CHƯƠNG 2. TRI THỨC ĐỊA PHƯƠNG CỦA NGƯỜI CƠ TU TRONG SỬ DỤNG RỪNG
2.3. Tri thức địa phương của người Cơ Tu trong sử dụng hệ thực vật
2.3.2. Sử dụng lâm sản ngoài gỗ
Không chỉ cung cấp gỗ cho đồng bào Cơ Tu, rừng còn mang đến cho người dân nhiều nguồn lợi từ lâm sản ngoài gỗ như: nấm, măng, mây, cây thuốc,… những sản vật
Hình 2. 10. Phụ nữ Cơ Tu lấy củi rừng (Ảnh: A Lăng Ngước, tháng 10/2015)
89
này chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây. Thông qua hoạt động hái lượm, đồng bào biết cách khai thác và sử dụng nguồn lợi này vào những mục đích khác nhau như: ăn uống, may mặc, ở… Mặc dù, sản phẩm từ lâm sản ngoài gỗ khá đa dạng, nhưng nhờ hệ thống kiến thức tích lũy được thể hiện qua thông tin về thực vật, kinh nghiệm khai thác, sử dụng, bảo quản,… mà người Cơ Tu dễ dàng phân loại chúng để phục vụ cho nhu cầu của mình.
Trong suốt quá trình lịch sử, gắn bó mật thiết với rừng, người Cơ Tu đã hình thành những hiểu biết cơ bản về các loại lâm sản ngoài gỗ. Thông qua kinh nghiệm thực tiễn và khả năng quan sát tinh tế mà đồng bào có thể nắm được thông tin của các loại lâm sản ngoài gỗ như: tên gọi, đặc điểm sinh trưởng, khu vực phân bố và thời vụ khai thác. Nhờ những thông tin đó mà việc tiếp cận và khai thác nguồn sản vật đó được thuận lợi hơn.
Việc khai thác lâm sản ngoài gỗ nhằm đáp ứng những nhu cầu khác nhau của người dân, nhưng nhu cầu ăn uống vẫn là nhu cầu thiết yếu đối với họ, nên các sản phẩm thu lượm phần lớn là nguồn cung cấp lương thực chủ yếu cho người dân, nhất là vào mùa giáp hạt. Với nguồn thực vật có sẵn, người dân có thể khai thác củ rễ, lá, thân,... của chúng để làm thức ăn. Chẳng hạn, đồng bào có thể hái các loại rau như tàu bay, phơi bơn để luộc chấm mắm, hoặc nấu canh; với cây mơcha thì họ sử dụng lá để nấu canh, trái làm quà cho trẻ nhỏ; với các loại môn như a nuốt (môn vọt) đồng bào chỉ ăn đọt mọc ra từ gốc, riêng với vơving (môn thục) họ có thể lấy thân và củ để nấu canh, nấu cháo. Đây là loại môn có thể chữa được bệnh sốt rét khi đi rừng [Tôn Nữ Khánh Trang 2003: 49].
Trong vô số các sản phẩm hái lượm, phổ biến nhất phải kể đến các loại nấm. Đây là nguồn thức ăn bổ sung nguồn đạm trong bữa cơm của người dân. Nấm được đồng bào khai thác có nhiều chủng loại như: nấm trika (loại nấm có màu trắng, mọc thành hàng dài trên những thân gỗ đã mục nát), nấm tri ariết (loại nấm mọc trên thân cây chuối), amool hay còn gọi là nấm nón, tri ú (nấm có tai rất to, cánh màu hồng, nhưng bên trong thì có màu trắng), tri tơơr (nấm Mèo),… Nấm có nhiều chủng loại, trong đó có nấm ăn được và nấm độc không ăn được. Bằng kinh nghiệm đi rừng của mình người dân có thể phân biệt được đâu là nấm ăn được, đâu là nấm độc. Để phân biệt được nấm độc người Cơ Tu dựa
90
vào hai cách: Một là, dựa vào đặc điểm sinh học của chúng, chẳng hạn khi quan sát thấy tai nấm đã bị rụng nhưng thân vẫn còn nguyên thì đó là nấm độc, còn nếu tai nấm bị sứt do một loại ruồi nhỏ (rơmây) ăn thì đó là loại nấm ăn được; hoặc những loại nấm nào trong bóng tối chúng có màu sáng trắng lên thì đó là nấm độc. Hai là, sử dụng kinh nghiệm của mình, khi đi rừng nếu ngửi thấy có mùi hăng hắc, thì nấm ở khu vực đó là nấm độc [Nguyễn Hữu Thông (cb) 2005: 66]. Cũng nhờ những kiến thức trên mà cùng một loại nấm như nấm trika, mà người dân có thể xác định một số ăn được, nhưng cũng có một số lại ăn không được.
Mặc dù có sự khác biệt về mặt chủng loại nhưng kỹ thuật chế biến các món ăn từ nấm chung quy vẫn giống nhau. Trong đó, trước hết phải kể đến món canh nấm, đây là món ăn thông thường và dễ nấu. Sau canh nấm, món ăn được xem là ngon, bổ dưỡng theo quan niệm của người Cơ Tu là món cháo nấm, món này vừa có vị béo, nước lại rất ngọt.
Đồng thời, người Cơ Tu còn sử dụng nấm như một loại gia vị cho món ăn được yêu thích nhất của họ là món zờ rá.
Măng rừng (abăng) được xem làm sản vật mà núi rừng Tây Giang ban tặng cho đồng bào Cơ Tu. Măng rừng trên địa bàn huyện có 15 loại như: măng tre (abăng cơr-đêê), măng lồ ô (abăng ahum), măng nứa (abăng cơ-đong), măng giang (abăng axir), măng vầu (abăng ra-zol),… Người phụ nữ Cơ Tu thường hái măng rừng vào khoảng tháng 5-9 (âm lịch), đây là thời điểm mây rừng mọc nhiều và cũng là lúc người phụ nữ trong thời gian nhàn rỗi. Vào đầu mùa, măng nhiều nên không cần đi xa, nhưng khi măng ít dần thì người phụ nữ phải vào tận rừng sâu để lấy. Để có thể gùi được thật nhiều măng mang về, người phụ nữ Cơ Tu sớm hình thành kỹ năng sắp xếp măng một cách hợp lý, họ gùi bằng ba mụt măng tra nối tiếp nhau, đầu ngọn của mụt măng này xỏ vào phần gốc của mụt măng kia thật khéo léo và tài tình. Măng hái về được lột lớp vỏ bên ngoài sau đó đem luộc rồi vớt ra phơi khô để dành ăn hoặc đem xuống chợ bán.
Như đã trình bày, không gian sinh sống của người Cơ Tu vốn có địa hình và khí hậu khắc nghiệt, dù sản phẩm hái lượm khá dồi dào nhưng vào những lúc thiên tai xảy ra thì chúng lại trở nên khan hiếm. Vì vậy, để có lương thực đảm bảo nhu cầu cuộc sống, từ
91
nguồn nguyên liệu có sẵn đồng bào có thể chế biến ra những món ăn khác nhau. Đây có thể xem là nguồn tri thức độc đáo của người Cơ Tu. Chẳng hạn, chỉ riêng loại chuối rừng mà người dân đã có thể chế biến nhiều món ăn từ các bộ phận của nó [Tôn Nữ Khánh Trang 2003: 50]. Hoa chuối được sử dụng làm nhiều món ăn như: thái nhỏ, ngâm nước làm món rau sống, lấy lớp non cắt khúc sau đó cho vào nước nấu, có thể cho thêm thịt hoặc cá vào cho thêm hương vị, rồi nêm gia vị để tạo thành món canh; đặc biệt hoa chuối là nguyên liệu không thể thiếu để làm món zơ rá, người dân bỏ lớp vỏ già bên ngoài, lấy lớp non xé nhỏ rồi đem thái cho vào ống lồ ô kết hợp với các nguyên liệu khác làm thành món zơ rá. Quả chuối cũng được chế biến thành nhiều món. Nếu là chuối chín thì dùng ăn liền hoặc lột vỏ ngâm rượu, chuối mốc thì đem ủ cho đến khi lên men cùng một số gia vị khác. Chuối xanh thì được dùng để làm món xào và nấu canh. Tương tự như hoa chuối, thân chuối cũng được dùng để chế biến món canh, món zơ rá, nếu là thân chuối non có thể làm thành món trộn. Ngoài ra, khi thiếu thức ăn hoặc trong lúc đi rừng, đồng bào còn dùng củ chuối để nấu canh, còn lá chuối dùng để gói bánh9.
Vào những ngày giáp hạt, thiếu ăn, người Cơ Tu thường khai thác cây tr’đin để làm thức ăn, vì cây tr’đin cho nhiều tinh bột. Muốn lấy được tinh bột từ cây tr’đin người Cơ Tu phải đốn, hạ cây tr’đin và chặt nó ra thành từng khúc chiều dài khoảng 1,5 m. Sau đó, người ta tách các đoạn này ra làm hai, bóc lấy lớp vỏ cứng bên ngoài, lấy phần ruột mềm bên trong, tiếp theo là ép kiệt nước và giã nhỏ rồi tách tinh bột ra khỏi chất xơ thân cây bằng nước, gạn hết nước là có tinh bột phơi khô cất vào ché hoặc ống lồ ô để dự trữ ăn dần. Người ta có thể lấy phần ruột mềm đem xắt mỏng và phơi khô hoặc xông trên giàn bếp như sắn lát để nấu, nướng, làm bánh. Trung bình mỗi cây tr’đin trưởng thành có thể khai thác được 50 kg tinh bột. [Trần Tấn Vịnh 2013: 41].
Cũng giống như cây tr’đin, người Cơ Tu không chỉ lấy rượu từ cây t’vạc mà còn lấy tinh bột từ lõi thân cây để ăn. Tuy nhiên, không phải cây t’vạc nào cũng cho tinh bột mà theo kinh nghiệm của người dân muốn biết cây có tinh bột hay không phải chọn những cây có 5-6 khoanh, nghĩa là cây phải nằm ở độ tuổi 5-6 tuổi, lấy rìu chặt vào thân
9 Trương Văn Long 2013: Cây chuối trong ẩm thức của người Cơ Tu. -
http://www.baodanang.vn/channel/5433/201308/cay-chuoi-trong-am-thuc-cua-nguoi-cotu-2264369/
92
cây để ít phút sau nếu có lớp bột màu trắng trên lưỡi rìu thì đó là cây t’vạc có bột. Cách thức lấy bột của cây t’vạc giống như cách lấy bột trên cây tr’đin. Không chỉ lấy tinh bột, người dân còn lấy hạt đem về luộc ăn vào những năm mất mùa, đói kém. Một món ăn khác được đồng bào chế biến ra từ cây t’vạc là món gỏi. Để làm được món này, người Cơ Tu chọn những cây mọc dày, không phát triển được, chặt lấy đọt đem về bóc lấy phần đọt non ở bên trong (cổ hũ) rồi đem nướng, luộc, chiên,… Cơ Tu gọi là lam t’vạc. Món này thường dùng trong các dịp cúng tế Yàng hoặc để nhà trai đem biếu sui gia.
Đối với tộc người Cơ Tu, mây rừng không chỉ được họ sử dụng cho nghề đan lát truyền thống, mà còn là nguồn sống cho người đồng bào. Mây rừng thường được khai thác về để nướng, nấu canh hoặc làm nguyên liệu cho món zơ rá. Người Cơ Tu khai thác mây để làm thức ăn lúc cây cao quá đầu người, người ta chặt lấy đọt non để nướng, món này ăn rất ngon. Để có món canh mây, người phụ nữ sẽ lấy mây non đem gọt bỏ vỏ ngoài, lấy lõm giữa, thái thành từng khúc thả vào nước sôi, nêm thêm một ít gia vị gồm muối, mì chính, tiêu rừng và một ít củi kiệu cho thơm. Ngoài món canh, món cháo được nấu bằng cách hầm mềm gạo, sau đó cho mây đã thái khúc cùng các thứ gia vị, nếm vừa ăn là được [Nguyễn Hữu Thông (cb) 2005: 66].
Ngoài ra, khi nguồn lương thực trở nên khan hiếm hoặc lúc đi rừng thiếu thức ăn, người Cơ Tu thường hái các loại trái dại trong rừng để ăn. Vùng núi rừng Tây Giang phổ biến có trái cây glot chỉ lớn bằng đầu ngón tay; trái cây a pling - trái to, dài bằng cánh tay.
Người Cơ Tu ăn chúng bằng cách nướng chúng cho vỏ ngoài cháy xạm, sau đó bóc bỏ hết lớp vỏ cháy rồi ăn ruột bên trong, hoặc cây cờ rít, ngoài việc cho trái chín, chúng còn được ép để lấy dầu ăn. [Tôn Nữ Khánh Trang 2003: 49].
Với người Cơ Tu, sản phẩm hái lượm không chỉ được dùng để chế biến món ăn, mà đây còn là nguồn nguyên liệu chủ yếu để họ làm thức uống. Nước uống thường nhật của đồng bào chủ yếu có: nước lá ổi - loại này vừa có tác dụng chữa đau bụng, cách nấu cũng giống như nấu nước trà của người Kinh; nước gu (nấu từ vỏ cây gỗ gõ); hay nước a pất (nấu từ cây mâm xôi) - được sử dụng từ các thành phần rễ, thân, lá - đây được xem là loại nước uống tăng lực, có tác dụng bồi dưỡng sức khỏe; nước lá chul - loại này uống
93
cho mát; hay nước zơ nương - ngoài công dụng bồi bổ sức khỏe, có tác dụng cầm máu, chữa bệnh thiếu máu,… [Nguyễn Hữu Thông (cb) 2005: 75].
Một trong những thức uống phổ biến không chỉ trong sinh hoạt thường ngày mà còn dùng trong lễ hội là rượu, loại đồ uống này cũng được người Cơ Tu dùng thực vật hái lượm để chế biến ra. Bên cạnh rượu được chế biến từ nước cây tr’đin, t’vạc, a dương, đồng bào còn chế tạo ra một số loại rượu khác từ lâm sản ngoài gỗ như: rượu mía (a viết), rượu chuối, rượu dứa,... Với rượu mía, người dân hái mía về cạo sạch lớp vỏ, thái nhỏ thân mía, trộn đều ít vỏ chồn vào lên men, đem bỏ vào ché đổ một lượng nước đợi 3 ngày sau có thể uống được. Cách thức chế biến rượu chuối cũng khá đơn giản, chuối chín lột vỏ, thái lát rồi cho thêm vỏ cây chồn vào lên men, sau 5-7 ngày có thể dùng được. So với rượu mía, rượu chuối thì rượu dứa lại ít phổ biến vì không đủ nguyên liệu để làm, muốn chế biến rượu dứa người ta ép quả dứa lấy nước, rồi cho vào ché ủ kín với men và một ít vỏ cây chồn. Ngoài ra, sản phẩm hái lượm còn được đồng bào sử dụng để chế biến men dùng để ủ rượu cần, loại men này được làm từ nhiều loại cây như: củ riềng, rễ cây ớt (ria pơrớ), rễ cây abá atốc, rễ cây chơ rơ đhâng ađhi, rễ cây chè hăng,… [Trần Đức Sáng 2007: 176].
Tộc người Cơ Tu không chỉ có kinh nghiệm trong việc khai thác hệ sinh thái thực vật của núi rừng Tây Giang để phục vụ cho nhu cầu ăn uống, mà ngay từ đầu để ứng phó với khí hậu khắc nghiệt của Đông Trường Sơn, với các loại côn trùng gây hại cùng với thú rừng nguy hiểm, đồng bào đã tích lũy được những kinh nghiệm quý báu trong việc lựa chọn và sử dụng các loại cây rừng để may quần áo. Mặc dù kỹ thuật may trang phục từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên còn thấp, nhưng sản phẩm được tạo ra cho thấy cách ứng xử phù hợp của người dân với môi trường sống nơi đây.
Ngày xưa, để có quần áo mặc, người Cơ Tu thường khai thác vỏ cây có kích thước lớn mang về đập mỏng, phơi khô rồi dùng nguyên miếng để khoác lên người. Loại áo này không chỉ chống giá lạnh mà còn thích hợp cho công việc sản xuất và săn bắt trong rừng.
Trang phục cổ xưa nhất của đồng bào được làm từ vỏ cây hamớt - loại cây thân gỗ cao chừng 20 m, đường kính từ 2-3 m. Để may được váy áo từ loại cây này, đồng bào đi vào
94
rừng bóc lớp vỏ của cây, sau đó cắt thành từng tấm, đập dập rồi đem ngâm nước suối lâu ngày sao cho chỉ còn lại lớp xơ trắng muốt, sau đó phơi khô và may thành áo bằng sợi mây rừng [Nguyễn Hữu Thông (cb) 2005: 80].
Ngày nay, có nhiều loại cây được người dân lựa chọn để may trang phục như:
t’rang, t’coóng, tdúir, amướt hoặc cây mít rừng. Trong đó, vỏ cây t’rang là thứ vỏ tốt nhất để may trang phục vì áo may từ loại vỏ cây này mùa hè mặc mát, mùa đông mặc thì ấm; xua đuổi côn trùng, và có thể ngụy trang săn bắt mà các loại thú không hề phát hiện ra. Loại vỏ cây này tốt nhưng lại kham hiếm khó tìm và kỹ thuật may cũng khác so với các loại vỏ khác. Vỏ cây t’rang được lấy trong rừng, khi bóc vỏ cây đồng bào không đốn hạ cây mà dùng rựa khứa hai vòng để tách lớp vỏ ra. Vỏ sau khi được bóc về phải để nguyên chất mà không ngâm nước, có thể nướng cho dẻo, lột lớp da bên ngoài vỏ, lấy lớp da bên trong rồi đem đập dập phơi nắng và may thành áo. Trong khi đó, kỹ thuật may áo từ các loại vỏ cây: t’coóng, tdúir, amướt hoặc cây mít rừng thì lại khác với cây t’rang. Vỏ cây khai thác mang về được họ đập dập, ngâm vào thùng nước được nấu sẵn với các loại lá như: lá quế, của riềng núi, cây sả… để áo thơm và chống các loại côn trùng cắn phá, thời gian ngâm nước khoảng 10 ngày. Khi ngâm xong đem ra phơi nắng phơi sương nhiều ngày trước khi may thành áo10.
Bên cạnh sử dụng làm nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu ăn, mặc, thì sản phẩm hái lượm từ lâm sản ngoài gỗ cũng là một trong những nguồn vật liệu chủ yếu được người dân sử dụng cho việc dựng nhà. Khi xưa, nhà ở truyền thống của tộc người Cơ Tu là nhà sàn, loại nhà ở này được đồng bào xây dựng bằng chính đôi bàn tay của mình với nguồn vật liệu sẵn có được khai thác từ núi rừng. Mỗi bộ phận khác nhau của ngôi nhà, người dân thường dùng các vật liệu khác nhau để làm. Chẳng hạn, để làm mái nhà, đồng bào khai thác lá nón, lá tranh, lá mây về sơ chế trước khi lợp; sàn nhà thường được lót bằng các tấm đan lồ ô; mây, tre, lồ ô được chẻ ra thành sợi để cố định các bộ phận của ngôi nhà. Ngày nay, người dân đã chuyển sang dựng nhà theo kiểu mẫu của người Kinh, điều
10 Tiên Sa 2013: Y phục bằng vỏ cây của người Cơ Tu. - http://baotintuc.vn/dan-toc/y-phuc-bang-vo-cay-cua-nguoi- co-tu-20130524084023422.htm