Bảo vệ muông thú

Một phần của tài liệu Tri thức địa phương của người cơ tu trong ứng xử với rừng (Trang 155 - 160)

CHƯƠNG 3. TRI THỨC ĐỊA PHƯƠNG CỦA NGƯỜI CƠ TU TRONG BẢO VỆ RỪNG

3.4. Tri thức địa phương của người Cơ Tu trong bảo vệ hệ động vật

3.4.1. Bảo vệ muông thú

Trước đây nguồn thực phẩm chính của người Cơ Tu vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động săn bắt thú rừng. Mặc dù, sản phẩm từ hoạt động này rất cần thiết cho người dân trong cuộc sống hằng ngày, và là lễ vật quan trọng trong các mùa lễ hội. Thế nhưng, từ bao đời nay việc săn bắt của người dân luôn đi đôi với việc bảo vệ nguồn lợi này.

Chính vì vậy, trong quá trình săn bắt, đồng bào không săn bắt một cách tận diệt bất kỳ một loài thú nào, mà luôn để cho chúng có điều kiện sinh sản, góp phần tạo sinh kế lâu dài. Người Cơ Tu có nhiều cách để bảo vệ thú rừng, nhưng xét đến cùng thì tín ngưỡng và luật tục vẫn là giữ vai trò chủ đạo trong việc chi phối hoạt động này.

Trước hết, để có cơ sở bảo vệ muông thú, cũng như những tài nguyên rừng khác người Cơ Tu cũng xác lập quan hệ sở hữu với nguồn lợi này. Theo đó, thú rừng được xem là tài sản chung của cả cộng đồng, ai cũng có quyền khai thác và có trách nhiệm bảo vệ chúng. Chính vì vậy, người ở làng khác không được tự ý săn bắt muông thú trên phạm vi được xác lập. Nếu săn bắt mà chưa có sự đồng ý của chủ làng sở tại, thì sản phẩm sau khi săn được phải trao trả lại cho làng, thậm chí còn bị phạt vạ để tạ lỗi. Mặt khác, luật tục Cơ Tu còn quy định, nếu trên đường đi qua địa phận của làng khác mà vô tình săn được thú thì làng sở tại được hưởng một nửa con thú săn được.

Mặc dù, trên phạm vi lãnh thổ của mình người dân được phép khai thác thú rừng, nhưng không phải bất kỳ nơi nào họ cũng có quyền săn bắt. Luật tục Cơ Tu quy định những khu rừng thiêng, rừng ma, rừng đệm giữa các làng đều không được săn bắn. Thú chạy trong rẫy không được dùng tên để bắn18, sở dĩ như vậy vì người Cơ Tu không muốn

18 Chuyện kể rằng: “Xưa, một anh mồ côi giăng bẫy thò để giữ rẫy lúa, nhưng sáng nào ra rẫy anh ta cũng thấy rẫy đã bị phá. Đầy dấu chân lợn rừng để lại trên lối vào rẫy, đi qua chỗ đặt thò. Thấy lạ một đêm anh ta rình xem sao.

Khi đàn lợn kéo nhau vào rẫy, bỗng nhiên có Jêêng ađáh xuất hiện và nhấc dây bẫy lên cho chúng đi qua. Tức quá, anh ta hạ dây xuống đúng lúc con lợn lớn vừa tới, nó liền bị mũi thò đâm thủng bụng. Từ đó người ta biết có Jêêng ađáh/Cơ-mor bar”.

148

máu của con thú làm ô uế nơi ở của thần linh, khiến cho họ phải nổi giận. Nếu có thú rừng chạy vào rẫy, muốn săn bắt phải làm lễ cúng và khấn vái rằng tại con vật vào rẫy phá hoại cây trồng nên dân làng mới phải săn bắt nó. Ngoài ra, phải thực hiện đúng những quy định trong luật tục, các trường hợp vô tình hay cố ý đều bị phải chịu những hình thức phạt tạ tội [Nguyễn Văn Mạnh (cb) 2001: 307].

Liên quan đến vấn đề sở hữu trong phạm vi làng, bên cạnh quyền sở hữu tập thể, người Cơ Tu cũng xác lập quyền sở hữu cá nhân, nhất là đối với hoạt động khai thác tổ ong. Những tổ ong tự nhiên khi phát hiện được người dân cũng đánh dấu quyền sở hữu cá nhân của mình trên đó. Các dấu hiệu sở hữu ấy rất dễ nhận ra: Với cây lớn có tổ ong muỗi (hpêt) người đầu tiên phát hiện sẽ chặt một cành cây, rồi về báo với bản làng. Nếu phát hiện tổ ong bầu (haong), người ta đánh dấu chữ thập dưới gốc cây. Còn đối với cây có tổ ong vò vẽ (ghidớ) sẽ cắm một cành cây nứa duy nhất dưới gốc cây... Thông qua những quy ước mang tính tượng trưng, người dân biết được tổ ong nào đã có chủ sở hữu và từ đó họ không được khai thác đến. Mọi sự xâm phạm dù vô tình hay cố ý, người khai thác nguồn lợi đã được đánh dấu, đều phải chịu hình thức xử phạt theo quy định của luật tục.

Nếu người khai thác sau chứng minh rằng dấu vết khẳng định quyền sở hữu không đúng, không rõ, thường thì chủ làng thu xếp chia đôi nguồn lợi cho người phát hiện lẫn người khai thác [Nguyễn Văn Mạnh (cb) 2001: 291]. Nhờ xác lập quyền sở hữu cá nhân mà người dân có ý thức cao trong việc giữ gìn và bảo vệ tài sản của họ.

Nếu xác lập quyền sở hữu là hình thức gián tiếp bảo vệ muông thú thì kinh nghiệm, kỹ thuật, cùng với tín ngưỡng có liên quan đến hoạt động săn bắt của người Cơ Tu là yếu tố trực tiếp mang đến hiệu quả cho vấn đề này. Cũng như kinh nghiệm săn bắt, việc bảo vệ muông thú được phản ánh qua cách chọn thời điểm săn bắt. Như đã trình bày, người Cơ Tu thường săn bắt muông thú vào mùa đông, vì thời điểm này dễ săn bắt. Mặc dù, mùa xuân cũng dễ săn bắt vì thời điểm này muông thú thường xuất hiện để kiếm thức ăn, nhưng xét ở khía cạnh vừa săn bắt vừa bảo vệ thú rừng, chúng ta dễ dàng nhận thấy đồng bào không săn bắt vào mùa xuân, vì họ hiểu rằng mùa xuân là mùa sinh sản của các loài

149

thú. Nếu săn bắt vào thời điểm này trong tương lai gần sẽ không còn muông thú để săn bắt nữa.

Mặc dù, dụng cụ săn bắt của người dân khá đa dạng và phong phú nhưng mỗi loại dụng cụ săn bắt có một tính năng riêng và phù hợp với từng loài thú nhất định. Điều này không chỉ giúp cho săn bắt được hiệu quả, mà còn đảm bảo không tận diệt các loại thú.

Luật tục Cơ Tu nghiêm cấm việc lạm dụng các loại bẫy để săn bắt một cách tràn lan thú rừng. Đặc biệt, trong quá trình săn bắt đồng bào hạn chế săn thú con hoặc thú mẹ đang chửa. Nhất là đối với loài nhím đất (loại nhím quý của người Cơ Tu), người dân luôn tìm cách bảo vệ chúng. Nơi có hang nhím, không cho ai chặt phá rừng, làm rẫy hay đi săn ở nơi đó. Nếu gia đình nào phát hiện ra hang nhím thì họ cũng không bao giờ săn bắt hết, họ chỉ săn bắt với số lượng nhất định để phục vụ cho công việc cần thiết của gia đình. Kinh nghiệm bắt nhím của người Cơ Tu khá độc đáo, họ thường bịt hang nhím một ngày, rồi thả vào đó một thứ lá có mùi chua cho nhím ăn. Sau đó họ mở cửa hang, nhím say lá chạy ra ngoài, người dân chỉ cần lựa con nào cần bắt. Cách làm này giúp bảo vệ nhím con và nhím mẹ đang mang thai.

Việc khai thác đi đôi với bảo vệ đã tạo điều kiện để muông thú sinh sôi trở lại.

Không chỉ đối với săn bắt thú, mà như việc lấy mật ong, người Cơ Tu không lấy tận diệt mà chừa lại một ít bộng có mật ong để ong có thể quay về làm tổ, năm sau có thể khai thác tiếp. Cách làm này thể hiện lối ứng xử nhân văn của người Cơ Tu với thiên nhiên.

Người Cơ Tu thường tổ chức săn bắt theo hình thức cá nhân và tập thể. Trong đó, hình thức săn bắt cá nhân với quy mô nhỏ lẻ là phổ biến. Trong khi, săn bắt tập thể mang lại hiệu quả cao, nhưng chỉ được tiến hành một năm một lần. Để bảo vệ thú rừng, việc săn bắt với quy mô lớn trong phạm vi làng, thậm chí mang tính chất liên làng chỉ được tiến hành vào mùa lễ hội và được quy định khá chặt chẽ. Không một gia đình hay dòng họ được phép tổ chức những cuộc đi săn lớn mà không được sự cho phép của chủ làng. Nếu gia đình nào cần thực phẩm phục vụ cho lễ cưới hỏi, tang ma,… thì phải trình bày để hội đồng già làng bàn bạc trước khi cho phép khai thác.

150

Mặc dù muông thú ở núi rừng Tây Giang đa dạng về mặt chủng loại, nhưng không phải loài vật nào cũng là đối tượng săn bắt của người dân. Bởi vì, trong ăn uống người Cơ Tu kiêng không giết thịt con thú gắn liền với sự tích của dòng họ mình. Chẳng hạn, họ Arất không giết hại tắc kè/kỳ nhông, dòng họ Avỗ kiêng ăn con vượn, dòng họ Aria kiêng ăn thịt chó, dòng họ Tarương kiêng ăn thịt con sóc,… Kiêng cữ này xuất phát từ tín ngưỡng vật tổ (tôtem), mỗi một dòng họ của người Cơ Tu đều có thờ một con vật kiêng cữ riêng biệt. Nên trong tâm thức của đồng bào, khi săn bắt họ không bao giờ làm hại đến vật thiêng hay vật tổ của mình. Do đó, khi trong phạm vi của làng xuất hiện những con vật kiêng cữ thì ngoài việc cấm săn bắn, họ còn có nhiệm vụ bảo vệ chúng cho các dòng họ khác, và ngược lại. Cách hành xử này của người Cơ Tu được quy định chặt chẽ trong luật tục bất thành văn, nếu có ai cố tình vi phạm sẽ phải chịu phạt như trong luật tục.

Ngoài ra, với một số loài thú có hình dáng lạ thường hoặc đối với một số loại trăn rắn, người Cơ Tu không bao giờ săn bắt chúng. Vì ẩm thực Cơ Tu kiêng ăn thịt những loài vật trên, đồng bào quan niệm rằng, chúng là hiện thân của ma quỷ nếu ăn vào sẽ bị độc. Liên quan đến tập quán này, có một số câu chuyện lưu truyền trong dân gian để cảnh báo người dân trong làng. Chẳng hạn, theo lời kể của một số già làng ở thôn Pơr’ning, xã Lăng kể lại: Xưa có một thôn ở xã Lăng bắt đàn vượn màu trắng đen từ rừng sâu về (gọi là rừng Bật cha vi). Đàn vượn đó khác hẳn với đàn vượn khác, có ma giữ không cho bắt nhưng thôn đó đã dùng súng bắn chết cả đàn vượn, sau đó trong thôn có nhiều người chết.

Cũng có thôn khác cùng xã sau giải phóng bắt được con nai lông nhọn mọc ngược lên mặt, khác với những con nai khác. Khi thôn đó ăn xong con nai thì trong thôn đó có một nhà có con heo nái đẻ cả đàn con cũng có lông mọc ngược giống như của con nai, thời gian sau trong thôn cũng có nhiều người chết19.

Nhờ tính chất huyền bí trong những câu chuyện, mà người dân không dám săn bắt những loài thú có hình dáng lạ. Tuy nhiên, với loài trăn thì người Cơ Tu cũng có thể săn bắt để giết thịt, nhưng trước khi giết phải hỏi xem nó có đồng ý hay không. Người Cơ Tu

19 Lâm Nhân - Nguyễn Đức Tự 2014: “Văn hóa ứng xử của người Cơ-tu với tài nguyên thiên nhiên” (Qua khảo sát tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam). - http://www.hcmuc.edu.vn/van-hoa-ung-xu-cua-nguoi-co-tu-voi-tai- nguyen-thien-nhien-qua-khao-sat-tai-huyen-tay-giang-tinh-quang-nam-341.html

151

thực hiện bằng cách đưa lưỡi dao kề miệng con trăn và hỏi ý, nếu nó liếm vào dao nghĩa là nó đồng ý cho giết, khi đó họ mới dám giết và ngược lại [Lưu Hùng 2006: 165]. Mặc dù, những kiêng cữ này chỉ nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dân, nhưng nó lại hạn chế việc săn bắt và gián tiếp bảo vệ muông thú.

Đối với một số loài vật quý hiếm như gấu và hổ, người Cơ Tu không dám săn bắt chúng. Không dám săn bắt không phải vì người họ ý thức được đây là những loài thú quý cần được bảo vệ, mà vì xuất phát từ nỗi sợ hãi về một cái chết xấu do các loài vật này gây ra, ngay cả tên gọi của chúng cũng tránh không dám gọi thẳng như: Gấu là anhêl, nhưng họ thường gọi là cơrbhaih (cào xé) và hổ là agốt nhưng gọi là abhướp (ông)/abhưi (ma).

Thậm chí nhiều lúc họ còn gọi chúng như là một vị thần bao dung. Một nỗi ám ảnh luôn rình rập người Cơ Tu khi họ đi rừng, vì nếu bị tấn công dẫn đến cái chết xấu thì người dân phải thực hiện nhiều nghi thức để trừ hậu họa hoặc thậm chí phải dời làng đi nơi khác [Trần Đức Sáng 2006: 106]. Sở dĩ, người Cơ Tu không dám săn các loài thú trên, nhất là loài hổ vì họ lo sợ ma hổ sẽ vào làng báo thù. Do đó, không như các con thú khác, xương sọ của hổ không được cài dưới mái gươl, bởi họ sợ ma hổ sẽ theo về làng. Nếu không may hổ bị trúng bẫy thì người chủ bẫy phải báo với làng để tìm biện pháp đối phó20.

Không chỉ có gấu và hổ là mối đe dọa cho người dân, một loài vật khác cũng không kém phần nguy hiểm là chó sói (A Xing), chúng là vật cấm kỵ trong đời sống văn hóa của người Cơ Tu. Vì vậy, chó sói cũng không phải là đối tượng săn bắt, nếu ai săn chúng thì làng sẽ mất mùa trong ba năm.

Do quan niệm có vị thần bảo hộ và chi phối các loài thú rừng nên người Cơ Tu đã khéo léo sáng tạo ra những câu chuyện truyền thuyết và huyền thoại để nhằm bảo vệ thú rừng. Những câu chuyện này xoay quanh vị thần thú rừng Cơ-mor bar và được truyền miệng trong dân gian từ đời này sang đời khác. Cho đến nay tộc người Cơ Tu vẫn còn

20 Nếu chẳng may abưi bị mắc bẫy, người chủ bẫy phải về báo với làng rồi lánh đi nơi khác vài ngày. Đồng thời thực hiện nhiều nghi lễ khác nhau. Đầu tiên, một người thanh niên đến gần nơi hổ mắc bẫy để đóng giả làm hổ, rồi cả làng thực hiện việc đối thoại với hổ, nội dung cuộc đối thoại là kể tội hổ đã làm hại dân làng và xin hổ cho làng ăn thịt.

Sau đó, họ tiến hành làm thịt hổ để ăn, xương được chôn xuống đất, họ khua chiêng đánh trống để xua đuổi ma cọp, cuối cùng họ chia thành từng tốp nhỏ lặng lẽ quay về làng. Một số địa phương còn làm lễ tế trâu giả với mong muốn xua đuổi không cho hồn “ma hồ” vào làng [Lưu Hùng 2006: 163 - 165].

152

truyền miệng nhau một truyền thuyết về thần thứ rừng Cơ-mor bar. Truyền thuyết kể rằng: Xưa có một người thợ săn dẫn theo một con chó đi săn. Chú chó phát hiện được một con hoẵng và ông lấy giáo đâm chết con hoẵng. Sau đó ông về nhà kêu dân làng lên gùi thịt hoẵng thì nghe tiếng kêu khóc thảm thiết, từ đó trở đi dân làng không dám vào rừng săn bắn vì cho rằng ma khóc thương con hoẵng và con hoẵng chính là con của thần rừng.

Theo lời kể của già làng Bríu Phrưnh, thôn Axòo, xã A Nông: Trước kia có hai thiếu nữ chưa có chồng không biết vì chuyện gì mà rủ nhau vào rừng Aréc (thuộc thôn Aréc, xã Bhalêê) tự tử, ông bà kể rằng trước khi tự tử hai có có nguyền rằng nếu sau này ai vô đây cũng sẽ bị như vậy. Vì thế ở khu rừng này (Cơ-mor bar) không dám ai vô chặt cây hay săn thú gì cả, sợ bị giống như hai cô. Vì thế ở khu Cơ-mor bar rừng còn nguyên21.

Như vậy, qua thực tế trải nghiệm trong quá trình lao động, đồng bào đã biết lựa chọn thời điểm và kỹ thuật khai thác phù hợp để đảm bảo không tận diệt muông thú.

Đồng thời họ còn sáng tạo ra nhiều câu chuyện nhằm “thiêng hóa” rừng, và sử dụng nó như một công cụ để giáo dục con cháu về sự cần thiết phải bảo vệ rừng (không gian sinh sống của thần linh). Chính những câu chuyện này đã góp phần làm cho kho tàng văn hóa nghệ thuật của người Cơ Tu thêm phong phú, qua đó giữ được nét đẹp trong sắc thái văn hóa của cộng đồng.

Một phần của tài liệu Tri thức địa phương của người cơ tu trong ứng xử với rừng (Trang 155 - 160)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(219 trang)