Bảo vệ lâm sản ngoài gỗ

Một phần của tài liệu Tri thức địa phương của người cơ tu trong ứng xử với rừng (Trang 152 - 155)

CHƯƠNG 3. TRI THỨC ĐỊA PHƯƠNG CỦA NGƯỜI CƠ TU TRONG BẢO VỆ RỪNG

3.3. Tri thức địa phương của người Cơ Tu trong bảo vệ hệ thực vật

3.3.2. Bảo vệ lâm sản ngoài gỗ

Lâm sản nguồn gỗ là tài nguyên rất quan trọng trong đời sống của người Cơ Tu, nó đáp ứng nhu cầu cho họ ở nhiều mặt như: làm đồ ăn thức uống, vật liệu làm nhà ở, nguyên liệu cho may mặc, nguyên liệu cho các nghề thủ công… thông qua hoạt động hái lượm. Trải qua thực tiễn gắn bó với rừng, những kiến thức truyền thống của người dân tích lũy được đã góp phần giúp họ gìn giữ nguồn lợi này một cách có hiệu quả.

Người Cơ Tu có sự phân công lao động rõ ràng, nếu người đàn ông rất am hiểu trong hoạt động săn bắt thì phụ nữ lại rất am hiểu trong hoạt động hái lượm. Người phụ nữ Cơ Tu có nhiều kinh nghiệm về thời vụ cũng như đặc điểm sinh trưởng của từng loại

145

cây nên khi khai thác họ thường tránh mùa chúng sinh trưởng. Do đó, hoạt động hái lượm thường diễn ra vào tháng 7, 10, 11 (mùa thu đông cây cối chậm phát triển nên khai thác được), hạn chế khai thác vào mùa xuân.

Ngoài ra, người Cơ Tu thường chọn lúc cây đủ tuổi mới khai thác, hơn nữa trong quá trình khai thác tùy từng bộ phận của các loại cây được sử dụng mà đồng bào có những cách khai thác khác nhau để chúng có điều kiện sinh trưởng tiếp. Chẳng hạn,

- Đối với những loại cây mà đồng bào lấy vỏ để làm nguyên liệu cho may mặc, chế tạo thuốc độc cho hoạt động săn bắt thì trong quá trình lấy vỏ tránh chặt sâu rìu vào thân cây khiến cây bị chết. Nhờ am hiểu về rừng, người dân biết chính xác khoảng cách từ vỏ đến thân cây để bóc vỏ mà không ảnh hưởng đến cây.

- Đối với những loại cây đồng bào thường sử dụng lá như: lá đót, lát nón… đồng bào không khai thác quá mức, hái hết lá mà phải chừa lại để cây tiếp tục sinh sản.

- Đối với những loại lấy củ như: củ mài (a bít), củ môn rừng (vơving), a trâu, củ chuối (củ on)…, thì khi lấy củ xong phải trồng lại thân.

- Đối với những loại cây lấy rễ, khi lấy đồng bào không lấy hết bộ rễ mà chừa lại để cây còn phát triển.

- Đối với những loại cây lấy quả, đồng bào thường trèo lên để hái hoặc rung cành cây trái chín rụng xuống đất, hạn chế việc bẻ cành vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây khiến cho nó chậm ra quả.

- Đối với những loại cây sử dụng thân thì tùy loại mà có cách khai thác khác nhau.

Ví dụ: cây mây khi khai thác người dân thường chừa lại lá non để cây có thể phát triển tiếp; với măng rừng người dân không bẻ quá non, cũng không quá già, đồng thời họ không phát bụi bẻ những bụi măng mọc trong, mà chỉ lấy măng mọc bên ngoài để tránh ảnh hưởng đến cây trưởng thành; với những loại cây đục thân lấy nước hoặc lấy tinh bột như: tr’đin, t’vạc…thì phải chọn cây đủ tuổi để khai thác.

Bên cạnh kỹ thuật khai thác, liên quan đến tín ngưỡng vật tổ (tôtem) người Cơ Tu cũng kiêng cử việc khai thác những loại cây gắn liền với sự tích dòng họ mình như: dòng

146

họ Alăng (cây Alăng), dòng họ Bríu (trái Bríu), dòng họ Ploong gờ ươi (trái gờ ươi), dòng họ Riah (rễ cây Alăng), dòng họ Rapát (cây Rapát)…[Lê Anh Tuấn 2007: 80]. Chính sự sợ hãi gắn liền với vật tổ đã phần nào khiến cho người Cơ Tu hạn chế việc khai thác lâm sản ngoài gỗ một cách đại trà.

Một điểm đáng chú ý của người Cơ Tu trong bảo vệ lâm sản ngoài gỗ là họ đã mang một số cây về trồng. Chẳng hạn, với cây tr’đin đồng bào thường lấy hạt về trồng và nếu phát hiện ra cây nhỏ thì mang về trồng gần nhà. Người có kinh nghiệm, chọn giống lấy từ cây to, cao (tr’đin a’jốh), lấy hạt dẹp (hạt cái). Một cây tr’đin thường ra 4-5 buồng trong 4-5 năm, một buồng ra hàng ngàn trái, một trái ra 1-2 hạt. Đồng bào Cơ Tu thường chọn những cây có đọt vừa mới nhú lên khoảng 10-15 cm với rễ non sẽ dễ trồng hơn. Cây tr’đin thường sinh trưởng rất nhanh, từ ngày trồng đến 6-7 năm sau là có thể khai thác được. Cây t’vạc thì đồng bào chọn buồng đầu tiên mang hạt về làm giống và trồng trong vườn nhà, khoảng vài năm sau cũng có thể khai thác được.

Trong các loại lâm sản ngoài gỗ, người dân đặc biệt chú ý đến các loại cây thuốc quý. Những cây thuốc này được đồng bào chăm sóc, bảo vệ và nhân giống thành công. Kết quả đáng ghi nhận nhất của đồng bào là nghiên cứu và phát triển với quy mô lớn 2 loại sâm có giá trị là ba kích và sâm ngọc linh.

Mặt dù, lâm sản ngoài gỗ là của chung của cộng đồng ai cũng có quyền khai thác và sử dụng. Nhưng vẫn có những loại do cá nhân chiếm hữu cho riêng mình như: cây lấy nhựa ưloong jil, cây tr’đin, t’vạc... Thông thường những loại cây này đã có chủ sở hữu, luật tục quy định thành viên nào trong làng phát hiện và đánh dấu (clă) thì được quyền khai thác, các thành viên khác không được xâm phạm [Bùi Quang Thanh 2009: 139].

Trong đó, người dân đặc biệt chú ý đến cây ưloong jil, vì ai có nó thì sẽ có nhựa để bẫy chim suốt đời. Việc đánh dấu quyền sở hữu cá nhân là phương pháp hữu hiệu để đồng bào

Hình 3. 2. Cây giống sâm ba kích (Ảnh: A Lăng Ngước, tháng 10/2015)

147

có trách nhiệm tự bảo vệ nguồn lợi của mình, qua đó gián tiếp bảo vệ tài sản chung của cộng đồng.

Một phần của tài liệu Tri thức địa phương của người cơ tu trong ứng xử với rừng (Trang 152 - 155)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(219 trang)