Đặc trưng văn hóa của người Cơ Tu

Một phần của tài liệu Tri thức địa phương của người cơ tu trong ứng xử với rừng (Trang 53 - 74)

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

1.2. Cơ sở thực tiễn

1.2.3. Đặc trưng văn hóa của người Cơ Tu

 Về phương thức sản xuất

Cũng giống như các tộc người cư trú ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, người Cơ Tu sống chủ yếu bằng nghề nương rẫy truyền thống. Cây lương thực được trồng chủ yếu là lúa, ngô và sắn, mỗi loại có một nhiều loại khác nhau. Trong đó, lúa có: lúa hạt to (milu), hạt nhỏ (ava), hạt ngon cơm (ade); nếp có: nếp trắng (mốc và dang), nếp đỏ (ta naych’rưi); ngô cũng có loại trắng (am prong) và loại đỏ (am vang); sắn có loại vỏ trắng (hop) và loại vỏ đỏ (núp).

Người Cơ Tu canh tác nương rẫy theo du canh, du canh theo từng chu kỳ rồi cuối cùng chuyển sang du cư. Vẫn có trường hợp người dân canh tác theo lối hưu canh để luân canh nhưng chưa phổ biến. Quy trình canh tác truyền thống của họ vẫn là phát, đốt rẫy và tra hạt. Dụng cụ canh tác của người dân còn khá đơn sơ, chủ yếu là: rựa (aco), rìu (achắt),

46

cuốc (cuốc), gậy chọc lỗ (apắt), cào cỏ (avinh). Khi thu hoạch, người dân sử dụng hai thanh kẹp để tuốt lúa, nhưng thường thì họ vẫn dùng tay để làm.

Do cuộc sống của người Cơ Tu phụ thuộc nhiều vào rừng, nên bên cạnh nghề trồng nương rẫy, nguồn sống chủ yếu của họ vẫn là nghề hái lượm và săn bắt. Ở người Cơ Tu, phụ nữ thường phụ trách công việc hái lượm, sản phẩm mà người Cơ Tu nhận được từ rừng khá đa dạng và phong phú bao gồm: măng, nấm, mộc nhĩ và các loại rau rừng tự nhiên. Trong khi người đàn ông Cơ Tu lại làm công việc săn bắt, người đàn ông Cơ Tu rất mê săn bắt và săn bắt rất giỏi.

Cùng với việc săn bắt thú rừng, nghề đánh bắt cá ở sông suối và nghề ăn ong cũng phát triển. Sản phẩm khai thác được từ các hoạt động này như là nguồn thực phẩm bổ sung cho bữa ăn của tộc người Cơ Tu.

Bên cạnh những sản vật do thiên nhiên rừng núi hào phóng ban tặng, để nâng cao mức sống của mình người Cơ Tu còn trồng lúa nước và chăn nuôi gia súc gia cầm. Hình thức canh tác lúa nước phát triển ở vùng Cơ Tu được gần nửa thế kỷ, từ cuối những năm 1950 đến những năm 1960 trở đi [Lưu Hùng 2006: 136]. Việc canh tác lúa nước mang lại năng suất cao, nhưng diện tích lúa nước ở người Cơ Tu vẫn còn hạn chế do đặc điểm địa hình nơi họ cư trú chủ yếu là rừng núi, mà đặc điểm của lúa nước là phải trồng ở những nơi có nước. Do đó, ruộng lúa nước của người dân chủ yếu được hình thành ở những con suối hoặc ở những thung lũng có thể dẫn nước vào được.

Mặc dù, trong quá trình cộng cư với người Việt, tộc người Cơ Tu đã tiếp thu những phương pháp canh tác của người Việt, nhưng do vẫn còn mang nặng kỹ thuật canh tác lúa rẫy nên đồng bào vẫn chưa quen với kỹ thuật canh tác mới, nhất là sử dụng cày bừa và phân bón. Thường người dân chỉ làm lúa nước một vụ, nhưng nhiều nơi bây giờ đã làm được hai vụ. Cùng với những giống lúa được đưa từ đồng bằng lên, người Cơ Tu còn mang cả những giống lúa rẫy xuống để canh tác [Lưu Hùng 2006: 136-137].

47

Bên cạnh việc làm lúa rẫy, lúa nước, ngày nay người Cơ Tu còn phát triển nghề làm vườn trong nhà hoặc trong rừng. Trước đây, theo phong trào người dân thi đua nhau trồng quế. Tuy nhiên, do hiệu quả kinh tế không cao nên người dân đã chuyển sang loại hình khác. Trong những năm gần đây họ bắt đầu trồng keo tai tượng, loại keo này canh tác khoảng 6-7 năm rồi khai thác để chế biến bột giấy nên giá trị kinh tế khá cao.

Nguồn thu nhập quan trọng khác của người Cơ Tu là nghề chăn nuôi. Đồng bào chăn nuôi gia súc, gia cầm với những loài phổ biến như: trâu, bò, lợn, dê, chó, gà. Đến nay, tập quán chăn nuôi theo lối thả rông của người dân vẫn còn được duy trì. Do đặc điểm địa hình phức tạp và khí hậu khắc nghiệt làm cho dịch bệnh thường xảy ra, nên việc chăn nuôi theo tập quán cũ của người dân khó mở rộng và phát triển. Trong những năm gần đây, số lượng đàn trâu giảm dần do hiệu quả kinh tế không cao (nuôi chủ yếu phục vụ cho các dịp lễ hội) và do tác động của các yếu tố tự nhiên. Trong khi đó, số lượng bò phát triển tương đối ở các vùng giữa và vùng thấp do dễ nuôi và hiệu quả kinh tế cao.

Nghề thủ công truyền thống của người Cơ Tu khá phát triển. Nghề dệt vải của người Cơ Tu còn được bảo lưu tương đối nguyên vẹn. Đây là nghề của nữ giới, từ khoảng 7-8 tuổi các bé gái đã bắt đầu tập dệt; chúng được học từ bà, mẹ, chị và những phụ nữ khác trong làng. Người Cơ Tu là một trong những tộc người vẫn còn bảo lưu nghề dệt và trang phục truyền thống. Làng Công Dồn, xã Duôih, huyện Nam Giang (Quảng Nam),

Hình 1. 5. Đồng lúa thôn A tu, xã Ch'om, huyện Tây Giang (Ảnh: Phương Giang, tháng 06/2012)

Hình 1. 6. Khu vườn sâm ba kích của già Bh'riu Pố (Ảnh: Nguyễn Văn Sơn, năm 2013)

48

vẫn còn trồng bông, se sợi, chế biến thuốc nhuộm, nắm giữ kỹ thuật, bí quyết dệt các loại hoa văn cổ xưa, chế tác, sử dụng các loại hình trang phục truyền thống.

Ngoài nghề dệt vải, người Cơ Tu còn có một số nghề thủ công như nghề đan lát, nghề làm đồ gốm. Nghề đan lát là một trong những nghề truyền thống có từ lâu đời. Mây, tre, nứa, lồ ô và các loại dây leo khác là nguồn nguyên liệu dồi dào để đồng bào phát triển nghề đan lát, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, đời sống, sản xuất. Họ đan được hầu hết các vật dụng khác nhau như: gùi đựng đồ dùng trang sức và thổ cẩm, gùi có nắp, gùi cho trẻ em gái, gùi đựng vật dụng trong các lễ hội truyền thống, gùi đựng lúa...Và các sản phẩm khác bao gồm nhiều loại như: nia sẫy lúa, nong phơi lúa, gùi ba ngăn của đàn ông, mâm ăn cơm các loại, mâm dùng để đựng đồ cúng trong các lễ hội truyền thống đến rỗ đựng cơm hoặc đựng rau...

Nghề làm gốm cũng là nghề thủ công truyền thống của người Cơ Tu. Tuy nhiên, nghề này chỉ còn phổ biến số xã, nhất là làng gốm Kanoon ở xã Axan, huyện Tây Giang.

Ở làng Kanoon, từ già đến trẻ, đàn ông, đàn bà, ai ai cũng biết làm gốm, nhưng công việc này vẫn phổ biến ở phụ nữ, con gái Kanoon 7 tuổi là được dạy cách làm gốm, bởi vì đồng bào quan niệm con gái không biết làm gốm là con giá hư5. Người Cơ Tu làm ra nhiều sản phẩm như: nồi, hũ đựng gạo, ché rượu... để phục vụ cho đời sống và trao đổi với các tộc người ở các vùng khác. Đồ gốm người dân làm ra đẹp và rất bền, thế nhưng trong những năm gần đây chỉ còn lại vài ba hộ còn giữ lửa cho ngành nghề truyền thống này, và cũng có thể nó sẽ mất đi vĩnh viễn.

 Về ăn uống:

Đời sống của người Cơ Tu vốn phụ thuộc vào hoạt động canh tác nương rẫy, nên lương thực chính của họ là lúa rẫy, ngô, sắn... Bên cạnh đó, nhờ được thiên nhiên ưu đãi và hoạt động sản xuất ngày càng định hình, thực phẩm có được nhờ trồng trọt, chăn nuôi, săn bắn, thu nhặt từ núi rừng, sông suối về như lúa, ngô, khoai, sắn, các loại thịt rừng, thịt

5 Nguyễn Văn Sơn 2015: Về đâu nghề gốm Kanoon. - http://www.bienphong.com.vn/ve-dau-nghe-gom- kanoon/32526.bbp

49

gia súc, gia cầm, cá, các loại nhuyễn thể... là nguồn nguyên liệu để người dân chế biến thành các món ăn thường ngày, và các món ăn phục vụ lễ hội.

Do phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, nên cơ cấu bữa ăn của đồng bào thay đổi theo các mùa trong năm. Vào mùa xuân, mùa đông, khi mà các loại rau quả dồi dào, chim muông nhiều thì bữa ăn đa dạng và phong phú hơn. Mùa hè và mùa thu khi mà rau rừng, chim muôn ít dần, bữa ăn của người dân trở nên đạm bạc, thiếu thốn, nhất là vào những tháng giáp hạt thường chỉ có ngô và sắn6.

Cũng như người Việt, chỉ từ một loại nguyên liệu, người Cơ Tu có thể chế biến ra nhiều món ăn khác nhau. Chẳng hạn, từ gạo người dân có thể chế biến thành cơm lam (avị hâr), xôi hấp (avị đhoóh) hoặc các loại bánh như: Bánh cuốt (avị cuốt), bánh lam (avị xr’luung), bánh slot, bánh quát... Ngô thì có thể chế biến thành cháo bắp (pơr’chớh abhoo), bánh bắp non (chr’loót abhoo);

cũng như ngô, sắn có món sắn lam (prơ’ hâr arong), cháo bột sắn (apưr). Bên cạnh đó,

người Cơ Tu còn chế biến món ăn từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Mặc dù, chỉ là những món ăn bình thường, song nó lại mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Trong đó, nổi bật nhất là món zră, món này được làm từ rau, măng, dọc mùng, thịt rừng hoặc cá ở suối, ít con mối và chú dế bầu hoặc vài con dế dùi nấu trong ống nứa cho ớt và muối vào. Món này mùi vị béo, cay và đắng thích hợp với rượu t’vạc [ Trần Tấn Vịnh 2013: 42].

So với các tộc người ở Trường Sơn - Tây Nguyên, kỹ thuật chế biến thức ăn của người Cơ Tu khá đơn giản, chủ yếu là luộc và nướng, không pha chế nhiều và sử dụng ít gia vị. Trong các loại gia vị, loại không thể thiếu trong bữa ăn của người Cơ Tu là tiêu

6 Nguyễn Xuân Hồng 2001: Văn hóa ẩm thực của người Cơ Tu ở Quảng Nam. – Tạp chí Văn hóa Quảng Nam, số 28, tháng 7-8/2001.

Hình 1. 7. Một số món ăn truyền thống của người Cơ Tu

(Ảnh: Khánh Loan, tháng 10/2013)

50

rừng, tiêu rừng ở vùng rừng núi Tây Giang có mùi thơm rất đặc biệt, mặc dù vị cay của nó nhẹ và dịu hơn so với ớt và tiêu thường. Người dân thường sử dụng tiêu nêm trực tiếp vào thức ăn hoặc có thể đâm vài hạt để làm đồ chấm. Nhìn chung, người dân thích ăn những món được làm khô và lên men trong các ống tre, ống nứa để thuận lợi cho bảo quản và dự trữ.

Thức uống của người Cơ Tu chủ yếu là rượu, rượu có nhiều loại như: rượu mía, rượu sắn, rượu gạo, rượu t’vạc, rượu tr’đin... Nhưng trong đó, rượu t’vạc, rượu tr’đin được xem là đồ uống mang đậm đặc trưng bản sắc văn hóa của người dân nhất. Hai loại rượu này được lấy từ cây tự nhiên (cây t’vạc, cây tr’đin) nên uống rất ngon và bổ.

 Về trang phục:

Trang phục của người Cơ Tu không sự phân biệt giữa người giàu và người nghèo, người có địa vị hay không, mà có sự phân biệt khá rõ giữa trang phục nam và trang phục nữ, trang phục thường ngày và trang phục lễ hội. Xưa kia, đàn ông thường đóng khố (h’giăl) cởi trần. Vào mùa rét thì choàng thêm một tấm vải có đính các hạt cườm, hoặc một loại áo vải có trang trí các vòng sắt

đan lại với nhau [Bế Viết Đẳng - Chu Thái Sơn và nhiều tác giả 2014: 283]. Khố là trang phục rất thuận lợi cho người dân trong lúc đi rừng hoặc tham gia sản xuất. Thậm chí, người đàn ông Cơ Tu vẫn thường mặc khố vào mùa lễ hội, nhưng loại khố này thường dài hơn khoảng từ 3-8 m, rộng 45 cm.

Nhìn chung, trang phục của đàn ông Cơ Tu khá đơn giản, cùng với những tấm choàng, trang phục mặc trên của người Cơ Tu là loại áo ngắn may kiểu chui đầu, không viền cổ và loại áo hình chữ X (chrơ gul, chrơ peng) mặc theo kiểu choàng từ sau lưng qua

Hình 1. 8. Vợ chồng già Y Kông trong trang phục thống

(Ảnh: Y Kông, tháng 6/2016)

51

lồng ngực và bắt chéo qua vai theo kiểu hình chữ X, phần thường còn lại có thể nhét vào trong khố.

Cũng như người đàn ông Cơ Tu, người phụ nữ thường cởi trần và mặc váy ngắn đến đầu gối. Vào mùa lạnh thì họ choàng thêm một tấm chăn (adin). So với trang phục của đàn ông thì trang phục của người phụ nữ Cơ Tu khá đầy đủ về mặt chủng loại. Áo thì có nhiều loại khác nhau như: Áo gáp, áo rơ lắc đều không có hoa văn hạt cườm, dùng để mặc trong ngày thường, đi nương rẫy. Áo zreh tuy không có hạt cườm nhưng có nhiều hoa văn nổi bật bằng chỉ màu, là loại áo khá sang trọng, thường mặc trong lễ hội, giá trị của mỗi cái áo bằng một con trâu. Áo adooh arắc có trang trí nhiều hoa văn bằng chì hoặc hạt cườm nhựa, phần vai có đính nhiều tua màu đỏ; áo adooh chrơ loon là loại áo của những phụ nữ lớn tuổi. Đi cùng với áo, váy của phụ nữ Cơ Tu có nhiều loại như: Váy chrờ dhu; váy đươi, váy doóh; váy ngắn (âng ly).

Vào những dịp lễ hội, người phụ nữ Cơ Tu thường sử dụng các trang phục có hoa văn và đính nhiều hạt rất cầu kỳ, góp phần làm cho lễ hội thêm sắc màu rực rỡ. Dây thắt váy (cơ ting papah), dây buộc đầu (cơ ting trving) là những chi tiết không thể thiếu trong trang phục lễ hội tôn thêm vẻ đẹp và sự duyên dáng của người phụ nữ Cơ Tu.

 Nhà ở

Nhà ở truyền thống của người Cơ Tu là nhà sàn. Nhà sàn Cơ Tu thường có bốn mái cao vừa, trong đó hai mái ở hai đầu hồi uốn khum tròn, hình dáng giống mai rùa. Kiểu kiến trúc nhà cổ truyền Cơ Tu được Le Pichon mô tả rất kỹ trong tác phẩm “Những kẻ săn máu” do nhà dân tộc học Tạ Đức dịch: “Nhà Katu là nhà sàn, hoàn toàn bằng gỗ, tre, mái lợp lá cọ xuống rất thấp đến mức gần như phải bò vào nhà. Mặt bằng nhà có hình bầu dục, chính giữa là cây cột lớn (tanal) cao từ 5 - 8 m, tùy nhà to nhỏ. Trên cột giữa đặt một xà nóc dài, trên xà nóc đặt các thanh rui, đỡ các thanh rui là tấm gỗ dài làm xà dọc kết nối các cột con tạo thành hình bầu dục. Tất cả các bộ phận bằng gỗ đều được bóc sạch vỏ và đẽo tròn cẩn thận. Vách là những tấm phiên tre, cao 1-1,5m. Mái nhà được gia cố và bảo vệ trước gió lốc bằng những cây gỗ dài đầu bắt chéo vào nhau, tạo thành một đường cong duyên dàng trên bờ nóc. Ở hai đầu hồi nóc là những phiến gỗ (takai)

52

điêu khắc thành hình các con vật cách điệu, hình người, đôi khi là hình dương vật. Trong nhà, một tấm gỗ cao chừng 0.5m, được uốn cong bằng lửa khít với hình bầu dục của ngôi nhà, đôi khi được phủ đầy hình vẽ cảnh đi săn hay đánh cá, các con vật thiêng, các mô típ hình học và những ký hiệu kỳ lạ. Hai cửa đẩy nằm đối diện nhau. Nhà không có đồ đạc gỗ nào, chỉ có vài chiếc ché (angak), một số rất cổ chứa cơm hoặc sắn lên men bốc mùi chua, vài chiếc trống con (cagor), chiêng (chin), và những ống tre chứa đầy nước (nkô).

Ngang sàn nhà là hai bếp lửa bằng đất lúc nào cũng tỏa khói ra từ những cây củi cháy dở, trên có gác bếp vừa để chất củi, vừa ngăn những tia lửa bay lên mái. Trong mái có treo bắp ngô, lưới đánh cá, bẫy thú. Đồ nấu bếp chỉ có đôi ba nồi đồng, vài chiếc bát gỗ và một số đồ đất nung thô sơ. Mọi thứ đều bị ám khói đen bóng”[Le Pichon 1938: 36].

Theo xu hướng phát triển của tộc người, nhà ở của người Cơ Tu có sự chuyển biến rõ rệt từ nhà sàn cổ truyền sang nhà trệt. Ngày nay, kiến trúc nhà ở của người Cơ Tu thường tồn tại dưới 2 dạng: nhà sàn truyền thống và nhà trệt, song hình thức kiến trúc mới ngày càng phát triển và gia tăng trên diện rộng.

1.2.3.2. Đời sống văn hóa tinh thần

 Văn hóa làng

Cũng như làng của người Việt, làng của người Cơ Tu là một thiết chế tương đối độc lập và khép kín. Mỗi làng có một khu vực riêng để người dân xây dựng nhà ở, canh

Hình 1. 9. Nhà sàn truyền thống của người Cơ Tu

(Ảnh: Trần Tấn Vịnh, tháng 8/2014)

Hình 1. 10. Nhà trệt của người Cơ Tu (Ảnh: Nguyễn Công Trường,

tháng 08/2015)

53

tác; có nguồn nước sinh hoạt; có sông suối để cung cấp cá; có rừng để người dân có thể khai thác các lâm sản, săn bắt chim muông và chăn nuôi trâu bò; có nghĩa địa để chôn cất người chết. Như vậy, mỗi cộng đồng có một hình thức sở hữu riêng về đất đai và tài nguyên thiên nhiên. Do đó, làng được xem là hình thức sở hữu cao nhất của người Cơ Tu [Lưu Hùng 2006: 53-54].

Người Cơ Tu thường gọi làng của mình là bhươl, cr’noon hay veêl. Tuy cách gọi có sự khác biệt giữa các vùng, nhưng về mặt cơ bản đây là nơi quần tụ của những người có quan hệ máu mủ, huyết thống với nhau. Người Cơ Tu thường lập làng ở những vùng đất cao ráo, thoáng mát, có tầm nhìn xa, dễ bảo vệ quản lý và gần nguồn nước để thuận lợi cho việc dẫn nước về trung tâm của làng [Bh’riu Liếc 2009: 25]. Song, tùy theo địa hình mà làng của người Cơ Tu có hình dáng khác nhau, có thể là hình tròn, hình bầu dục hay hình vành khuyên.

Do mang tính chất tự quản nên mọi hoạt động của làng Cơ Tu được vận hành trên cơ sở luật tục thông qua vai trò lãnh đạo của hội đồng già làng. Hội đồng già làng có vai trò rất lớn trong thiết lập khu vực cư trú của cả cộng đồng, mà trước hết nó được thể hiện qua việc chọn đất dựng làng. Vị trí dựng làng là rất quan trọng, nó quyết định vận mệnh của cả làng. Do đó, trước khi dựng làng, hội đồng già làng chọn một vị trí phù hợp. Sau khi chọn được khu đất ưng ý, họ thực hiện nghi lễ cúng thần đất và xin phép Yàng cho phép lập làng nơi đây.

Làng Cơ Tu được xây dựng theo kiểu phòng thủ, xung quanh được bao bọc bởi hàng rào làm bằng gỗ được ràng bằng mây hoặc dây rừng, chiều cao của hàng rào khoảng từ 1,5 m đến 2 m. Trước đây, hàng rào được dựng thành nhiều tầng kiên cố để thực hiện chức năng bảo vệ làng khỏi sự tấn công của kẻ thù. Ngày nay, hàng rào không còn được xây dựng kiên cố nữa, bởi vì cơ bản nó chỉ được sử dụng để ngăn gia súc vào trong làng gây mất vệ sinh và phá phách làng.

Làng Cơ Tu có khoảng 15 đến 30 nóc nhà với khoảng 200-300 nhân khẩu, tất cả các ngôi nhà được bố trí thành hình tròn, xung quanh bãi đất rộng (sân làng). Ở giữa sân người ta dựng một cây cột để phục vụ cho lễ tế trâu. Nằm ở trung tâm làng, nơi trang

Một phần của tài liệu Tri thức địa phương của người cơ tu trong ứng xử với rừng (Trang 53 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(219 trang)