Định hướng xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng công nghiệp

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng công nghiệp Việt Nam sau khi Việt Nam gia nhập WTO (Trang 102 - 105)

Chương III: Những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng công nghiệp Việt

3.2 Định hướng của Đảng và Nhà nước ta về xuất khẩu hàng công nghiệp đến năm 2010, tầm nhìn 2020

3.2.1 Định hướng xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng công nghiệp

3.2.1.1 Xây dựng chính sách phù hợp với cam kết quốc tế và đảm bảo chủ động thâm nhập thị trường quốc tế

Trong điều kiện quốc tế hiện nay, khi các rào cản thương mại về hình thức đang được dỡ bỏ theo khuyến cáo của WTO và các tổ chức kinh tế quốc tế khác, nhưng về thực chất, chúng lại được dựng lên ngày càng nhiều dưới nhiều hình thức phi thuế quan mà phổ biến là các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn xã hội, môi trường, thì việc đàm phán để ký kết các hiệp định thương mại hay thương mại tự do theo hướng phá bỏ các hàng rào nhằm tăng khả năng tiếp cận thị trường cho hàng công nghiệp xuất khẩu có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện hệ

thống luật pháp, chính sách phải minh bạch và có khả năng dự đoán được phù hợp với các cam kết quốc tế, cũng như có thể bắt kịp với xu thế vận động của nền kinh tế thế giới.

Chủ động thâm nhập thị trường quốc tế, trong chừng mực nào đó là một khía cạnh của nâng cao sức cạnh tranh. Nếu sức cạnh tranh được coi là chủ động, thì khâu cuối cùng của sản xuất kinh doanh là khâu thâm nhập thị trường. Cho nên bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, Nhà nước cũng cần trợ giúp nhất định thông qua việc hoạch định chiến lược và tổ chức thâm nhập thị trường một cách có bài bản, nhằm hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra khi chinh phục thị trường nước bạn.

3.2.1.2 Xây dựng chính sách hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng công nghiệp xuất khẩu

Thực tế cho thấy, các đơn vị xuất khẩu của nước ta có thiên hướng mua để xuất hoặc gia công làm hàng xuất khẩu hơn là đầu tư chiều sâu vào công nghiệp chế tác, tạo ra sản phẩm xuất khẩu, nên ngành công nghiệp phụ trợ rất chậm phát triển.

Điều đó trước hết là do môi trường kinh doanh ở nước ta chưa thật thuận lợi, chưa thực sự khuyến khích đầu tư dài hạn, mà thiên về kinh doanh theo kiểu “hớt ngọn”.

Chính vì vậy, XNK hàng công nghiệp thường nghiêng về số lượng hơn là về chất lượng, về hiệu quả, cũng như về nâng cao sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Điều này cần phải thay đổi, bởi lẽ, tự do hóa xuất khẩu chưa đủ, mà trước hết phải tự do hóa sản xuất trong nước, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn, đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu trên cơ sở khai thác lợi thế sẵn có cũng như dựa vào khả năng giảm thiểu chi phí bình quân và hợp lý hóa quy trình sản xuất. Các biện pháp khuyến khích trong thời gian tới cần tạo cho doanh nghiệp đi theo hướng chủ động đó, xóa bỏ chiến lược kinh doanh thụ động, hay ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước như trước.

3.2.1.3 Xây dựng chính sách hướng tới khai thác triệt để thế mạnh của các thành phần kinh tế

Một trong những hệ quả tất yếu của HNKTQT là chuyển dịch cơ cấu và bố trí lại nguồn lực sao cho có hiệu quả. Dưới sức ép cạnh tranh, doanh nghiệp nào sản xuất và kinh doanh không hiệu quả sẽ phải nhường chỗ cho các doanh nghiệp khác có ưu thế vượt trội hơn, có khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi của nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp ĐTNN chỉ chiếm trên 3%/tổng số doanh nghiệp trong cả nước, nhưng những gì họ đã làm được lại không hề nhỏ, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao. Chỉ cần nhìn vào tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp thì đã có thể thấy vai trò của các doanh nghiệp ngoài nhà nước quan trọng như thế nào (khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 8,7%

năm 2005, thì của khu vực ĐTNN là 20,9% và của khu vực ngoài quốc doanh là 24,1%, trong lĩnh vực xuất khẩu còn hấp dẫn hơn nhiều). Cho nên, trong thời gian tới, cần thúc đẩy nâng cao hiệu quả của các thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng tới khu vực kinh tế ngoài nhà nước nhằm tận dụng tối đa tiềm năng của họ.

3.2.1.4 Xây dựng chính sách hướng tới mục tiêu bảo vệ hợp lý thị trường nội địa Tác động của quá trình tự do hóa thương mại khi tham gia vào WTO sẽ đặt nền kinh tế Việt Nam trước những thách thức vô cùng to lớn. Sức ép cạnh tranh và nguy cơ phá sản của nhiều ngành sản xuất nội địa, đặc biệt là những ngành công nghiệp non trẻ đòi hỏi nước ta phải hoàn thiện biện pháp bảo vệ hợp lý thị trường của mình khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Bởi, các biện pháp bảo vệ thương mại tạm thời được sử dụng phổ biến trên thế giới để quản lý hàng ngoại nhập, nhưng lại chưa hề được áp dụng ở nước ta, mà nếu có thì cũng chỉ như “cưỡi ngựa, xem hoa”.

Trong lộ trình hội nhập, tỷ trọng của thuế nhập khẩu sẽ giảm dần, nên nước ta cần áp dụng các biện pháp tự vệ để bù đắp phần nào nguồn thu thông qua việc ban hành đạo luật về quyền tự vệ trong thương mại quốc tế theo Hiệp định về các biện pháp tự vệ trong WTO. Nhìn vào danh mục hàng nhập thì tỷ trọng hàng công nghiệp chiếm vị trí áp đảo, còn hàng xuất khẩu thì nông sản chiếm ưu thế do hàng công nghiệp chủ yếu làm gia công. Trên thực tế, một nước càng phát triển, thì

càng mất đi lợi thế về nông nghiệp, chủ yếu do chi phí đầu vào tăng, nên nhu cầu bảo hộ cũng tăng theo thời gian và tỷ lệ thuận với trình độ phát triển. Đây là điểm cần lưu ý khi xây dựng chính sách bảo hộ trong tương lai.

Thị trường và sản xuất hiện nay không có sự phân cách. Quản lý nhập khẩu không còn là “chuyện riêng” của Bộ Thương mại. Do đó, cần phải có sự phối hợp của các bộ ngành trong việc xây dựng cơ chế quản lý XNK phù hợp, qua đó mới có tác động tích cực trở lại đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế.

3.2.1.5 Xây dựng chính sách phải tạo điều kiện cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và hiện đại

Hàng công nghiệp xuất khẩu của nước ta chủ yếu ở dạng thô hoặc làm gia công cho bạn hàng, nên giá trị gia tăng rất thấp, khả năng cạnh tranh kém, không thể tạo động lực cho phát triển bền vững trong tương lai. Điều này chủ yếu là do công nghệ trong các lĩnh vực này còn lạc hậu, trình độ của người lao động và nhà quản trị còn yếu kém, các vùng kinh tế chưa được khai thác hiệu quả. Cho nên, cần phải khắc phục tình trạng này bằng cách thu hút các TNCs nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp học hỏi kinh nghiệm trong việc tạo ra các sản phẩm mới, cũng như đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp, nhất là ngành công nghệ cao, cũng như cho các doanh nghiệp xuất khẩu để đầu tư cho R&D nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần đưa đất nước tiến vào nền kinh tế công nghiệp vào năm 2020.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng công nghiệp Việt Nam sau khi Việt Nam gia nhập WTO (Trang 102 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)