Đánh giá tình hình nghiên cứu các vấn đề liên quan đến đề tài luận án

Một phần của tài liệu Pháp luật quốc tế trong hợp tác đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao – Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam. (Trang 29 - 32)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN

1.4. Đánh giá tình hình nghiên cứu các vấn đề liên quan đến đề tài luận án

Các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án bước đầu đã có những nhận diện, phân tích và hệ thống hóa ở mức độ nhất định đối với phạm trù “tội phạm công nghệ cao” cũng như những vấn đề đặt ra đối với các quốc gia trong bối cảnh hiện nay, cụ thể:

Về mặt lý luận, mặc dù các công trình đều có những góc độ tiếp cận tương đối khác nhau trong việc nhìn nhận tội phạm công nghệ cao; tuy nhiên, ở một mức độ nhất định, những dấu hiệu pháp lý chung để nhận biết và xác định loại tội phạm này

về cơ bản đều khá trùng khớp. Tiếp đó, các công trình đồng loạt đưa ra những cách thức phân loại tội phạm công nghệ cao thành những dạng thức và dựa trên những tiêu chí cụ thể. Một số công trình còn đi sâu hơn vào việc phân tích quá trình hình thành và phát triển của tội phạm công nghệ cao; qua đó, thấy được những sự biến chuyển nhanh chóng và các tác động tiêu cực ngày một tăng lên của loại hình tội phạm này.

Về mặt pháp lý, các công trình nghiên cứu từ bài viết cho đến sách chuyên khảo, bên cạnh việc đề cập đến góc độ kỹ thuật, đều phân tích đến một số khía cạnh pháp lý của loại hình tội phạm công nghệ cao - một loại hình tội phạm chỉ có thể hiểu rõ về mặt pháp lý khi đã nắm chắc được những khía cạnh liên quan đến kỹ thuật của tội phạm. Các công trình đa phần giới thiệu tới những quy định của pháp luật về tội phạm công nghệ cao của một số quốc gia như Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản, Anh, Thụy Điển,... Một số công trình đã bước đầu đề cập tới các văn kiện pháp lý quốc tế điều chỉnh vấn đề tội phạm công nghệ cao như Công ước Budapest về tội phạm mạng; Công ước Palermo về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Về mặt thực tiễn, trên cơ sở đưa ra các cách tiếp cận, phân loại và diễn giải các quy định của pháp luật về loại hình tội phạm công nghệ cao, các công trình nghiên cứu đã phân tích tình hình và tác động của tội phạm công nghệ cao tại các quốc gia, mỗi khu vực và trên toàn thế giới; từ đó, đưa ra những dự báo cũng như các giải pháp trong đó đặc biệt lưu tâm đến việc cải thiện công tác lập pháp và nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế giữa các quốc gia trong hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Về những vấn đề liên quan đến Việt Nam, có thể nhận định, các công trình nghiên cứu chuyên sâu về tội phạm công nghệ cao thông qua các công trình nghiên cứu ở Việt Nam chưa thực sự được toàn diện và đầy đủ (cả về thể loại và mức độ nghiên cứu) so với tương quan tình hình nghiên cứu trên thế giới cũng như tính cấp thiết của diễn biến tình hình tội phạm công nghệ cao hiện nay. Các công trình chủ yếu tồn tại dưới dạng các bài viết nghiên cứu đơn lẻ, phân tích một số khía cạnh pháp lý của tội phạm sử dụng công nghệ cao (cách sử dụng thuật ngữ phổ biến

trong giới khoa học pháp lý tại Việt Nam về tội phạm công nghệ cao) đặt trong mối tương quan với các quy định của pháp luật Việt Nam; qua đó, các công trình cũng đưa ra những dự báo và đề ra những giải pháp, đề xuất đối với Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, một số khía cạnh khác của tội phạm công nghệ cao cũng được đề cập tới rải rác tại một số đề tài nghiên cứu các cấp, các sách chuyên khảo... Tuy nhiên, các công trình này chủ yếu tiếp cận vấn đề tội phạm công nghệ cao dưới nhiều góc độ của các ngành khoa học khác nhau như: tội phạm học; khoa học điều tra hình sự; công nghệ thông tin.v.v...

Như vậy, về cơ bản, những công trình nghiên cứu hiện có đã cung cấp một

“bức tranh” tổng thể để qua đó có thể hình dung được một cách toàn cảnh về tội phạm công nghệ cao là gì; những đặc tính và các dạng thức phổ biến của loại hình

tội phạm công nghệ cao so với các loại tội phạm khác; những tác động của tội phạm công nghệ cao đối với quyền và lợi ích của mỗi cá nhân, pháp nhân cũng như mỗi quốc gia, khu vực trong nhiều lĩnh vực; từ đó, các công trình đã đánh giá và chỉ ra những “khoảng trống” của pháp luật (trong đó có cả pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia) trong việc điều chỉnh đối với loại tội phạm công nghệ cao hiện nay. Tuy nhiên, qua quá trình phân tích tổng quan, những công trình nghiên cứu hiện có bộc lộ và để ngỏ một số vấn đề sau:

Thứ nhất, các công trình nghiên cứu chủ yếu xoáy sâu vào loại hình tội phạm

mạng (Cyber Crimes) - một trong những dạng thức cơ bản của tội phạm công nghệ cao. Mặc dù đã có những công trình ở trong và ngoài nước có nội dung đề cập về tội phạm công nghệ cao nhưng chưa có một công trình nào tiếp cận và nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện và đầy đủ về tội phạm công nghệ cao trên tất cả các bình diện lý luận, pháp lý và thực tiễn (thực tiễn quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam).

Thứ hai, yếu tố pháp lý đặc biệt là pháp lý quốc tế được thể hiện tại các công

trình hiện có chưa thực sự rõ nét; phần lớn các công trình nghiên cứu về tội phạm công nghệ cao được nghiên cứu trong và ngoài nước được tiếp cận dưới góc độ và bằng phương pháp nghiên cứu của các ngành khoa học như tội phạm học; công nghệ thông tin hay khoa học điều tra tội phạm... Các công trình trong giới luật học chuyên sâu tiếp cận dưới góc độ pháp lý quốc tế hầu như chưa được quan tâm nhiều; các công trình chủ yếu tiếp cận thông qua góc độ luật hình sự quốc gia và thể hiện dưới dạng các bài báo ngắn đăng trên các tạp chí chuyên ngành nên cũng chỉ

đề cập được một vài khía cạnh của tội phạm công nghệ cao. Có thể nói rằng, hầu như chưa có công trình khoa học pháp lý nào kể cả ở trong và ngoài nước giải quyết một cách triệt để và có hệ thống các vấn đề pháp lý-thực tiễn về tội phạm công nghệ cao (đặc biệt là thực tiễn quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam). Điều này dẫn tới hệ quả tất yếu là những kiến giải, đề xuất được đưa ra tại các công trình hiện có chưa thực

sự toàn diện và thiếu đi tính pháp lý thuần khiết (do được tiếp cận bởi các ngành khoa học khác nhau).

Thứ ba, tại Việt Nam, số lượng những công trình nghiên cứu về tội phạm công

nghệ cao còn khá khiêm tốn; thiếu vắng những công trình mang tính toàn diện và cập nhật về tình hình tội phạm công nghệ cao đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Tình hình nghiên cứu tại Việt Nam như vậy chưa tương xứng với xu hướng nghiên cứu quốc tế và đặc biệt chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình, tốc độ phát triển cũng như những tác động tiêu cực mà loại hình tội phạm này đưa lại, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của mỗi cá nhân, pháp nhân và Nhà nước. Điều nay dẫn tới

một số hạn chế trong cách tiếp cận mới về tội phạm công nghệ cao, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi mà tội phạm công nghệ cao đã biến chuyển và có nhiều dạng thức, thủ đoạn tinh vi hơn so với các phiên bản trước. Thêm vào đó, các công trình nghiên cứu tại Việt Nam hầu như chỉ nhắc đến mà chưa thực sự tiếp cận và phân tích đến các quy định trong Công ước Budapest về tội phạm mạng - một trong những công ước điển hình khi nhắc tới vấn đề điều chỉnh các loại hình tội phạm công nghệ cao hiện nay.

Một phần của tài liệu Pháp luật quốc tế trong hợp tác đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao – Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam. (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(235 trang)