CHƯƠNG 3. TRI THỨC ĐỊA PHƯƠNG CỦA NGƯỜI CƠ TU TRONG BẢO VỆ RỪNG
3.2. Tri thức địa phương của người Cơ Tu trong bảo vệ nguồn nước
Đối với tộc người Cơ Tu, nước là tiêu chí đầu tiên trong quá trình chọn đất dựng làng. Đối với người dân, nước không chỉ phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày, mà còn mang ý nghĩa tâm linh trong sự ngưỡng vọng đối với các vị thần ngự trị nơi ấy. Do vậy, bảo vệ nguồn nước, nhất là nguồn nước đầu nguồn là trách nhiệm của tất cả các thành viên trong cộng đồng. Để đảm bảo nguồn nước trong làng được sạch sẽ, đồng bào đã áp dụng nhiều biện pháp từ việc sở hữu, khai thác sử dụng, những điều kiêng kỵ đến những quy định mang tính luật tục.
137
Trước hết để có thể bảo vệ tốt nguồn nước, người Cơ Tu tiến hành việc xác lập quyền sở hữu của mình đối với nguồn tài nguyên này trong phạm vi làng. Nghĩa là, những khoảng sông suối nào chảy từ đầu nguồn về qua địa phận của làng nào thì làng đó được quyền sở hữu. Việc xác lập quyền sở hữu đối với nguồn nước giúp cho hoạt động kiểm soát được thuận lợi hơn. Điều này dễ dàng nhận thấy, đối với người trong làng, nguồn nước này là tài sản chung của cả cộng đồng, ai cũng có quyền sử dụng nguồn nước nó để phục vụ cho sinh hoạt. Do đó, không một gia đình hay một dòng họ nào được phép chiếm giữ làm của riêng và khai thác nguồn lợi trên đó.
Đối với người ngoài làng thì tuyệt đối không được xâm phạm hay khai thác nguồn nước của làng sở tại, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo luật tục của làng tùy mức độ nặng nhẹ khác nhau. Trong đó, việc đầu độc hoặc gây bẩn nguồn nước của làng khác được xem là tội nặng nhất, người vi phạm phải nộp phạt nhiều trâu, dê, lợn, chiêng ché và các tài sản quý giá khác. Nếu tự ý sử dụng, đánh bắt cá trên khoảng sông suối của làng khác thì phải trả lại nguồn lợi đã khai thác trái phép (thường gấp hai đến ba lần) hoặc sắm đủ lễ vật theo luật tục quy định để cúng tạ thần linh.
Để xác lập quyền sở hữu của cộng đồng đối với nguồn nước, ngay từ lúc lập làng ở khu vực có nguồn nước chảy qua người Cơ Tu đã đánh dấu quyền sở hữu đối với nguồn nước theo cách riêng của mình. Trong trường hợp khúc sông suối là vùng đệm giữa hai làng thì để đảm bảo quyền quản lý mang tính chất liên làng, luật tục Cơ Tu quy định xem đó là vùng phi hoạt động nên không được phép đánh bắt cá, gây bẩn hoặc sinh hoạt nơi đó. Người dân ở hai làng muốn khai thác phải xin phép và phải có sự đồng ý của hai chủ làng. Mọi hành vi vi phạm sự thỏa thuận không được khai thác các con suối giữa hai làng đều phải chịu trách nhiệm theo quy định.
Không chỉ có nguồn nước mà các vùng thiết lập các công trình phúc lợi cộng đồng như: bến nước, máng nước,… là dạng tài sản mang tính sở hữu cộng đồng, dĩ nhiên không một dòng họ, gia đình nào có quyền độc chiếm sử dụng riêng [Nguyễn Văn Mạnh (cb) 2001: 295]. Đồng thời, các thành viên trong làng phải có trách nhiệm chung trong việc bảo quản các công trình này, nếu ai làm hư máng nước thì phải chịu sự khiển trách
138
của cả làng. Tương tự như vậy, người ngoài làng cũng không được xâm phạm, nếu vô tình hay cố ý gây hư hỏng các công trình công cộng thì theo nguyên tắc thương lượng giữa hai bên để đền bù hoặc sửa sang những chỗ hư hỏng.
Nếu việc xác lập quyền sở hữu đối với nguồn nước nhằm tránh va chạm lợi ích giữa các thành viên trong làng và lợi ích với làng khác, thì khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước được xem là biện pháp hữu hiệu nhất giúp bảo vệ nguồn lợi này của cộng đồng. Để thực hiện tốt việc này, ngay từ lúc định vị được các con sông, con suối chảy qua địa bàn của làng, chủ làng cùng hội đồng già làng họp, bàn bạc và quyết định xem đoạn sông, đoạn suối nào không được phép xâm phạm thì sẽ được “thiêng hóa” bằng các truyền thuyết để mọi người tin theo, đoạn suối nào chỉ được phép lấy nước dâng cúng thần linh, nơi lấy nước sinh hoạt, đánh bắt cá… Sau khi phân định rõ ràng, chủ làng sẽ thông báo rộng rãi với các thành viên trong làng về phạm vi sử dụng nguồn nước, đồng thời xây dựng những điều khoản trong luật tục để xử phạt khi có người vi phạm.
Thông qua việc phân định của hội đồng già làng, người dân ý thức rằng đối với nước đầu nguồn, tức là mạch nước chảy từ trong các khoảng rừng thiêng, rừng ma được xem là nơi ở của các thần linh nên tuyệt đối không được đụng đến. Ngoài ra, người Cơ Tu cho rằng ở những vùng nước này là nơi cư ngụ của những con rắn thần (Pinga, Xà luồng) mà trong bất cứ trường hợp nào, con người cũng không được xúc phạm. Mọi cá nhân hay nhóm người vi phạm, dù vô tình hay cố ý, hậu quả ấy đối với người Cơ Tu là cả làng phải gánh lấy sự trừng phạt từ các vị thần. Phẩm vật tạ tội trong trường hợp này là trâu trắng, heo trắng và gà trắng [Nguyễn Văn Mạnh (cb) 2001: 310].
Việc “thiêng hóa” nguồn nước đầu nguồn mang đến nỗi sợ hãi, khiến cho người dân rất ít khi đặt chân đến những khu vực này. Xuất phát từ niềm tin tín ngưỡng về các ma, mà người Cơ Tu không dám chôn cất người chết, dựng nhà mồ nơi nguồn nước đầu nguồn và nước sinh hoạt như vậy sẽ gây nhiễm bẩn nguồn nước. Họ cũng không dám chặt cây cối cũng như đánh bắt cá ở nguồn nước đầu nguồn, vì như vậy sẽ bất kính với thần linh khiến họ nổi giận mà làm hại cả làng.
139
Nếu chúng ta tạm bỏ qua “tính thiêng” mà nhìn ở góc độ sinh thái học sẽ nhận ra đây là cách ứng xử phù hợp của người dân với thiên nhiên. Vì thực tế cho thấy, nước thường bắt nguồn từ các đỉnh núi, nơi thượng nguồn sau đó chảy về hạ nguồn là nơi cộng đồng quần cư sinh sống, người dân hiểu rõ nếu thượng nguồn bị nhiễm bẩn thì sẽ kéo theo sự nhiễm bẩn của nguồn nước bên dưới, điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống của cả làng, thậm chí còn phải di dời làng đến nơi khác. Nói như vậy có nghĩa là, nước đầu nguồn chính là mạch sống để nuôi cả làng, do đó luật tục Cơ Tu quy định rất rõ không ai được phép đốt rẫy gần nguồn nước đầu nguồn. Bởi vì, nếu đốt rẫy gần nguồn nước sẽ bị nhiễm bẩn, năm đó dễ xảy ra dịch bệnh, chết chóc cho cả làng. Do vậy, ai chặt phá rừng đầu nguồn, làm ảnh hưởng đến nguồn nước chung của cả làng sẽ phải nộp phạt cho làng một khoản chi phí dùng để cúng, ít nhất là: một con heo to, một con dê và một gộc rượu.
[Bh’riu Liếc 2006: 151]. Không chỉ có nước đầu nguồn, mà nước dùng để dâng cúng thần linh cũng được quy định chặt chẽ trong luật tục không ai được phép xâm phạm.
Bên cạnh ý thức tự giác của người dân, để bảo vệ những nguồn nước thiêng này, đồng bào coi việc giáo dục con cháu từ nhỏ là việc quan trọng. Họ dạy ý thức bảo vệ rừng đầu nguồn, cấm chặt phá cây cối, làm nương đốt rẫy, chăn thả trâu bò, súc vật trên những khu rừng đó để tránh ô nhiễm hoặc cạn nguồn nước. Nếu có ai phát đốt ở những nơi chọn làm nguồn nước sử dụng chính thì phải cúng xin ma thông cảm khi nguồn nước đó lỡ bị gây ô nhiễm, hay hạ trúng cây độc làm nguồn nước bị nhiễm độc, và cúng để sử dụng nguồn nước mới. Lễ vật thường là gà, nải chuối, sáp ong thay hương, người đại diện cúng là già làng [Lâm Nhân 2012: 25].
Đối với nguồn nước sinh hoạt, trong quá trình sử dụng đồng bào cũng cố gắng hạn chế làm nhiễm bẩn nguồn nước. Thông thường khi thiết lập máng nước để đưa nước về làng thì ở đoạn cuối dẫn nước vào bến nước dùng cho sinh hoạt thì người dân chia làm hai nhánh. Một nhánh ở đoạn đầu được dùng để lấy nước uống, nhánh thứ hai ở đoạn cuối là nơi để cộng đồng dùng cho việc tắm giặt. Luật tục Cơ Tu nghiêm cấm các hành vi vứt rác bừa bãi ở phạm vi sông suối dùng sinh hoạt, không được tắm giặt ở những nơi được khoanh vùng lấy nước uống, nếu ai cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt theo luật tục. Không chỉ
140
bảo vệ nguồn nước một cách trực tiếp, mà người dân còn bảo vệ nguồn nước bằng việc kiểm soát các hoạt động liên quan. Điều này thể hiện khá rõ trong hoạt động săn bắt và hái lượm. Cụ thể, những sản phẩm hái lượm được từ trong rừng như nấm, măng, rau,…
nhất là các loại cây có nguy cơ bị nhiễm độc, người dân thường chọn lựa những đoạn suối không dùng nước để sinh hoạt hoặc những đoạn suối không nằm trong phạm vi cấm để rửa, vì họ ý thức được rằng nhựa, mủ các các loài thực vật có thể gây nhiễm độc cho nguồn nước.
Ngay cả hoạt động săn bắt, người dân cũng đặc biệt chú ý đến môi trường nước.
Khi dùng chất độc để săn thú, người thợ săn phải đảm bảo sao cho khi con thú trúng phải chất độc thì sẽ chết nhanh chóng, tránh trường hợp thú bị thương mang theo chất độc và chết bên những đoạn suối dùng cho sinh hoạt sẽ làm chất độc nhiễm vào nguồn nước.
Tương tự như vậy, luật tục Cơ Tu nghiêm cấm việc thuốc cá trên thượng nguồn, trong trường hợp sử dụng thuốc để đánh bắt cá thì phải giới hạn phạm vi đánh bắt, đồng thời phải kiểm soát lượng thuốc để tránh lây lan sang các nguồn nước khác, hiển nhiên phương thức đánh bắt này không được tiến hành ở những nguồn nước dùng để sinh hoạt.
Đối với những công trình công cộng của làng như máng nước, mương nước, bến nước, ngoài việc tránh làm hư hỏng, đồng bào còn có ý thức tu bổ, sửa chữa chúng một cách thường xuyên. Hàng năm, người Cơ Tu tiến hành nạo vét các mương nước nhằm khai thông dòng chảy và loại bỏ những tạp chất tồn đọng ở nguồn nước như cây lá mục nát, xác các loài động vật. Đồng thời, tiến hành phát quang cây cối mọc xung quanh mương nước để tránh cành cây khô, lá khô rơi rụng làm bẩn nguồn nước. Đối với máng nước thì người ta tiến hành vệ sinh trong máng, tẩy bỏ rong rêu mọc bên trong, kết hợp với thay mới những đoạn bị mục nát làm gián đoạn dòng chảy. Việc sửa sang các công trình chung của làng đòi hỏi tinh thần tự giác của các thành viên trong cộng đồng, ai cố tình tránh né sẽ bị phê bình trước làng, ngược lại ai có tinh thần tránh nhiệm cao sẽ được khen ngợi.
141