Những giải pháp phát triển giáo dục

Một phần của tài liệu Phát triển dân số và phát triển giáo dục quận 2, thành phố hồ chí minh (Trang 117 - 122)

Chương 3. ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC QUẬN 2

3.3. Nhóm các giải pháp phát triển dân số và phát triển giáo dục

3.3.2. Những giải pháp phát triển giáo dục

- Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo. Chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý và cải cách thủ tục hành chính ở các cơ sở giáo dục.

- Bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển giáo dục, đào tạo được đưa ra tại các nghị quyết, kết luận của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ và Hội đồng nhân dân các cấp về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030.

- Lồng ghép các chỉ tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục vào quá trình xây dựng phát triển kinh tế -xã hội của quận.

- Thực hiện các chính sách của Nhà nước và các chính sách của địa phương đối với học sinh, học viên; chính sách đối với giáo viên; chính sách đối với cơ sở giáo dục; các nội dung về đổi mới cơ chế, chính sách tài chính giáo dục.

- Kịp thời việc bổ nhiệm vào hạng và xếp lương theo hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp, có kế hoạch và tạo điều kiện cho giáo viên hoàn thiện các tiêu chuẩn theo yêu cầu của hạng chức danh nghề nghiệp để đảm bảo việc thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp theo quy định; giải quyết kịp thời, dứt điểm các trường hợp bức xúc liên quan đến chế độ, chính sách của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

- Triển khai phần mềm “Quản lý tài chính nhà trường”nhằm tăng cường công tác giám sát của các cơ quan quản lí nhà nước, của phụ huynh và người dân; thực hiện nghiêm các quy định về thu - chi một cách công khai, minh bạch.

- Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư phát triển theo quy định. Tạo mọi điều kiện trong khuôn khổ pháp luật cho phép để phát triển mạnh các trường ngoài công lập nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong quận và phù hợp với xu thế phát triển trong thời đại mới.

Tiếp tục công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông nhất là học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục bằng việc đổi mới phương pháp, hình thức đánh giá kết quả giáo dục của học sinh.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục: Tuyên truyền nâng cao nhận thức

về đổi mới giáo dục và đào tạo nhằm tạo động lực cho cán bộ quản lý, giáo viên và đồng thuận của phụ huynh học sinh, cộng đồng trong phát triển giáo dục ở địa phương.

Chú trọng đổi mới công tác quản lí, quản trị trường học theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lí, tăng cường quyền tự chủ của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục. Nâng cao năng lực quản trị nhà trường, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục. Chú trọng kết hợp dạy chữ với dạy người, giáo dục ý thức, trách nhiệm công dân đối với gia đình - nhà trường - xã hội cho học sinh.

Giải pháp về quy mô, chất lượng giáo dục

Ủy ban nhân dân quận đã phê duyệt Đề án quy hoạch mạng lưới trường học.

Với mục tiêu là xây dựng cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tiến đến xây dựng trường chuẩn quốc gia. Công tác xây dựng trường đã được cấp ủy và chính quyền các cấp đưa vào nghị quyết thành một trong những mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương.

Xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, trường lớp, tăng cường cung cấp trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục trong quận.

Tiếp tục mở rộng quy mô các ngành học, bậc học. Mạng lưới trường, lớp trên địa bàn quận phải được quy hoạch, sắp xếp hợp lý, phù hợp với địa bàn dân cư. Các dự án quy hoạch cho việc xây dựng các cơ sở giáo dục phải đúng theo quy định và thật sự hiệu quả.

Huy động học sinh đi học đúng tuổi ở các cấp, không để tình trạng học sinh bỏ học. Tăng cường quản lí ở các trường dân lập, tư thục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ, bồi dưỡng tuyển dụng giáo viên. Nâng cao năng lực và đánh giá việc bồi dưỡng năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý giáo dục các cấp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của quận.

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam giáo dục và đào tạo luôn được coi là quốc sách hàng đầu, đội ngũ nhà giáo và các cán bộ quản lí ngành giáo dục luôn có vai trò vô cùng quan trọng. Chính vì vậy việc nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học nhất là dạy học trong thời đại mới là một yêu cầu cấp thiết.

Tiếp tục tăng cường công tác quản lí và nâng cao đạo đức nhà giáo. Rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng theo chuẩn nghề nghiệp. Tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo kế hoạch.

Tiếp tục xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Thực hiện công tác tổ chức rà soát, điều chỉnh và quy hoạch phát triển nhân lực đội ngũ ngành giáo dục tại địa phương.

Triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục đồng thời tham mưu với Ủy ban nhân dân quận để có các chính sách ưu đãi đối với đội ngũ nhà giáo trên địa bàn quận.

Đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục

Quy hoạch, sắp xếp hợp lý mạng lưới trường, lớp phù hợp với địa bàn dân cư.

Xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp đúng quy định và hiệu quả. Tăng cường cung cấp trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy, học và nâng cao chất lượng giáo dục của quận. Tiếp tục đảm bảo cho 100% con em sinh sống trên địa bàn đủ chỗ học, 100% học sinh được học 2 buổi/ngày.

Đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục luôn ổn định. Tiếp tục xây dựng các phòng chức năng, các phòng chuyên dụng cho học sinh thực hành như: phòng bếp, phòng nghiên cứu khoa học.

Đầu tư hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin trong các cơ sở giáo dục. Triển khai kết nối internet, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Thường xuyên tập huấn giáo dục qua mạng, bồi dưỡng công nghệ thông tin cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách báo, tài liệu tham khảo để xây dựng và sử dụng hiệu quả thư viện lớp học, trường học. Tổ chức các hoạt động giáo dục tại thư viện nhằm phát huy tốt công năng và phát triển văn hóa đọc, góp phần tích cực nâng cao chất lượng dạy và học. Tiếp tục nhân rộng mô hình Thư viện thân thiện phù hợp điều kiện thực tế địa phương.

Nâng cao chất lượng giáo dục và dạy học ngoại ngữ

Đối với Tiểu học: Triển khai môn tiếng Anh như Chương trình giáo dục phổ thông 2018, góp phần tích cực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện để hội nhập với khu vực và quốc tế.

Các lớp tiếng Anh được tổ chức ở buổi thứ 2. Đội ngũ giáo viên tiếng Anh tiếp tục được bồi dưỡng để nâng trình độ chuẩn B2, tham gia các đợt tập huấn nhằm phát triển các phương pháp mới trong giảng dạy tiếng Anh cấp tiểu học. Các trường khuyến khích học sinh tham gia đăng kí dự thi theo các chuẩn quốc tế của Pearson Test of English Young Learners, Toefl Primary, Cambridge,... để đạt chuẩn đầu ra theo quy định.

Đối với Trung học: Tiếp tục đẩy mạnh các nội dung thực hiện Đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng Tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP. HCM giai đoạn 2011 – 2020”.

Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo

Tiếp tục xây dựng trường học theo mô hình trường THCS tiên tiến hội nhập khu vực và thế giới. Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình xây dựng đổi mới chương trình.

Có cơ chế và tạo điều kiện cho các trường giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài nước để các trường nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình.

Liên kết hợp tác đầu tư tài chính từ nguồn ngân sách, kích cầu để phát triển cơ sở vật chất kĩ thuật nhất là mạng học tập và các tài nguyên giáo dục.

Hợp tác với các nước có nền giáo dục tiên tiến hiện đại trên thế giới nhằm học hỏi kinh nghiệm trong giáo dục và quản lí giáo dục.

Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho giáo dục

Tiếp tục duy trì nguồn vốn đầu tư cho giáo dục trong tổng chi ngân sách hàng năm của quận.

Sử dụng nguồn vốn đầu tư cho giáo dục đúng quy định và hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải để xảy ra tình trạng:“Chỗ cần thì không có, chỗ có thì không cần”.

Ưu tiên vốn ngân sách xây dựng trường chuẩn trong giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn 2030. Ưu tiên quỹ đất và kinh phí để xây dựng trường Tiểu học, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư phát triển theo quy định. Phát huy hiệu quả hoạt động Hội khuyến học và Ban đại diện cha mẹ học sinh để góp phần xã hội hóa giáo dục đúng luật và hiệu quả. Tạo mọi điều kiện trong khuôn khổ pháp luật cho phép để phát triển mạnh các trường ngoài công lập.

Tiếp tục điều chỉnh tăng định mức ngân sách đầu tư/học sinh để đảm bảo cập nhật đầy đủ và kịp thời các chế độ chính sách mới. Tranh thủ ngân sách thành phố cấp dự toán chi không thường xuyên khối giáo dục và trực thuộc để tăng cường trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất.

Đảm bảo nguồn lực tài chính, tăng kinh phí chi thường xuyên và đầu tư có trọng điểm các trường dự kiến công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia. Thực hiện tốt các dự án đầu tư thuộc chương trình kích cầu của thành phố và các văn bản liên quan.

Tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể

Thực hiện lồng ghép các chỉ tiêu phát triển bền vững giáo dục và đào tạo với kế hoạch phát triển KT-XH của quận. Tăng cường trách nhiệm, công tác phối hợp với địa phương giám sát hoạt động, thường xuyên kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn, nhằm đảm bảo chất lượng và điều kiện an toàn cho người học.

Tăng cường sự lãnh đạo của Cấp ủy, Chi bộ, phát huy sức mạnh hệ thống chính trị của cơ sở trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, xây dựng khối đoàn kết trong đội ngũ và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước, tất cả hướng đến sự ổn định, phát triển của từng đơn vị giáo dục.

Phối hợp chặt chẽ với Ngành y tế, chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục.

Phối hợp chặt chẽ với hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội khuyến học, ban đại diện cha mẹ học sinh, … để có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường- gia đình- xã hội và tranh thủ sự hỗ trợ cho giáo dục.

Một phần của tài liệu Phát triển dân số và phát triển giáo dục quận 2, thành phố hồ chí minh (Trang 117 - 122)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)