Tri thức địa phương của người Cơ Tu trong bảo vệ đất canh tác

Một phần của tài liệu Tri thức địa phương của người cơ tu trong ứng xử với rừng (Trang 140 - 144)

CHƯƠNG 3. TRI THỨC ĐỊA PHƯƠNG CỦA NGƯỜI CƠ TU TRONG BẢO VỆ RỪNG

3.1. Tri thức địa phương của người Cơ Tu trong bảo vệ đất rừng

3.1.2. Tri thức địa phương của người Cơ Tu trong bảo vệ đất canh tác

Cũng như các tộc người thiểu số cư trú ở Trường Sơn Đông, người Cơ Tu lấy kinh tế nương rẫy làm chủ đạo. Canh tác nương rẫy trên đất dốc là truyền thống lâu đời của họ.

Mặc dù, trải qua quá trình sản xuất lâu dài, nhưng do phương pháp, kỹ thuật, cùng với

133

công cụ lao động còn thô sơ nên thành quả của quá trình lao động sản xuất phụ thuộc hầu hết vào các yếu tố của tự nhiên, trong đó phải kể đến đất canh tác. Độ màu mỡ của đất canh tác là yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự thắng lợi của mùa vụ. Tuy nhiên, vốn không có truyền thống sử dụng phân bón, nên hàm lượng chất dinh dưỡng của đất rẫy phụ thuộc vào độ mùn tự nhiên. Ý thức được điều đó, bằng những kinh nghiệm đúc rút được trong quá trình sản xuất, người Cơ Tu đã sử dụng nhiều biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ và duy trì chất lượng đất rẫy.

Kinh nghiệm bảo vệ đất canh tác được thể hiện trước hết qua cách thức chọn đất canh tác nương rẫy của người dân. Theo đó, người Cơ Tu không làm rẫy trên các đỉnh núi, dù là núi thấp. Tập quán này liên quan đến tín niệm đó là những chỗ ở của ma rừng núi. Cho nên, thường thấy rừng vẫn tồn tại trên đỉnh các quả núi, còn sườn núi thì được khai phá để trồng trọt [Lưu Hùng 2006: 130]. Theo nhận định của nhóm nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, tập quán chọn đất này khá độc đáo, thoạt nhìn có vẻ rất tự nhiên vì đất đai trên những đỉnh đồi dốc thường lẫn nhiều sỏi đá, bạc màu, đồng thời những khu vực này thường mang yếu tố tâm linh cao, là nơi ngự của các Yàng nên không thể khai thác. Tuy nhiên, phương pháp chọn đất này lại cho thấy cách ứng xử phù hợp của đồng bào với tự nhiên, vì thực tế cho thấy rừng còn lại trên các đỉnh đồi sẽ là nơi tích trữ lượng nước đáng kể qua các tầng lá mục và cũng là nguồn cung cấp nước cho hệ thống cây trồng trên rẫy, đồng thời chống xói mòn rửa trôi vào mùa mưa và giữ lại được nguồn gen cho rừng tái sinh.

Không chỉ không trồng trọt trên những đỉnh đồi dốc, mà ngày nay người Cơ Tu cũng hạn chế làm rẫy ở những khoảng rừng già, mặc dù chất đất ở những khu vực này rất tốt cho hoạt động canh tác nương rẫy. Tuy nhiên, ẩn đằng sau ý niệm không muốn chặt phá những cây cổ thụ để thần linh không nổi giận và trừng phạt người dân trong làng, thì việc duy trì những cây cổ thụ nhằm giúp giảm thiểu tốc độ của dòng chảy vào những đợt mưa lũ một cách tốt nhất, đảm bảo cho đất không bị bào mòn và rửa trôi, đồng thời thảm thực vật phong phú ở những khoảng rừng già sẽ tạo độ ẩm và tăng thêm lượng mùn cho đất đai. Mặc dù, kinh nghiệm chọn đất như trên không liên quan trực tiếp đến vấn đề duy

134

trì độ tốt tươi cho đất nương rẫy của từng gia đình cụ thể, nhưng nó lại có tác động gián tiếp nhằm cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, qua đó đảm bảo độ ổn định của đất canh tác.

Hiện nay, dưới sức ép của việc gia tăng dân số làm cho diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, đất rừng bị khai thác ồ ạt làm cho chất lượng đất canh tác ngày một giảm dần.

Nhưng nhờ quá trình trải nghiệm lâu dài với tự nhiên, người Cơ Tu vận dụng và kết hợp các phương pháp canh tác, để đảm bảo vừa tăng năng suất lao động, lại vừa hạn chế sự suy thoái của đất đai. Trong đó, luân canh và xen canh cây trồng được xem là phương pháp canh tác quen thuộc không chỉ với người Cơ Tu mà còn với các tộc người canh tác theo lối hỏa canh. Những tài liệu nghiên cứu cho thấy, việc canh tác nông nghiệp trên đất dốc lâu dài sẽ làm cho đất nương rẫy bị bạc màu. Cụ thể, đất rẫy sau khi canh tác từ 1-3 vụ thì độ phì của đất sẽ giảm dần theo từng vụ, biểu hiện rõ nhất là đất bị xói mòn, hàm lượng chất hữu cơ cùng với một số chất dinh dưỡng khác bị giảm đáng kể, đất đai bị khô đi do thiếu rừng che phủ [Trần Đức Viên 2001: 6]. Mặc dù không đủ kiến thức khoa học để phân tích hàm lượng chất dinh dưỡng bị suy giảm, nhưng bằng kinh nghiệm quan sát của mình người dân có thể biết chính xác nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Từ đó, đồng bào áp dụng phương pháp canh tác phù hợp, mà kinh nghiệm bỏ đất hoang hóa được xem là phương pháp hữu hiệu để hạn chế độ bạc màu của đất đai.

Trước hết, để cải thiện chất lượng đất canh tác người Cơ Tu thường tạo điều kiện để rừng tự nhiên được tái sinh. Nghĩa là, trong giai đoạn đầu làm rẫy người dân thường khai thác những khoảng rừng nguyên sinh, vì rừng nguyên sinh mới khai thác nên độ phì của đất còn tốt. Do đó, người dân có thể trồng lúa ngô được nhiều vụ, khi đất bạc màu họ bỏ hóa đất rẫy từ 7-10 năm để đất có thời gian phục hồi trở lại. Trong khoảng thời gian này rừng sẽ được tái sinh, sau đó người dân sẽ quay lại canh tác nhưng chỉ canh tác vài vụ rồi bỏ hoang cho đất phục hồi như trước. Ngày xưa, do dân số còn ít nên đất canh tác sau khi bỏ hóa thời gian dài sẽ phục hồi lại thành rừng nguyên sinh. Nhưng hiện nay, để giải quyết vấn đề lương thực nên thời gian mà người Cơ Tu bỏ hóa đất canh tác bị rút ngắn lại khiến cho đất khó phục hồi lại như trạng thái ban đầu. Mặc dù, thời gian bỏ hóa bị rút ngắn, nhưng đồng bào lại có kinh nghiệm quản lý đất bỏ hóa một cách tốt nhất. Chẳng

135

hạn, trong thời gian bỏ hóa người dân thường trồng sắn trên đất rẫy để tạo độ che phủ giúp cho đất không bị thiếu ẩm hoặc có một số địa phương trồng các loại cây họ đậu để tăng độ phì cho đất. Ngoài ra, trong quá trình quản lý đất bỏ hóa, đồng bào Cơ Tu đã thực hiện việc chuyển đổi mô hình canh tác từ canh tác nương rẫy truyền thống sang trồng cây công nghiệp như: cao su, quế hoặc phổ biến là trồng keo lai, vì loại cây lấy gỗ này chỉ sau 5-7 năm là cho giá trị kinh tế và lại đảm bảo cải tạo tốt đất bỏ hóa.

Hình 3. 1. Chu kỳ bỏ hóa đất rẫy trước và sau năm 1975

Cùng với bỏ hóa đất rẫy, xen canh cây trồng cũng là phương pháp nhằm cải thiện chất lượng đất canh tác. Bên cạnh lúa ngô là cây luơng thực chủ đạo, đồng bào trồng xen kẽ các loại khác như: cây thuộc họ đậu, sắn, dứa, chuối,… trong đó cây thuộc họ đậu là phổ biến nhất. Phương thức canh tác này giúp giảm thiểu tình trạng xói mòn, đồng thời tăng thêm độ phì nhiêu cho đất canh tác. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy nương ngô mà xen với đậu tương lượng xói mòn giảm 70% - 80%, so với chỉ trồng ngô, thu hoạch tăng. Trồng xen, gối, tăng vụ giữa các cây hoa mùa lương thực với các cây họ đậu, chất màu đất tăng lên từ 30% - 40% so với xen gối hay tăng vụ cây họ đậu” [Ma Trung Tỷ 2003: 8]. Ngày nay, nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, người dân đã biết trồng cây keo lai xen canh với các loại cây bản địa với mật độ phù hợp nhằm cải tạo đất, phục hồi thảm thực vật và cho hiệu quả kinh tế cao khi keo lai phát triển thành rừng.

Không chỉ có phương pháp, mà kỹ thuật canh tác trên địa hình đất dốc cũng góp phần bảo vệ chất đất của nương rẫy. Thoạt nhìn, chúng ta dễ nhầm tưởng những kỹ thuật mà người Cơ Tu áp dụng trong quá trình sản xuất chỉ nhằm một mục đích là đem lại năng

136

suất thu hoạch cao, thế nhưng thực tế cho thấy bên cạnh hiệu quả sản xuất, kỹ thuật mà đồng bào sử dụng còn nhằm hạn chế sự thoái hóa của đất đai. Mỗi một khâu trong quy trình canh tác từ phát-cốt-đốt-trỉa đến thu hoạch đều mang lại hiệu quả nhất định trong bảo vệ đất nương rẫy. Trong đó, kỹ thuật tỉa lúa từ dưới dốc lên đỉnh dốc theo đường đồng mức đã hạn chế tối đa sự xói mòn đất do dòng chảy của nước mưa gây ra. Ngay cả khi thu hoạch xong nương rẫy người dân cũng đặc biệt quan tâm đến việc duy trì độ màu mỡ của đất cho mùa vụ tiếp theo bằng cách giữ lại những phụ phẩm trên nương rẫy để che phủ đất, giữ độ ẩm và tăng hàm lượng dinh dưỡng cho đất.

Mặt khác, đặc điểm của đất đồi núi thường không bền vững trong cấu trúc tầng mặt đất. Chính vì ý thức được điều đó nên trong quá trình sản xuất người Cơ Tu không sử dụng cuốc để đào đất trỉa lúa, làm cỏ, thay vào đó họ sử dụng những dụng cụ nhỏ gọn như gậy chọc lỗ, avin/aveng để làm việc. Những công cụ lao động của họ không chỉ mang lại hiệu quả trong canh tác mà còn đảm bảo không phá vỡ cấu trúc tầng mặt đất.

Nhìn chung, những kiến thức mà người Cơ Tu áp dụng trong hoạt động canh tác nương rẫy cho thấy hiệu quả đáng kể trong việc bảo vệ đất đai. Mặc dù, không thể duy trì chất lượng đất như hiện trạng ban đầu. Điều đó cho thấy, đứng trước thách thức của cuộc sống, người Cơ Tu luôn có cách thức ứng xử phù hợp để giúp cho hoạt động sản xuất được lâu dài.

Một phần của tài liệu Tri thức địa phương của người cơ tu trong ứng xử với rừng (Trang 140 - 144)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(219 trang)