Chương 2. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC QUẬN 2, GIAI ĐOẠN 2007- 2017
2.1. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển dân số và phát triển giáo dục quận 2, TP. HCM
2.1.4. Các nhân tố khác
Năm 1997 quận 2 được tách ra từ huyện Thủ Đức với dân số ít ỏi, người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp trên diện tích 5.000 ha chằng chịt kênh rạch, dừa nước với năng suất lao động thấp, quy mô sản xuất hộ gia đình. Kể từ sau khi thành lập đến nay kinh tế quận phát triển mạnh, quá trình đô thị hoá diễn ra rất nhanh làm
cho diện tích đất phi nông nghiệp tăng lên mạnh mẽ. Các trung tâm thương mại, dịch vụ, các khu đô thị mới, các tòa nhà cao tầng mọc lên san sát thu hút hàng ngàn dân cư, lao động ở các khu vực trong cũng như ngoài thành phố tới định cư và làm việc.
2.1.4.2. Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, y tế Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao
Quận đẩy mạnh thực hiện các chương trình hành động về văn hóa –thể dục thể thao. Từng bước nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tổ chức có hiệu quả các chương trình tuyên truyền, hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân. Đồng thời phát triển mạnh phong trào thể dục thể thao ở các phường, chú trọng phong trào văn nghệ, tập thể dục dưỡng sinh trong nhân dân.
Y tế
Quận tổ chức chăm lo tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khỏe cho diện chính sách, dân nghèo, trẻ em có nguy cơ suy dinh dưỡng.
Đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch bệnh không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn. Hiện nay quận có 1 đơn vị y tế cấp quận (Bệnh viện quận 2), 1 trung tâm y tế dự phòng, 1 bệnh viện đa khoa (Bệnh viện Bưu Điện). Trước năm 2012, 100% phường có trạm y tế với y, bác sĩ đạt chuẩn quốc gia, nhưng hiện nay chỉ còn 8/11 phường có trạm y tế vì 3 phường An Lợi Đông, An Khánh và Thủ Thiêm bị diện giải tỏa trắng nên trạm y tế cũng không còn. Số giường bệnh và cán bộ ngành y tăng mạnh. Ngoài ra quận 2 còn có 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế.
2.1.4.3. Về đầu tư phát triển
Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2010-2017 tăng mạnh, từ 301,67 tỉ đồng lên 577,94 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là ngân sách quận ngoài ra có ngân sách phường. Nguồn chi tập trung cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên, trong đó ngân sách chi cho giáo dục, đào tạo luôn ở mức cao. Năm 2017 nguồn chi cho giáo dục là 171,82 tỉ đồng. Giai đoạn 2007-2017 quận đã xây dựng và sửa chữa 17 trường học, 462 phòng học, tăng 365 giáo viên. Vận động và tạo điều kiện xây dựng 104 các dự án ngoài công lập.
Ngoài những nhân tố trên còn có những nhân tố quan trọng có tác động đến sự phát triển dân số và giáo dục.
Ảnh hưởng đến dân số
- Tình trạng hôn nhân và tuổi kết hôn lần đầu
Khi mới thành lập kinh tế còn dựa chủ yếu vào nông nghiệp và chưa phát triển, công tác dân số chưa thật sự được chú trọng, trình độ và nhận thức của người dân về dân số, gia đình chưa tốt, vì vậy tuổi kết hôn trung bình lần đầu của quận còn cao.
Nhưng trong những đợt điều tra dân số gần đây con số này đã tăng ở cả nam và nữ.
Cụ thể ở nữ tăng từ 24,6 tuổi năm 2007 lên 26,8 tuổi năm 2017. Nam luôn cao hơn nữ khoảng từ 3,1 đến 3,8 tuổi.
- Tỉ lệ nữ giới và tỉ lệ nữ trong độ tuổi sinh đẻ/tổng số phụ nữ
Tỉ lệ nữ giới/ 100 nam ở quận từ 2007-2017 có xu hướng giảm từ 104,5 xuống còn 101. Hiện nay số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của quận tăng mạnh góp phần làm tăng tỉ lệ sinh. Tỉ lệ nữ giới trong độ tuổi sinh đẻ/ tổng phụ nữ tăng từ 47,2% lên 57,4% thời kì (2007 - 2017). Chính vì vậy bên cạnh việc duy trì tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ phù hợp quận còn thực hiện nhiều biện pháp, chính sách dân số KHHGĐ hướng đến mục tiêu giảm mức sinh để kiểm soát tốc độ tăng dân số của quận trong thời gian tới.
- Trình độ văn hóa của dân cư và mức gia tăng dân số
Trình độ văn hóa và tỉ lệ người biết đọc, biết viết có sự khác nhau giữa các phường trong quận. Ở các phường kinh tế phát triển như Thảo Điền, An Phú, Bình An, Thạnh Mỹ Lợi dân cư có trình độ văn hóa cao nên có tỉ lệ gia tăng tự nhiên thấp nhưng gia tăng cơ học cao. Ngược lại, các phường kinh tế kém phát triển hơn, tỉ lệ người biết đọc biết viết thấp hơn thường có tỉ lệ gia tăng tự nhiên cao hơn. Tuy nhiên sự chênh lệch này không đáng kể.
Ảnh hưởng đến giáo dục
Tác động của dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số
Kinh tế phát triển, quá trình đô thị hóa nhanh đã làm dân số của quận tăng mạnh từ 131.860 người (2007) lên 161.957 người (2017). Quy mô dân số đông, tăng nhanh đã gây sức ép lên các vấn đề KT –XH trong đó có giáo dục và ảnh hưởng đến mọi mặt của ngành giáo dục từ quy mô, chất lượng, cơ sở vật chất đến các phương hướng phát triển giáo dục ở hiện tại và tương lai.
Tác động của kinh tế thị trường
Kinh tế càng phát triển, mức sống người dân càng cao thì nhu cầu cho giáo dục cũng sẽ cao. Trong nền kinh tế hiện đại (kinh tế thị trường) giáo dục không chỉ đơn thuần là phúc lợi, là lợi ích cho không, Thầy Cô cũng không dạy học sinh văn hóa mà học sinh còn được học các kĩ năng mềm, được hưởng tất cả những dịch vụ giáo dục tốt nhất. Hiện nay quận đã thực hiện rất tốt việc phát triển các trường quốc tế, trường ngoài công lập để hỗ trợ cho giáo dục Nhà nước.