1.3 Những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa
1.3.3 Môi trường quốc tế
Trong một nền kinh tế toàn cầu, quốc gia, dân tộc có chủ quyền không còn là chủ thể duy nhất có vai trò chế định chính sách kinh tế, thương mại mà là sự tồn tại đồng thời của 4 chủ thể có thể đảm nhận vai trò này một cách hiệu quả. Đó là quốc gia, dân tộc có chủ quyền, khối kinh tế khu vực, các thể chế kinh tế quốc tế và TNCs. Trên thực tế, các chủ thể này luôn ảnh hưởng lẫn nhau, ràng buộc, hợp tác và đương nhiên có nhiều xung đột trong môi trường cạnh tranh quốc tế dưới tác động của quá trình TCH. Do đó, chúng có ảnh hưởng rất lớn đến dòng lưu chuyển hàng hóa giữa các quốc gia trên thế giới.
1.3.3.1 Xu hướng đối thoại chính trị giữa các nước
Như đã phân tích, tình hình chính trị là một trong những yếu tố được giới doanh nghiệp rất quan tâm khi đánh giá về môi trường kinh doanh. Ở phạm vi ngoài quốc gia, các nước cũng rất cần đến sự ổn định của khu vực mà doanh nghiệp của họ hướng tới, bởi nó tác động đến sự trao đổi buôn bán giữa các bên liên quan.
Xu hướng đối thoại chính trị gia tăng sẽ kéo theo việc mở rộng quan hệ hợp tác thương mại giữa các nước, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh XNK được dễ dàng hơn. Ngoài ra, nó còn có tác động quan trọng đến việc xóa bỏ lệnh bao vây, cấm vận kinh tế của nước lớn đối với các nước nhỏ, gây cản trở đến quan hệ giao thương giữa các nước. Chính sách cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam trước đây là bằng chứng rõ rệt về tác động này.
1.3.3.2 Liên kết khu vực
Để tạo ra một môi trường an toàn, an ninh về kinh tế nhằm tăng cường sức cạnh tranh để tồn tại và phát triển, những nước có điều kiện gần gũi về địa lý đã liên kết với nhau theo khu vực, hình thành những khu vực có tính địa-chiến lược về mặt kinh tế.
Sự ra đời của các khối thị trường chung một mặt đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu chuyển hàng hóa giữa các thành viên của khối, mặt khác, do có sự xung đột về lợi ích đã làm xuất hiện ngày càng nhiều các liên kết khu vực để phản ứng với sự ảnh hưởng của các tổ chức này đối với sự tồn tại và phát triển của mình như:
việc lập ra khu vực NAFTA là để phản ứng lại việc EU đã có xu hướng mở rộng sang các nước Đông Âu thành EU-25; hay, để hạn chế sự ảnh hưởng của Mỹ ở Châu A, ASEAN đã mở rộng thành ASEAN + 3, ...
Thông qua chính sách tự do hóa thương mại đã loại bỏ được các rào cản đối với hoạt động giao thương giữa các nước thành viên trong khối, hạn chế được sức ép cạnh tranh từ bên ngoài, giảm bớt được chi phí sản xuất, chi phí giao dịch hướng vào xuất khẩu, giảm các thủ tục phiền hà, cũng như được hưởng những ưu đãi của khối. Tất cả những yếu tố này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng khả năng
cạnh tranh mở rộng thị phần. Chẳng hạn, Việt Nam được hưởng những ưu đãi đặc biệt như: thuế, phi thuế, miễn thị thực từ các nước thành viên khi tham gia AFTA.
Bên cạnh đó, liên kết khu vực sẽ tạo ra sự phát triển ổn định của các nước trong vùng, qua đó tạo cơ sở vững chắc cho các nước thành viên thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại của mình, góp phần thúc đẩy các hoạt động giao thương phát triển.
1.3.3.3 Tăng trưởng nhanh của các TNCs
Với vai trò chế định các chính sách kinh tế, TNCs không chỉ là hiện thân của các tổ chức sản xuất, trao đổi, phân phối và tiêu dùng xuyên quốc gia; không chỉ là biểu hiện của quá trình kinh doanh quốc tế ở cấp vĩ mô vì mục tiêu lợi nhuận, thị phần, doanh số, ưu thế và ổn định, mà còn nối nền kinh tế thế giới thành một hệ thống toàn cầu. Bởi vậy, sự bành trướng của TNCs có ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ thương mại giữa các nước cũng như thị trường cạnh tranh quốc tế.
Mô hình hoạt động theo kiểu mạng lưới phủ sóng toàn cầu với khoảng 60.000 TNCs có trên 600.000 chi nhánh ở các nước vào năm 1999 (cuối những năm 1960 mới có 7276 TNCs với 27.000 chi nhánh), TNCs chiếm 2/3 thương mại thế giới, 4/5 FDI, 9/10 thành quả khoa học-công nghệ(12). Hiện tượng này không chỉ tác động mạnh đến sự giao lưu thương mại giữa các quốc gia mà còn gây sức ép rất lớn trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường toàn cầu nhờ có ưu thế về vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý…
1.3.3.4 Tốc độ toàn cầu hóa
Nếu liên kết kinh tế quốc tế nói về các hiệp định kinh tế, thương mại giữa các nước, thì TCH lại nhấn mạnh đến quá trình đan xen giữa các công ty trên phạm vi toàn cầu để hình thành nên mạng lưới sản xuất quốc tế. Tốc độ của quá trình TCH sẽ thúc đẩy xu hướng tự do hóa thương mại, tự do hóa đầu tư, qua đó cho phép các công ty mở rộng phạm vi hoạt động trên thị trường toàn cầu.
Dưới tác động của TCH, khoa học-công nghệ rất phát triển, hình thành nên nhiều lĩnh vực sản xuất mới trong các ngành điện tử, tin học..., tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác lợi thế so sánh của các quốc gia, các doanh nghiệp trong phân
công lao động quốc tế. Lợi ích to lớn của việc tham gia vào mạng lưới này đã làm cho các quốc gia tích cực tháo bỏ những rào cản đối với các công ty, thúc đẩy xu hướng tự do hóa thương mại, qua đó tác động đến hoạt động kinh doanh XNK.
Ngoài ra, TCH còn thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính quốc tế như IMF, WB, qua đó thúc đẩy trở lại quốc tế hóa thương mại và sản xuất thế giới. Các tổ chức này cùng với WTO ngày càng đóng vai trò quan trọng chi phối sâu rộng hơn tới đời sống kinh tế-chính trị-xã hội của các quốc gia trên thế giới.
Tóm lại, môi trường kinh doanh quốc tế là tổng hòa các yếu tố có ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh XNK của doanh nghiệp trên phạm vị toàn cầu. Nó bao gồm các nhóm yếu tố của môi trường trong nước và nước ngoài cũng như các yếu tố của môi trường quốc tế. Những nhân tố này một mặt có tác động rất mạnh đến việc thúc đẩy trao đổi buôn bán với bên ngoài, nhưng mặt khác, chúng lại kìm hãm hoạt động này phát triển. Đây là bài toán có nhiều ẩn số buộc các nước và các doanh nghiệp phải có lời giải nếu muốn thành công trên thương trường.