Khai thác nguồn nước

Một phần của tài liệu Tri thức địa phương của người cơ tu trong ứng xử với rừng (Trang 90 - 94)

CHƯƠNG 2. TRI THỨC ĐỊA PHƯƠNG CỦA NGƯỜI CƠ TU TRONG SỬ DỤNG RỪNG

2.2. Tri thức địa phương của người Cơ Tu trong sử dụng nguồn nước

2.2.2. Khai thác nguồn nước

Đối với nguồn nước từ sông, suối đồng bào có nhiều cách khai thác và sử dụng khác nhau. Trước hết, nguồn nước này là một trong những tiêu chí để chọn đất dựng làng.

Trong quá trình chọn đất lập làng, người Cơ Tu ưu tiên chọn những nơi gần nguồn nước để thuận lợi cho việc lấy nước sinh hoạt và sản xuất. Mặc dù, người Cơ Tu dựng làng ở cạnh nguồn nước sạch, nhưng họ không lấy nước này để uống mà chỉ sử dụng để phục vụ sinh hoạt thường ngày như: tắm rửa, giặt giũ, khai thác thủy sản… Còn nước dùng để uống được đồng bào dẫn từ nguồn nước đầu nguồn về.

Trước đây để có nước sử dụng, người dân thường dùng quả bầu già đã bỏ ruột, hoặc ống tre, lồ ô được làm sạch các mắc bên trong để lấy nước trực tiếp từ những nguồn nước ở sâu trong rừng mang về chứa vào các bầu nước để dùng. Cách lấy nước này của đồng bào đơn giản nhưng lại tốn thời gian và công sức, lại có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước đầu nguồn. Về sau, thay vì đi gùi nước, người dân đã biết cách dẫn nước từ đầu nguồn về làng bằng ống tre. Để làm làm được máng nước, họ chặt những ống tre, nứa, sau đó chẻ đôi chúng ra để làm sạch những mắc ở bên trong. Tiếp theo, họ chặt cây trên rừng về bắt chéo thành hình chữ X để làm giàn đỡ cho máng tre, giá đỡ được dựng từ đầu nguồn nước về đến làng. Sau đó, nối các ống tre lại lại với nhau, bắt lên trên giá đỡ rồi dùng dây rừng cố định chúng. Khi dựng giá đỡ người Cơ Tu tính toán độ dốc của địa hình sao cho nước có thể chảy từ nguồn về một cách dễ dàng.

Bên cạnh cách thức dẫn nước bằng máng tre, khi xưa để có nước sinh hoạt, đồng bào tiến hành đào mương nước rộng chừng 1 m để đưa nước từ nguồn nước về làng. Tuy nhiên, họ ít sử dụng cách thức này vì nước được dẫn từ mương về sẽ bị thảm thực vật rơi rụng, làm cho nước khi đưa vào sử dụng không còn sạch như trước nữa. Ngày nay, người

83

Cơ Tu ít sử dụng các phương pháp dẫn nước truyền thống, mà thay vào đó họ dùng ống nhựa dẫn nước để đảm bảo nước sạch và đỡ tốn chi phí, công sức thay máng thường xuyên như dẫn nước bằng máng tre, hoặc phải khai thông dòng chảy như dẫn nước bằng mương.

Hình 2. 6. Mương nước của người Cơ Tu ở thôn Tà Vàng, xã A Tiêng

(Ảnh: Nguyễn Công Trường, tháng 08/2015)

Hình 2. 7. Hệ thống nước sinh hoạt được dẫn về làng

(Ảnh: Đỗ Trưởng, tháng 11/2015) Đối với nguồn nước mưa, mặc dù đồng bào ít khai thác để phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, nhưng họ lại ý thức được tầm quan trọng của nó với hoạt động sản xuất, nên những lúc hạn hán trầm trọng ảnh hưởng đến vụ mùa, người Cơ Tu thường cầu đảo (pơơl ngóc), với niềm tin trời thấy thế sẽ đổ mưa. Cách cầu đảo là: ông già tìm đến chỗ có dòng nước chảy từ trên cao xuống, dựng một cái trục có khúc tre ngắn 2 gióng với mấu ở giữa, nước chảy đầy ống này khiến nó đổ xuống, đến lượt ống kia hứng nước, và cứ như thế tiếp diễn, khiến khúc ống tre quay liên tục. Người ta hy vọng sự xoay chuyển đó tác động tới trời và làm cho trời thay đổi trạng thái từ hạn sang mưa [Lưu Hùng 2006: 245].

Với nguồn nước được khai thác từ thân cây, nhờ am hiểu đặc tính sinh trưởng của từng loại cây mà đồng bào có cách khai thác chúng phù hợp. Trong số các loại cây cho nước thì cây tr’đin (đùng đình, bình báng) là cho nước quanh năm và ngon hơn cả. Cây tr’đin thường mọc bên bờ suối, thích hợp nơi ẩm ướt, râm mát, đặc biệt ở nơi đầu nguồn suối thì cây sinh trưởng nhanh và cho nhiều nước. Để lấy nước từ cây tr’đin phải đục thân cây, song phải chọn đúng thời điểm thì đục cây mới có nước, công việc này đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Thông thường đọt cây (loom) nhú lên ngang bằng lá già thì lúc này ta

84

khai thác được nước. Khi biết chính xác thời điểm đục cây, người dân làm cầu thang trèo lên, rồi làm một cái giàn để ngồi. Người Cơ Tu đục cây tính từ ngọn xuống chừa lại 4 cuống lá già, và đục phía đối diện với lá già thứ tư tính từ trên xuống (Cơ Tu gọi là cr’dôôm). Cây đục xong thấy ở trong có đọt trắng mềm thì sẽ cho nhiều nước; ngược lại, nếu ở trong đọt cứng vàng thì ít nước. Sau khi

đục xong, cứ mỗi ngày người dân đến cắt mỏng một lớp để tạo vết và khi thấy có đọt mới nhú lên là biểu hiện cây sắp có nước chảy ra. Thường thì ba đến bốn ngày ta thấy có nước trăng trắng, sền sệt là dấu hiện cây bắt đầu ra nước. Lúc này đồng bào làm một cái máng nhỏ để nước tr’đin chảy theo đường máng và nhĩ vào ống đã hứng sẵn bên dưới. Cứ như vậy, mỗi ngày đồng bào đến cắt và mang nước về uống [Bh’riu Liếc 2006: 199].

Nước lấy từ cây tr’đin thơm và ngọt lịm nên trẻ em và phụ nữ Cơ Tu thích uống, đàn ông trước khi uống thì thêm vỏ cây chồn để lên men thành rượu tr’đin. Vì nước được khai thác từ thực vật tự nhiên nên người Cơ Tu có phương pháp bảo quản thích hợp.

Đồng bào khai thác nước rồi cho vào ché để dùng, nếu chưa đầy thì có thể đổ nước mới vào, nhưng phải thường xuyên thay vỏ cây chồn thì nước mới không bị hư và có thể sử dụng lâu dài. Khi sử dụng, nếu không dùng hết một lúc thì tuyệt đối không múc một ít vì như vậy nước dễ bị chua, không để lâu được. Ngoài ra, liên quan những điều kiêng kỵ, khi uống rượu tr’đin người Cơ Tu không đổ nước thừa vào bếp lửa, vì tr’đin kỵ tro bếp nếu đổ nước vào cây tr’đin sẽ không chảy nước trong một thời gian.

Nếu cây tr’đin có thể khai thác quanh năm, thì cây t’vạc chỉ khai thác khi nào cây ra buồng trái, nhưng cây t’vạc lại cho nhiều nước hơn cây tr’đin. Cây t’vạc thường mọc hoang ở những triền núi thấp hay ở thung lũng, thân to và cao, cành lá gần giống với lá

Hình 2. 8. Lấy rượu Tr'đin (Ảnh: nongnghiep.vn, tháng 12/2015)

85

dừa nhưng mềm và vươn thẳng, không lã ngọn, trổ buồng cả thân cây [Hoàng Hương Việt 2002: 46]. Người Cơ Tu thường khai thác cây t’vạc8 vào dịp xuân hè (tháng 3-4), vì lúc này cây cho nhiều nước. Khi khai thác người dân thường chọn những cây có buồng và quả to, không sâu bệnh. Mỗi cây t’vạc thường ra 4-5 buồng, nhưng theo kinh nghiệm của đồng bào buồng đầu tiên khó lấy nước, chỉ có thể sử dụng hạt để làm giống. Đồng bào lấy nước từ buồng thứ 2 trở xuống, song phải chọn đúng thời điểm thì cây mới cho nhiều nước. Thông thường, nếu kiểm tra thấy búp hoa trong buồng gần nhú là có thể khai thác, nếu để búp nở ra hoa thì không lấy nước được [Bh’riu Liếc 2006: 199].

Cho đến nay kỹ thuật lấy nước từ cây t’vạc của đồng bào vẫn không thay đổi. Khi chọn đúng thời điểm khai thác họ làm giàn để ngồi, rồi dùng một cây thân gỗ mềm đập quanh cổ buồng từ trên xuống theo hàng dọc khoảng 3-4 lần, mỗi lần đập cách nhau 3 ngày, hết lần đập thứ 3 thì họ tiến hành cắt buồng. Như vậy, từ lúc đập đến lúc cắt phải đúng 12 ngày là có thể lấy được nước. Sau khi cắt buồng thì vài ngày sau nước từ vết cắt chảy ra, người dân dùng ống bương hứng nước. Để kích thích nước ra nhiều người Cơ Tu dùng một loại môn rừng có chất gây ngứa đắp vào vết cắt với cách giải thích: “gây xót, ngứa ở vết thương để cây trở mình ứa nước”. Sau mỗi lần thu hoạch người dân chỉ cần cắt vào đầu cuống buồng để nước tiếp tục chảy, cứ như vậy họ khai thác cho đến hết mùa hè thu.

Nước t’vạc tinh khiết, vị ngọt mát được dùng như nước giải khát, đàn ông Cơ Tu thường cho thêm vỏ cây chồn để lên men thành rượu t’vạc. Mỗi cây t’vạc có thể cho từ 20-30 lít nước tùy vào từng cây, mỗi buồng có thể cho nước liên tục hơn một tháng. [Lưu Hùng 1996: 10]. Cách sử dụng và bảo quản nước t’vạc cũng giống như cách sử dụng và bảo quản nước tr’đin. Ngày nay, người Cơ Tu cũng lấy nước từ cây t’vạc bằng cách đục vào thân cây như cây tr’đin mà không chờ cây ra buồng, nên cây ra ít nước, rất lãng phí và có thể làm chậm khả năng sinh trưởng của cây.

8 Truyền thuyết Katu kể rằng: “Ngày xưa ở một triền rẫy nọ có một cây Tà Vạt tỏa bóng mát, được người dân dọn sạch cỏ rác, vun gốc, chăm bón như cây trong vườn, dùng làm nơi nghỉ ngơi, trú nắng trong lúc làm rẫy oi bức. Mùa rẫy năm đó, khi cây lúa, cây bắp sắp đến kỳ thu hoạch thì những bầy khỉ kéo đến, chuyển từ các lùm cây xuống phá hoại hoa mùa. Để xua đuổi bầy khỉ, bà con đành phải đốn cây đi. Khi chặt những tàu lá, cọng buồng Tà vạt bị dập họ thấy những giọt nước trong veo chảy ra, có mùi thơm kỳ lạ. Nhấm thử, nước có vị ngọt dễ chịu, bà con lấy nước để uống cảm thấy mát dịu” [Hoàng Hương Việt 2002: tr.46].

86

Ngoài ra, người Cơ Tu còn khai thác nước từ cây song mây (a dương). So với cây tr’đin và cây t’vạc thì khai thác cây song mây vất vả và nguy hiểm hơn, vì cây có gai và thường mọc ở ven suối, kết với nhau lại thành những bụi rậm. Khi khai thác song mây, đồng bào thường chọn những cây to khỏe, rồi cắt phần ngọn của chúng để nước chảy vào ống tre được đặt sẵn. Trước khi uống người ta cho thêm vỏ cây chồn vào.

Một phần của tài liệu Tri thức địa phương của người cơ tu trong ứng xử với rừng (Trang 90 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(219 trang)