Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ KỸ NĂNG LẮNG NGHE VÀ KỸ NĂNG PHẢN HỒI CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC TƯ VẤN TÂM LÝ CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
1.2. Một số khái niệm cơ bản
1.2.4. Học sinh trung học phổ thông
Khái niệm học sinh THPT
Học sinh trung học phổ thông: là học sinh học tại các khối lớp từ lớp 10 đến lớp 12 đang học tập tại các trường trung học phổ thông và các trường phổ thông nhiều cấp học.
Học sinh trung học phổ thông có độ tuổi từ 15-18 tuổi hay còn gọi là tuổi thanh niên học sinh.
Đặc điểm tâm lý của học sinh THPT
Theo Malrieu (1987) lứa tuổi học sinh trung học đánh dấu một quá trình chuyển tiếp hoạt động và trạng thái tâm lý trẻ em sang trạng thái tâm lý người lớn. Chính trong hoàn cảnh này, lần đầu tiên các em hiểu được những nét đặc trưng cá nhân, có ý thức khẳng định cho người khác thấy bản sắc cá nhân mình và cố gắng hội nhập vào môi trường xã hội.
+ Sự phát triển tự ý thức là một đặc điểm nổi bật trong sự phát triển nhân cách của HS THPT, nó có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển tâm lý của lứa tuổi này. Biểu hiện: là nhu cầu tìm hiểu và tự đánh giá những đặc điểm tâm lý của mình theo chuẩn mực đạo đức xã hội, theo quan điểm về mục đích cuộc sống. Các em quan tâm sâu sắc đến đời sống tâm lý, những phẩm chất nhân cách và năng lực riêng, không chỉ nhận thức cái tôi trong hiện tại và cả vị trí của mình trong tương lai. Chú ý tới vẻ bề ngoài, đặc biệt chú trọng tới phẩm chất bên trong, có khuynh hướng phân tích, đánh giá bản thân mình một cách độc lập dù có thể có sai lầm khi đánh giá. Các em có nhu cầu khẳng định mình, muốn thể hiện cá tính mình một cách độc đáo, muốn cho người khác chú ý, quan tâm mình, có thể tự đánh giá bản thân một cách sâu sắc nhưng đôi khi vẫn chưa đúng đắn.
+ Sự hình thành thế giới quan là nét chủ yếu trong tâm lý HS THPT vì các em sắp bước vào cuộc sống xã hội, có nhu cầu tìm hiểu, khám phá để có quan điểm về tự nhiên, xã hội, về các nguyên tắc, quy tắc ứng xử, những định hướng giá trị về con người. Học sinh THPT đã có ý thức xây dựng lý tưởng sống cho mình, biết xây dựng hình ảnh con người lý tưởng gần với thực tế sinh hoạt hằng ngày. Có thể hiểu sâu sắc và tinh tế các khái niệm, biết xử sự đúng đắn trong những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau nhưng đôi khi lại thiếu tin tưởng vào những hành vi đó.
+ Xu hướng nghề nghiệp
Học sinh THPT đã có được mức độ trưởng thành về tư tưởng và tâm lý đủ để các em bắt đầu xây dựng cho mình những kế hoạch của cuộc sống tự lập. Các em đã xuất hiện nhu cầu lựa chọn vị trí xã hội cho bản thân và các phương thức đạt tới vị trí xã hội ấy. Xu hướng nghề nghiệp có tác dụng thúc đẩy các mặt hoạt động và điều chỉnh hoạt động của các em. Một số em biết gắn những đặc điểm riêng về thể chất, về tâm lý và khả năng của mình với yêu cầu của nghề nghiệp. Tuy nhiên, sự hiểu biết về yêu cầu nghề nghiệp của HS còn mang tính phiến diện, chưa đầy đủ.
+ Giao tiếp và tình bạn, tình yêu của học sinh THPT
Học sinh THPT khao khát muốn có những quan hệ bình đẳng trong cuộc sống và có nhu cầu sống tự lập. Tính tự lập của các em thể hiện ở ba mặt: tự lập về hành vi, tự lập về tình cảm và tự lập về đạo đức, giá trị. Nhu cầu giao tiếp với bạn bè cùng lứa tuổi trong tập thể phát triển mạnh. Trong tập thể, các em thấy được vị trí, trách nhiệm của mình, cũng như cảm thấy mình cần cho tập thể.
Tình bạn đối với HS THPT có ý nghĩa quan trọng. Tình bạn thân thiết, chân thành sẽ cho phép các em đối chiếu được những thể nghiệm, ước mơ, lí tưởng, học được cách nhận xét, đánh giá về mình. Nhưng tình bạn các em còn mang màu sắc cảm xúc nhiều nên thường có biểu hiện lí tưởng hóa tình bạn.
Có nghĩa là các em thường đòi hỏi ở bạn mình phải có những cái mình muốn chứ không chú ý đến khả năng thực tế của bạn. Ngoài ra ở lứa tuổi này cũng đã xuất hiện một loại tình cảm đặc biệt, tình yêu nam nữ, còn được gọi là
“tình yêu bạn bè”, vì các em thường che giấu tình cảm của mình trong tình bạn. Tình yêu của nam nữ thanh niên tạo ra nhiều cảm xúc: căng thẳng, thiếu kinh nghiệm, vì sợ bị từ chối, vì vui sướng khi được đáp lại bằng sự yêu thương.
+ Những vấn đề khó khăn và nhu cầu tư vấn tâm lý của học sinh THPT
Học sinh ở trường trung học phổ thông gặp nhiều vấn đề liên quan đến việc học tập, hướng nghiệp, quan hệ bạn bè, khó khăn trong giao tiếp với người lớn, vấn đề cá nhân... Có nhiều công trình đã chỉ ra những nhu cầu tư vấn học đường từ phía học sinh ở trường trung học phổ thông như: khó khăn trong học tập (phương pháp học tập chưa đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ học tập, ứng phó với những áp lực thi cử, căng thẳng do học quá nhiều không được nghỉ ngơi..); khó hợp tác với bạn (khi thực hiện nhiệm vụ học tập hay trong hoạt động chung như không giải quyết được mâu thuẫn, không tạo được uy tín, bị các bạn tẩy chay...); những băn khoăn trong vấn đề giới tính, sự phát triển cơ thể, những biểu hiện bất thường về giới tính, hoặc đồng giới...);
những vướng mắc trong ứng xử với bạn khác giới (khi bị bạn gán ghép, khi có cảm tình với bạn khác giới, khi không có bạn thân, ngộ nhận về tình cảm, yêu đơn phương...); khó khăn trong quan hệ với cha mẹ (khi bị cha mẹ tạo áp lực trong học hành và thi cử, khi cảm thấy bị oan, bị bất bình đẳng trong quan hệ gia đình, khi thiếu sự đồng cảm và chia sẻ từ cha mẹ, khi các thành viên trong gia đình có mâu thuẫn...); khó khăn trong quan hệ với thầy cô (cảm thấy thầy cô có định kiến không tốt về mình, khi bị thầy cô xúc phạm..).