CHƯƠNG 2. TRI THỨC ĐỊA PHƯƠNG CỦA NGƯỜI CƠ TU TRONG SỬ DỤNG RỪNG
2.4. Tri thức địa phương của người Cơ Tu trong sử dụng hệ động vật
2.4.3. Khai thác các loại thủy sản
Thủy sản là nguồn thực phẩm không thể thiếu của người Cơ Tu để cải thiện bữa ăn gia đình, phục vụ cưới hỏi và lễ hội. Chính vì vậy, khai thác thủy sản coi là hoạt động thường nhật của người dân. Tuy nhiên, việc săn bắt thủy sản là việc không hề đơn giản
14 Nguyễn Cường - Thái Xuân 2013: Săn ong vò vẽ. - http://nld.com.vn/dia-phuong/san-ong-vo-ve 20130831091354451.htm
116
nên từ rất lâu người dân đã tích lũy được kho tàng kinh nghiệm và áp dụng để hoạt động này đạt hiệu quả hơn.
Hình thức đánh bắt cá của người Cơ Tu có 2 loại: đánh bắt cá nhân và đánh bắt tập thể. Hình thức đánh bắt cá nhân khá đa dạng như: chài, lưới, câu, đơm đó, xúc, đâm… với những dụng cụ thủ công do họ chế tạo ra trên cơ sở tìm hiểu địa hình đánh bắt và đặc điểm sinh học của từng loài cá. Dụng cụ đánh bắt tuy đa dạng nhưng không phải thích là sử dụng mà theo anh Ploong Trung Kiên - cán bộ phòng Văn hóa thông tin huyện Tây Giang: “Tùy theo địa hình, dòng chảy của từng dòng suối mà người đi săn sử dụng từng loại dụng cụ đánh bắt phù hợp. Nếu ở vùng nước chảy xiết thì phải dùng chài, muốn dùng dụng cụ này đòi hỏi phải có sức khỏe, có kinh nghiêm mới đánh bắt được. Còn ở các vùng nước sâu, dòng chảy chậm và có bề mặt rộng lắm khe đá thì dùng lưới thả vây là hiệu quả nhất. Đối với khúc suối có nước chảy xiết, lắm dốc thác thì phải dùng loại súng tiêu, người đi săn đằm mình giữa thác dùng súng tiêu bắt từng con một”15.
Đối với hình thức đánh bắt tập thể, Người Cơ Tu tiến hành vào mùa khô khoảng tháng 3 đến tháng 6, lúc này sông suối cạn nước. Đánh bắt cá tập thể có thể xem là nguồn tri thức tộc người phản ánh dưới góc độ kinh nghiệm và sự thích nghi. Theo đó, vào những dịp cưới hỏi, lễ hội cả làng rủ nhau đi đánh cá. Với số lượng đông, người dân khấy động của một khúc suối làm cho nước đục, cá trú trong các hốc, hang thấy động chạy ra, người dân chỉ cần ngâm vợt để sẵn là cá tự chui vào.
Một kỹ thuật bắt cá khác của người Cơ Tu cũng xuất phát từ kinh nghiệm mà có được, song có thể coi là rất khoa học gọi là vêêr, hooi. Để thực hiện kỹ thuật bắt cá này, đồng bào chọn những con suối có hai nhánh, họ dùng đá hoặc thân cây lớn để ngăn dòng chảy một nhánh, đến khi nước
15 Dẫn lại bài viết của Hồng Thanh 2016: Tết vùng cao. - http://m.cadn.com.vn/news/tet-vung-cao-143951-64
Hình 2. 18. Chặn đầu dòng suối để bắt cá (Ảnh: Xuân Khánh, tháng 10/2015)
117
cạn họ bắt cá một cách dễ dàng. Sau khi bắt xong họ tháo nước cho chảy trở lại và tiếp tục ngăn đoạn suối bên kia để bắt cá.
Người dân hiểu rõ đặc tính sinh học của từng loại cá, nên họ lựa chọn thời điểm săn bắt cho phù hợp. Đồng bào thường bắt cá vào mùa xuân, thời điểm này là lúc cá sinh sản, ban đêm chỉ cần rọi đèn thì có thể bắt được nhiều cá một cách dễ dàng. Tương tự như vậy, người Cơ Tu săn bắt ếch, nhái bằng cách soi đèn vào ban đêm ở những thác suối sâu trong rừng, thời điểm săn bắt là cuối mùa đông, đầu mùa xuân lúc này ếch đang sinh sản nên dễ bắt. Ngoài ra, họ còn đặt a’ruung ngược dòng thác để cá, ếch, nhái bơi xuống mắc vào [Bh’riu Liếc 2006: 233].
Ngoài những phương pháp đánh bắt cá truyền thống, người Cơ Tu còn sử dụng cây thuốc và bùa ngải để đánh bắt cá. Chất độc dùng để bắt cá khá đa dạng và phong phú, là những cây cỏ hoang dại mọc trong rừng, loại thân gỗ có: achun, tơ-băn (hay xiar); loại dây có: điêng, vít, đhô, tơ-ging agóc; loại củ có adếch; lại có thân có sống ở bùn như knina [Lưu Hùng 2006: 167]. Khi đánh cá người dân giã một trong những loại cây trên thả xuống nước (một đoạn suối đã được giới hạn) khiến cho cá nhiễm độc nổi lên.
Phương pháp khai thác thủy sản bằng chất độc khá đơn giản nhưng đạt hiệu quả cao.
Ngoài các loại cây độc trên, ngày nay khi đánh bắt cá người Cơ Tu ưa dùng chất độc từ vỏ cây pachac. Theo đó, người dân vào rừng bóc lớp vỏ từ cây pachac mang đến đoạn suối bắt cá, họ tiến hành ngăn những đoạn suối nhỏ, rồi lên đầu nguồn suối đập nát vỏ pachac hòa vào trong nước, nước chảy đến đâu chỉ trong thời gian ngắn cá thấm thuốc nổi lên dính vào lưới được giăng sẵn, không chỉ có cá mà ngay cả ếch, nhái, cua cũng chịu không nổi ngoi lên mặt nước để người dân bắt. Tuy nhiên, khi sử dụng vỏ cây pachac cần canh đúng liều lượng vừa đủ thì cá chỉ bị say nổi lên, nếu nhiều quá cá sẽ chết hết, nên đoạn suối khoảng 1 km đồng bào chỉ cần 2 vỏ cây pachac là đủ16.
16 Xân Khánh 2015 : Lên Tr’hy, đánh cá bằng pachác. - http://baoquangnam.com.vn/phong-su-ky-su/201510/len- trhy-danh-ca-bang-pachac-641844/
118 Hình 2. 19. Tách vỏ cây Pachac
(Ảnh: Xuân Khánh, tháng 10/2015)
Hình 2. 20. Đập vỏ cây pachac thuốc cá (Ảnh: Xuân Khánh, tháng 10/2015) Trong hoạt động đánh bắt, để mọi thứ diễn ra tốt đẹp, người Cơ Tu cũng thực hiện một số kiêng cữ nhất định. Chẳng hạn, trước khi đánh bắt, nếu một người nào đó trong đoàn mơ thấy bị máu chảy, trôi rìu, gùi hoặc dụng cụ sinh hoạt nào đó xuống sông đó là điềm báo xấu, và một người sẽ không tiến hành nữa. Trong trường hợp mọi người trong làng đều mơ thấy như vậy thì làng phải tiến hành lễ cúng Yàng Đah [Nguyễn Văn Mạnh (cb) 2001: 310]. Trước khi bắt cá họ kiêng chào hỏi nhau, nếu vô ý hỏi đáp điều gì thì phải ngắt một chiếc lá bất kỳ nào đó, đưa cho người ấy để tránh xui xẻo.
Ngày nay, số lượng cá suy giảm trầm trọng nhất là các loài cá lớn. Nguyên nhân, do dân cư ngày càng đông, hoạt động bắt cá ngày càng lớn, cùng với việc khai thác vàng làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các sinh vật dưới nước. Nhất là việc khai thác tận diệt bằng các phương tiện săn bắt hiện đại mà người dân tiếp nhận từ người Việt trong quá trình cộng cư với họ như: thuốc nổ, dụng cụ xung điện. Điều đó, không chỉ làm cho nguồn lợi thủy sản trở nên nghèo nàn, mà còn khiến các hình thức đánh bắt truyền thống như: đánh bắt tập thể, gây độc nước không còn hiệu quả nữa.
Tiểu kết chương 2.
Rừng là nguồn sống nuôi lớn biết bao nhiêu thế hệ người Cơ Tu ở vùng núi Quảng Nam. Người Cơ Tu quan niệm “sống rừng nuôi, chết rừng chôn” [Hồ Viết Hoàng 2014:
56]. Chính vì dựa vào rừng để sinh tồn, nên người dân không hề có ý niệm chinh phục và biến đổi môi trường tự nhiên nơi đây để phục vụ cho nhu cầu của mình, mà thay vào đó sự gần gũi, gắn bó, cùng với lối sống hài hòa, coi trọng mối quan hệ với tự nhiên đã giúp
119
đồng bào có cái nhìn tổng thể về môi trường tự nhiên nơi mình sinh sống, để từ đó họ sáng tạo ra một hệ tri thức nhằm thích nghi với hoàn cảnh sống đó.
Nhờ am hiểu về đặc điểm khí hậu và hệ sinh thái tự nhiên xung quanh, ngay từ buổi ban đầu người Cơ Tu đã biết lựa chọn một địa điểm thích hợp cho sự quần tụ của cả cộng đồng. Xuất phát từ ý niệm cho rằng khu vực cư trú của cộng đồng thường gắn liền và bị chi phối bởi các thế lực siêu nhiên, nên cùng với những kiến thức có được nhờ khả năng quan sát và óc phân tích của mình, trong quá trình chọn đất dựng làng người Cơ Tu còn kết hợp với một số phương thức mang đậm màu sắc tín ngưỡng để chọn được một vị trí định cư phù hợp. Điều đó tạo nên những sắc thái văn hóa của đồng bào. Ngoài kinh nghiệm trong việc chọn đất dựng làng, đồng bào còn có kinh nghiệm sử dụng đất để phục vụ cho mục đích sản xuất của mình. Vốn canh tác nương rẫy trên địa hình đất dốc với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt gây ra những khó khăn đáng kể cho đồng bào, nhưng trải qua quá trình lịch sử lâu dài, thực tiễn lao động đã giúp cho người Cơ Tu sớm sáng tạo và vận dụng một cách linh hoạt các phương thức sản xuất (chọn đất đai, giống cây trồng, và các mô hình canh tác) nhằm thích nghi với đặc điểm của môi trường tự nhiên.
Nếu đất đai là tài nguyên không thể thiếu trong hoạt động canh tác của người Cơ Tu, thì với họ nguồn nước thường không được chú trọng khai thác để phục vụ cho mục đích trên. Thế nên, khác với các tộc người thiểu số có thói quen sử dụng nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp như người Thái, người Mường ở Tây Bắc; người Chăm ở Nam Trung Bộ; người Khmer ở Nam Bộ, người Cơ Tu ở Quảng Nam không có nhiều kinh nghiệm khai thác nguồn nước cho sản xuất, nhưng trái lại họ có khá nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác các nguồn nước khác nhau để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và cho lễ hội. Những kinh nghiệm đó được đồng bào đúc kết qua nhiều thế hệ, được phản ánh qua cách thức nhận biết, phân loại, kỹ thuật khai thác và sử dụng các nguồn nước. Trong đó, kỹ thuật khai thác và sử dụng nước từ các loài thực vật được xem là nét đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa của tộc người Cơ Tu.
Mặc dù, người Cơ Tu đã bắt đầu chú trọng đến hoạt động sản xuất để đảm bảo nguồn lương thực cho mình, song đến nay đời sống của họ vẫn còn phụ thuộc chủ yếu vào
120
kinh tế tự nhiên. Sự đa dạng và phong phú của hệ động thực vật rừng luôn là nguồn lương thực, thực phẩm bổ sung và đáp ứng những nhu cầu khác trong cuộc sống của người dân.
Cùng với yếu tố kinh nghiệm, kỹ thuật kết hợp với yếu tố tín ngưỡng đồng bào đã tạo thành tổ hợp kiến thức khá khoa học, để từ đó thông qua hoạt động săn bắt, hái lượm họ tiến hành khai thác và sử dụng tài nguyên động thực vật rừng một cách có hiệu quả nhất.
Với người Cơ Tu, việc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên rừng không chỉ đảm bảo nhu cầu sống của họ, mà hơn hết nó còn góp phần bảo vệ những nguồn tài nguyên đó. Song đây chỉ là một mảng nhỏ trong kho tàng kinh nghiệm của người dân. Để bảo vệ rừng nhằm mục đích tạo sinh kế lâu dài, đồng bào còn sử dụng nhiều cách thức khác nhau. Những cách thức này được chúng tôi trình bày một cách có hệ thống ở chương tiếp theo.
121