Kỹ năng tư vấn tâm lý

Một phần của tài liệu Kỹ năng lắng nghe và phản hồi của người làm công tác tư vấn cho học sinh trung học phổ thông tại thành phố mỹ tho (Trang 49 - 53)

Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ KỸ NĂNG LẮNG NGHE VÀ KỸ NĂNG PHẢN HỒI CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC TƯ VẤN TÂM LÝ CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

1.2. Một số khái niệm cơ bản

1.2.2. Kỹ năng tư vấn tâm lý

Tư vấn tâm lý

Hiện tại thuật ngữ Tư vấn tâm lý chưa thống nhất và còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau.

Trong từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (2004) cho rằng: “Tư vấn tâm lý là góp ý về một vấn đề được hỏi nhưng không có quyền quyết định”.

Theo Hiệp hội nhân viên và người quản lý của Hoa Kỳ thì tư vấn tâm lý là một tập hợp các thủ tục nhằm giúp một người giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định về nghề nghiệp, hôn nhân, gia đình, phát triển cá nhân và các mối quan hệ giữa các cá nhân”.

Trong từ điển tiếng Anh, tư vấn tâm lý là “consultation” là quá trình tham khảo lời khuyên hay trao đổi thông tin, ý kiến để đi đến một quyết định.

Ghi rằng: “Tư vấn tâm lý là một mối quan hệ trong đó một người cố gắng giúp người khác hiểu biết và giải quyết vấn đề cần được điều chỉnh của mình.

Lĩnh vực tư vấn tâm lý cần được điều chỉnh thường là tư vấn giáo dục, tư vấn tâm lý xã hội…”

Trong từ điển Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) “consultation” là việc sử dụng kỹ năng, kinh nghiệm và chuyên môn tư vấn cho cá nhân, nhóm hoặc tổ chức”.

Các định nghĩa từ những từ điển trên đều gắn liền với hoạt động tìm kiếm giải pháp về vấn đề cần giải quyết, cũng như đưa ra mô hình tư vấn tâm lý, cách tìm kiếm giải pháp, đưa ra những hành động cần thực hiện trong tương lai.

Khi nghiên cứu TVTL có hai hướng chính:

+ TVTL là hoạt động trợ giúp, tìm hiểu giải pháp

Các tác giả Micheal Argyle (1975), C. Zastrow (1985), G. Egan (1994) đã nhận định TVTL là hướng tới việc giúp đỡ đối tượng khám phá vấn đề, thu thập và xử lý thông tin để lên kế hoạch thực hiện hành động. Theo N. Burks và W. Steffire (1979) TVTL là thái độ chuyên nghiệp của một tư vấn viên sử dụng kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng của bản thân để hỗ trợ, trợ giúp tâm lý.

TVTL là hoạt động hỗ trợ khách hàng giải quyết vấn đề của họ. Người làm công tác TVTL là người đưa ra những lời khuyên, gợi ý cho thân chủ giải quyết vấn đề. Người tư vấn như là một chuyên gia với đầy đủ sự hiểu biết và năng lực sẽ cung cấp cho thân chủ cách thức giải quyết vấn đề. Họ như là một chuyên gia, hỗ trợ và quyết định thay cho khách hàng.

+ TVTL là hình thức trợ giúp tâm lý, nhấn mạnh đến quá trình can thiêp tâm lý.

Theo trường phái tư vấn thân chủ trọng tâm của Carl Rogers, TVTL là một tiến trình tương tác giữa tư vấn tâm lý (chuyên viên) và thân chủ (khách hàng) trong mối “tương giao lành mạnh”, có mục đích soi sáng vấn đề, tìm kiếm các nguồn lực, khai phá các tiềm năng, từ trong tâm thức sâu xa của thân chủ đến môi trường gia đình xã hội, hỗ trợ thân chủ tự quyết, đối đầu với thực tế, giải quyết vấn đề của riêng mình.

Theo Moore (1961): công việc của tư vấn viên là giúp thân chủ kiểm tra và phân tích vấn đề riêng của mình, tìm kiếm, lượng giá và tổ chức các tư liệu thích đáng trong quá trình chiêm nghiệm về vấn đề đó. Yếu tố quan trọng trong tư vấn tâm lý trước tiên là sự tự nhận thức của thân chủ, để tiến hành chọn một quyết định hành động.

Theo Hiệp hội tư vấn Tâm lý Mỹ: “TVTL là một cuộc tiếp xúc mang tính chuyên môn giữa một tư vấn viên được đào tạo, một đối tượng tư vấn (thân chủ), cuộc tiếp xúc đó thường là giữa hai người mặt đối mặt, hoặc đôi khi nhiều hơn, nhằm giúp đối tượng hiểu biết và làm sáng tỏ quan điểm cuộc sống, có thể tiến hành chọn lựa vấn đề một cách có ý nghĩa, đầy đủ thông tin,

hòa hợp với bản chất chủ yếu trong lĩnh vực mà người đó có khả năng”.

TVTL là một tiến trình vấn đàm tương tác có giới hạn thời gian, giữa một bên là thân chủ (khách hàng) với một bên là tư vấn viên biết lắng nghe tích cực, giỏi truyền thông, khích lệ, khơi dậy một cách chuyên nghiệp cho thân chủ thấy rõ vấn đề. Từ đó thân chủ thấy cần thay đổi bản thân cho phù hợp và bàn với tư vấn viên kế hoạch thực hiện cụ thể.

Quan niệm của Tyler: “TVTL là một hoạt động giúp đỡ về mặt tâm lý, tập trung làm rõ ý nghĩa về cái tôi đang nổi lên, quyết tâm tìm cách chọn lựa hành xử và cam kết theo đuổi nó”. Theo N. J. Richard (2003): “TVTL chính là giúp đối tượng hiểu họ và vấn đề của chính họ bằng cách giúp đỡ đối tượng thay đổi suy nghĩ về vấn đề họ đang gặp phải”.

Tác giả Trần Thị Minh Đức trên tập chí Tâm lý học số7/ 2002, trong bài viết “Bàn về hiệu quả tư vấn trên báo”: “TLTV là một quá trình tương tác giữa nhà tư vấn (người có chuyên môn và kỹ năng tư vấn, có các phẩm chất đạo đức của nghề) với khách hàng hay còn gọi là thân chủ (người đang có khó khăn về tâm lý cần được giúp đỡ). Thông qua sự trao đổi, chia sẻ tâm tình (dựa trên mối quan hệ mang tính nghề nghiệp), nhà tư vấn giúp khách hàng hiểu và chấp nhận thực tế của mình, tìm những tiềm năng bản thân để giải quyết vấn đề của chính mình”. Bản chất của TVTL là thông qua quá trình tìm hiểu thông tin của thân chủ, giúp họ tự bản thân đưa ra giải pháp cho vấn đề của họ một cách thích đáng.

Tác giả nhận thấy, trong TVTL cần quan tâm đến những đặc điểm cụ thể sau:

- Mục tiêu của TVTL là cung cấp đầy đủ kiến thức nhằm giúp người được TVTL nhận thức vấn đề của chính mình.

- Người TVTL phải có kiến thức về chuyên môn, về tâm lý, phải có kỹ năng TVTL.

- TVTL là sự trợ giúp tâm lý, qua việc tìm hiểu, khai thác thông tin người TVTL phải cho người được TVTL xác định vấn đề và tự giải quyết vấn đề của cá nhân.

Từ đó đưa ra khái niệm: “TLTV là một quá trình tương tác giữa người TVTL với người được TVTL. Thông qua sự trao đổi, chia sẻ thân tình, người TVTL giúp người được tư vấn hiểu và chấp nhận thực tế của mình, tìm những tiềm năng bản thân để giải quyết vấn đề của chính mình”

Kỹ năng tư vấn tâm lý

Kỹ năng TVTL được xem như một phương pháp, kỹ thuật nhằm giúp đối tượng tư vấn nhận thức và tự giải quyết vấn đề. Một số tác giả cho rằng kỹ năng TVTL thiên về giao tiếp, tương tác. Theo tác giả Argyle (1975) thì kỹ năng TVTL về bản chất tương tự như kỹ năng giao tiếp. Bao gồm kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi, thái độ cởi mở và cách hỏi, làm rõ ý, phản hồi, thấu hiểu để giúp đối tượng chia sẻ, phát hiện, từ đó họ sẽ sử dụng nguồn lực của chính bản thân.

G. Egan (1994) thì nhận định đây là kỹ thuật xác định vấn đề, khám phá giải pháp, trong đó tập trung vào kỹ năng giao tiếp để khích lệ đối tượng chia sẻ về quá khứ, giúp họ đối mặt với hiện tại. Bao gồm các kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thấu hiểu, kỹ năng phản hồi, kỹ năng chú ý, kỹ năng khám phá thế mạnh của bản thân để thay đổi.

Chúng ta không thể xem kỹ năng TVTL như là kỹ năng giao tiếp vì quan điểm trên xem giao tiếp và tư vấn như là một sự đồng nhất, đánh đồng tư vấn, giao tiếp như nhau. Tư vấn tâm lý không được thể hiện tính chuyên môn của nó.

Có một số định nghĩa về kỹ năng TVTL khác với quan điểm trên, các tác giả dựa theo các tiêu chí nhất định.

Y. Anthyony (1993), Taviris. C (2007) cho rằng kỹ năng TVTL là việc thiết lập mối mối quan hệ, trong đó sử dụng các kỹ năng có lời và không lời

(như quan sát, phản hồi, diễn đạt lại…), nhưng chủ yếu tập trung vào việc xây dựng mục tiêu và tìm kiếm giải pháp.

Theo tác giả N. J. Richard (2003) tiêu chí để kết luận người tư vấn có kỹ năng là cuối cùng họ phải giúp thân chủ đạt được kỹ năng giải quyết vấn đề. Từ đó, giúp thân chủ thay đổi suy nghĩ về vấn đề họ gặp phải. Với tác giả, kỹ năng cần thực hiện trong quá trình tư vấn là kỹ năng lắng nghe, kỹ năng hỏi, kỹ năng phản hồi, kỹ năng thấu hiểu. Mục tiêu cuối cùng là thân chủ giải quyết được vấn đề của bản thân.

Từ những quan điểm trên, ta nhận thấy một điểm thống nhất của các tác giả là kỹ năng TVTL nhằm mục đích tạo ra mối quan hệ hợp tác, tăng cường sự nhận thức cho thân chủ, giúp họ tham gia tích cực vào quá trình khám phá giải pháp.

Từ đó tác giả đưa ra khái niệm kỹ năng TVTL: “Kỹ năng TVTL là khả năng người TVTL vận dụng một cách hiệu quả kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn của cá nhân vào hoạt động tư vấn tâm lý thông qua một số các kỹ năng tâm lý cơ bản nhằm giúp người được TVTL tự nhận ra và tìm cách giải quyết được vấn đề của bản thân”.

Một phần của tài liệu Kỹ năng lắng nghe và phản hồi của người làm công tác tư vấn cho học sinh trung học phổ thông tại thành phố mỹ tho (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(211 trang)