Kỹ năng lắng nghe của người làm công tác tư vấn cho học sinh

Một phần của tài liệu Kỹ năng lắng nghe và phản hồi của người làm công tác tư vấn cho học sinh trung học phổ thông tại thành phố mỹ tho (Trang 59 - 66)

Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ KỸ NĂNG LẮNG NGHE VÀ KỸ NĂNG PHẢN HỒI CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC TƯ VẤN TÂM LÝ CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

1.2. Một số khái niệm cơ bản

1.2.5. Kỹ năng lắng nghe của người làm công tác tư vấn cho học sinh

Lắng nghe

Định nghĩa lắng nghe

Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Văn Hành, 2003) “lắng nghe” là tập trung hết sức để thu nhận được âm thanh. Thực tế nghe là để hiểu người khác. Nghe để tiếp nhận thông tin, để xác định phương hướng giao tiếp. Người biết lắng nghe là người biết tôn trọng lời nói, người nói, là người ham hiểu biết, nghe để nói tốt hơn và có cách cư xử hợp lí hơn. Người biết nghe thường là người có kỹ năng lắng nghe. Lắng nghe trong giao tiếp hàng ngày là quá trình im

lặng để thu nhận những thông tin phát ra từ người nói qua cơ quan thính giác (Trần Minh Đức, 2009, tr. 274).

Trong công tác tư vấn tâm lý, nghe không phải là một hoạt động chỉ dùng có tai mà phải sử dụng tất cả các giác quan. Theo Dainow và Bailey, cách miêu tả tốt nhất của sự lắng nghe tích cực là “nghe có kỉ luật”. Đối với C. Rogers lại cho rằng: “lắng nghe có nghĩa là ngừng nói, ngừng suy nghĩ”.

Con người có thể lắng nghe bằng tai, bằng trí tuệ, còn người nhà tham vấn phải lắng nghe bằng cả trái tim. Lắng nghe tích cực là kỹ năng khó luyện, nhưng lại là kỹ năng có tính quyết định đối với hiệu quả tham vấn (Trần Minh Đức, 2009, tr. 275).

E. D. Neukrug diễn tả việc lắng nghe của nhà tham vấn: Trước hết là lắng nghe bằng tai với tất cả khả năng của mình và lắng nghe không phải bằng tai, mà là một trạng thái như một cái ao hồ phẳng lặng. Nó hoàn toàn yên tĩnh và khi ta ném một viên đá xuống đó, nó sẽ tạo nên những gợn sóng nhỏ và biến mất. Tôi nghĩ sự lắng nghe bên trong là sự lắng nghe không phải bằng tai, một trạng thái nơi mà tinh thần hoàn toàn yên tĩnh và khi một câu hỏi xuất hiện trong tâm tưởng, câu trả lời sẽ là một gợn sóng nhỏ (Trần Thị Minh Đức, 2009, tr. 275). Như vậy, trong hoạt động tham vấn tâm lý, tư vấn tâm lý, lắng nghe là đi vào nội tâm của thân chủ, hiểu trong khung cảnh, quan điểm của thân chủ. Lắng nghe cũng là sự tập trung chú ý vào thân chủ, không để bị chi phối bởi những gì xung quanh và trong chính lòng mình. Lắng nghe không chỉ là im lặng bên ngoài mà còn là sự im lặng bên trong.

Tác giả Trần Thị Minh Đức phân tích: Lắng nghe tích cực của nhà tham vấn được thực hiện khi họ nghe thấy bằng cảm quan, khi thân chủ nói là đang có vấn đề, khi vấn đề của thân chủ làm nhà tham vấn không dễ giải mã, khi nhà tham vấn thật sự chấp nhận muốn giúp đỡ thân chủ một cách khách quan, khi nhà tham vấn không bị thúc bách về thời gian, không vội vàng, sẵn

sàng chờ đợi và nhà tham vấn tin là thân chủ có thể tìm ra giải pháp cho bản thân (Trần Thị Minh Đức, 2009, tr. 276).

Cuộc tham vấn chỉ đem lại hiệu quả khi thân chủ cảm nhận được sự quan tâm của nhà tham vấn qua kỹ năng lắng nghe. Sự lắng nghe của nhà tham vấn giúp thân chủ cảm thấy được động viên để tiếp tục chia sẻ. Do đó họ nói nhiều hơn, chia sẻ cảm giác của bản thân nhiều hơn là quá trình trình bày vấn đề của mình. Thân chủ cảm thấy được giải tỏa và giải phóng được mình khỏi sự kiềm chế của người khác. Điều quan trọng của việc lắng nghe trong tham vấn là giúp phát triển mối quan hệ nồng nhiệt và gần gũi giữa nhà tham vấn và thân chủ (Trần Thị Minh Đức, 2009, tr. 278).

Các yếu tố của sự lắng nghe

Katheryn Galdar và David Gelard chỉ ra 6 thành tố chính của sự lắng nghe tích cực. hòa nhập với ngôn ngữ cơ thể của HS; sử dụng câu trả lời tối thiểu; nhấn mạnh; sử dụng phản hồi; lưu ý điều thiếu sót và tóm tắt, tóm lược.

- Hòa nhập với ngôn ngữ cơ thể của thân chủ hay còn gọi là sự đáp ứng không lời: Khi lắng nghe tích cực, nhà tham vấn tự động có những hành vi phi ngôn ngữ phù hợp với tư thế của thân chủ. Đó là đáp ứng phi ngôn ngữ, sự hòa nhập của ngôn ngữ cơ thể với thông tin thân chủ đang chia sẻ, thể hiện sự lắng nghe tích cực của nhà tham vấn. Nhà tham vấn có thể gật đầu, hoặc bày tỏ nét mặt phù hợp với tâm trạng của thân chủ, hay hòa nhịp với tốc độ lời nói, giọng nói và ngay cả trong sự tiếp xúc thích hợp bằng mắt của thân chủ.

- Sử dụng câu trả lời tối thiểu: Khi nhà tham vấn chú ý nghe nhiều hơn nói, thì việc sử dụng câu trả lời tối thiểu tự nó sẽ diễn ra. Điều đó làm cho thân chủ cảm thấy mình đang được chú ý, được quan tâm, được chia sẻ. Vì thế thân chủ sẽ muốn nói nhiều hơn, muốn nói đầy đủ, không bỏ sót để nhà tham vấn thấu hiểu họ.

- Nhấn mạnh: Khi lắng nghe, nhà tham vấn có thể nhấn mạnh điều thân chủ nói bằng cách nhắc lại những từ chốt, hay sử dụng các biểu hiện của hành vi phi ngôn ngữ như gật đầu, dướn mắt, sử dụng cường độ, nhịp độ giọng nói... nhằm giúp cho thân chủ tăng cường và lưu ý những thông tin vừa nói.

Từ đó khuyến khích thân chủ tiếp tục vấn đề và thể hiện sự ủng hộ, sự nhiệt tình của nhà tham vấn về vấn đề được nói đến, mà không có ý gợi ý hay dẫn dắt thân chủ theo cách nhìn của nhà tham vấn.

- Sử dụng phản hồi: Mục đích của phản hồi là cho thân chủ thấy nhà tham vấn hiểu thân chủ đã cảm thấy như thế nào về điều họ nói, qua đó giúp thân chủ đánh giá và kiềm chế cảm xúc của họ. Kỹ năng lắng nghe đòi hỏi nhà tham vấn phải cho thân chủ biết thường xuyên xem mình nhìn nhận vấn đề của thân chủ như thế nào từ các thông tin mà thân chủ đã cung cấp. Lắng nghe tích cực còn thể hiện ở việc nhà tham vấn đang quan tâm đến nội dung và chi tiết câu chuyện của thân chủ, biểu hiện qua kỹ năng đặt câu hỏi. Lưu ý việc đặt câu hỏi phải đi đúng vào vấn đề, phản ánh lại rõ ràng, chính xác nội dung và cảm xúc của thân chủ.

- Lưu ý điều thiếu sót: Bằng cách lắng nghe tích cực, nhà tham vấn nhận ra được trong câu chuyện của thân chủ có những thông tin mập mờ, chưa đầy đủ, bị mâu thuẫn, những ý nghĩ tiềm ẩn, có những khoảng ngừng trong câu nói câu nói, những chổ thiếu logic trong câu chuyện, tư thế bồn chồn, những động tác thừa... Những thiếu sót trong thông tin còn được nhận biết qua các cơ chế phòng vệ mà thân chủ sử dụng một cách vô thức khi lo âu, căng thẳng. Với cách nói nhẹ nhàng, thái độ hòa nhã nhà tham vấn lưu ý thân chủ những dấu hiệu của sự thiếu sót này, nhằm giúp thân chủ sáng tỏ, thấu hiểu vấn đề thực tế của mình.

- Tóm tắt, tóm lược: Mục đích của tóm tắt là đưa toàn bộ câu chuyện của thân chủ vào một trọng tâm, từ đó đi vào thảo luận những khía cạnh khác của vấn đề. Khi nhà tham vấn tích cực lắng nghe thân chủ, bằng trực giác, nhà

tham vấn phải tóm tắt, gom lại những điểm chính trong nội dung câu chuyện của thân chủ, nhằm kiểm lại những cảm xúc mà thân chủ mô tả. Khi thân chủ đang rối bời các cảm xúc có thể bị lẫn lộn các chi tiết khách quan với cảm nghĩ, kinh nghiệm chủ quan. Sự tóm tắt làm sáng tỏ điều thân chủ nói và đặt thông tin vào trình tự rõ ràng hơn và tập trung chú ý tốt hơn, giúp thân chủ có cơ hội tìm giải pháp cho các vấn đề của chính mình (Trần Thị Minh Đức, 2009, tr. 278).

Những rào cản đối với việc lắng nghe Các yếu tố cản trở quá trình lắng nghe

Theo các nhà nghiên cứu Hoa kỳ, có 5 nhóm rào cản cơ bản đối với quá trình lắng nghe có hiệu quả, đó là:

- Rào cản sinh lý: Bao gồm khả năng nghe, nói, tốc độ suy nghĩ.

- Rào cản môi trường: Khí hậu, thời tiết, tiếng ồn.

- Rào cản mang tính quan điểm: những người có quan điểm khác nhau thường lơ đểnh, thiếu tập trung khi nhe thân chủ trình bày.

- Rào cản về văn hóa: Những khác biệt về văn hóa cũng gây trở ngại không nhỏ cho quá trình lắng nghe.

- Rào cản về trình độ học vấn, chuyên môn

Các nhà tâm lí học diễn giải chi tiết hơn về những rào cản trong quá trình lắng nghe.

- Tốc độ suy nghĩ: Do tốc độ tư duy của người nghe cao so với tốc độ người nói, rất dẽ bị phân tán, thời gian dư ra thường dùng để nghĩ về một cái gì khác.

- Sự phức tạp của vấn đề: con người thường dễ nghe những người mình thích và những vấn đề mình quan tâm.

- Do không được luyện tập.

- Thiếu sự quan tâm và kiên nhẫn với ý nghĩ của người khác.

- Thiếu sự quan sát bằng mắt để có thêm sự hiểu biết về thái độ, cảm nghĩ của thân chủ.

- Những thành kiến tiêu cực: Con người có khuynh hướng lắng nghe một cách chủ quan.

- Những thói quen xấu khi nghe: Như giả vờ chú ý, hay cắt ngang đoán trước được thông điệp, nghe nói một cách máy móc, buông trôi sự chú ý.

- Do một số quan niệm sai lầm về giao tiếp (giao tiếp chủ yếu là nói…) - Ảnh hưởng của cảm xúc: Ai cũng có niềm vui, nỗi buồn, sợ sệt, lo lắng, thất vọng. Nếu không rèn luyện để có được khả năng tự chủ, kiềm chế cảm xúc tốt thì cảm xúc cá nhân sẽ cản trở làm ta không thể nghe tốt được.

- Sự khác biệt về văn hóa: Sự khác biệt ngôn ngữ, tôn giáo, giá trị thái độ, phong tục tập quán và cách cư xử, yếu tố vật chất của văn hóa, thẩm mỹ giáo dục nền văn hóa ngữ cảnh cao hay thấp, lòng độ lượng, khoan dung, giá trị thời gian… có ảnh hưởng rất lớn đến giao tiếp nói chung và quá trình lắng nghe nói riêng.

Lắng nghe sẽ kém hiệu quả khi: người tham vấn không kiên nhẫn chờ đợi người nói; thông tin từ thân chủ quá nhiều; nhà tham vấn không có khả năng tập trung nghe; nhà tham vấn vội vàng kết luận cho rằng mình hiểu vấn đề của thân chủ; thiếu sự đồng cảm sẽ dẫn đến sự lắng nghe kém; có thái độ tiêu cực với thân chủ và vấn đề của họ; bị phân tán do ngoại cảnh tác động như tiếng ồn, nhiệt độ không phù hợp (Trần Thị Minh Đức, 2009, tr. 277).

Kỹ năng lắng nghe

Định nghĩa kỹ năng lắng nghe

Kỹ năng lắng nghe trong tham vấn là sự vận dụng tri thức, kinh nghiệm vào các hành vi quan sát, chú ý cao độ và thể hiện thái độ tôn trọng nhằm hiểu biết cảm xúc, suy nghĩ và vấn đề của đối tượng, đồng thời giúp họ nhận biết đang được quan tâm và chia sẻ (Tài liệu bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho HS, tr. 21).

Dựa trên sự phân tích nội hàm khái niệm kỹ năng, lắng nghe, kỹ năng lắng nghe trong tham vấn tâm lý, tác giả cũng quan niệm rằng, kỹ năng lắng nghe trong công tác tư vấn tâm lý là sự vận dụng tri thức, kinh nghiệm của cá nhân vào các hành vi quan sát, chú ý lắng nghe cao độ và thể hiện thái độ tôn trọng nhằm hiểu biết suy nghĩ, cảm xúc, hành vi và các vấn đề của đối tượng, đồng thời cũng giúp đối tượng nhận biết rằng họ đang được quan tâm và chia sẻ.

Luyện kỹ năng lắng nghe

Thực hiện một tiến trình lắng nghe bao gồm các thao tác sau:

+ Nhà tham vấn đặt câu hỏi mở để than chủ bắt đầu câu chuyện của mình.

+ Nhà tham vấn bày tỏ sự khích lệ bằng các biểu cảm phi ngôn ngữ, đôi khi diễn giải những điều thân chủ chia sẻ.

+ Nhà tham vấn sử dụng phản hồi để thân chủ thấy nhà tham vấn hiểu câu chuyện hoặc nói lời thấu hiểu vào cảm xúc của họ.

+ Sử dụng phản hồi tóm lược, tránh đề cập đến phản ứng cá nhân của mình, tránh bình luận, cho lời khuyên hay phán xét câu chuyện của thân chủ (Trần Thị Minh Đức, 2009, tr.283).

Kỹ năng lắng nghe của người làm công tác TVTL cho học sinh THPT Xuất phát từ sự phân tích kỹ năng lắng nghe, từ công việc của người làm công tác tư vấn tâm lý và đặc điểm tâm lý của học sinh trung học phổ thông.

Từ đó rút ra khái niệm về kỹ năng lắng nghe của người làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trung học phổ thông như sau:

Kỹ năng lắng nghe của người làm công tác TVTL cho học sinh THPT là sự vận dụng những tri thức, kinh nghiệm của người làm công tác TVTL vào hành vi quan sát, sự chú ý lắng nghe cao độ và thể hiện thái độ tôn trọng, nhằm hiểu biết những suy nghĩ, cảm xúc và vấn đề của học sinh, qua đó giúp học sinh nhận biết rằng họ đang được quan tâm và chia sẻ.

Một phần của tài liệu Kỹ năng lắng nghe và phản hồi của người làm công tác tư vấn cho học sinh trung học phổ thông tại thành phố mỹ tho (Trang 59 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(211 trang)