Tri thức địa phương trong sử dụng đất canh tác

Một phần của tài liệu Tri thức địa phương của người cơ tu trong ứng xử với rừng (Trang 76 - 88)

CHƯƠNG 2. TRI THỨC ĐỊA PHƯƠNG CỦA NGƯỜI CƠ TU TRONG SỬ DỤNG RỪNG

2.1. Tri thức địa phương của người Cơ Tu trong sử dụng đất

2.1.2. Tri thức địa phương trong sử dụng đất canh tác

Cho đến nay, canh tác nương rẫy vẫn là hoạt động sản xuất chủ yếu của người Cơ Tu. Mặc dù có quá trình sản xuất lâu dài nhưng do trình độ sản xuất còn thấp nên năng

69

suất lao động của người dân thường phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố của tự nhiên. Trong đó chất lượng đất canh tác là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định năng suất cây trồng. Khác với các tộc người cư trú ở đồng bằng, địa bàn cư trú của người Cơ Tu địa hình chủ yếu là đồi núi, nên thổ nhưỡng ở đây thường là các loại đất feralit đỏ vàng, đất vàng nhạt hình thành trên nền kết cấu của đá granit, phiến thạch; cùng với một số ít đất phù sa bồi lắng ở ven sông suối. Tuy điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi, nhưng qua quá trình trải nghiệm, người dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong phân loại và chọn đất canh tác để giúp cho hoạt động canh tác được tốt hơn.

Cơ sở để người Cơ Tu tiến hành phân loại và chọn đất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm quan sát, tìm hiểu tính chất của từng loại đất, màu sắc, đặc điểm địa hình và đặc điểm sinh thái của hệ động thực vật xung quanh. Trước hết, căn cứ vào đặc điểm địa hình, theo kinh nghiệm của mình, người dân thường chọn những khoảng đất có địa hình tương đối bằng phẳng phân bố chủ yếu ở các thung lũng, rừng già hoặc ở chân đồi, vì theo họ đất ở những khu vực này có nhiều mùn, độ ẩm cao là đất tốt. Người Cơ Tu không chọn đất ở khu vực có độ dốc lớn như các đỉnh núi, đỉnh đồi vì đất ở đó không có chân đất nên rất khó canh tác.

Theo màu sắc và tính chất của từng loại đất, đồng bào Cơ Tu thường chọn những tấm rẫy có chất đất màu vàng, nâu đen hoặc màu đen, vì kinh nghiệm của đồng bào cho thấy những loại đất này thường tươi xốp, độ ẩm cao, có khả năng giữ được nước nên thích hợp cho hoạt động canh tác nương rẫy. Còn những loại đất có màu trắng hoặc nâu trắng là loại đất xấu, vì loại đất này chứa nhiều đá sỏi, đất rời rạc, độ giữ nước kém chỉ thích hợp cho việc trồng rừng.

Bên cạnh đó, để nhận biết được độ tốt xấu của đất canh tác người Cơ Tu còn căn cứ vào thảm thực vật trên bề mặt đất. Sự xuất hiện và thay đổi của thảm thực vật phản ánh đầy đủ nhất tính chất của từng mảnh đất, qua đó giúp cho việc chọn đất của người dân được thuận lợi hơn. Chẳng hạn:

- Nơi nào có nhiều cây to mọc thì đất nơi đó tươi xốp, độ ẩm cao.

70

- Cây mắc cỡ mọc nhiều cho biết đất xấu (đất thoái hóa): đất này bị rửa trôi nhiều, bạc màu.

- Mọc cỏ tranh: đất bị thoái hóa bạc màu, chua và tầng đất màu mỏng.

- Mọc nhiều cỏ hôi: đất đang trong tình trạng phục hồi, vì vậy không được chăn thả gia súc ở đây, mục đích là để cây cối mọc trở lại làm cho đất phục hồi chất dinh dưỡng.

- Mọc nhiều cỏ ú: là vùng đất thấp, đọng nước.

- Mọc nhiều cây giang, cây bái, cây ươi, cây trứng cá rừng, cây mây… là dấu hiệu đất đã được phục hồi, có thể quay lại sử dụng.

Ngoài ra, trong quá trình chọn đất canh tác người dân còn dựa vào sự xuất hiện của các loài côn trùng để xác định đất đó là tốt hay xấu. Ví dụ, nơi nào có các loại giun đất và ễnh ương sống với mật độ cao thì chứng tỏ đất nơi đó có độ ẩm cao, giàu chất dinh dưỡng thích hợp cho canh tác nương rẫy.

Cách phân loại và chọn đất canh tác giúp cho việc phân bố cây trồng của đồng bào được hợp lý. Đối với những khu vực đất tốt, người dân thường ưu tiên trồng những cây lương thực chính như: lúa, ngô và xen canh với các loại cây như: đậu, bầu, bí để đảm bảo lương thực. Trong khi đó, khu vực đất xấu thì đồng bào trồng sắn, chuối, mía, dứa,…để tận dụng tối đa quỹ đất ít ỏi của mình.

Cũng giống như chọn đất dựng làng, mặc dù kinh nghiệm sản xuất sớm giúp người Cơ Tu chọn được một mảnh đất canh tác ưng ý, nhưng đồng bào vẫn chưa dám phát rẫy khi chưa hỏi ý kiến của thần linh. Với quan điểm vạn vật hữu linh, người Cơ Tu cho rằng mọi thứ trên thế giới này đều thuộc quyền sở hữu và cai quản của các vị thần linh (Yàng) như: thần đất (Yàng catiếc), thần rừng (Yàng crâng), thần suối (Yàng Tăm)… Vì vậy, trước khi tiến hành canh tác, đồng bào làm lễ cúng để thăm dò ý kiến thần đất, thần rừng.

Tại nơi định phát rẫy, người chủ rẫy tiến hành cúng các Yàng với lễ vật là một con gà và trình bày mong muốn được làm rẫy ở khu vực này, trình bày xong thì phát một vạc đất và thưa với thần đất, thần rừng: “Này tôi đến khu đất này xin thần rừng, thần đất, thần sông suối quanh đây, cho tôi được phát rẫy trong vụ này tại khu vực rộng từng này, dài tới kia;

71

không qua mặt và xin phép đàng hoàng. Ưng thuận nằm mơ cho biết điều lành, điều tốt trong vụ thu được nhiều lúa ngô. Nếu không cho, lòng không thuận thì cũng báo cho biết điều ác để tôi tránh phát nơi đây để tìm nơi khác. Tôi xin và mong thần linh ưng thuận cầu cho chúng tôi làm ăn tốt và nhiều sức khỏe” [Bh’riu Liếc 2009: 149-150].

Sau khi cúng các Yàng, người chủ rẫy thực hiện việc gieo quẻ để chọn đất, có nhiều cách thức gieo quẻ tùy từng địa phương. Chẳng hạn, người Cơ Tu ở khu 7 thường thử đất bằng cách thả ốc suối, nếu trong lúc thả mà con ốc bò về phía ma thì đất được chọn; ngược lại, ốc bò về phía người thì thần linh không cho phép làm rẫy ở đây. Người Cơ Tu ở xã Lăng, A Tiêng, A Vương thì thử đất bằng cách nấu quả trứng, người ta lấy một quả trứng chọc thủng một đầu, đặt lên 3 hòn đá kê sẵn rồi dùng ngọn lửa vừa phải để nấu nếu nước trào về phần đất của ma thì đất đó được chọn, ngược lại nếu nước tràn về phía người thì phải chọn nơi khác. Ngoài ra, người Cơ Tu còn xin đất bằng cách nấu ống tre. Tại nơi định canh tác, người chủ rẫy cho nếp vào một ống tre tươi và khấn với đại ý rằng: tôi làm rẫy nơi đây nếu thần linh cho tôi nhiều lúa, no đủ thì cơm đầy tràn ống; nếu đói kém thì cơm không đến miệng ống; nếu thất bát thì ống bị nổ, sau đó ông nướng ống và xem ý kiến thần linh. Có nơi thì người ta phát đại một cây rồi lại hơ dao hoặc hơ chân lên lửa và lẩm bẩm khấn: “Tôi làm rẫy ở đây, ma rừng, ma đất hãy cho tôi lúa tốt, nhiều thóc gạo, no đủ” [Lưu Hùng 2006: 129].

Mặc dù đã gieo quẻ xin ý kiến của các Yàng, nhưng có làm rẫy được trên mảnh đất đã chọn hay không còn tùy thuộc vào điềm báo trên đường về và trong giấc mơ. Ví dụ, lúc mài dao phát một khoảng rẫy nhỏ mà dao bị gãy hoặc đá mài bị gãy thì đó là điềm gở, người dân cũng không dám phát rẫy nơi đây. Hoặc, trong giấc mơ nếu họ thấy bị thú rừng tấn công, mưa to gió lớn, đất lỡ, cây đổ… là điềm xấu, đất này không thể làm rẫy được.

Ngược lại, nếu mơ thấy nước suối đục màu vàng, thấy chó vẫy đuôi, có người khác cho đồ quý… là điềm tốt, có thể yên tâm sản xuất. Nhìn chung, cách thức xin đất của người Cơ Tu mang đầy màu sắc tâm linh, tín ngưỡng, điều đó khiến cho nhiều người vẫn hoài nghi về hiệu quả mà nó có thể mang lại trong hoạt động canh tác nương rẫy của người Cơ Tu, nhưng với đồng bào những hành động trên mang tính ma thuật, nhằm thể hiện khát

72

vọng của họ trong việc duy trì mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên, với thần linh, và mục đích cuối cùng vẫn là một mùa vụ bội thu, cuộc sống no đủ, bình yên.

Chọn đất là khâu đầu tiên và có vai trò rất lớn trong hoạt động canh tác nương rẫy.

Thế nhưng làm thế nào để sử dụng đất mang lại hiệu quả cao, là một trong những vấn đề được người Cơ Tu quan tâm đến. Trải qua một quá trình lịch sử lâu dài, những kinh nghiệm sản xuất từ cách thức sử dụng nông cụ lao động đến kỹ thuật canh tác và phương pháp canh tác của đồng bào đã và đang cho thấy hiệu quả đáng kể trong sử dụng đất canh tác. Cũng giống như các tộc người canh tác theo lối hỏa canh, nông cụ được người Cơ Tu sử dụng trong hoạt động sản xuất còn khá thô sơ, nhưng lại rất phù hợp với đặc điểm địa hình canh tác trên đất dốc. Nông cụ canh tác của người Cơ Tu bao gồm: rìu, rựa, gậy chọc lỗ, cào,… mỗi nông cụ có một chức năng riêng, nên tùy từng công việc cụ thể mà đồng bào sử dụng nông cụ canh tác phù hợp. Chẳng hạn, khi chặt cây thì họ dùng rìu, chặt phát cành lá thì sử dụng rựa, lúc gieo trỉa lúa thì dùng gậy chọc lỗ, làm cỏ xới đất thì dùng Avin/Aveng.

Bảng 2. 1. Nông cụ sản xuất truyền thống của người Cơ Tu Stt Tên nông cụ

(tiếng Việt)

Tên nông cụ

(tiếng Cơ Tu) Chức năng

1 Rìu Chuung Đốn cây gỗ

2 Rựa Achí Cây chặt

3 Dao Đhao Phát cành lá, dây leo

4 Gậy Apướt (abhưnh) Chọc lỗ khi trỉa lúa

5 Cuốc/cuốc nhỏ Avin/ Aveng Phát cỏ/cào cỏ

6 Gùi Zoọng (h’tếêh) Đựng lúa

Cho đến nay, người Cơ Tu vẫn còn giữ nguyên quy trình canh tác truyền thống của họ, với mỗi một mùa rẫy đồng bào thường phải trải qua các khâu chính như: chọn đất, phát rẫy, đốt rẫy, trỉa lúa, làm cỏ, tuốt lúa. Thời điểm thực hiện mỗi một khâu trong quy trình được người Cơ Tu ấn định trong lịch sản xuất (nông lịch) của họ. Do đặc điểm của sản xuất nương rẫy phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, nên lịch sản xuất được xây dựng nhằm đảm bảo sự thích ứng với những thay đổi của thời tiết và khí hậu của từng địa phương.

73

Đây được xem là một dạng tri thức địa phương độc đáo của người Cơ Tu. Mặc dù, nông lịch Cơ Tu quy định rõ thời điểm tiến hành sản xuất từ khâu chọn đất đến thu hoạch, song ở mỗi vùng khác nhau thì lịch sản xuất cũng có sự khác biệt nhau.

Bảng 2. 2. Nông lịch của người Cơ Tu Stt Tháng

(tiếng Việt)

Tháng

(tiếng Cơ Tu) Đặc điểm Công việc

1 Tháng 1 c’xêê mưi Lạnh có mưa nhẹ Tìm rẫy

2 Tháng 2 c’xêê bơr Trời bắt đầu nắng Phát rẫy trồng lúa ba trăng

3 Tháng 3 c’xêê pee Nắng ấm Phát rẫy trồng lúa mùa + trỉa lúa ba trăng

4 Tháng 4 c’xêê puôn Trời nắng Dọn rẫy, đốt rẫy lúa mùa + làm cỏ lúa ba trăng 5 Tháng 5 c’xêê xơng Có mây, mưa

giông Trỉa lúa mùa

6 Tháng 6 c’xêê chơpát

Nắng nóng Chăm sóc rẫy, làm cỏ

7 Tháng 7 c’xêê tơ pâl Thu hoạch lúa ba trăng

8 Tháng 8 c’xêê tơ cool Mưa nhẹ

Làm cỏ cho lúa mùa 9 Tháng 9 c’xêê ciah Mưa nhiều

10 Tháng 10 c’xêê mưi zết Trời mưa chuyển

lạnh Thu hoạch lúa mùa

11 Tháng 11 c’xêê mưi zết mưi

Trời lạnh

12 Tháng 12 c’xêê mưi zết bơr Chọn rẫy cho vụ sau, làm cỏ rẫy cũ.

Căn cứ vào nông lịch chúng ta dễ dàng nhận thấy, hàng năm người Cơ Tu thường chọn đất canh tác vào cuối năm trước, đầu năm sau. Sau khi chọn được đất canh tác thích hợp, đồng bào tiến hành phát rẫy, thời gian phát rẫy tùy thuộc mỗi địa phương nhưng nhìn chung người dân cư trú trên địa bàn huyện Tây Giang thường phát rẫy vào tháng 2, tháng 3 (cả lúa mùa và lúa ba trăng). Phát rẫy là công việc khá quen thuộc với người Cơ Tu, nhưng để công việc này được tiến hành một cách thuận lợi đồng bào có sự phân công lao động rõ ràng. Khi phát rẫy người đàn ông sẽ dùng rìu chặt những cây to, trong khi phụ nữ thì phát những cành nhỏ và dọn dẹp. Thường người dân tiến hành phát từ dưới lên cao,

74

chặt bỏ những cây nhỏ và dây leo trước khi hạ cây to. Kỹ thuật phát cốt này an toàn, đỡ mất công sức, lại tiết kiệm thời gian vì cây đã phát không đè lên cây chưa phát.

Trong thời gian phát rẫy, đồng bào cũng thực hiện một số kiêng cữ mang tính nguyên tắc nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra. Chẳng hạn, đồng bào tránh phát rẫy ở nơi có cây đa (rơ-rey) vì sợ ma đa gây phù nề lở lói, nếu muốn phát rẫy ở đây phải cúng ma bằng một con gà và khấn để ma không làm hại trước khi chặt bỏ cây đa. Ở một số vùng khi gặp cây có thân to, có dây leo quấn quanh thì chủ rẫy đặt ống bương đầy nước dưới gốc cây, lấy chân đạp ngã rồi lấy cớ do cây làm đổ để chặt cây như vậy thần rừng sẽ không trách, hoặc khi phát rẫy thấy chim gõ kiến (trếch) bay từ phía tay phải sang phía tay trái thì phải quay về, gặp cây có hình dạng kỳ thú, hai con rắn xoáy lấy nhau, nhiều chuột, con mang kêu… là dấu hiệu không tốt, chủ rẫy phải cúng xin keo, hoặc bỏ rẫy đi nơi khác; ngược lại, nếu gặp tổ ong nhiều mật, tổ chim nhiều trứng… là điềm lành, tín hiệu cho một mùa bội thu [Nguyễn Hữu Thông (cb) 2005: 169].

Sau khi phát rẫy xong, đợi cho cây cối khô héo đến tháng 4 người dân bắt đầu đốt. Quá trình đốt rẫy đòi hỏi phải có kỹ thuật, người dân khi đốt rẫy đặc biệt chú ý đến hướng gió, vì nó liên quan đến nguy cơ cháy rừng và rẫy xung quanh. Thường thì đồng bào đốt rẫy vào lúc giữa trưa vì lúc này đứng gió, khi đốt đưa những cành cây dễ cháy vào giữa và cứ theo chiều gió mà đốt. Mặt khác, đồng bào quan niệm rằng

nếu rẫy không cháy cây không tốt, nên người dân chia thành nhiều đám nhỏ để đốt nhiều lần, nhất là lúc trời có mưa. Sau khi đốt cây cối sẽ cháy thành tro, tạo ra lớp mùn làm nguồn phân bón tự nhiên cho cây trồng.

Công việc tiếp theo trong quy trình canh tác nương rẫy của người dân là khâu trỉa lúa. Thời gian trỉa lúa thường vào tháng 5-6, vì thời đểm này dễ xuất hiện những cơn mưa

Hình 2. 1. Rẫy đã phát chờ đốt (Ảnh: Nguyễn Công Trường, tháng 8/2015)

75

đầu mùa, tạo điều kiện cho đất đủ độ ẩm. Mùa trỉa lúa được xem là ngày hội nương rẫy của người Cơ Tu, vì người dân có hình thức đổi công cho nhau nên cứ gia đình nào phát rẫy, trỉa lúa hay thu hoạch đều được các gia đình khác trong làng giúp đỡ, tất cả tạo nên một không khí vui tươi, nhộn nhịp. Lúa được gieo trồng là loại lúa giống hạt to, chắc được phơi khô và bảo quản từ mùa trước. Khi trỉa lúa, đàn ông thường đi trước cầm gậy chọc lỗ thành hàng khoảng cách một gang tay, sâu 4-5 cm, người phụ nữ đi phía sau lấy thóc giống đựng trong giỏ treo trước thắt lưng bỏ vào lỗ rồi dùng chân lấp lại. Số lượng lúa gieo xuống lỗ tùy thuộc vào độ cứng, mềm của đất. Nếu đất mềm, chọc được lỗ sâu thì gieo ít; còn nếu đất cứng khó chọc lỗ, lỗ nông thì phải bỏ nhiều để đề phòng khi mưa xuống làm nước cuốn trôi hạt. Trong quá trình trỉa lúa, để đảm bảo đất không bị xói mòn do đặc điểm địa hình canh tác đất dốc, đồng bào đã xây dựng cho mình kỹ thuật trỉa lúa cho phù hợp với điều kiện sẵn có. Nguyên tắc trỉa lúa của người dân là bắt đầu từ góc dưới ở bên trái rẫy theo hàng ngang tạo thành hình zíc zắc liên tục từ dưới chân rẫy lên đến đỉnh rẫy. Kỹ thuật trỉa lúa như trên giúp ngăn dòng chảy của nước để hạn chế đất bị nước cuốn trôi.

Trong quá trình trỉa lúa, người Cơ Tu dựa vào sự thay đổi hình dáng của mặt trăng, cùng với đặc điểm sinh trưởng của từng loại cây trồng để bố trí chúng một cách hợp lý nhằm tăng năng suất cây trồng. Chẳng hạn, trồng sắn vào đầu hoặc cuối tháng thì củ sắn nhỏ, dài, nhiều rễ, nhưng nếu trồng sắn vào ngày 10-20 trong tháng thì củ sắn to, ít rễ chằng… Dưới đây là một số loại cây bản địa được trồng trong các ngày theo quan niệm của người dân.

Bảng 2. 3. Ngày thích hợp cho các loại cây trồng

STT Cây trồng Ngày trồng Đặc điểm

1 Lúa và Ngô 9-10 Lúa và Ngô trong những ngày này

thì bắp to, bông dài, xít hạt.

2 Sắn 1- 2, 19 - 20

Trồng sắn ngày 1-2 sai củ, nhưng củ nhỏ, dài và nhiều rễ; trồng sắn ngày 19-20 củ to và ngon.

3 Thuốc lá 20 đến cuối tháng

Một phần của tài liệu Tri thức địa phương của người cơ tu trong ứng xử với rừng (Trang 76 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(219 trang)