Cơ sở của việc đề xuất biện pháp nhằm nâng cao kỹ năng lắng nghe và phản hồi của người làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh

Một phần của tài liệu Kỹ năng lắng nghe và phản hồi của người làm công tác tư vấn cho học sinh trung học phổ thông tại thành phố mỹ tho (Trang 152 - 158)

Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ KỸ NĂNG LẮNG NGHE VÀ KỸ NĂNG PHẢN HỒI CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC TƯ VẤN TÂM LÝ CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

2.3. Các biện pháp nhằm nâng cao kỹ năng lắng nghe và phản hồi của người làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trung học phổ thông tại Thành phố Mỹ Tho

2.3.1. Cơ sở của việc đề xuất biện pháp nhằm nâng cao kỹ năng lắng nghe và phản hồi của người làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh

Để đưa ra một số biện pháp tác động nhằm nâng cao KNLN và KNPH của người làm công tác TVTL cho HS THPT tác giả dựa trên một số cơ sở sau:

* Cơ sở lý luận:

Kỹ năng lắng nghe và kỹ năng phản hồi luôn tương tác qua lại và gắn bó chặt chẽ với các kỹ năng tư vấn tâm lý khác. Do vậy, người làm công tác TVTL phải phát triển và nâng cao hai kỹ năng lắng nghe và phản hồi cùng với các kỹ năng khác trong quá trình TVTL của mình.

Kỹ năng lắng nghe và phản hồi được hình thành từ ba mặt nhận thức, thái độ và hành vi. Cho nên, muốn nâng cao kỹ năng thì phải nâng cao về nhận thức, hình thành cảm xúc tích cực và rèn luyện các thao tác hành động của các kỹ năng tư vấn tâm lý.

Có các yếu tố ảnh hưởng đến việc đến kỹ năng lắng nghe và phản hồi của người làm công tác TVTL cho học sinh ở thành phố Mỹ Tho, vì thế chúng ta phải tác động đến các yếu tố chủ quan lẫn khách quan này.

* Cơ sở pháp lý:

Căn cứ thông tư số 20/2018/TT_ BGDĐT ngày 20/8/2020 của Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành qui định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Căn cứ thông tư số 16/2017/TT_ BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ giáo dục đào tạo hướng dẫn danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Căn cứ thông tư số 31/2017/TT_BGDĐT ngày 18/12/2017 của Bộ giáo dục và đào tạo hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.

Căn cứ Điều 29- Luật giáo dục năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020) về mục tiêu của giáo dục phổ thông. Cụ thể về mục tiêu GD THPT:

“GD THPT nhằm trang bị kiến thức công dân; đảm bảo cho học sinh củng cố, phát triển kết quả của giáo dục THCS, hoàn thiện học vấn phổ thông và có hiểu biết thông thường về kỹ thuật, hướng nghiệp; có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.

* Cơ sở thực tiễn:

Dựa trên kết quả khảo sát thực trạng KNLN và PH cho HS THPT tại các trường tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho thấy trong một vài biểu hiện về mặt nhận thức, thái độ và hành động của kỹ năng lắng nghe và phản hồi của người làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh còn hạn chế. Cũng như qua kết quả đo nghiệm thông qua tình huống thực tế cho thấy mức độ đạt được kỹ năng lắng nghe và phản hồi thấp so với tự đánh giá của người làm công tác TVTL cho học sinh các trường THPT ở thành phố Mỹ Tho.

Do vậy cần có những biện pháp tác động hiệu quả nhằm giúp người làm công tác TVTL nâng cao tri thức, kỹ năng, tăng cường huấn luyện, thực tập, thực hành thường xuyên KNLN và PH trong công tác TVTL.

2.3.2. Một số biện pháp nhằm nâng cao kỹ năng lắng nghe và phản hồi của người làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trung học phổ thông

* Tăng cường tri thức, kỹ năng thực hành kỹ năng lắng nghe và phản hồi của người làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trung học phổ thông

+ Mục đích:

Giúp người làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh THPT được trang bị hệ thống kiến thức, tri thức liên quan đến kỹ năng tư vấn tâm lý nói chung, kỹ năng lắng nghe và phản hồi nói riêng một cách đầy đủ, chính xác. Từ đó họ có sơ sở để rèn luyện kỹ năng này qua việc thực hành các bài tập tình huống trong công tác tư vấn tâm lý, tích lũy thêm vốn kinh nghiệm thực tế cho bản thân.

+ Nội dung:

- Ban giám hiệu nhà trường trang bị tài liệu chuyên môn để người làm công tác TVTL nghiên cứu và tham khảo.

- Bắt buộc người làm công tác TVTL phải có chứng chỉ bồi dưỡng năng lực tư vấn tâm lý cho giáo viên phổ thông làm công tác TVTL cho học sinh.

- Mời báo cáo viên là chuyên gia tâm lý về trường tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề để người làm công tác TVTL được cập nhật kiến thức, được xử lý các tình huống giả định do chuyên gia đặt ra và hướng dẫn.

+ Cách thực hiện:

- Hàng năm, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo cho bộ phận thư viện kết hợp với người làm công tác TVTL cập nhật các tài liệu liên quan để phục vụ cho việc nghiên cứu phục vụ cho công tác TVTL.

- Trong tuần sinh hoạt chuyên môn đầu năm học, Ban Giám hiệu các trường THPT trong thành phố Mỹ Tho kết hợp mời chuyên gia về báo cáo để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho người làm công tác TVTL (vì số lượng người làm công tác TVTL của mỗi trường ít nên các trường kết hợp lại mời chuyên gia tư vấn thì hiệu quả hơn).

* Tăng cường cơ sở vật chất và tạo điều kiện hỗ trợ công việc cho người làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trung học phổ thông

+Mục đích:

Tạo cơ sở vật chất và trang thiết bị hỗ trợ phục vụ tốt và đầy đủ giúp người làm công tác TVTL cho học sinh THPT có nguồn thông tin, nguồn tham khảo quí báu trong và từ đó sẽ đạt kết quả cao trong công tác TVTL. Có được sự động viên và những chính sách hỗ trợ từ cấp trên giúp người làm công tác TVTL cảm thấy luôn được quan tâm, thấu hiểu, họ sẽ có thêm động lực, hứng thú trong công việc, say mê, hăng hái tích cực với công tác TVTL.

+ Nội dung:

- Động viên và đề cử người có đủ phẩm chất và năng lực đi học thêm các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ với các chuyên gia tâm lý.

- Hiện tại nếu trường nào chưa có giáo viên chuyên trách thì trước mắt nên sử dụng giáo viên kiêm nhiệm công tác TVTL để tối ưu hóa nguồn nhân lực.

- Về lâu dài tuyển dụng người tư vấn tâm lý bài bản, có trình độ, đúng chuyên môn nghiệp vụ để công tác TVTL đi vào chiều sâu và hiệu quả.

- Tăng định mức về số tiết kiêm nhiệm cho người làm công tác TVTL để có nhiều thời gian cho công tác TVTL.

- Bố trí một phòng làm việc riêng cho người làm công tác TVTL với đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác TVTL.

- Ban giám hiệu nhà trường nên xem công tác TVTL là một hoạt động giáo dục thiết yếu trong nhà trường nhằm nâng cao giáo dục toàn diện cho học sinh.

+ Cách thực hiện:

- Hầu hết các trường THPT chưa có biên chế chính thức cho người làm công tác TVTL, hầu hết các trường đều sử dụng giáo viên kiêm nhiệm. Để nâng cao hiệu quả công tác TVTL, Ban Giám hiệu nhà trường nên chọn những giáo viên có khả năng (ưu tiên cho giáo viện Giáo dục công dân) để đưa đi bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ TVTL chứ không đưa những giáo viên thiếu giờ làm công tác TVTL.

- Hiện nay số tiết kiêm nhiệm của giáo viên làm công tác chủ nhiệm là 4 tiết/tuần. Hầu hết các trường đều chỉ sử dụng 2 đến 3 tiết cho công tác chủ nhiệm, các tiết còn lại đều bố trí cho bộ phận học vụ (hoặc giáo vụ) để làm công tác quản sinh. Bên cạnh đó mỗi tuần có 0,5 tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp, định hướng nghề nghiệp (hầu hết các trường bố trí cho giáo viên chủ nhiệm sinh hoạt 2 tiết/tháng), một số trường xây dựng một tổ các giáo viên có đủ khả năng để thực hiện công tác này mà không giao cho giáo viên chủ nhiệm (việc này hiệu quả hơn rất nhiều). Chính vì vậy, Ban Giám hiệu nhà trường cũng phải quan tâm đến việc tăng số tiết kiêm nhiệm cho người làm công tác TVTL (bằng cách sử dụng các tiết trên) để họ có thời gian nghiên cứu và nâng cao hiệu quả công việc.

- Bố trí một phòng làm việc riêng cho người làm công tác TVTL, với cách bố trí phòng có không gian ấm áp, phòng phải yên tĩnh, không có tiếng ồn áo, không quá nóng, không quá lạnh, đèn sáng vừa phải, ánh sáng dễ chịu, tạo không khí thoải mái, trang trí ấm áp... nhằm phục vụ cho việc tư vấn trực tiếp với học sinh tại văn phòng. Phòng tư vấn tâm lý phải đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận và phù hợp để tổ chức hoạt động tư vấn, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu cần thiết để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tư vấn tâm lý, cung cấp tài liệu chuyên ngành, sách, báo, các nguồn sáng kiến kinh nghiệm phục vụ cho công tác TVTL cho học sinh..

* Tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng giáo dục để phát triển công tác tư vấn tâm lý học đường nói chung và kỹ năng lắng nghe và phản hồi nói riêng

+ Mục đích:

Với sự phối hợp chặt chẽ của người làm công tác TVTL với các lực lượng giáo dục nhằm cùng nhau, giúp nhau phát hiện, phòng ngừa và can thiệp sớm cho học sinh trong nhận thức, trong hành vi, trong cảm xúc ở môi trường học đường, gia đình và cộng đồng.

+ Nội dung:

- Có sự phối hợp của đồng nghiệp, của Đoàn thanh niên với người làm công tác TVTL cho học sinh THPT.

- Có sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh học sinh với người làm công tác TVTL cho học sinh THPT.

- Trong thành phần Ban tư vấn tâm lý của nhà trường nên có đại điện của học sinh các khối lớp để làm cánh tay nối dài của người làm công tác TVTL trong việc thu thập thông tin trong học sinh để có những tư vấn kịp thời.

+ Cách thực hiện:

- Đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường ra quyết định thành lập tổ TVTL gồm Ban Giám hiệu, giáo viên kiêm nhiệm công tác TVTL, Đoàn thanh niên, học sinh đại diện cho các khối (mỗi khối có từ 2 đến 3 học sinh) và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong đó người làm công tác TVTL giữ vai trò chủ yếu. Trong cuộc họp đầu năm học với Ban đại diện cha mẹ học sinh, Ban Giám hiệu cũng thông tin đến phụ huynh về nhiệm vụ của tổ TVTL và mời phụ huynh sẽ tham gia khi cần thiết.

- Luôn có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa người làm công tác TVTL với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, Đoàn thanh niên nhà trường, cha mẹ HS tổ chức các hoạt động TVTL, trong việc thông tin và xử lý những biểu hiện tâm lý của các em bằng nhiều hình thức khác nhau như gặp trực tiếp, qua điện thoại, qua mail...

Một phần của tài liệu Kỹ năng lắng nghe và phản hồi của người làm công tác tư vấn cho học sinh trung học phổ thông tại thành phố mỹ tho (Trang 152 - 158)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(211 trang)