Tri thức địa phương

Một phần của tài liệu Tri thức địa phương của người cơ tu trong ứng xử với rừng (Trang 20 - 38)

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

1.1. Cơ sở lý luận

1.1.1. Tri thức địa phương

1.1.1.1. Khái niệm về tri thức địa phương

Thuật ngữ “tri thức địa phương”, cho đến nay vẫn được các nhà nghiên cứu sử dụng đồng nhất với các thuật ngữ khác như: “tri thức bản địa” “tri thức sinh thái truyền thống”, “tri thức dân gian”… Trong đó, thuật ngữ “tri thức bản địa” thường được sử dụng rộng rãi trong các công trình nghiên cứu quốc tế. Thuật ngữ này được Robert Chambers dùng đầu tiên trong một ấn phẩm xuất bản năm 1979, sau đó thuật ngữ này được Brokensa và D.M.Warren sử dụng vào năm 1980 và tiếp tục cho đến ngày nay” [Hoàng Xuân Tý và Lê Trọng Cúc (cb) 1998: 12].

Việc sử dụng đổi chỗ cho nhau giữa các khái niệm “tri thức địa phương”, “tri thức bản địa”, “tri thức truyền thống” là do giữa chúng ít nhiều có những điểm khác biệt nhau.

Theo Mugabe (1998): “tri thức bản địa” là tri thức được duy trì và sử dụng bởi một nhóm người dân, những người tự nhận là người bản xứ của một địa phương dựa trên cơ sở kết

13

hợp sự khác nhau về văn hóa và sự chiếm giữ lãnh thổ trước tiên liên quan đến số dân mới di cư đến trong một thời gian gần đây, với sự khác biệt của chính bộ phận này và nền văn hóa có ảnh hưởng lớn. Tri thức truyền thống, mặt khác, là tri thức được duy trì bởi các thành viên của một nền văn hóa khác biệt và/hoặc đôi khi đạt được bằng cách hướng đặc biệt đến nền văn hóa đó và liên quan đến chính nền văn hóa và môi trường địa phương mà nó tồn tại”. Ông kết luận rằng “tri thức bản địa ăn khớp rõ ràng với phân loại tri thức truyền thống, nhưng truyền thống không nghiễm nhiên là tri thức bản địa” [Dẫn lại Trần Hồng Hạnh 2005: 25].

Cũng trong nỗ lực để phân biệt “tri thức bản địa”, “tri thức truyền thống” và “tri thức địa phương”, Laungramsri cho rằng, rất khó để phân biệt rõ ràng giữa tri thức bản địa và tri thức truyền thống, vì tri thức bản địa thường liên quan đến tri thức truyền thống.

Trong khi đó, tri thức địa phương được xác định là tri thức, bao gồm cả kiến thức hiện đại mà người dân sử dụng trong quá trình thích nghi với môi trường sống của họ, nguồn tri thức này bao gồm tri thức chung (thông thường) và những tri thức riêng bởi nó là sự tương tác giữa tri thức dân tộc và tri thức hiện đại [Dẫn lại Trần Hồng Hạnh 2005: 25].

Có thể nhận thấy tri thức địa phương là một khái niệm gộp, mang tính khái quát hóa cao, nó được hiểu là kiến thức bao gồm: tri thức bản địa và tri thức truyền thống. Như vậy, thực tế cho thấy có nhiều nhà nghiên cứu đã nỗ lực để phân biệt khái niệm tri thức bản địa, tri thức truyền thống, tri thức địa phương, nhưng việc phân loại này ở một chừng mực nào đó chỉ mang tính tương đối.

Hình 1. 1. Sơ đồ hệ thống tri thức

(Nguồn: Trần Hồng Hạnh 2005)

14

Tình trạng sử dụng chồng chéo các khái niệm “tri thức địa phương”, “tri thức bản địa”, “tri thức truyền thống” (nghĩa là vẫn chưa có một khái niệm nào mang tính nhất quán) vẫn còn tiếp tục cho đến nay. Nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc đưa ra một định nghĩa chung về tri thức địa phương (tri thức bản địa) trước hết là do tri thức địa phương thường gắn liền với chủ sở hữu nó, mà theo đánh giá của Liên hợp quốc có hơn 300 triệu nhóm địa phương trên toàn thế giới [Sillitoe et al 2002: 26] và mỗi nhóm sở hữu một hệ thống tri thức của riêng mình [Lâm Bá Nam 2010].

Ngay cả việc xác định chủ sở hữu nguồn tri thức đó là “bản địa”, “truyền thống”

hay “địa phương” thì cho đến nay vẫn chưa có một hệ tiêu chí nào chung nhất để làm cơ sở cho việc phân định chúng một cách rõ ràng. Trong khi đó, nói đến tri thức bản địa là phải đề cập đến “cư dân bản”, “tộc người bản địa”, song vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về thuật ngữ này. Ở phạm vi rộng, cách hiểu về “cư dân bản địa” hay “tộc người bản địa” được thể hiện trong điều 1, khoản 2 Công ước 169 của Tổ chức lao động Thế giới (ILO). Theo đó, “cư dân ở các nước độc lập được coi là bản địa vì nguồn gốc của họ là từ các dân cư đã sống ở các nước đó, hay ở các vùng địa lý mà nước đó trực thuộc, trong thời kỳ xâm chiếm và thuộc địa hoặc sự thiết lập các biên giới quốc gia hiện nay, những người, không kể thân phận hợp pháp nào của họ, vẫn duy trì một vài hoặc toàn bộ thể chế xã hội, kinh tế, văn hóa, và chính trị của chínnh họ” [Công ước ILO 169, 1989].

Ở phạm vi hẹp, Ngô Văn Lệ (2012) cho rằng: “cư dân bản địa” hay “tộc người bản địa” thường được hiểu trong so sánh giữa các lớp dân cư sinh sống trên một địa bàn nào đó về thời gian lâu hơn so với những cộng đồng cư dân đến sinh sống sau cũng trên địa bàn đó. Lớp cư dân đến trước thường được hiểu là cư dân bản địa trong so sánh về thời gian với lớp cư dân đến sau. Tác giả cũng đưa ra nhận định rằng cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm nào mang tính nhất quán, vì hiểu khái niệm “cư dân bản địa như trên chỉ mang tính chất tương đối” [Ngô Văn Lệ 2012: 3].

Tương tự như vậy, khi nói đến “tri thức truyền thống”, “tri thức địa phương” thì chúng ta phải nhắc đến “cư dân truyền thống” và “cư dân địa phương”. Nhưng việc nhìn nhận khái niệm cư dân truyền thống hay địa phương không phức tạp như cư dân bản địa,

15

mà theo đó, những người nào sinh sống trên một địa bàn cụ thể thì được gọi là “cư dân địa phương” [Trần Hồng Hạnh 2005: 29].

Đến đây, chúng ta dễ dàng chấp nhận rằng “cư dân bản địa” hay “tri thức bản địa”

được hiểu như quá trình cộng cư, chia sẻ văn hóa và kinh nghiệm đi kèm với nó, mang tính đặc thù địa phương. Song văn hóa là một tiến trình tiếp nhận, tiếp hợp và biến đổi, cả văn hóa truyền thống lẫn văn hóa hiện đại [Bùi Hoài Sơn 2010: 9]. Chính vì vậy, theo xu hướng phát triển tất yếu của các tộc người, việc giao lưu văn hóa giữa các tộc người trở nên dễ dàng hơn, khiến cho rất ít tộc người còn bảo tồn nguyên vẹn bản sắc truyền thống của mình như xưa. Tộc người bản địa ngày nay không còn là người bản địa 50 năm trước, nên không phải tri thức nào hôm nay cũng được xem là tri thức bản địa. Do đó, các nhà khoa học khi nghiên cứu tri thức của các tộc người trong giai đoạn ngày nay đã dần dần chuyển sang cách hiểu về “tri thức địa phương” hơn là “tri thức bản địa”.

Mặc dù, tri thức địa phương đang ngày càng được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm nghiên cứu, nhưng mỗi nhà khoa học tiếp cận đối tượng từ những khía cạnh khác nhau và vì những mục đích khác nhau, từ đó hình thành các quan điểm khác nhau về tri thức địa phương. Để thuận lợi cho việc nghiên cứu tri thức địa phương của các tộc người, các nhà nghiên cứu, các tổ chức khoa học trên thế giới đã và đang nỗ lực xây dựng một định nghĩa thống nhất về tri thức địa phương. Trong đó, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã sớm đưa ra định nghĩa tri thức địa phương (tri thức bản địa) trong chương trình

Tri thức bản địa và sự phát triển” tại Châu Phi vào năm 1998. Định nghĩa này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của giới khoa học và thường được trích dẫn lại trong những công trình sau này. Theo đó “tri thức bản địa là tri thức địa phương, là nền tảng cơ bản cho việc thiết lập các quyết định liên quan đến địa phương trên mọi lĩnh vực của cuộc sống đương đại bao gồm quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dinh dưỡng, thức ăn, y tế, giáo dục và trong các hoạt động xã hội và cộng đồng. Tri thức bản địa còn cung cấp các chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra cho cộng đồng dân cư địa phương”

[World Bank, 1998].

16

Bàn về khái niệm tri thức địa phương, tổ chức UNESCO nhận định “Tri thức bản địa (indigenous knowledge) hay tri thức địa phương (local knowledge) dùng để chỉ những thành phần tri thức hoàn thiện được duy trì, phát triển trong một thời gian dài với sự tương tác qua lại rất gần gũi giữa con người với môi trường tự nhiên. Đó là một phần của tổng hòa văn hóa, tập hợp những hiểu biết tri thức bao gồm hệ thống ngôn ngữ, cách định danh và phân loại, phương thức sử dụng tài nguyên, các hoạt động sản xuất, các nghi lễ, giá trị tinh thần và thế giới quan… Những tri thức này là cơ sở để đưa ra những quyết định về nhiều phương diện cơ bản của cuộc sống hàng ngày tại địa phương như săn bắn, hái lượm, đánh cá, canh tác và chăn nuôi, sản xuất lương thực, nước, sức khỏe và sự thích nghi với những thay đổi của môi trường và xã hội. Hơn nữa, trái với kiến thức chính thống, những kiến thức không chính thống được truyền miệng từ đời này sang đời khác và hiếm khi được ghi chép lại” [Dẫn theo Đoàn Ngọc Khôi 2009: 7].

Ở Việt Nam, nghiên cứu tri thức địa phương của các tộc người cũng bắt đầu được chú ý. Tuy nhiên, hầu như các nghiên cứu chủ yếu được tiến hành một cách rời rạc và chủ yếu được in trong các công trình nghiên cứu của ngành nhân học và dân tộc học. Đến đầu thế kỷ XX, do đứng trước nguy cơ suy thoái về môi trường, cùng với các dự án xóa đói giảm nghèo, đặc biệt đối với các tộc người ở miền núi, nên việc nghiên cứu kiến thức, kinh nghiệm của các tộc người mới thật sự được quan tâm đúng mức. Cũng như các học giả quốc tế, khi nghiên cứu văn hóa của các tộc người thiểu số ở Việt Nam, thuật ngữ “tri thức bản địa”, “tri thức địa phương” được các nhà nghiên cứu sử dụng với những tên gọi khác nhau, điều đó làm nảy sinh những quan điểm không giống nhau về tri thức địa phương. Chẳng hạn:

Lê Trọng Cúc cho rằng: “Tri thức địa phương hay còn gọi là tri thức bản địa là hệ thống tri thức của các cộng đồng dân cư bản địa ở các quy mô lãnh thổ khác nhau. Tri thức địa phương được hình thành trong quá trình lịch sử lâu đời, qua kinh nghiệm ứng xử với môi trường xã hội, được định hình dưới nhiều dạng thức khác nhau, được truyền từ đời này sang đời khác qua trí nhớ, qua thực tiễn sản xuất và thực hành xã hội, quan hệ giữa con người và thiên nhiên” [Lê Trọng Cúc 2002: 215].

17

Trong bài viết “Tri thức địa phương của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam” in trong sách “Dân tộc học Việt Nam thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI”, Phạm Quang Hoan đã xem xét tri thức địa phương ở hai cấp độ khác nhau: “Một là, tri thức địa phương (hay tri thức bản địa, tri thức dân gian, tri thức tộc người) là toàn bộ những hiểu biết, những kinh nghiệm của một tộc người nhất định được tích lũy, chọn lọc và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vốn tri thức đó phản ánh trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống cộng đồng để mỗi tộc người sinh tồn, phát triển và thích nghi trước những biến đổi và đang diễn ra. Nói cách khác, tri thức địa phương là phương thức ứng xử, là đặc tính thích nghi với những điều kiện sinh thái nhân văn của mỗi tộc người. Cũng có thể đó là bản sắc văn hóa tộc người. Hai là, “tri thức địa phương” là tri thức của các cộng đồng tộc người cùng cộng cư trong một vùng sinh thái hay một vùng văn hóa nhất định. Trong trường hợp này tri thức địa phương cũng phản ánh xu hướng giao lưu và biến đổi văn hóa hay thích nghi văn hóa giữa các tộc người” [Phạm Quang Hoan 2003: 87].

Ngô Đức Thịnh cho rằng “Tri thức bản địa là toàn bộ những hiểu biết của con người về tự nhiên, xã hội và bản thân, hình thành và tích lũy trong quá trình lịch sử lâu dài của cộng đồng, thông qua trải nghiệm trong quá trình sản xuất, quan hệ xã hội và thích ứng môi trường. Nó tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau và truyền từ đời này sang đời khác bằng trí nhớ và thực hành xã hội” [Ngô Đức Thịnh 2004: 3].

Trong bài viết “Việt Nam có “tri thức bản địa” không?” tham gia Hội thảo quốc tế tại Bình Châu, McElwee nhắc lại định nghĩa của Ủy ban Quốc tế Hiệp hội Khoa học nói về tri thức bản địa. Theo đó thì tri thức bản địa là “Tri thức truyền thống là một khối tích lũy các kiến thức, hiểu biết, các tập quán và các cách diễn đạt được duy trì và phát triển bởi những con người có lịch sử lâu dài trong tương tác (interaction) với môi trường tự nhiên. Những cách hiểu, lý giải và các ý nghĩa tinh vi này là một phần của một phức hệ văn hóa bao gồm ngôn ngữ, tên gọi và các hệ thống phân loại, các thói quen sử dụng tài nguyên, lễ nghi, tín ngưỡng và thế giới quan… Tri thức truyền thống tạo ra cơ sở cho việc ra quyết định của người địa phương về nhiều khía cạnh cơ bản của cuộc sống hàng ngày:

săn bắn, đánh cá, hái lượm, nông nghiệp và chăn nuôi; chuẩn bị thức ăn, bảo tồn và phân

18

phối thức ăn, xác định vị trí, lấy nước và dự trữ nước; đấu tranh chống lại bệnh tật và thương vong; giải nghĩa các hiện tượng thời tiết và khí tượng; sản xuất các công cụ và quần áo; xây dựng và bảo dưỡng nhà ở; định hướng và đi lại trên đất liền và biển; quản lý các mối quan hệ sinh thái của xã hội và tự nhiên; thích nghi với các thay đổi về môi trường/xã hội…”[Pam McEllwee 2010: 3].

Tri thức địa phương (hay còn gọi là tri thức dân gian, tri thức tộc người, tri thức bản địa) là “toàn bộ những hiểu biết, những kinh nghiệm ứng xử của con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội ở những địa phương, những khu vực cụ thể được tích lũy, thực hành, chọn lọc và trao quyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được bổ sung và phát triển trong đời sống… Tri thức địa phương là tri thức của các cộng đồng tộc người cùng cộng cư trên một vùng sinh thái hay một vùng văn hóa nhất định” [Nguyễn Ngọc Thanh 2012: 14-15]

Nhìn chung, có nhiều cách hiểu khác nhau về tri thức địa phương, nhưng về mặt cơ bản nội hàm của các thuật ngữ này chỉ có một. “Nội hàm ấy hướng đến tri thức của cộng đồng bản địa, địa phương được đúc kết từ truyền thống để thực hành trong hoạt động sản xuất” [Ngô Văn Lệ 2014: 25]. Việc đưa ra một định nghĩa thống nhất về tri thức địa phương (tri thức bản địa) là một công việc không đơn giản. Thế nhưng, những quan điểm mà các nhà nghiên cứu đưa ra lại cho chúng tôi một cái nhìn toàn diện về tri thức địa phương, từ đó giúp chúng tôi có cơ sở để nghiên cứu tri thức địa phương của tộc người Cơ Tu ở Quảng Nam.

1.1.1.2. Đặc điểm của tri thức địa phương

Mặc dù có nhiều cách hiểu khác nhau về tri thức địa phương, nhưng xét đến cùng những quan điểm liên quan đến thuật ngữ này đều tồn tại những điểm chung, và đó là cơ sở dùng để phân biệt với “tri thức hàn lâm” (Academic Knowledge). Trong quá trình nghiên cứu, các học giả nhận thấy giữa hai thuật ngữ này có những điểm khác biệt nhau.

Trước hết, khác với chủ thể sáng tạo ra tri thức khoa học là những nhà thông thái, những nhà khoa học; tri thức địa phương được hình thành qua cộng đồng cư dân địa phương.

19

Sự khác biệt giữa “tri thức địa phương” và “tri thức hàn lâm” còn được phản ánh qua phương thức hình thành hai nguồn tri thức này. Nếu tri thức khoa học được hình thành qua con đường thực nghiệm trong các phòng thí nghiệm, được tổng kết và hệ thống hóa thành lý thuyết hoàn chỉnh, thì tri thức địa phương được hình thành trong quá trình tương tác giữa người dân địa phương và môi trường sống của mình, qua quá trình tương tác này con người đã đúc kết được kinh nghiệm trong quá trình ứng xử và thích nghi với môi trường tự nhiên. Do đó, tri thức này được hình thành một cách trực tiếp từ cuộc sống hàng ngày.

Về phạm vi, tri thức địa phương khi hình thành thường gắn liền với môi trường sản sinh ra nó, một khi môi trường sống thay đổi thì tri thức này không còn phù hợp nữa, chính vì vậy mà nó không được sử dụng một cách rộng rãi. Hơn nữa, do mang tính địa phương, nên nguồn tri thức này thường được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác qua phương thức truyền khẩu. Trong khi đó, tri thức khoa học được xem là hệ thống tri thức toàn cầu, vì vậy nó có tính khái quát cao và được ứng dụng rộng rãi toàn cầu. Để phổ biến nguồn tri thức này đến với nhân loại, buộc nó phải được tổng kết dưới dạng ngôn ngữ phổ thông và lưu giữ thông qua văn bản hoặc các thiết bị công nghệ.

Những điểm khác biệt giữa “tri thức địa phương” và “tri thức hàn lâm” được các nhóm tác giả Alan, R. Emery và Associates 1997 hệ thống lại một cách tương đối trong bảng so sánh của mình.

Bảng 1. 1. Sự khác biệt giữa tri thức địa phương và tri thức khoa học

Các lĩnh vực tri thức Tri thức địa phương Tri thức khoa học

Phạm vi

- Linh thiêng và thế tục cùng đồng hành, bao gồm cả siêu nhiên

- Hội nhập toàn thế, dựa vào hệ thống.

- Được lưu giữ thông qua truyền miệng và trong các thực

- Chỉ tính tới thế tục; loại trừ siêu nhiên

- Phân tích hay quy giản, dựa vào các tập hợp nhỏ của cái toàn thể

- Được lưu giữ thông qua

Một phần của tài liệu Tri thức địa phương của người cơ tu trong ứng xử với rừng (Trang 20 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(219 trang)