu thực tiễn, yếu tố tôn ti là tồn tại nhưng không sâu đậm như ở văn hóa Trung Hoa (theo TS. Nguyễn Ngọc Thơ). Theo giáo sư Tsuboi Yoshiharu trong bài “Nho giáo ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam” cũng nhận định rằng đạo Hiếu ở Việt Nam coi trọng chữ Nghĩa nhiều hơn [48]; [54]
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiệuu cho biết trong cuộc phỏng vấn của tác giả luận văn cho biết rằng về đại thể thì chữ Hiếu của người Việt và của người Trung Hoa cũng không khác nhau nhiều, bởi trước khi thuộc vùng văn hóa Nho giáo thì mỗi một quốc gia trên thế giới đều có văn hóa chữ Hiếu của mình. Tuy nhiên chữ Hiếu ở Việt Nam có hai mức độ: Một là dành cho giới tri thức, Nho học ở Việt Nam.
Tầng lớp này coi đạo Hiếu khá sâu nặng, như là một tiêu chuẩn của người tri thức.
Còn với tầng lớp nhân dân thì nhẹ nhàng hơn. Còn ở Trung Hoa, quan niệm về chữ Hiếu nặng nề hơn rất nhiều, ví dụ khi bố mẹ chết con phải để tang 3 năm còn ở Việt Nam thì thời gian hạn chế hơn nhiều (nhất là ở khu vực Nam Bộ). Nói chung khi đã ảnh hưởng từ Nho giáo thì những quan niệm về chữ Hiếu (hay đễ...) đều sẽ trở thành nguyên tắc, tuy nhiên khi đến Việt Nam thì những nguyên tắc này không nặng nề lắm, không bị ràng buộc quá chặt chẽ như Nho giáo quy định, ở Việt Nam dân chủ hơn. Có thể nói là quan niệm chữ Hiếu đã thay đổi nhiều theo sự thay đổi của xã hội, đặc biệt là từ khi có sự du nhập của văn hóa phương Tây. Ngay cả trong cùng một đất nước Việt Nam cũng có sự khác nhau giữa quan niệm về chữ Hiếu ở miền Bắc và ở miền Nam. Trong đó nhìn chung ở miền Nam người ta thường hay nói đến chữ Hiếu nhiều hơn.
4.2. Những dị biệt và tính dân tộc trong truyền thống chữ Hiếu ở Việt Nam và Trung Hoa
Chúng tôi nghĩ rằng khu vực Nam Trung Hoa và Việt Nam (rộng ra là toàn vùng Đông Nam Á) đều có gốc nông nghiệp trồng lúa nước, vì vậy đặc trưng các cư dân nông nghiệp là tính chất liên kết làng. Tuy nhiên ở Trung Hoa lại có sự giao thoa giữa văn hóa gốc du mục từ phương Bắc nên có thể nói, ở Việt Nam, tính liên kết làng này thể hiện mạnh nhất, trong mối quan hệ làng xã thì tính tôn ti đã bị thuyên giảm mà vai trò của làng xã lại tăng lên. Cá nhân tương tác trực tiếp từ gia đình cho đến làng xã, vai trò dòng tộc thấp. Điều này khác hẳn với các dân tộc khác như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Triều Tiên đó là tính tôn ti rất được đề cao, vai trò dân tộc chủ thể chiếm vị trí tuyệt đối. Chính vì vậy mà quan niệm, việc hành Hiếu và nhiều phương diện đều có sự khác nhau. Chẳng hạn như tác giả Phan Ngọc [22], thì cho rằng người Việt Nam sử dụng bốn lăng kính khi tiếp nhận văn hóa Trung Hoa, trong đó có truyền thống lý luận chữ Hiếu: lăng kính làng xã, lăng kính tổ quốc, lăng kính văn hóa Đông Nam Á, lăng kính thân phận lịch sử… Do vậy, những thể hiện khác biệt trong nhận thức và thực hành chữ Hiếu là một trong những hệ quả tất yếu của các điều kiện nói trên.