CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1.5. Những vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu trong luận án
Mặc dù các công trình nghiên cứu quốc tế và tại Việt Nam hiện có đã làm rõ ở những mức độ nhất định đối với một số khía cạnh cơ bản liên quan đến tội phạm công nghệ cao. Tuy nhiên còn nhiều vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn về tội phạm công nghệ cao cũng như những vấn đề liên quan đến Việt Nam cần được nghiên cứu, làm rõ và tiếp tục làm sâu sắc hơn:
* Về lý luận:
Thứ nhất, luận án sẽ tiếp tục khái quát hóa, hệ thống hóa và làm sâu sắc hơn
nữa các vấn đề lý luận căn bản trong phạm trù “tội phạm công nghệ cao”. Bên cạnh
đó, không chỉ tiếp cận bằng những phương cách truyền thống, những vấn đề lý luận cần được soi chiếu và kiểm chứng bằng tình hình phát triển thực tiễn của loại hình tội phạm này, trong đó đặc biệt cần đối chiếu và cập nhật với những diễn biến mới nhất của tội phạm công nghệ cao trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, luận án sẽ phân định và làm rõ nội hàm của các thuật ngữ đang được
sử dụng không thống nhất nhưng có liên quan trực tiếp đến tội phạm công nghệ cao, như: tội phạm mạng; tội phạm không gian ảo; tội phạm máy tính; tội phạm liên quan đến máy tính; tội phạm sử dụng/lợi dụng công nghệ cao.v.v... Qua đó, luận án tiếp tục đúc rút và xây dựng một định nghĩa bao quát về tội phạm công nghệ cao đặc biệt đặt trong bối cảnh và tình hình thực tiễn hiện nay. Cùng với đó, những đặc thù của tội phạm công nghệ cao cũng sẽ được luận án phân tích rõ trong mối tương quan với các loại hình tội phạm khác.
Thứ ba, luận án cũng sẽ tập trung làm rõ những vấn đề lý luận trong hợp tác
quốc tế trong đấu tranh, phòng chống tội phạm nói chung và đặc biệt trong công tác phòng chống tội phạm công nghệ cao nói riêng (nguồn luật, nội dung, vai trò và phương thức hợp tác).
* Về pháp lý:
Thứ nhất, luận án sẽ tập trung nghiên cứu một cách tổng thể và có hệ thống
đối với những vấn đề pháp lý liên quan đến tội phạm công nghệ cao và hợp tác quốc
tế trong công tác phòng chống loại hình tội phạm này, đặc biệt luận án sẽ cố gắng làm sâu sắc hơn yếu tố pháp lý quốc tế được quy định trong một số văn kiện hiện nay mà điển hình là Công ước Budapest về tội phạm mạng của Ủy hội châu Âu cùng các điều ước quốc tế và văn bản khác có liên quan.
Thứ hai, luận án sẽ mở rộng phạm vi tìm hiểu tới việc thực hiện pháp luật
quốc tế trong hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao của một số quốc gia điển hình; qua đó, đúc rút một số giá trị kinh nghiệm, bài học tham khảo đối với Việt Nam liên quan đến vấn đề này.
* Về thực tiễn:
Thứ nhất, luận án sẽ đánh giá thực trạng tình hình và diễn biến cập nhật của
các loại hình tội phạm công nghệ cao trên cả phương diện quốc tế và tại Việt Nam; qua đó, đưa ra những dự báo và giải pháp có tính ứng dụng trong quá trình hợp tác đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao hiện nay.
Thứ hai, luận án sẽ tập trung đánh giá hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao theo các tiêu chí của nguyên tắc Pacta sunt servanda. Trên cơ sở đó, luận án cũng sẽ tiếp tục nhận định về vấn đề các quy định của pháp luật hiện hành (bao gồm cả pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia) đã đầy đủ cho việc tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc cho các công tác phát hiện, triệt phá, hợp tác quốc tế đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao hay chưa; có bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của mỗi cá nhân, pháp nhân và mỗi quốc gia hay không. Từ đó, đưa ra những phương hướng, giải pháp toàn diện trên nhiều góc độ nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả trong công tác hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao, nhất là tại Việt Nam, đặc biệt đặt trong bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0 hiện nay.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
* * *
Trên cả bình diện lý luận, pháp lý và thực tiễn, vấn đề “tội phạm công nghệ cao” thường xuyên được đề cập đến với tần suất tăng dần và đã trở thành đối tượng khảo cứu trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học của các tác giả khác nhau ở nước ngoài cũng như tại Việt Nam. Các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án bước đầu đã có những nhận diện, phân tích và hệ thống hóa ở mức độ nhất định đối với phạm trù “tội phạm công nghệ cao” cũng như những vấn đề đặt ra đối với các quốc gia trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù các công trình đều có những góc
độ tiếp cận tương đối khác nhau trong việc nhìn nhận tội phạm công nghệ cao; tuy nhiên, ở một mức độ nhất định, những dấu hiệu pháp lý chung để nhận biết và xác định loại tội phạm này về cơ bản đều khá trùng khớp. Yếu tố pháp lý đặc biệt là pháp lý quốc tế được thể hiện tại các công trình hiện có chưa thực sự rõ nét; phần lớn các công trình nghiên cứu về tội phạm công nghệ cao được nghiên cứu trong và ngoài nước được tiếp cận dưới góc độ và bằng phương pháp nghiên cứu của các ngành khoa học như tội phạm học; công nghệ thông tin hay khoa học điều tra tội phạm. Các công trình trong giới luật học chuyên sâu tiếp cận dưới góc độ pháp lý quốc tế hầu như chưa được quan tâm nhiều và hầu hết cũng chỉ đề cập được một vài khía cạnh của tội phạm công nghệ cao.
Tại Việt Nam, các công trình nghiên cứu chuyên sâu về tội phạm công nghệ cao thông qua các công trình nghiên cứu chưa thực sự được toàn diện và đầy đủ (cả
về thể loại và mức độ nghiên cứu) so với tương quan tình hình nghiên cứu trên thế giới cũng như tính cấp thiết của diễn biến tội phạm công nghệ cao hiện nay; các công trình chủ yếu tồn tại dưới dạng các bài viết nghiên cứu đơn lẻ, phân tích một
số khía cạnh pháp lý của tội phạm sử dụng công nghệ cao... Các công trình nghiên cứu tại Việt Nam hầu như chỉ nhắc đến mà chưa thực sự tiếp cận và phân tích đến các quy định trong Công ước Budapest về tội phạm mạng - một trong những công ước điển hình khi nhắc tới vấn đề điều chỉnh các loại hình tội phạm công nghệ cao hiện nay.
Mặc dù, các công trình hiện có đã “xới” lên một lĩnh vực nghiên cứu còn tương đối mới mẻ nhưng đặt trong bối cảnh bùng nổ của khoa học công nghệ thông tin, việc có thêm các công trình nghiên cứu toàn diện và làm rõ hơn khía cạnh pháp
lý (đặc biệt là pháp lý quốc tế) là điều vô cùng cấp thiết.