Bảo vệ lâm sản thân gỗ

Một phần của tài liệu Tri thức địa phương của người cơ tu trong ứng xử với rừng (Trang 149 - 152)

CHƯƠNG 3. TRI THỨC ĐỊA PHƯƠNG CỦA NGƯỜI CƠ TU TRONG BẢO VỆ RỪNG

3.3. Tri thức địa phương của người Cơ Tu trong bảo vệ hệ thực vật

3.3.1. Bảo vệ lâm sản thân gỗ

Đối với người Cơ Tu gỗ là thứ vật liệu rất quan trọng để họ xây dựng nhà ở, nhà mồ, cùng với các công trình công cộng như: gươl, cột tế lễ, hàng rào bảo vệ làng,... Chính vì ý thức được tầm quan trọng của gỗ đối với đời sống của cộng đồng, nên mọi hoạt động người dân đều hạn chế tác động đến chúng, nhất là việc chặt phá một cách bừa bãi, không rõ mục đích.

Lâm sản thân gỗ là tài sản chung của các thành viên trong cộng đồng, nhưng không một cá nhân nào được tự ý vào khai thác cây rừng (cây đã trưởng thành), muốn khai thác phục vụ cho mục đích cá nhân (xây dựng nhà cửa, làm quan tài, nhà mồ, vật dụng khác…) đều phải được sự đồng ý của trưởng làng. Các thành viên trong làng có trách nhiệm bảo vệ cây rừng vì mục đích chung là giữ nguồn nước, không làm xói mòn, sạt lỡ đất, gây tác hại đến sản xuất, thổ cư và tín ngưỡng.

Mục đích lấy gỗ của đồng bào chủ yếu là để dựng nhà, nhưng trước khi khai thác về sử dụng, họ phải trả lời hàng loạt các câu hỏi như: hạ bao nhiêu cây?, cây đó là cây gì?, cây ở nằm ở khu vực nào?, cách hạ cây ra sao?,… để già làng xem xét giải quyết. Lấy gỗ về làm nhà chỉ với số lượng vừa đủ, đồng bào tính toán kỹ lượng gỗ cần dùng để biết chính xác cần hạ bao nhiêu cây. Người Cơ Tu rất kỵ việc chặt những cây cổ thụ như:

p’mu, cây đa, cây chò, kiền kiền, cây sến,… để làm nhà, vì theo quan niệm của đồng bào, những cây gỗ lớn này đã gắn bó với rừng, với làng xóm từ rất lâu, đồng thời đây cũng là nơi trú ngụ của thần linh, của linh hồn người chết không nơi thờ cúng, nên được xem là rất thiêng. Mọi hành động chặt phá cây cổ thụ được xem là phá nơi cư trú của thần linh, làm cho thần linh không có chỗ ở và quở phạt cả làng.

Mặt khác, do bị chi phối bởi những niềm tin tín ngưỡng về những khu rừng ma, rừng thiêng (Kalưr), nên đồng bào thường không dám lấy gỗ để làm nhà. Ở những khoảng rừng này có nhiều cây có hình dáng kỳ lạ và bất thường như: cây có dây leo quấn vào (Đoang Yang), cây bị sét đánh…Theo quan niệm của đồng bào, những cây này là nơi

142

trú ngụ của các ma nên chúng rất độc, nếu sử dụng chúng sẽ bị các vị thần trừng phạt, giáng xuống những đều không may [Nguyễn Hữu Thông (cb) 2005: 135].

Ngoài ra, để bảo vệ những cây xung quanh, cách đốn hạ cây cũng được làng quan tâm đến. Thường thì người ta sẽ cột một đầu sợi dây vào thân cây rồi kéo căng sợi dây, sau đó họ đốn dưới gốc cây cùng phía với người giữ dây, như vậy khi cây ngã sẽ không đè lên các cây bên cạnh. Thoạt nhìn, việc trả lời những câu hỏi của làng trước khi khai thác cây như là một điều hiển nhiên, nhưng nó được xem là công thức được người Cơ Tu vận dụng để bảo vệ lâm sản thân gỗ một cách hợp lý nhất.

Mặc dù, đã được sự đồng ý của già làng, nhưng quyền quyết định vẫn nằm ở Yàng.

Nếu làng đồng ý cho đốn hạ cây nhưng Yàng không đồng ý thì cũng không được hạ. Do đó, muốn chặt cây phải thăm dò ý kiến của thần linh, người Cơ Tu thực hiện thủ tục để xin ý kiến thần linh theo 2 cách. Một là, người dân dùng rìu chặt vài nhát vào thân cây, sau đó chặt thật mạnh để rìu ngập sâu vào thân cây và để cho đến ngày hôm sau. Nếu rìu vẫn còn cắm ở thân cây thì được phép hạ. Vì họ quan niệm rằng cây cũng có linh hồn nên nếu nó cho cắm rìu là đồng ý cho chặt và ngược lại. Hai là, đồng bào làm thủ tục cúng hỏi ma xem có đồng ý cho chặt hay không. Thủ tục cúng rất đơn giản, già làng (hay người lớn tuổi có uy tín trong gia đình) dùng quả trứng gà chọi vào gốc cây đó, nếu trứng vỡ thì được phép chặt và trứng không vỡ thì ma không đồng ý cho chặt cây. Xong, giết gà lấy máu bôi vào gốc cây đó và vẩy một ít nước sạch vào thân cây, ý nói họ chỉ muốn có cây đó để làm nhà chứ không phá hoại hay đánh động thần linh, thế rồi họ đọc thần chú cầu mong thần linh phù hộ làm việc này thành công [Nguyễn Hữu Thông (cb) 2005: 136, Lâm Nhân 2012: 22]. Nếu không cúng hỏi ý kiến thần linh thì dù có chọn được cây gỗ tốt đến mấy thần linh không cho thì cũng không được phép chặt.

Thông thường đồng bào thường lấy gỗ vào mùa thu hoặc mùa đông khi tiết trời khô ráo. Mùa xuân cây bắt đầu sinh trưởng, có nhiều cây con nên hạn chế đốn hạ. Mặt khác, để hạn chế việc đốn hạ cây gỗ, với những nhu cầu thiết yếu cần đến cây gỗ thì mới tiến hành khai thác, còn lại có thể lấy những cây bị đổ ngã về sử dụng.

143

Từ trước đến nay, hoạt động canh tác nương rẫy là hoạt động có ảnh hưởng nhiều nhất đến lâm sản của rừng. Do đó, luật tục Cơ Tu cũng có những quy định chặt chẽ đối với việc phát cây làm rẫy. Người Cơ Tu không làm rẫy ở những khoảng rừng già nơi có nhiều cây cổ thụ mọc, cũng không chọn những tấm rẫy ở nơi có nhiều cây con, vì đây là giai đoạn rừng đang tái sinh. Trong quá trình làm rẫy, mọi công việc phải đảm bảo không làm ảnh hưởng lớn đến rừng. Trong lúc phát cốt phải đảm bảo không làm hại đến những cây xung quanh, kỹ thuật hạ cây khi phát cốt giống kỹ thuật hạ cây lúc lấy gỗ làm nhà.

Đốt rẫy cũng được đồng bào đặc biệt chú ý, khi đốt họ tránh không cho ngọn lửa cháy lan vào rừng hoặc cháy rẫy của gia đình khác. Những ai thấy rừng cháy mà không báo cho chủ làng để tìm cách dập lửa thì sẽ bị xử phạt.

Vì lâm sản thân gỗ là tài sản quý giá của người Cơ Tu, nên từ lâu đồng bào đã ban hành các hành phạt để xử lý những ai cố tình vi phạm. Theo đó,

- Người trong làng phá cây cổ thụ thì phải nộp phạt cho làng theo hai trường hợp:

Một là, nếu đốt bị cháy sém cành và ngọn cây thì nộp cho thôn cúng ít nhất một con dê, một con gà, và ché rượu. Hai là, nếu chặt ngã cây hoặc làm cháy rụi thân cây thì nộp cho làng để cúng cây bị tổn thương một con heo to, một con dê và một con gà.

- Người làng khác vô tình hay cố ý phá hoại cây cổ thụ của làng kia, thì việc giải quyết do làng với làng thỏa thuận. Nhưng làng của người phá hoại cây phải chịu nộp phạt cho làng bị hại cây cổ thụ ít nhất một con trâu (hay bò), một con dê, một con heo, một con gà, một ché rượu và hủ gạo nếp [Bh’riu Liếc 2006: 151].

Một điểm đáng chú ý trong tập quán bảo vệ cây gỗ khác của người Cơ Tu là với những loại cây dùng để bắt chim hay đục làm bọng ong đã được cá nhân hay gia đình nào đó đánh dấu xác lập quyền chiếm hữu và sử dụng thì các thành viên khác trong cộng đồng không được phép khai thác. Cụ thể, nếu trong rừng ai phát hiện ra cây gỗ dỗi, cây có trầm hương, cây có chim trú ngụ, cây ăn quả có giá trị… đều có quyền xác lập quyền chiếm hữu bằng cách đánh dấu theo phong tục của tộc người. Đó là những nguồn lợi cá nhân được hưởng. Kể từ khi những thứ vừa kể trên được đánh dấu, dưới mắt người dân, chúng đương nhiên đã có chủ, cho dù lâu về sau người chiếm hữu mới khai thác đến [Bùi Quang

144

Thanh 2009: 145]. Hoặc, ai chọn được cây ưng ý trong rừng để đục bọng cho ong làm tổ thì người đó có quyền chiếm hữu và sử dụng cây đó, thậm chí họ còn có quyền truyền lại những cây này cho cháu của họ. Ngay cả khi người đó không khai thác nữa thì người bên ngoài cũng không được đụng đến.

Luật tục Cơ Tu quy định, những ai chặt phá cây ch’păr (cây dùng để bắt chim), bọng ong mật (ư’măl) thì phải chịu phạt tội, hình phạt nặng nhẹ tùy tình huống cụ thể, đối tượng giải quyết do gia đình với gia đình. Phá bao nhiêu thì đền bù theo kiểu vật trả vật, có nghĩa phá cái gì trả cái đó, nếu không có vật như vậy thì trả bằng dụng cụ sản xuất như: rựa, rìu, nếp… Trường hợp, người chiếm dụng khai thác những loại cây này thì họ cũng hạn chế không làm ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển tự nhiên của chúng.

Chẳng hạn, với cây bắt chim họ thường không chặt ngọn hoặc cành cây quá nhiều vì như vậy sẽ làm cho cây không thể phát triển được, với những cây đục bọng ong thì họ tránh không đục sâu chạm đến lõi sẽ làm cho cây chết.

Đến đây, chúng ta có thể ghi nhận một điều rằng, mặc dù lâm sản thân gỗ rất quan trọng trong đời sống của người dân, nhưng không phải vì thế mà họ cho phép mình tận dụng một cách triệt để nguồn lợi này. Nên đi kèm với khai thác, bằng cách này hay cách khác đồng bào luôn cố gắng giữ gìn những mảng xanh chung của rừng, vì họ hiểu rõ thế hệ con cháu của họ sau này vẫn cần đến chúng.

Một phần của tài liệu Tri thức địa phương của người cơ tu trong ứng xử với rừng (Trang 149 - 152)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(219 trang)