CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. Cơ sở lý luận
1.1.2. Các lý thuyết nghiên cứu
1.1.2.1. Sinh thái học văn hóa
Sinh thái học văn hóa (cultural ecology) do Julian Steward khởi xướng, lý thuyết này xuất hiện vào những năm 1950 và phát triển mạnh mẽ vào những năm 1960 ở Mỹ về việc biến đổi văn hóa [Hoàng Cầm - Phạm Quỳnh Phương 2012: 23]. Sinh thái học văn hóa là các dạng thức văn hóa được hình thành và phát triển trên cơ sở mối quan hệ tương tác giữa con người với môi trường sống nhất định như: đồng bằng, biển, đồi núi, cao nguyên... Thông qua sự tương tác này, con người bộc lộ ra các mô thức văn hóa phù hợp nhằm thích nghi với điều kiện sống của mình.
Theo trường phái này, văn hóa của các tộc người không phải được hình thành thông qua con đường lây lan, học hỏi hay tiếp xúc văn hóa giữa các tộc người với nhau, mà chính môi trường sống của các cộng đồng đã giúp họ trải nghiệm, tích lũy, và xây dựng thành các kiểu thức văn hóa nhất định, làm nên bản sắc văn hóa tộc người. Khi xã
3 Hà Hữu Nga 2014: Tri thức bản địa và phát triển. - http://kattigara-echo.blogspot.com/2012/10/tri-thuc-ban-ia-va- phat-trien-i_5374.html
31
hội chưa phát triển, con người gần như phụ thuộc vào tự nhiên thì cách mà con người thích ứng với tự nhiên thể hiện văn hóa ứng xử của họ.
Thuyết sinh thái văn hóa sẽ làm rõ mối quan hệ giữa văn hóa và môi trường, từ quan điểm “con người là thể tồn tại thích ứng với môi trường thông qua văn hóa, còn văn hóa chịu ảnh hưởng của các thể loại tài nguyên môi trường mà con người sử dụng”
[Robert Layton 2008]. Dựa trên quan điểm của Julian Steward, trong tác phẩm Anthropology: appreciating human diversity [Nhân học: đánh giá sự đa dạng con người]
Phillip Kottak - nhà Nhân học sinh thái cho rằng: “con người đã có những niềm tin và cách thực hành văn hóa làm sao để thích ứng với môi trường của họ, và họ cũng sử dụng các yếu tố văn hóa để làm sao duy trì được các hệ sinh thái” [Dẫn lại theo Ngô Văn Lệ 2014: 21-22].
Trong quá trình sinh tồn của mình, con người phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Từ các yếu tố thuộc đời sống vật chất như: ăn, mặc, ở, đi lại… đến các yếu tố thuộc đời sống tinh thần như: phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội… chúng ta có thể nhận thấy nơi đó con người thể hiện cách thức ứng xử với môi trường sinh thái, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để họ thích nghi với môi trường sống ấy.
Lý thuyết sinh thái học văn hóa có thể được sử dụng để lý giải sự khác biệt văn hóa giữa các vùng miền, hoặc có thể là sự giống nhau về văn hóa của các tộc người khác nhau về mặt địa lý nhưng lại có môi trường sống giống nhau và phương pháp khai thác môi trường giống nhau4. Tuy nhiên, nếu chúng ta tuyệt đối hóa môi trường tự nhiên thì sẽ rơi vào thuyết quyết định luận địa lý. Mặc dù, môi trường tự nhiên có vai trò quan trọng trong việc hình thành văn hóa của các tộc người, nhưng ở góc độ nào đó con người hoàn toàn có thể chế ngự tự nhiên và điều khiển nó cho phù hợp với nhu cầu cả mình.
Phan Thị Yến Tuyết cho rằng, ở một khía cạnh khá đặc biệt của sinh thái học văn hóa, con người tồn tại bằng cách sáng tạo và tích lũy những kiến thức nhằm thích ứng với môi trường sinh thái, những kiến thức đó được truyền từ đời này sang đời khác tạo ra
4 Nguyễn Văn Hiệu 2009: Steward, Julian Haynes (1902 - 1972). - http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/cac-nha- van-hoa-hoc-noi-tieng/1176-julian-haynes-steward.html
32
thành tố quan trọng của văn hóa, mà các nhà nghiên cứu vẫn gọi đó là tri thức bản địa, tri thức địa phương hay tri thức dân gian. Nguồn tri thức này là cơ sở để chúng ta có thể nhìn nhận được bản sắc văn hóa của các tộc người trong bối cảnh môi trường sống cụ thể của họ. Chẳng hạn, những tri thức trong chữa bệnh, trong sản xuất, trong sử dụng và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên…[Phan Thị Yến Tuyết 2011: 471].
Lý thuyết sinh thái học văn hóa bị cho là có điểm hạn chế khi chỉ xem xét văn hóa của các tộc người từ góc độ văn hóa nội sinh mà bỏ qua sự tương tác với các yếu tố văn hóa ngoại sinh, nhưng lý thuyết này vẫn được sử dụng tương đối phổ biến trong việc thực hành văn hóa sinh thái của cộng đồng địa phương. Chẳng hạn, “sử dụng lý thuyết sinh thái học, hàng loạt các nghiên cứu (Rappaport 1979, Lansing 1991, Klee 1980, Sponsel và các cộng sự 1996, Yos 2003, Ecologists 1993) phát hiện ra rằng tri thức và thực hành văn hóa và sinh thái của các cộng đồng người địa phương, trong một thời gian dài bị coi là lạc hậu, không hiệu quả hay phá hoại môi trường đóng một vai trò rất lớn trong việc bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học và là cơ sở của sự phát triển bền vững cả về kinh tế lẫn văn hóa tộc người” [Hoàng Cầm - Phạm Quỳnh Hương 2012: 24].
1.1.2.2. Văn hóa tộc người
Nghiên cứu tri thức địa phương cần phải đặt cơ sở trên văn hóa tộc người mà chúng ta muốn tiếp cận. Nhưng để làm được điều đó, cần phải làm rõ các khái niệm tộc người và văn hóa tộc người là gì? Bởi lẽ, lâu nay nhiều nhà nghiên cứu vẫn sử dụng đồng nhất thuật ngữ tộc người và dân tộc (Việt Nam có 54 tộc người hay có 54 dân tộc). Tuy nhiên, giữa hai thuật ngữ này có những điểm khác biệt nhau.
Dân tộc (nation) được hiểu theo nhiều cách khác nhau, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn thường dựa vào quan điểm của J.V.Stalin trong tác phẩm “Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc”. Theo đó, “Dân tộc là một cộng đồng người ổn định được hình thành trên cơ sở cộng đồng về tiếng nói, về lãnh thổ, về sinh hoạt kinh tế và tâm lý biểu hiện trong cộng đồng văn hóa” [J.V.Stalin 1976: 357]. Trong khi thuật ngữ tộc người (ethnie) ra đời khoảng cuối thế kỷ XIX dùng để chỉ một tập đoàn người có chung ngôn ngữ, có cùng một
33
đặc điểm văn hóa và có ý thức tự giác cộng đồng. Đây là những tiêu chí cơ bản giúp chúng ta dễ dàng nhận biết sự khác nhau giữa hai thuật ngữ “dân tộc” và “tộc người” .
Việc phân biệt giữa “dân tộc” và “tộc người” cho phép chúng đi đến định nghĩa văn hóa tộc người phù hợp. Mỗi tộc người trong quá trình hình thành và phát triển trong những điều kiện cụ thể đã sáng tạo một phức hợp văn hóa phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của tộc người đó [Ngô Văn Lệ 2003: 15]. Mặc dù là một khái niệm rộng với nhiều cách hiểu khác nhau, song suy đến cùng văn hóa vẫn là sản phẩm do con người tạo ra, “là hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và giá trị tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội”[Trần Ngọc Thêm 1999: 10].
Rõ ràng trong những điều kiện tự nhiên cụ thể và môi trường xã hội nhất định, trên cơ sở một hệ tư tưởng, đạo đức xã hội, các tộc người đã hình thành các thành tố văn hóa đặc trưng cho chính tộc người mình. Những thành tố văn hóa này được phản ánh qua các mặt của cuộc sống con người như: ăn, mặc, ở, tri thức, đạo đức, tín ngưỡng, lễ hội, văn hóa nghệ thuật,… Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng, bất kỳ tộc người nào trên thế giới cũng đều có văn hóa, chính những sắc thái văn hóa riêng biệt của các cộng đồng đã làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của nhân loại.
Để có cơ sở nghiên cứu văn hóa tộc người, một định nghĩa chung về nó là mục tiêu mà các nhà nghiên cứu hướng đến. Tuy nhiên, cũng có nhiều cách hiểu không giống nhau về văn hóa tộc người. Chẳng hạn, theo quan điểm của nhà dân tộc học Tạ Đức (1984): “Văn hóa tộc người là một hệ thống tổng thể các giá trị văn hóa của một tộc người, trong đó từng giá trị có thể mang hoặc không mang tính đặc trưng tộc người nhưng cả hệ thống có cấu trúc, hành vi mang tính đặc trưng tộc người không lặp lại” [Tạ Đức - Nguyễn Nam 1984: 66].
Ngô Văn Lệ thì cho rằng, khi nghiên cứu văn hóa học cần phải làm rõ sự khác biệt giữa văn hóa tộc người và văn hóa của tộc người. Theo đó, nếu “Văn hóa tộc người được hiểu là bao gồm tổng thể các yếu tố về văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần giúp cho việc phân biệt tộc người này với tộc người khác. Chính văn hóa tộc người là nền tảng nảy sinh
34
và phát triển tộc người” thì “Văn hóa của tộc người là tổng thể những thành tựu văn hóa thuộc về một tộc người cụ thể nào đó. Tổng thể những thành tố văn hóa do tộc người cụ thể sáng tạo và tiếp thu, vay mượn của các tộc người khác trong quá trình lịch sử [Ngô Văn Lệ 1999: 318].
Như vậy, có thể xem văn hóa tộc người là những khía cạnh tiêu biểu của tộc người đó. Do đó, không nên nhìn nhận một cách chung chung các khía cạnh thuộc đời sống của một tộc người, mà phải tìm kiếm những sắc thái riêng tạo nên bản văn văn hóa của tộc người đó.
Chính vì vậy, nếu xem tri thức địa phương là một thành tố văn hóa tộc người, thì việc nghiên cứu và thấu hiểu những khía cạnh văn hóa tộc người Cơ Tu là cơ sở để chúng ta dễ dàng nhận ra cách thức ứng xử của cộng đồng với môi trường sống của họ, qua đó giúp cho việc tiếp cận và nghiên cứu tri thức địa phương của tộc người Cơ Tu được thuận lợi hơn.
1.1.2.3. Giao lưu tiếp biến văn hóa
Nghiên cứu tri thức địa phương cần đặc biệt quan tâm đến quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các tộc người. Bởi vì, qua quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, tri thức địa phương sẽ có nhiều biến động, hoặc là thay đổi cho phù hợp với môi trường mới, hoặc là được bổ sung từ các nguồn tri thức khác và cũng có thể sẽ mất đi hoặc tạo ra loại tri thức mới. Khi xã hội ngày càng phát triển, toàn cầu hóa đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu của nhân loại thì quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa diễn ra một cách mạnh mẽ.
Trong suốt thời kỳ lịch sử phát triển của xã hội loài người, giao lưu tiếp biến văn hóa đã trở thành quy luật không thể thiếu. Quá trình này nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển văn hóa của các tộc người. Khó có một tộc người nào có thể tồn tại, nếu khoanh tròn trong một không gian kép kín mà bỏ qua sự tiếp xúc văn hóa với các tộc người khác trong giai đoạn hiện nay. Phan Ngọc nhận định: “Không có văn hóa tự lực cánh sinh, không có văn hóa tự túc” [Phan Ngọc 2006: 114], nghĩa là các nền văn hóa nên mở cửa đón nhận
35
những cái hay cái đẹp của nền văn hóa khác để đảm bảo sự phát triển nền văn hóa của mình.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, các tộc người đã mở rộng giao tiếp với các tộc người khác. Thông qua việc giao tiếp đó, họ đã tiếp nhận có ý thức hay không có ý thức những thành tố văn hóa của các tộc người láng giềng để làm phong phú thêm văn hóa của mình. Song các thành tố văn hóa mới có thật sự gắn bó và hòa quyện với các yếu tố của bản thân tộc người đó để tạo ra một phức hợp văn hóa hay không, hay bị đánh bật trở lại là một điều đòi hỏi phải có sự kiểm nghiệm của thực tế đời sống [Ngô Văn Lệ 2003: 16].
Theo Hà Văn Tấn, quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa trong buổi đầu lịch sử là sự tiếp xúc và trao đổi giữa các tộc người trong lĩnh vực kinh tế. Theo đó, việc trao đổi nguyên liệu và hàng hóa giữa các cá nhân, hoặc tập thể có nền văn hóa khác nhau thường được tiến hành tại các đường biên giới của các cộng đồng. Nhưng cũng có khi, đề tìm nguyên liệu và thức ăn, cộng đồng này đã cử người sang cộng đồng khác, có khi phải di chuyển qua nhiều khu vực địa lý của các cộng đồng khác nhau. Quá trình này giúp cho các cộng đồng có điều kiện tiếp xúc với nhau, từ đó dẫn đến một số yếu tố văn hóa của cộng đồng này có thể lan truyền sang cộng đồng khác. Tuy nhiên, tùy mức độ khác nhau mà thông qua quá trình tiếp xúc yếu tố văn hóa ngoại lai sẽ bị truyền thống hóa hoặc là yếu tố văn hóa truyền thống sẽ bị đổi mới thành giá trị khác.
Bên cạnh sự trao đổi về kinh tế, quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các tộc người còn diễn ra trên các lĩnh vực khác như quan hệ hôn nhân, ngoại giao…Quá trình này diễn ra theo khuynh hướng phát triển của tộc người. Trong thời kỳ nguyên thủy, khi đất rộng người thưa con người chỉ chịu tác động bởi các yếu tố bản địa (nội sinh), mà ít quan tâm đến sự tác động của các yếu tố bên ngoài (ngoại sinh), nhưng về sau khi xã hội ngày càng phát triển, dân số tăng nhanh, nhu cầu của con người cũng tăng lên khiến cho nguồn lợi tự nhiên không đủ đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Điều này, buộc các tộc người phải thực hiện các cuộc thiên di lớn nhỏ ra bên ngoài. Kết quả của những cuộc
36
thiên di này là các tộc người vốn sống cách xa nhanh, nay tiến gần lại bên nhau, sống đan xen với nhau và từ đó tiếp biến văn hóa lẫn nhau.
Quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa thường được tiến hành qua hai con đường: tự nguyện hoặc bị cưỡng chế. Thế nhưng, dù tiếp xúc bằng con đường nào chăng nữa, bên cạnh sự biến đổi văn hóa thì các nền văn hóa vẫn cố giữ lại cho mình những nét văn hóa riêng (bản sắc văn hóa) và làm giàu thêm vốn văn hóa của mình.
Quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa được thực hiện trên cơ sở có sự tiếp xúc lâu dài giữa các tộc người có nền văn hóa khác nhau và phải có những điều kiện cần thiết để quá trình này diễn ra một cách tự nhiên, cụ thể: “Các dân tộc với nền văn hóa khác nhau cùng sống trong một khu vực có sự tương đồng về mặt địa lý, lịch sử, kinh tế, chính trị…;
các dân tộc cùng tham gia vào một thể chế chính trị, một hệ thống giáo dục; hoặc các tộc người tiếp nhận một tôn giáo mới thông qua cơ chế truyền đạo nên văn hóa cũng bị biến đổi” [Huỳnh Ngọc Thu 2011: 39]
Mặc dù, giao lưu tiếp biến văn hóa là quy luật phát triển trong lịch sử của nhân loại, nhưng thuật ngữ này được giới khoa học quan tâm và xây dựng thành lý thuyết ứng dụng thì khá muộn. “Khái niệm giao lưu tiếp biến văn hóa (acculturation) được các nhà dân tộc học Pháp và nhân học phương Tây đưa ra vào cuối thế kỷ XIX để chỉ sự tiếp xúc trực tiếp và lâu dài giữa hai nền văn hóa khác nhau và hậu quả của cuộc tiếp xúc này là sự thay đổi hoặc biến đổi của một số loại hình văn hóa của một hoặc cả hai nền văn hóa đó. Giao lưu tiếp biến văn hóa là quá trình trong đó một nền văn hóa thích nghi, ảnh hưởng một nền văn hóa khác bằng cách vay mượn nhiều nét đặc trưng của nền văn hóa ấy”. [Phan Thị Yến Tuyết 2011: 469].
Các nhà nhân học văn hóa người Mỹ như: R. Ridifield, R. Liton, H. Herkovits...
cho rằng: “Dưới từ acculturation, ta hiểu là hiện tượng xảy ra khi những nhóm người có văn hóa khác nhau, tiếp xúc lâu dài và trực tiếp gây ra sự biến đổi mô thức (pattern) văn hóa ban đầu của một hay cả hai nhóm” [Trần Quốc Vượng (cb) 1996: 165-166].
37
Ở Việt Nam, khái niệm giao lưu tiếp biến văn hóa cũng được các nhà nhân học, nhà văn hóa học nỗ lực xây dựng. Tuy nhiên, do hướng tiếp cận vấn đề và mục đích nghiên cứu khác nhau nên khái niệm về giao lưu tiếp biến văn hóa cũng có sự những điểm khác biệt nhau. Chẳng hạn, Trần Quốc Vượng cho rằng: “Giao lưu và tiếp biến văn hóa là sự tiếp nhận văn hóa nước ngoài bởi dân tộc chủ thể. Quá trình này luôn luôn đặt mỗi tộc người phải xử lý tốt mối quan hệ biện chứng giữa yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh”
[Trần Quốc Vượng (cb) 2003: 51-51].
Như vậy, những quan điểm trên của các nhà nghiên cứu cho phép chúng tôi làm cơ sở để nghiên cứu tri thức địa phương của người Cơ Tu trong giai đoạn hiện nay. Bởi vì, cũng như các tộc người khác, người Cơ Tu quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa đã dẫn đến sự biến động văn hóa của các tộc người nói chung và tri thức địa phương nói riêng.
Người Cơ Tu trong suốt quá trình hình thành và phát triển của tộc người mình đã có sự giao lưu tiếp biến văn hóa với các tộc người trong khu vực, nhất là với người Kinh. Ban đầu, sự tiếp xúc này chỉ diễn ra thông qua con đường trao đổi hàng hóa, sau này việc giao lưu văn hóa giữa người Cơ Tu và người Kinh ngày càng diễn ra nhanh và mạnh qua quan hệ hôn nhân, quan hệ ngoại giao,… đã khiến cho văn hóa của người Cơ Tu bị biến đổi sâu sắc, và điều đó cũng tác động mạnh đến tri thức địa phương của người Cơ Tu.