Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ KỸ NĂNG LẮNG NGHE VÀ KỸ NĂNG PHẢN HỒI CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC TƯ VẤN TÂM LÝ CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng lắng nghe, kỹ năng phản hồi của người làm công tác TVTL cho học sinh THPT
Kỹ năng lắng nghe, kỹ năng phản hồi của người làm công tác TVTL chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan khác nhau.
Trong phạm vi đề tài, tác giả tập trung vào hai nhóm yếu tố chính. Nhóm yếu tố chủ quan như đặc điểm tính cách, khí chất của cá nhân; tính tích cực, sự chủ động của người làm công tác TVTL đối với hoạt động TVTL; kỹ thuật và năng lực của người làm công tác TVTL và sự trải nghiệm những tình huống thực tế của người làm công tác TVTL. Nhóm yếu tố khách quan như chương trình tập huấn kiến thức, kỹ năng tư vấn học đường; sự hợp tác của học sinh được TVTL, của học sinh trong trường; sự hợp tác của đồng nghiệp, của Đoàn thanh niên và cha mẹ HS được TVTL; sự chỉ đạo và tạo điều kiện của ban giám hiệu nhà trường; sự hợp tác của địa phương và các chính sách ưu tiên, hỗ trợ đối với người làm công tác TVTL.
Nhóm yếu tố chủ quan
Tính cách, khí chất của người làm công tác Tư vấn tâm lý
Bản thân người làm công tác TVTL cho HS cần có những nét tính cách phù hợp với nghề nghiệp. Tính cách là hệ thống thuộc tính tâm lý phức hợp của cá nhân bao gồm một hệ thống thái độ của nó đối với hiện thực, thể hiện trong hệ thống hành vi, cử chỉ, cách nói năng tương ứng. Là người làm công tác TVTL cho HS điều thiết yếu là phải yêu thương HS, phải tôn trọng, đồng
cảm, thấu hiểu các em. Hành vi, cử chỉ, lời nói trong quá trình giao tiếp, tiếp xúc, tư vấn phải đúng mực, phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp.
Khí chất của người làm công tác TVTL cũng ảnh hưởng đến kỹ năng lắng nghe và phản hồi trong TVTL. Khí chất là thuộc tính tâm lý phức hợp của cá nhân, biểu hiện cường độ, tốc độ, nhịp độ của các hoạt động tâm lý, thể hiện sắc thái hành vi, cử chỉ, cách nói năng của cá nhân. Có những kiểu khí chất như: hăng hái, bình thản, nóng nảy, ưu tư. Người làm công tác TVTL cần nhận ra mình có loại khí chất nào và các ưu, nhược điểm của loại khí chất đó sẽ giúp cá nhân phát huy thế mạnh và điều chỉnh các hạn chế khí chất của mình. Từ đó, giúp cho người làm công tác TVTL ứng xử, hành vi, cử chỉ, lời nói phù hợp với tình huống, nâng cao kỹ năng lắng nghe và phản hồi.
Tính tích cực, sự chủ động của người làm công tác TVTL đối với hoạt động tư vấn tâm lý
Tính tích cực được thể hiện ở sự say mê, hứng thú, hài lòng, thỏa mãn với công việc tư vấn tâm lý. Đó chính là một yếu tố có mối quan hệ chặt chẽ đến hiệu quả tư vấn tâm lý của người làm công tác TVTL. Đã có nhiều tác giả nêu ra mối tương quan giữa sự yêu thích công việc với kết quả của hoạt động TVTL đó. Như các tác giả Weit (1957), Stefflreking, Leafgreb, Snyder (1961) đã cho rằng khi một người nào đó yêu thích và thực sự nhiệt huyết trong hoạt động trợ giúp thì họ sẽ quý trọng con người, cũng như họ say mê với công việc giúp đỡ.
Tác giả E. D. Neukrug (1999) thì cho rằng từ sự yêu thích công việc thì khi thực hiện công việc đó mới có kết quả tốt. Thái độ yêu thích, sự say mê tạo ra động lực để người làm công tác TVTV cố gắng, nhiệt tình, hăng hái tham gia một cách tích cực, hữu ích trong hoạt động TVTL của mình.
Tính tích cực của người làm công tác TVTL được thể hiện:
+ Nhận thức kỹ năng lắng nghe, kỹ năng phản hồi thật sự quan trọng và cần thiết.
+ Tính cực tìm kiếm thông tin về kỹ năng lắng nghe và kỹ năng phản hồi cho học sinh THPT.
+ Tính sẵn sàng tư vấn cho học sinh THPT khi họ gặp những khó khăn trong học tập, cảm xúc, cuộc sống...
+ Cung cấp các gợi ý để nâng cao hiệu quả TVTL.
Không phải HS nào cũng hăng hái, có thiện chí, cộng tác, giao tiếp với người làm công tác TVTL. Có nhiều HS rất thụ động, đắn đo, lưỡng lự trong việc cộng tác với người làm công tác TVTL. Vì thế người làm công tác TVTL phải có thái độ tích cực, chủ động giao tiếp, khuyến khích, thuyết phục trong quá trình giao tiếp HS. Luôn giữ thái độ thông cảm, chấp nhận, bình tĩnh, khéo léo thuyết phục, thành thật. Để thuyết phục HS giải bày, người làm công tác TVTL tránh những lời nói khiêu khích, hoặc có ý xem nhẹ HS, thẳng thắn nêu lên sự cần thiết của người làm công tác TVTL trong điều kiện của HS.
Người làm công tác TVTL cần có sự học hỏi và cầu tiến. Để có kỹ năng, quan trọng là cá nhân phải có một quá trình rèn luyện, tích cực học tập và rèn luyện kỹ năng đó. Bản thân tự ý thức tham gia các lớp bồi dưỡng thường xuyên, các buổi tập huấn về tư vấn học đường để cập nhật, nâng cao kiến thức.
Kỹ thuật và năng lực của người làm công tác TVTL
Trong bất cứ hoạt động nào của con người, để thực hiện có kết quả, con người cần phải có một số phẩm chất tâm lý cần thiết và tổ hợp những phẩm chất này được gọi là năng lực. Năng lực của con người luôn gắn liền với hoạt động của chính họ. Mỗi một hoạt động khác nhau, với tính chất và mức độ khác nhau đòi hỏi ở cá nhân có những thuộc tính tâm lý (điều kiện cho hoạt động có hiệu quả) nhất định phù hợp với nó. Năng lực là sự tổng hợp những thuộc tính của cá nhân con người, đáp ứng những yêu cầu của hoạt động và đảm bảo cho hoạt động đạt được những kết quả cao. Theo các nhà tâm lý học, mỗi người lao động cần có 4 năng lực cơ bản:
+ Năng lực nhận thức như sự chú ý, tài quan sát, trí tưởng tượng, khả năng tư duy…
+ Năng lực thao tác thực tiễn như năng lực thao tác máy móc, năng lực vận động, năng lực phối hợp tay chân.
+ Năng lực giao tiếp, năng lực biểu đạt...
+ Năng lực tổ chức quản lý.
Với người làm công tác TVTL, đây là hoạt động giao tiếp trí tuệ, giao tiếp với con người nên đòi hỏi có những phẩm chất như: sự nhạy cảm, óc quan sát, có óc phán đoán, ứng xử kịp thời, có tính quyết đoán, thất bại không nản, sự kiên trì, kiên nhẫn, làm việc có phương pháp, điều độ…Về năng lực tương ứng cần có như năng lực tư duy (phân tích, tổng hợp, suy đoán), có óc quan sát, có năng lực tập trung chú ý, trí nhớ tốt.
Theo nghiên cứu của Đào Thị Oanh cấu trúc tâm lý của năng lực gồm 3 nhóm yếu tố: Hệ thống kiến thức, hệ thống kỹ năng và hệ thống thái độ.
Người làm công tác TVTL cần có năng lực quản lý cảm xúc, phải biết giữ bình tĩnh cần thiết, phải kìm chế những cơn tức giận khi HS mang đến trong quá trình TVTL. Phải luôn đồng cảm, thấu hiểu, tin tưởng, chân thành, tôn trọng HS. Ngoài ra, người làm công tác TVTL phải vững vàng, không bị cuốn vào câu chuyện,vấn đề của HS, bị xâm nhập kí ức, hay xúc động quá mức, dễ động lòng, dễ tổn thương tình cảm, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng,kết quả tư vấn tâm lý.
Ấn tượng ban đầu, thiện cảm của HS cũng là một nhân tố tích cực trong chất lượng tư vấn. Cần nỗ lực để tạo ra một ấn tượng tốt nhất đối với HS.
Cách chào đón chủ động của người làm công tác TVTL được thể hiện qua nụ cười thông cảm, một cái bắt tay thân thiết, một câu chào lịch sự, tôn trọng, chân thành, ánh mắt quan tâm, cái gật đầu đúng lúc, cần thiết sẽ tạo nên một ấn tượng khó quên trong lòng HS. Khi các em có thiện cảm với người làm công tác TVTL, mức độ tham gia vào quá trình tư vấn sẽ trở nên tích cực,
năng động hơn. Tư cách và ngoại diện của người làm công tác TVTL rất quan trọng trong việc thiết kế một ấn tượng ban đầu tốt nhất. Trang phục, tác phong thể hiện được cá tính và phong cách làm việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thiết lập mối quan hệ giao tiếp với HS.
Theo Strong (1968) : tạo mọi điều kiện cho HS tự do phát biểu trong lần gặp gỡ. Nếu HS cảm thấy thoải mái, thể hiện các em đã yên tâm và tín nhiệm người làm công tác TVTL. Từ đó mối quan hệ giữa hai bên trở nên thiện cảm và thuận lợi hơn. Có 3 yếu tố quan trọng khi người làm công tác TVTL tiếp xúc với HS:
+ Tính chuyên nghiệp: tự tin với phong thái khoan thai, điềm tĩnh, phòng thiết kế trang nhã, lịch sự.
+ Sự thu hút: ăn nói nhã nhặn, lịch sự, đúng đắn, tôn trọng, cởi mở.
+Tạo niềm tin: không vồ vập, bỗ bã, duy trì trung dung, không chê bai, không soi mói, chất vấn, hạch sách quá đáng.
Sự trải nghiệm thực tế của người làm công tác tư vấn tâm lý
Kinh nghiệm của người làm công tác TVTL là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong hoạt động TVTL. Nhờ vào kinh nghiệm trong công việc tư vấn mà người làm công tác TVTL có thể ứng xử linh hoạt vào các tình huống tư vấn tâm lý. Người có sự trải nghiệm những tình huống thực tế trong hoạt động TVTL thường sử dụng kỹ năng TVTL thuần thục, linh hoạt và khéo léo hơn.
Qua quá trình trải nghiệm, gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ nhiều tình huống, nhiều vấn đề, nhiều câu chuyện của HS, họ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, bài học cho mình. Thực tế cho thấy, những người có kinh nghiệm trong nghề thường có các kỹ năng hành nghề thành thục và linh hoạt hơn. Chính sự trải nghiệm thực tế, thực tiễn trong công việc mang lại cho con người những bài học quý giá mà đôi lúc sách vở không cung cấp được. Các tác giả Wicas, C. Rogers (1962), Mahan (1996) cũng khẳng định những người càng có vốn kinh nghiệm về tư vấn thì họ càng có khả năng chân thành và thấu hiểu.
Nhóm yếu tố khách quan
Chương trình tập huấn kiến thức, kỹ năng tư vấn tâm lý học đường.
Tư vấn tâm lý là một hoạt động liên quan đến con người, gắn liền với cuộc sống nên luôn có xu hướng thay đổi theo thời đại. Người làm công tác TVTL phải thường xuyên cập nhật kiến thức, liên tục nhằm đáp ứng cho hoạt động tư vấn trong thực tiễn. Họ phải thường xuyên tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công tác TVTL cho học sinh. Các báo cáo viên là các chuyên gia tâm lý, các nhà khoa học về giáo dục, nhân viên trung tâm tư vấn tâm lý chuyên nghiệp nhằm bồi dưỡng cho những người làm công tác TVTL cho HS THPT về kiến thức, kỹ năng, thái độ đúng đắn, cần thiết để thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường. Qua đó sẽ giúp rất nhiều cho người làm công tác TVTL, giúp họ có cơ hội được học tập, rèn luyện, dần nâng cao tay nghề, nâng cao kỹ năng TVTL.
Theo Y. Anthony (1993): các nội dung trong tập huấn, bồi dưỡng cần đảm bảo các phương pháp học và thực hành như sắm vai, quan sát trực tiếp, sử dụng bằng hình ảnh, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong nhóm.
Sự hợp tác của học sinh được tham gia tư vấn tâm lý, học sinh trong trường.
Đối với học sinh được TVTL, lưu ý chúng ta phải đảm bảo quyền được tham gia tư vấn tự nguyện, tự chủ, tự quyết định và người làm công tác TVTL phải bảo mật thông tin cho các em theo quy định của pháp luật.
Thành công trong quá trình tư vấn phần lớn dựa vào sự cộng tác từ hai phía giữa người làm công tác TVTL và HS. Cả hai phải hòa hợp và cố gắng, phải là quan hệ bình đẳng hai chiều khi đã thiết lập một quan hệ. Là một quan hệ có tổ chức, có tinh thần tôn trọng, có tính trung thực xuất phát từ cả hai phía. Người làm công tác TVTL thật sự muốn giúp HS và tận tâm với trách nhiệm, đáp lại tinh thần trách nhiệm đó, HS cũng thật sự đóng góp vào quá trình tư vấn một cách tích cực và thiết thực. Sau đó là bồi dưỡng và phát triển
để mối quan hệ ấy ngày càng phát triển và bền vững. Người làm công tác TVTL phải năng động trong việc giúp HS thay đổi. Sau khi đã có niềm tin và sự tự nguyện chia sẻ vấn đề của bản thân HS thì người làm công tác TVTL cần giúp các em có cái nhìn mới về đời sống, lối tư duy mới, cách suy nghĩ mới, cảm xúc mới. Từ đó dẫn đến hành vi mới đúng đắn, lành mạnh, tích cực cho bản thân.
Có một số học sinh chưa nắm được những đặc trưng riêng của công tác TVTL, của công tác trợ giúp tâm lý nên dù các em có nhu cầu muốn được lắng nghe ý kiến của người làm công tác TVTL nhưng vẫn ngần ngại trao đổi và chia sẻ. Ngoài ra trong nhà trường, ngoài các giáo viên làm công tác TVTL, còn có sự tham gia của các HS là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn thanh niên, các HS này hỗ trợ người làm công tác TVTL trong việc phát hiện các HS cần được TVTL và thu thập, cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho công tác TVTL.
Sự phối hợp của đồng nghiệp, của Đoàn thanh niên và của gia đình học sinh được TVTL
Việc tham gia TVTL cho HS phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong nhà trường như giáo viên kiêm nhiệm TVTL, cán bộ Đoàn thanh niên, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm và cả sự tham gia của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của HS.
Trong công tác TVTL tại trường THPT hàng năm, nhà trường xây dựng các chuyên đề về TVTL, có thể đó bài giảng riêng, hay lồng ghép vào các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt Đòan thanh niên. Hay tổ chức dạy học tích hợp các nội dung TVTL cho HS trong các môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Ngoài ra còn tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, diễn đàn, tọa đàm về các chủ đề liên quan nội dung cần tư vấn cho HS... Với những nội dung thiết thực trong công tác TVTL cho HS trường THPT phải thường
xuyên có sự phối hợp của các giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm và Đoàn thanh niên. Song song đó, Đòan thanh niên cũng có những chương trình, câu lạc bộ, tổ chức tập huấn, sinh hoạt các chuyên đề rèn luyện các kỹ năng sống cho HS, cho đoàn viên nhà trường.
Với cha mẹ HS, người làm công tác TVTL thường xuyên trao đổi thông tin về HS, gia đình HS sẽ cung cấp thêm các thông tin về các em.
Người làm công tác TVTL sẽ giúp cha mẹ HS nâng cao nhận thức về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, sự ảnh hưởng, tác động của những thay đổi đó trong HS. Cả người làm công tác TVTL, cả cha mẹ HS phải thường xuyên quan tâm, phát hiện và cùng đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp đối với những biểu hiện bất thường của HS, tác động đến HS, giúp các em vượt qua những khó khăn trong tâm lý, trong cuộc sống.
Sự chỉ đạo và tạo điều kiện của ban giám hiệu nhà trường trong công tác TVTL.
Ban giám hiệu nhà trường, cụ thể là hiệu trưởng có trách nhiệm thành lập tổ tư vấn hỗ trợ học sinh của nhà trường. Qui định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp, chỉ đạo và xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động TVTL cho HS. Việc chỉ đạo, định hướng rõ ràng rất cần thiết để người làm công tác TVTL thực hiện công việc phù hợp và có hiệu quả.
Phòng làm việc và cơ sở vật chất, thư viện nhà trường có nguồn tài liệu cho hoạt động TVTL. Là trung tâm tư vấn hoặc địa điểm tư vấn, nơi phần lớn mọi hoạt động tư vấn diễn ra (phòng ốc, ánh sáng, nhiệt độ…). Tư vấn có thể diễn ra ở hầu hết bất cứ địa điểm nào được thỏa thuận. Tuy nhiên ban giám hiệu nhà trường cũng nên sắp xếp cho người làm công tác TVTL có một phòng làm việc riêng, đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, dể tiếp cận và phù hợp để tổ chức hoạt động tư vấn và trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu cần thiết để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tư vấn.