II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CÁC NGÀNH VÀ LĨNH VỰC XÃ HỘI CỦA TỈNH TỈNH
2.1. Giáo dục và đào tạo
2.1.1. Cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng trường lớp đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến nay có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giảm số trường học, điểm trường lẻ, tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả quản lí, giảm chi ngân sách.
Tính đến đầu năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 442 cơ sở giáo dục mầm non
và phổ thông, trong đó gồm 177 trường mầm non và 265 trường phổ thông. Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 276 trường, đạt 62,2%; 30,7% số trường tham gia xây dựng trường học hạnh phúc. Cụ thể:
- Giáo dục mầm non: Toàn tỉnh có 177 trường mầm non đang hoạt động
(trong đó có 13 trường ngoài công lập, 108 trường đạt chuẩn quốc gia).
- Giáo dục phổ thông: Toàn tỉnh có 265 trường phổ thông, gồm: 57 trường
tiểu học, 53 trường THCS, 128 trường TH&THCS, 23 trường THPT, 04 trường THCS&THPT. So với năm học 2010-2011, giảm 112 trường tiểu học, là kết quả của việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp học trong giai đoạn 2015-2020, theo đó các trường tiểu học có quy môn nhỏ được ghép với trường THCS để giảm đầu mối quản lí. Có 168 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, gồm: 32 trường tiểu học, 33 trường THCS, 93 trường TH&THCS, 10 trường THPT.
Tính riêng giáo dục dân tộc: Toàn tỉnh có 09 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT); trong đó có 07 trường THCS và 02 trường THPT. Số trường PTDTNT không tăng so với năm học 2010-2011. Kể từ khi có Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTBT kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 02/8/2010, hệ thống trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh Yên Bái được phát triển với quy mô 51 trường (gồm: 20 trường TH, 11 trường
THCS, 20 trường TH&THCS). Trường phổ thông có học sinh bán trú cấp TH và cấp THCS gồm 33 trường (gồm: 5 trường TH, 22 trường THCS, 6 trường
TH&THCS) với 3.092 học sinh bán trú. Trường THCS&THPT, THPT có học sinh hưởng chính sách theo Nghị định 116 có 22 trường.
- Giáo dục thường xuyên (GDTX): Toàn tỉnh bao gồm 01 Trung tâm GDTX
tỉnh và 06 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, so với năm học 2010-2011 giảm 03 trung tâm. Ngoài ra, hiện có 173 trung tâm học tập cộng đồng tại 173 đơn vị cấp xã và 09 trung tâm ngoại ngữ ngoài công lập.
- Đào tạo: Tính đến năm 2020, Tỉnh có 01 Trường Cao đẳng Sư phạm Yên
Bái ( tháng 7- 2022 Trường sáp nhập vào Trường Cao đẳng Yên Bái).
Về cơ sở vật chất, đến năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 6.694 phòng học văn
hoá ở các trường mầm non và phổ thông, trong đó có 5.714 phòng kiên cố, đạt 85,4%; tăng 15,6 điểm phần trăm so với năm học 2010-2011. Toàn tỉnh có 214 phòng học tạm, chiếm 3,2% (trong đó mầm non: 113; tiểu học: 74, THCS: 24, THPT: 3) và 115 phòng học nhờ, chiếm 1,7%.
Đối với giáo dục mầm non: Tỷ lệ phòng học/lớp đạt 98,3%. Khối phòng phục vụ học tập (phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật, phòng đa chức năng), nhà bếp, phòng y tế còn thiếu so với nhu cầu. Tỉ lệ nhà bếp tạm chiếm đến 18,4%. Có 49 trường mầm non chưa có phòng y tế.
Đối với giáo dục phổ thông: Tỷ lệ phòng học/lớp đối với cấp tiểu học đạt 97,5%. Một số trường tiểu học, trung học cơ sở chưa có phòng tin học, phòng ngoại ngữ (trong tổng số 57 trường tiểu học chỉ có 36 phòng tin học và 42 phòng ngoại ngữ; trong số 181 trường THCS có 114 phòng tin học và 95 phòng ngoại ngữ).
Phòng giáo dục nghệ thuật/âm nhạc, phòng giáo dục thể chất/nhà đa năng còn ít ở tất cả các cấp học. Ngoài ra, nhiều thiết bị phòng học, phòng học bộ môn đã cũ cần phải thay thế, bổ sung. Tỉ lệ trường phổ thông có phòng học bộ môn, thiết bị phòng học bộ môn và đủ thiết bị dạy học theo quy định đạt 70,5%.
2.1.2. Kết quả hoạt động
a. Huy động trẻ mầm non và trẻ em đi học năm học 2021-2022
- Giáo dục mầm non: Tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 22,3%, mẫu giáo đạt
94,2%, trẻ 5 tuổi đạt 99,8%. So với năm học 2010-2011, tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ tăng 9,7%; mẫu giáo tăng 9,5%; mẫu giáo 5 tuổi tăng 1,1%.
- Giáo dục phổ thông: Tỉ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 tăng từ 99,16%
năm học 2010-2011 đến 99,94% năm học 2021-2022. Tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học THCS đạt 99,5%. Tỉ lệ huy động học sinh vào lớp 6 đúng độ tuổi đạt 97,3%, tăng 1,6% so với năm học 2010-2011. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT đạt 57,7%, duy trì tương đương so với năm học 2010- 2011. Đây là kết quả của việc đẩy mạnh thực hiện phân luồng học sinh sau THCS, theo đó tăng tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề tăng và duy trì tỉ lệ học sinh vào học THPT giảm.
- Giáo dục thường xuyên (GDTX): Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học chương trình GDTX cấp THPT đạt 15%, trong đó có 87,5% học sinh vừa học văn
hoá vừa học nghề. Ở tất cả các cấp học phổ thông, tỉ lệ bỏ học giảm so với năm học 2010-2011 và duy trì ở mức thấp, bình quân 0,3% kể từ năm học 2015-2016.
b. Chất lượng chăm sóc, giáo dục
- Giáo dục mầm non: 100% trẻ được đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần và được khám sức khỏe định kỳ. Trẻ được tổ chức ăn tại các cơ sở giáo dục mầm non đạt tỉ lệ 100%. Nhóm, lớp học 2 buổi/ngày đạt tỉ lệ 100%. Theo kết quả tổng kết năm học 2020-2021, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 4,1%, thể thấp còi là 5,4%; tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 4,4% và tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân thấp còi giảm 3,2% so với năm học 2010-2011.
- Giáo dục phổ thông: Các trường phổ thông đang triển khai thực hiện đổi
mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, tích hợp, lồng ghép, tinh giản nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; hướng dẫn triển khai giáo dục STEM; đổi mới kiểm tra đánh giá, tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tỉ lệ học sinh hoàn thành cấp TH đạt 98,9%; THCS đạt 95,4%;
THPT đạt 92,8%. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt 98,8%; kết quả điểm thi tốt nghiệp bình quân xếp hạng 41 trong số 63 tỉnh thành, tăng 8 bậc so với năm 2020 và tăng 5 bậc so với năm 2019.
* Công tác giáo dục mũi nhọn được quan tâm nâng cao về số lượng và chất lượng: Năm học 2021-2022, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành có 29 lớp,
trong đó có 27 lớp THPT và 2 lớp THCS, 1024 học sinh, so với năm học 2010-2011 tăng 9 lớp (tăng 50%), tăng 471 học sinh (tăng 85%). Từ năm 2010-2021 có 221 giải học sinh giỏi quốc gia và có 02 học sinh đạt giải quốc tế.
* Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới: Tỉnh Yên Bái triển khai
chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng lộ trình được quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội. Các trường học đã được chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ; đảm bảo nhu cầu tối thiểu về phòng học, thiết bị, ưu tiên bố trí phòng học đảm bảo 1 phòng/lớp để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, 100% học sinh lớp 1 đều có đầy đủ sách giáo khoa để học tập.
* Chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học: Tỉnh
đã triển khai và nhân rộng dạy học chương trình ngoại ngữ 10 năm theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia và theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với giáo dục phổ thông và triển khai Chương trình cho trẻ làm quen với ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Năm học 2021-2022, tỉ lệ học sinh phổ thông được học tiếng Anh chương trình 10 năm (từ lớp 3 đến lớp 12) là 38,1%, trong đó cấp Tiểu học 23,1%, THCS 42,4%, THPT 48,8%.
* Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lí giáo dục
Ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái đã tích cực triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí, điều hành; cơ sở dữ liệu ngành đã được triển khai tập trung, đồng bộ thống nhất trong toàn tỉnh. Phần mềm quản lí trường học đã được áp dụng tại 100% các cơ sở giáo dục phổ thông; phần mềm có khả năng kết nối trao đổi dữ liệu với CSDL ngành. Sổ điểm điện tử và Học bạ điện tử được 100% các trường phổ thông sử dụng để kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh và nhà trường. E-learning và kho học liệu số đáp ứng nhu cầu tự học và đổi mới,
sáng tạo trong hoạt động dạy và học. Trong thời gian nghỉ học ở trường vì dịch bệnh COVID-19 có 33,9% học sinh THCS và 97,08% học sinh THPT tham gia học trực tuyến. Chất lượng dạy học trực tuyến đã được nâng cao, các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quản lí và tổ chức dạy học trực tuyến. Năm học 2021-2022, tỉ lệ học sinh được học tin học ở cấp tiểu học (từ lớp 3 đến lớp 5) là 17,8% và cấp THCS 64,8%.
c. Giáo dục vùng cao, vùng dân tộc
Số lượng và chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh DTTS ở các cấp học được
duy trì và nâng cao. Trẻ em, học sinh người DTTS trong độ tuổi đến trường được huy động tối đa, duy trì sĩ số học sinh, bảo đảm tỉ lệ học sinh chuyên cần, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học vào dịp lễ tết, mùa vụ. Năm học 2021-2022, tỉnh đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại 9/9 trường phổ thông dân tộc nội trú, 42/51 trường phổ thông dân tộc bán trú, đạt 82,4%. Tỷ lệ học sinh trung học người dân tộc thiểu
số được học tại trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 6,3%, cấp tiểu học, THCS được học tại trường phổ thông dân tộc bán trú đạt 22,2%.
Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025" được triển khai hiệu quả:
Toàn tỉnh có 87 trường mầm non, 70 trường tiểu học xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện; xây dựng chương trình, nội dung tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS trong hoạt động giáo dục và các môn học.
Tỉnh đã thực hiện các chế độ chính sách đối với người dạy, người học vùng đồng bào DTTS, miền núi, đặc biệt là chế độ chính sách đối với cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh các trường PTDTNT, PTDTBT; chính sách đối với học sinh DTTS rất ít người. HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành một số chính sách đối với giáo viên và học sinh dân tộc như: quy định khoảng cách và địa bàn xác định học sinh trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày; hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh bán trú; hỗ trợ kinh phí quản lí học sinh bán trú; hỗ trợ ăn trưa đối với học sinh trường PTDTBT học 2 buổi/ngày chưa đủ điều kiện hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ,...
d. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục
Tính đến thời điểm 01/3/2022, đội ngũ mầm non, phổ thông công lập có 13.287 người (1.187 cán bộ quản lý, 11.063 giáo viên, 933 nhân viên và 104 hợp đồng theo Nghị định 161/2018). Tỷ lệ giáo viên hiện có so với định mức là 85,3%.
Số cán bộ quản lí, giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên đạt tỉ lệ 80,4% (trong đó 22,1% trên chuẩn). Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn ở bậc mầm non là 90,8%, cấp tiểu học đạt 63,7%; cấp THCS đạt 81,0%; cấp THPT đạt 100%. Trong
thời kỳ 2011-2020, số lao động ở các cấp học tiểu học, THCS và THPT giảm 1475 người trong khi số lao động bậc mầm non tăng 1285 người.
Hàng năm có khoảng 25.000 lượt cán bộ quản lí, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng thường xuyên; số tham gia bồi dưỡng đạt tỉ lệ 95,7%; trong đó 98,3%
tham gia các lớp bồi dưỡng chính trị; 98,8% tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho
đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục được quan tâm, đặc biệt trong công tác bồi dưỡng thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018.
e. Thực hiện chủ trương xã hội hoá và công bằng trong giáo dục
Mặc dù chủ trương xã hội hóa trong giáo dục đã được quan tâm nhưng số cơ
sở giáo dục ngoài công lập còn khiêm tốn. Đến năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 13 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, với quy mô 154 lớp, 3.055 cháu. Tỉnh Yên Bái không có trường phổ thông ngoài công lập.
Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực được triển khai tích cực; đặc biệt là các trường PTDTBT, trường mầm non vùng khó khăn và các đơn vị trường học trong diện sắp xếp lại, xóa điểm trường lẻ theo Đề án; đã huy động được trên 100 tỉ đồng hỗ trợ các đơn vị trong diện sắp xếp lại trường, điểm trường.
Các cơ sở giáo dục có sự phối hợp với gia đình và xã hội trong thực hiện chương trình giáo dục, xây dựng kế hoạch giáo dục hàng năm về: giáo dục chính trị, pháp luật, đạo đức, thể chất, nếp sống văn hoá, sức khoẻ, phòng chống tội phạm, tai nạn thương tích, an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường cho học sinh. Phối hợp trong quản lí học sinh, tạo điều kiện để học sinh được học tập và rèn luyện; giám sát việc học tập, rèn luyện của học sinh; động viên khen thưởng học sinh có thành tích trong học tập; giáo dục học sinh về văn hóa, kỷ cương, nền nếp,
lối sống, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Tổ chức các hoạt động lao động, văn hoá, thể thao và tổ chức đời sống nội trú cho học sinh phù hợp với tính chất đặc thù của trường. Phối hợp trong xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung các trang thiết bị phục vụ cho dạy và học của nhà trường. Phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh,
chính trị, trật tự an toàn xã hội trong và ngoài nhà trường... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
f. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT
Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Chương trình phối hợp về giáo dục hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp, tuyển
dụng lao động tốt nghiệp các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018-2025. Số học sinh tốt nghiệp THCS năm 2021: 13.207 học sinh. Tỉ lệ học sinh vào học THPT 57,7%; vào học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT 15%; vào học giáo dục nghề nghiệp 25% (tính cả số học sinh vừa học GDTX kết hợp học trung cấp). Số học sinh tốt nghiệp THPT năm 2021: 7.686 học sinh. Tỉ lệ học sinh vào học đại học 31,6%; học giáo dục nghề nghiệp 44,5%.
g. Thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ
100% số xã, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, và xoá mù chữ mức độ 1. Tỉ lệ đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 đạt 54,9%. Có 1 đơn vị cấp huyện (thành phố Yên Bái) đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Tỉ lệ đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 đạt 90,8%. Có 5/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt 55,6%.
h. Tài chính và ngân sách cho giáo dục Dự toán ngân sách chi thường xuyên cho sự nghiệp giáo dục tỉnh Yên Bái năm 2021 là 2,52 nghìn tỉ đồng, tăng 38% so với năm 2015. Trong cùng giai đoạn
2015-2021, số lao động ở các cơ sở giáo dục và đào tạo giảm 4%, mức lương cơ sở tăng 30% dẫn đến tổng quỹ lương cần tăng khoảng 25%. Trong khi đó, số học sinh mầm non và phổ thông tăng 21%, như vậy bình quân ngân sách chi thường xuyên ngoài lương trên mỗi học sinh giảm trong giai đoạn 2015-2021.
Việc giao dự toán chi thường xuyên đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo bao gồm chi tiền lương và các khoản có tính chất tiền lương theo số biên chế có mặt là không đảm bảo đối với các trường còn thiếu biên chế; các cơ sở giáo dục không đủ tiền để chi trả tiền dạy vượt giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/3/2013 của Liên Bộ Giáo dục và Đào
tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
Tỉ lệ chi khác của các trường rất thấp không đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính
phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017, năm đầu của giai đoạn ổn định ngân sách 2017-2020, kéo dài sang năm 2021. Cụ thể: Năm 2021, tỉ lệ chi khác của các huyện đạt từ 3,2 đến 5,9%
(định mức của trung ương là 18%). Tỉ lệ chi khác liên tục giảm qua các năm từ 2017 đến 2021 do định mức chi khác trên đầu biên chế không tăng trong khi mức lương cơ sở tăng qua các năm.
2.1.3. Khó khăn và tồn tại
Hiện nay ngành giáo dục và đào tạo tại tỉnh Yên Bái đang gặp phải một số khó khăn nhất định, cụ thể:
- Về tỉ lệ huy động: Tỉ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp thấp, đặc biệt là trẻ nhà trẻ, năm học 2021-2022 tỷ lệ huy động nhà trẻ mới đạt 22,3%, mẫu giáo chỉ đạt 94,2%. Tỉ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của chương trình
giáo dục phổ thông 2018 mới chỉ đạt 69% trong năm học 2021-2022. Tỉ lệ dân số đạt trình độ học vấn từ THPT trở lên của Yên Bái ở mức thấp so với các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc và so với cả nước. Tỉ lệ học sinh học THPT, học
nghề sau THCS, tỉ lệ học sinh đi học đại học, cao đẳng cần tăng lên để đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực của địa phương.
Công tác xoá mù chữ đã được quan tâm nhưng kết quả chưa cao, tỉ lệ dân số 15 tuổi trở lên biết chữ năm 2020 đạt 91,6%, tương đương với trung bình của vùng Trung du và miền núi phía Bắc và thấp hơn so với bình quân cả nước. Một nguyên nhân quan trọng là do tỉ lệ người DTTS mù chữ trong tổng dân số khá cao, kết quả xoá mù chữ chưa bền vững.
- Về chất lượng giáo dục:
+ Còn có sự cách biệt về chất lượng giáo dục giữa vùng thấp với vùng cao,
vùng đồng bào dân tộc; giữa giáo dục phổ thông với giáo dục thường xuyên (điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của TP Yên Bái là 6,67; của huyện Mù Cang Chải là 5,20; huyện Trạm Tấu là 5,34; của học viên học chương trình GDTX cấp THPT là 4,99 điểm; của học sinh khối THPT là 6,31 điểm).