Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ KỸ NĂNG LẮNG NGHE VÀ KỸ NĂNG PHẢN HỒI CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC TƯ VẤN TÂM LÝ CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
1.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài
Các công trình nghiên cứu về tư vấn tâm lý cho học sinh trường trung học phổ thông ở nước ngoài.
Trong hoạt động TVTL ở trường học có sự nghiên cứu về hoạt động hướng nghiệp bắt nguồn từ công trình nghiên cứu: “Tổng quan thị trường nghề nghiệp trên thế giới” vào đầu thế kỷ XVII của Tomaseo Gazoni (người Ý) và được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Năm 1631, người Anh là Poowell đã xuất bản quyển sách gồm các hình ảnh thông tin về các ngành nghề có tên là The Plain Pathaway to preferment.
Năm 1747 xuất bản quyển London Tradesman liệt kê tổng hợp tất cả các ngành nghề đang phát triển ở Luân Đôn làm kim chỉ nam cho những người lao động bước vào đời.
Với phương châm quan tâm và tôn trọng cá nhân, quan tâm đến quyền dân chủ, ngành khoa học tâm lý phát triển với sự nghiên cứu về tâm lý thực nghiệm, về tâm lý nhân cách, xã hội và sự phát triển các ngành thống kê học.
Đặc biệt phát triển ngành tâm lý trị liệu, tâm thần học.
Năm 1909, William Healy thành lập trung tâm chuyên khoa điều hướng giáo dục, hướng nghiệp. Nghề tham vấn học đường bắt đầu như một xu hướng giúp định hướng nghề nghiệp vào đầu thế kỷ XX. Tư vấn học đường thực sự xuất phát và lớn mạnh ở Mỹ, từ công tác hướng nghiệp trong học đường, chủ yếu là tư vấn hướng nghiệp. Có ba người được xem là những người đầu tiên khởi xướng và hệ thống hóa nghiệp vụ tư vấn học đường là
Jesse B. Davis, Frank Parsons và Cliffort Beer, chủ yếu là tư vấn hướng nghiệp. Jesse B. Davis được xem là người đầu tiên đề xuất một chương trình hướng nghiệp trong trường học có hệ thống. Năm 1907, với vai trò là hiệu trưởng trường THPT, ông đã khuyến khích các giáo viên dạy tiếng Anh sử dụng các bài luận văn, các bài học liên quan mô tả nghề nghiệp, nói lên những hứng thú, những đặc điểm cần phát triển và những vấn đề tư tưởng, hành vi không thích hợp cần hạn chế với một số nghề nghiệp. Với Frank Parsons- cha đẻ của hướng nghiệp, để hỗ trợ thanh niên từ lúc ra trường đến khi làm việc đã thành lập văn phòng tư vấn hướng nghiệp ở Boston năm 1908. Ông cho xuất bản tác phẩm “Chọn nghề” (Bemak, 2000) vào tháng 5 năm 1909 là kim chỉ nam cho các hoạt động TVTL và hướng nghiệp thời đó và ảnh hưởng đến ngày nay. Ông đã phát hiện và triển khai định hướng cơ chế tài năng phù hợp của một người đối với nghề nghiệp, là sự phù hợp nghề. Với văn phòng TVTL về nghề nghiệp, Frank Parsons đã sử dụng các khái niệm của tâm lý học như những đặc điểm khí chất, tính khí của mỗi người và đối chiếu với những nhân tố được xem như những yêu cầu cơ bản của nghề nghiệp để đánh giá sự phù hợp (đặc điểm của người, của nghề), các lý thuyết tâm lý về những xung động của vô thức và sau đó phát triển các ngành học. Từ những khái niệm về thống kê của Francis Galton và Karl Person, từ cách tính toán về xác suất, di truyền, độ lệch chuẩn, hệ số tương quan… của khoa học thống kê trước đó, Fank Parsons đã sử dụng để thiết lập và tiến hành trắc nghiệm, chẩn đoán tâm lý nghề nghiệp trong tư vấn hướng nghiệp. Với Cliffort Beer, với tác phẩm nổi tiếng “Một tâm hồn tự tìm thấy” (A Mind That found itself, 1908) đã gây ảnh hưởng lớn trong tâm lý trị liệu và tâm lý lâm sàng. Ông đã có đóng góp lớn cho ngành TVTL ở Mỹ, đã đẩy mạnh trào lưu hoạt động vì sức khỏe tâm thần tại đây. Tư vấn tâm lý và hướng nghiệp đã sử dụng các quan điểm triết lý của K. Jaspers, Jean, Paul Sartre, Maurice Merleau Ponty như việc sử dụng khái niệm để phân tích các hiện tượng tâm lý xã hội, sự phù
hợp nghề, sử dụng các khái niệm về những dự phóng, về tưởng tượng…
Do sự phát triển mạnh mẽ của phong trào hướng nghiệp và tư vấn nghề nên có sự mở rộng của phong trào trắc nghiệm trên nhiều nước thuộc Châu Âu và Bắc Mỹ.
Ở Mỹ những năm 1920 -1930 tư vấn tâm lý và hướng nghiệp phát triển theo đà tiến bộ của nền giáo dục học đường, quan tâm đến sự phát triển cá nhân xã hội và luân lý đạo đức trong cuộc sống. Năm 1930 K. Q Williamson đã cho ra đời một lý thuyết hoàn chỉnh về tư vấn với tên gọi “Tiếp cận đặc điểm của nhân tố”. Năm 1940 quân đội Mỹ sử dụng các nhà tâm lý và tư vấn để tuyển quân và huấn luyện nhân sự. Lúc này tư vấn học đường có động cơ thúc đẩy tiến hành các trắc nghiệm tìm hiểu khả năng, năng lực tinh thần, thể chất học sinh. Trong giai đoạn này các nhà tư vấn học đường chịu ảnh hưởng quan điểm chú trọng mối quan hệ hỗ trợ thân chủ, thân chủ trọng tâm của Carl Rogers. Ông đã tham gia nghiên cứu về trẻ em bị lạm dụng, sau đó xuất bản quyển “The Clinical Treatment of the Problem Child” (1939), “Counseling and Psychotherapy”(1942), “Clinet Centered Therapy” (1951),
“Psychotherapy andPersonality Chang” (1954), “On Becoming a Person”
(1961), “Carl Rogeron Personal Power” (1977), “Freedom to Learn for80’s”
(1983)…Lý thuyết của Carl Rogers là lý thuyết về Tự thân, được coi là triết lý nhân bản luận và hiện tượng luận. Hai giả thuyết cơ bản của lý thuyết “Thân chủ trọng tâm” được coi là quan điểm chủ yếu về vũ trụ quan và nhân sinh quan (xu hướng hình thành và xu hướng hiện thực). Theo ông giao tiếp con người muốn khuyến khích sự phát triển tâm lý bình thường, tạo mối quan hệ tương giao lành mạnh với người khác, người đó cần phải đáp ứng ba phẩm chất cần và đủ của tư vấn viên tâm lý trị liệu. Đó là: thật tâm (chân thành, thành thật, trung thực), tôn trọng (tôn trọng con người vô điều kiện), thấu cảm (biểu hiện rõ qua giao tiếp). Chỉ có mối quan hệ tương giao phù hợp các điều kiện trên mới động viên được sự phát triển, trưởng thành tâm lý con người.
Từ đây, tư vấn tâm lý học đường bắt đầu được nâng lên từ mục tiêu tập trung phát triển nghề nghiệp sang tập trung vào các vấn đề cá nhân và xã hội của học sinh, sinh viên...
Từ những năm 1960, tư vấn học đường tiếp tục lớn mạnh và trở thành nghề nghiệp mới được pháp luật thừa nhận. Những năm 1960 nghề tham vấn học đường, tư vấn tâm lý phát triển như một pháp chế mới và sự phát triển của nghề mới đã được tạo điều kiện phát triển chuyên môn cao hơn và cải thiện giáo dục.
Những năm 60 -70, Norrm Gysbers và các cộng sự, tiểu bang Missouri, qua các công trình nghiên cứu chứng minh mối quan hệ thiết thực giữa tư vấn học đường và sự thành đạt của học sinh, sinh viên. Nhóm nghiên cứu của Norm Gysbers đã đưa được tư vấn học đường từ một nghề ít ai chú ý trở thành một hoạt động thiết yếu mang tính chiến lược và có mục tiêu hệ thống trong chương trình tư vấn học đường cho học sinh từ tiểu học đến trung học.
Campbell và Dahir (1997) đã có sáng kiến đưa ra Tiêu chuẩn Quốc Gia về Tư vấn học đường với 3 lĩnh vực: trình độ bằng cấp, quá trình nghề nghiệp, nhân thân và xã hội; 9 tiêu chuẩn và các năng lực tiêu chí chi tiết cho tư vấn học đường. Năm 2002, Hiệp hội tư vấn học đường Mỹ (ASCA) cho ra khung chuẩn quốc gia chương trình đào tạo tư vấn học đường.
Ngày 1 tháng 1 năm 2006 Nghị viện Hoa Kỳ đã chính thức lấy ngày 6 đến ngày 10 là tuần lễ Quốc Gia Tham vấn học đường. Người làm công tác TVTL đáp ứng nhu cầu của học sinh ở ba lĩnh vực cơ bản: phát triển học tập, phát triển hướng nghiệp và phát triển cá nhân, xã hội. Hiểu biết kiến thức và kỹ năng cho những lĩnh vực này được thông qua việc dạy trên lớp, đánh giá, tham vấn, tư vấn, điều phối và cộng tác. Nhà TVTL ở trường THPT dành nhiều thời gian cho việc giúp đỡ học sinh kiểm soát quá trình để tốt nghiệp và chuẩn bị cho các lựa chọn sau khi học xong. Họ giúp học sinh tìm các thông
tin đúng đắn và có ý nghĩa để đáp ứng được các yêu cầu, trợ giúp về tài chánh, thư giới thiệu, chuẩn bị cho các bài kiểm tra và các vấn đề khác.
Năm 2008, tổ chức các cuộc thi đua tư vấn học đường dựa trên các tiêu chuẩn đã ban hành.
Bên cạnh đó, ở Châu Âu như Plander (thuộc Vương Quốc Bỉ) trong những năm 1970 đã thành lập hệ thống các trung tâm hỗ trợ tâm lý- y tế- xã hội (PMS), hỗ trợ học sinh từ mẫu giáo đến trung học. Năm 1999, thành lập trung tâm tư vấn giáo dục do nhà nước cấp ngân sách hoạt động. Từ đây, có sự kết hợp giữa giáo viên và chuyên viên tư vấn học đường trong công tác chăm lo mặt học tập, hướng nghiệp, y tế và tình hình phát triển tâm lý xã hội cho từng học sinh. Ở Pháp, Hiệp hội tư vấn định hướng tâm lý Pháp, có chức năng hướng dẫn tư vấn viên, nhà tâm lý trao đổi thông tin, phát triển sự nghiệp tư vấn, tổ chức và tham gia các hội thảo quốc gia, quốc tế về tư vấn và tâm lý và năm 1991, chính thức công nhận bằng cấp tâm lý học. Ở Pháp và Canada tồn tại hai mô hình hoạt động của tư vấn hướng nghiệp và tư vấn học đường. Họ quan tâm đến sự phát triển hệ thống tài liệu, sách báo, tạp chí phục vụ công tác tư vấn, soạn theo hướng lấy kỹ năng tư vấn và hỗ trợ phát triển kỹ năng của khách hàng, đảm bảo nguyên tắc phù hợp với đối tượng để dễ hiểu, để học sinh, thầy cô, nhà trường, phụ huynh có thể tham gia tham khảo sử dụng.
Tại Áo hướng nghiệp được xem là môn học phụ trợ, chiếm 32 giờ/ năm. Các nhà tư vấn là giáo viên đã thông qua những khóa đào tạo đặc biệt có thể giúp hay hỗ trợ học sinh, sinh viên trong việc ra quyết định về giáo dục hay nghề nghiệp. Tại Singapore, đây là một trong những quốc gia Đông Nam Á đã đi đầu trong lĩnh vực tư vấn nói chung, tư vấn tâm lý, hướng nghiệp trong nhà trường nói riêng. Theo Trịnh Chiến (2006), ở Singapore đã thành lập Trung tâm tư vấn từ năm 1966, năm 1976 thì thành lập trung tâm dịch vụ chăm sóc học sinh (SCS). Dịch vụ chăm sóc học sinh cung cấp những dịch vụ xã hội trực tiếp cho học sinh và gia đình các em. Theo thời gian, thành lập các trung
tâm tư vấn học đường. Mục tiêu hoạt động là giúp học sinh giải tỏa những chướng ngại, khó khăn trong học tập, giúp cho các em có quan hệ tốt hơn với bạn bè, thầy cô, giúp đối phó với những vấn đề, phát huy tối đa khả năng học tập và giảm nhẹ những căng thẳng trong tâm lý tuổi thanh thiếu niên.
Các công trình nghiên cứu về kỹ năng lắng nghe và phản hồi
TVTL đã ra đời và phát triển rất lâu, nhưng việc nghiên cứu về kỹ năng TVTL trên thế giới mang tính khoa học thì chỉ bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX.
Các nhà nghiên cứu tập trung tìm hiểu về kỹ năng TVTL theo các hướng : - Hướng nghiên cứu về trắc nghiệm tâm lý: F. Gaton (1883), B. Jesse David (1898), Frank Parson (1909), Harry Kitson (1925), E. K. Strong (1943), Kurt Lewin (1951), Sechien (1969), Argyris (1970), Bennis (1970), Baldridge (1971), Woodworth (1972), Beer (1980), Huse (1980), Lipitt (1982)… quan tâm đến việc đề ra mô hình tư vấn phát triển tổ chức, kết quả của các nghiên cứu này có tác động lớn đến quá trình hướng nghiệp cho người học.
- Hướng nghiên cứu sử dụng kỹ thuật tâm lý: Như là kỹ thuật nhận thức hành vi của các tác giả R. E. Albeti, F. Skinner, Albert Bandura, Glasser (1988), Schuyler (1991), HacKney và Cormier (1996), Wubboling (1988).
Thông qua phân tích ý tưởng, hành vi, tác phong…các nhà tư vấn tâm lý tìm cách biến đổi những suy nghĩ của thân chủ để họ tự hình thành những niềm tin mới. Hay kỹ thuật phân tâm học nhấn mạnh vào tiểu sử cá nhân và tầm quan trọng của lời nói, khuyến khích thân chủ phát ngôn ra được những vấn đề đó từ tầng vô thức lên ý thức. Đại diện của những tác giả phân tâm học như Sigmund Freud, Alder Alfred, Carl Jung, Albert Ellis…Kỹ thuật khác là can thiệp cảm xúc, đại diện là Carl Roger, với quan điểm thân chủ là trọng tâm, người làm công tác TVTL luôn lắng nghe, động viên, giúp đỡ thân chủ giải quyết các khó khăn, chia sẻ tâm tư tình cảm, giải tỏa căng thẳng, cải tạo môi trường giáo dục, con người thân ái, nhân văn được tôn trọng.
Các tác giả Arthur Tuner, Hansen & Himes(1977), Mailand, Fine
&Tracy (1985), Weissenerv, Fine & Poggio (1982), Carkhuff (1983), Paskewicz và Clark (1984), Eruchul (1987) và Chewming (1990) thì nghiên cứu kỹ năng tư vấn tâm lý theo hướng xem kỹ năng tư vấn tâm lý là kỹ năng tương tác, giao tiếp trong quá trình tư vấn tâm lý. Người làm công tác TVTL cần thiết phải hội tụ kỹ năng giao tiếp bằng lời và kỹ năng giao tiếp không lời.
Tác giả Kate Cain (1986), kỹ năng giao tiếp bằng lời được thể hiện qua kỹ năng lắng nghe (KNLN), kỹ năng phản hồi (KNPH), kỹ năng đặt câu hỏi. Đây chính là các kỹ năng cơ bản để người làm công tác TVTL có thể thiết lập được mối quan hệ với thân chủ. Từ những kỹ năng này, người làm công tác TVTL sẽ thu thập được những thông tin từ thân chủ, chia sẻ, hỗ trợ, trợ giúp thân chủ. Nhóm tác giả nghiên cứu về ảnh hưởng của ngôn ngữ không lời trong TVTL như Silvan Tomskin, V. Friesen và Paul Ekman (1960), Cacioppo, Martzke, Petty và Tassinary (1988), Hinz và Tomhave (1991).
Theo Singer (1979) và Kleinke (1986) cho rằng có sự vâng lời qua ánh mắt.
Tác giả Axelrod và Kuerschner (1984) thì cho rằng giao tiếp bằng ánh mắt có hiệu quả rất tích cực trong quá trình trao đổi vấn đề của thân chủ. Đối với tác giả Robert Zajonc (1985) và L. Gibson Rober (1995) thì cho rằng biểu cảm trên nét mặt là quan trọng trong giao tiếp. Tác giả Ben Jones, Hansen và Hasen (1988) quan tâm đến vai trò của biểu cảm phi ngôn ngữ, biểu cảm qua ánh mắt và miệng (theo Hoàng Anh Phước, 2012).
Một nhóm tác giả khác thì quan tâm nghiên cứu kỹ năng TVTL trong quá trình trợ giúp. Các tác giả H. James và H. Jacquline (1999), E. D.
Neukrug (1990) và N. J. Richard (2003) nghiên cứu về cách thức phản ứng cơ bản của người tham gia công tác tư vấn, tham vấn tâm lý với những hành vi, cử chỉ, cảm xúc của thân chủ.
Nhìn chung, trên thế giới có nhiều nghiên cứu về các kỹ năng TVTL, nghiên cứu cả về lý thuyết lẫn thực nghiệm, hoặc kết hợp cả hai lĩnh vực này.
Qua những kết quả nghiên cứu đó đã giúp rất nhiều cho người làm công tác TVTL hiểu biết thêm sâu sắc về kỹ năng, cũng như tìm hiểu những phương pháp đó, sử dụng một cách phù hợp trong từng tình huống tư vấn cụ thể. Với đề tài này, tác giả chỉ xem xét đến góc độ sử dụng các kỹ năng tương tác, giao tiếp trong hoạt động tư vấn tâm lý để đánh giá mức độ lắng nghe và mức độ phản hồi của người làm công tác TVTL ở trường THPT thông qua việc xây dựng bảng hỏi.
Các công trình nghiên cứu trong nước
Các nghiên cứu về tư vấn tâm lý ở trường THPT tại Việt Nam.
Trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam, chương trình khải đạo trường học đã được triển khai trong các trường học. Sau năm 1975 đã không còn tồn tại trong các trường học với đúng nghĩa của nó. Theo yêu cầu của Bộ Lao động thương binh và xã hội ông Phạm Ngọc Luận và cộng sự đã tìm kiếm, vận dụng 12 bộ họa đồ nghề và tư vấn cho trên 30 thương binh.
Những năm 1977- 1980 công tác hướng nghiệp được tổ chức thí điểm ở một số trường phổ thông tại một số địa phương. Khoảng thời gian 1981-1986 Ban Giáo dục Hướng nghiệp Bộ Giáo dục tổ chức biên soạn tài liệu sinh hoạt hướng nghiệp cho học sinh PTCS và PTTH. Từ năm 1987- 1990 công tác hướng nghiệp tạm thời dừng lại do Ban Giáo dục Hướng nghiệp sáp nhập vào vụ Giáo dục phổ thông. Vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, tâm lý trường học tiếp tục được triển khai, nghiên cứu nhiều vấn đề mới. Nổi bật là việc triển khai dự án quốc tế về “Giáo dục dân số và đời sống gia đình”
(VIE/88/P09) dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Đức Minh và cộng sự. Đây là công trình hợp tác quốc tế quy mô của Viện KHGD trong lĩnh vực tâm lý học trường học. Từ đây, chương trình giáo dục giới tính và đời sống gia đình được soạn thảo và đưa vào trường học. Từ đó, vấn đề tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong nhà trường bắt đầu được quan tâm và có nhiều đề tài nghiên cứu về lứa tuổi, về đặc điểm tâm sinh lý học sinh.