Nhóm giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng công nghiệp Việt Nam sau khi Việt Nam gia nhập WTO (Trang 125 - 128)

Chương III: Những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng công nghiệp Việt

3.3 Giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam sau khi Việt Nam gia nhập WTO

3.3.4 Nhóm giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực

Trong thời đại ngày nay, nhân tố có tính chất quyết định đến năng lực cạnh tranh chính là nhân tố con người. Cạnh tranh kinh tế là cạnh tranh gay gắt về giáo dục- đào tạo và khoa học-công nghệ. Nền khoa học và công nghệ có phát triển hay không, đất nước có phát triển hay không chính là nhờ vào khả năng sáng tạo của con người.

3.3.4.1 Cần đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo trong cả nước

Muốn thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển nguồn nhân lực so với các nước trong khu vực, Nhà nước cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho ngành giáo dục nhằm khắc phục tình trạng thiếu các trang thiết bị học tập, hay không có đủ trường để cho sinh viên học, cũng như cần sớm chấm dứt tình trạng con em nghèo không được đi học đại học, cao đẳng cho dù họ có thi đỗ. Đồng thời, Nhà nước cũng cần hỗ trợ cho việc xây dựng các trung tâm thí nghiệm, nghiên cứu theo chuẩn quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho các học viên, sinh viên có điều kiện để phát huy khả năng sáng tạo của mình trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và kỹ thuật. Một vấn đề nữa cần phải được khắc phục, đó là, hiện nay, nước ta chưa có đủ các trung tâm

đào tạo chuyên ngành cho các doanh nghiệp dệt may, da giày chế biến gỗ; ngành công nghiệp thời trang, công nghiệp phụ trợ thì chưa phát triển. Do vậy, Nhà nước cần thành lập mới các trung tâm đào tạo nhằm nâng cao trình độ cho các nhà quản trị và người lao động, qua đó, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Sự đầu tư như vậy sẽ giảm thiểu được tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai. Đây là nhân tố có tính quyết định tạo nên sự thành công của các doanh nghiệp khi chinh phục thị trường toàn cầu.

3.3.4.2 Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

- Nhà nước cần tăng cường đào tạo và nâng cao trình độ cho các nhà làm luật, chính sách, các chuyên gia để họ có thể xây dựng được hệ thống luật, chính sách đồng bộ và hoàn chỉnh nhằm tạo ra được một môi trường kinh doanh cạnh tranh, hấp dẫn đáp ứng yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời, tăng cường đào tạo cho các nhà quản lý doanh nghiệp và nguồn lao động cơ bản cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

- Để tạo nên sự cân đối về nguồn lực, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các trường đại học, các viện nghiên cứu thực hiện liên doanh, liên kết với các cơ sở đào tạo có chất lượng cao trên thế giới để đào tạo và nâng cao trình độ cho các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, các chủ doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế công nghiệp, kinh tế tri thức.

Hiện nay, số lượng lao động có tay nghề trong các doanh nghiệp xuất khẩu còn quá ít. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải khẩn trương bổ sung sự thiếu hụt này bằng cách phối hợp với các trường đại học, các trung tâm dạy nghề và kể cả tự đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng cho người lao động, đồng thời, cần phát huy khả năng sáng tạo của người lao động bằng cách tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi, hay thưởng cho người lao động có thành tích xuất sắc...

Việc nâng cao trình độ cho người lao động có thể coi là một trong những điều kiện tiên quyết góp phần làm nên thành công của các doanh nghiệp xuất khẩu. Vì một

lý do đơn giản là, 4 sản phẩm công nghiệp xuất khẩu này có yêu cầu rất cao về tính thẩm mỹ, thời trang, sự sáng tạo trong thiết kế và sự khéo tay của người lao động, tất cả đều nhằm tới đích cuối cùng là thỏa mãn ở mức cao nhất nhu cầu đa dạng của khách hàng và chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.

- Trong kỷ nguyên văn minh, tri thức như ngày nay, cuộc cạnh tranh về nguồn nhân lực chất lượng cao càng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực, Nhà nước và doanh nghiệp còn phải có biện pháp để “giữ chân” và thu hút nhân tài bằng nhiều hình thức khác nhau như: thưởng cho những ai có những phát minh, sáng chế, có những thành tích xuất sắc mang lại lợi ích cho nước nhà; thưởng cho những người có học vị cao ở độ tuổi từ 30-40 làm việc ở trong nước; thưởng cho những cho những người con ưu tú của Việt Nam (như đội ngũ tri thức trẻ học tập ở nước ngoài) về nước làm việc, mức thưởng tỷ lệ thuận với những lợi ích mang lại cho quốc gia, cho doanh nghiệp. Nếu họ tham gia thành lập doanh nghiệp trong các khu KCN, KCX, KCNC, thì Nhà nước cần có thêm các hình thức ưu đãi như: miễn giảm thuế, hay các ưu tiên khác. Đây là cách làm

nhất cử lưỡng tiện”, nghĩa là vừa thu hút được nhân tài, vừa có thêm các chủ doanh nghiệp giỏi sẵn sàng cống hiến sức mình cho xây dựng đất nước giàu mạnh.

Có được nguồn nhân lực chất lương cao như vậy, các doanh nghiệp nước ta mới có thể giành “thế thắng” trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường toàn cầu, đất nước ta mới có thể vững vàng tiến vào nền kinh tế công nghiệp, kinh tế tri thức.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng công nghiệp Việt Nam sau khi Việt Nam gia nhập WTO (Trang 125 - 128)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)