Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN
1.1.3. Những nghiên cứu có liên quan đến hoạt động lãnh đạo của các đảng bộ, lịch sử các học viện, trường Công an nhân dân
Các học viện, trường CAND là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là nơi đào tạo thế hệ kế thừa và bồi dưỡng thường xuyên cho toàn lực lượng CAND. Nghiên cứu về tổ chức, hoạt động cũng như quá trình các
đảng bộ học viện, trường CAND lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị là lĩnh vực được quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, cán bộ, học viên.
- Các nghiên cứu liên quan đến quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực trạng công tác đào tạo tại các học viện, trường Công an nhân dân:
Luận án tiến sĩ Chính trị học “Giáo dục đạo đức người Công an cách mạng cho sinh viên các trường đại học, học viện thuộc lực lượng Công an nhân dân khu vực phía Bắc nước ta hiện nay” [140] của Trần Thị Thanh Huyền, bảo vệ năm 2017, đã khái quát một số vấn đề lý luận và phân tích thực trạng giáo dục đạo đức cách mạng cho sinh viên CAND. Tác giả đưa ra các phương hướng và giải pháp tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng cho sinh viên, trong đó chú trọng các nội dung về nâng cao nhận thức của chủ thể tiến hành công tác giáo dục.
Liên quan đến chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trong CAND, luận án tiến sĩ Tâm lý học “Kỹ năng sống của học viên các học viện, trường Công an nhân dân” [130] của Nguyễn Thị Hiền, bảo vệ năm 2018, khảo sát 4 học viện, trường CAND ở Hà Nội. Luận án khái quát hệ thống khái niệm, các nhóm kỹ năng thành phần tạo thành kỹ năng sống và phân tích thực trạng kỹ năng sống của học viên các học viện, trường CAND; trên cơ sở đó kiến nghị các trường CAND đẩy mạnh các phong trào thi đua, làm tốt công tác giáo dục, đào tạo, phát huy vai trò đoàn thể.
Luận án tiến sĩ Chủ nghĩa xã hội khoa học “Giáo dục ý thức chính trị cho học viên các Học viện Công an nhân dân ở Việt Nam hiện nay” của Bùi Trường Giang (năm 2019) [128] đã khái quát một số vấn đề lý luận, phân tích thực trạng và những vấn đề đặt ra trong giáo dục ý thức chính trị cho học viên các học viện trong CAND. Phạm vi khảo sát của luận án giới hạn ở 3 cơ sở giáo dục đại học CAND tại Hà Nội. Chương 3 của luận án chỉ ra các nguyên nhân thành công cũng như hạn chế, trong đó đề cập đến vai trò lãnh đạo của
các đảng bộ học viện CAND. Phần giải pháp của Chương 4 nhấn mạnh tăng cường vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đảng ủy học viện.
Tác giả Nguyễn Thị Thế, trong Luận án tiến sĩ Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử “Vấn đề xây dựng văn hóa ứng xử của học viên các trường Công an nhân dân Việt Nam hiện nay” [171], bảo vệ năm 2020, đã trình bày một số vấn đề lý luận về xây dựng văn hóa ứng xử CAND, phân tích thực trạng văn hóa ứng xử của học viên CAND. Chương 4 của luận án kiến nghị lãnh đạo Bộ Công an và các trường CAND tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng mềm, tăng cường năng lực tư duy, quan hệ ứng xử, kỷ luật, kỷ cương của người học.
Nhìn nhận CAND như một nghề nghiệp đặc thù của xã hội và đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các học viện, trường CAND trong giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tác giả Nguyễn Thị Huệ, trong Luận án tiến sĩ Tâm lý học “Định hướng giá trị đạo đức nghề nghiệp của sinh viên các học viện, trường đại học Công an nhân dân” [139], bảo vệ năm 2022, đã làm rõ thực trạng và kiến nghị các biện pháp phát triển định hướng giá trị đạo đức CAND. Trong 4 kiến nghị của luận án, có 3 kiến nghị dành cho lãnh đạo, giảng viên, sinh viên các học viện, trường CAND, chủ yếu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Phạm vi khảo sát của luận án giới hạn ở 4 cơ sở giáo dục đại học CAND tại Hà Nội.
Qua một số công bố trên các tạp chí chuyên ngành, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhà khoa học, người nghiên cứu trong và ngoài lực lượng CAND đã góp phần làm phong phú thêm hệ thống tư liệu nghiên cứu về quá trình các đảng bộ học viện, trường CAND lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Tác giả Nguyễn Tấn Dũng, trong bài viết “Phát huy truyền thống 40 năm đào tạo đại học Công an, phấn đấu xây dựng lực lượng Công an nhân dân xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân” [65] đánh giá rất cao vai trò của các học viện, trường đại học CAND trong đào tạo trình độ đại học, sau đại học cho lực lượng CAND; nhấn mạnh việc cơ cấu, đổi mới, nâng cao chất
lượng hệ thống các cơ sở giáo dục đại học CAND là một chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Nhìn nhận vai trò, vị trí của các học viện, trường đại học CAND trong tổng thể mạng lưới giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng CAND, tác giả Tạ Lê Nguyệt Quế, trong bài viết “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong lực lượng Công an nhân dân” [158] đã trình bày tính cấp thiết về việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, tính liên thông của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong CAND, tính hệ thống và kết nối giữa các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm huấn luyện trong CAND.
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý đào tạo (Cục Đào tạo, Bộ Công an), tác giả Tống Quốc Bình trong bài viết “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong lực lượng Công an nhân dân” [13] đã khái quát thực trạng cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong CAND, chỉ ra một số biện pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Nghiên cứu phân tích yêu cầu quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng trong CAND đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Các nghiên cứu liên quan đến quá trình các đảng bộ học viện, trường Công an nhân dân lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng:
Tác giả Trần Thu Hương, trong luận án tiến sĩ Tâm lý học “Thích ứng với hoạt động dạy học của giảng viên trẻ tại các học viện, trường đại học Công an nhân dân” [141], bảo vệ năm 2015, đã khảo sát, đánh giá thực trạng tại 4 học viện, trường CAND khu vực phía Bắc và kết luận: Sự quan tâm chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo các cấp và sự thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, lãnh đạo quản lý giáo dục là hai yếu tố có ảnh hưởng nhất đến thích ứng với hoạt động dạy học của giảng viên trẻ.
Tác giả Nguyễn Thị Thu Trang, trong luận án tiến sĩ Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam “Đảng bộ Công an Trung ương lãnh đạo xây dựng đội ngũ giảng viên các học viện, trường đại học Công an nhân dân từ năm 2001 đến
năm 2010” [185], bảo vệ năm 2017, đã làm rõ những yếu tố tác động, chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương về xây dựng đội ngũ giảng viên CAND giai đoạn 2001 - 2010. Luận án đúc rút 5 bài học kinh nghiệm về nhận thức, xác định tầm nhìn chiến lược, coi trọng công tác tạo nguồn và tuyển chọn giảng viên, đào tạo bồi dưỡng, chế độ chính sách; các kinh nghiệm này hầu hết đều phù hợp để áp dụng trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đảng bộ học viện, trường CAND.
Nghiên cứu dưới góc độ Hồ Chí Minh học, luận án tiến sĩ “Xây dựng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho cán bộ, giảng viên các học viện Công an nhân dân hiện nay” của Nguyễn Thị Thu Trang [186], bảo vệ năm 2019, đã khái quát tình hình và phân tích thực trạng xây dựng phong cách làm việc cho cán bộ, giảng viên các học viện CAND. Trong các giải pháp mà Chương 4 đề xuất, tác giả chủ yếu tập trung vào nhóm giải pháp đối với chủ thể là cấp ủy, lãnh đạo các học viện, nhấn mạnh đến vai trò nêu gương và nâng cao chất lượng các mặt của phương thức lãnh đạo.
- Các nghiên cứu về lịch sử các học viện, trường Công an nhân dân:
Một số công trình về lịch sử đơn vị do các học viện, trường CAND biên soạn như “Lịch sử Học viện An ninh nhân dân (1946 - 2006)” [134], “Lịch sử biên niên Học viện An ninh nhân dân (1996 - 2016)” [135], “Lịch sử Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (1968 - 1998)” [194], “Lịch sử biên niên Học viện Cảnh sát nhân dân (1968 - 2002)” [136], “Học viện Cảnh sát nhân dân lịch sử biên niên (1968 - 2008)” [137], “Lịch sử Trường Đại học An ninh nhân dân (1963 - 2018)” [150], “Trường Đại học Cảnh sát nhân dân - 30 năm xây dựng và phát triển (24/4/1976 - 24/4/2006)” [195], “Lịch sử Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (24/4/1976 - 24/4/2016)” [198], “Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (1976 - 2016)” [179], “Biên niên sự kiện lịch sử Trường Đại học Cảnh sát nhân dân giai đoạn 2010 - 2020” [180],
“Lịch sử Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (1976 - 2006)” [200], “Lịch
sử biên niên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (2006 - 2011)” [202],
“Đại học Phòng cháy chữa cháy - 40 năm xây dựng và phát triển (1976 - 2016)” [201], “Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân II - 35 năm xây dựng và phát triển (11/03/1977 - 11/03/2012)” [203]... đã góp phần tái hiện quá trình hình thành và phát triển của các học viện, trường CAND; có trình bày một số nội dung liên quan đến quá trình xây dựng các đảng bộ học viện, trường CAND; cũng như tổng kết thành tựu, hạn chế, đúc rút kinh nghiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các học viện, trường CAND.
Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng đảm nhiệm công tác bảo vệ an ninh, trật tự cũng là đối tượng nghiên cứu được quan tâm của nhiều nhà khoa học, người nghiên cứu ngoài nước.
Trong công trình “An examination of the ethical and value orientation of Criminal Justice Students” (Kiểm tra định hướng đạo đức và giá trị của Sinh viên Tư pháp Hình sự) [12], công bố năm 2004, các tác giả B. Bjerregaard, V.
B. Lord cho rằng lĩnh vực đào tạo nhân lực ngành tư pháp phải đề cao tiêu chí đạo đức, văn hóa nghề nghiệp, vì đây là lực lượng chịu nhiều thách thức đặc thù, dễ sai phạm trong lạm dụng vũ lực, vi phạm quyền con người.
Cuốn sách “Becoming an exemplary peace officer - The guide to ethical decision making” (Trở thành một sĩ quan hòa bình gương mẫu - Hướng dẫn ra quyết định có đạo đức) [143] của Michael Josephson, xuất bản năm 2009, đã đưa ra các quan niệm về đạo đức nghề nghiệp của ngành Cảnh sát, khẳng định 6 tính cách trụ cột của ngành Cảnh sát, trong đó bao gồm trách nhiệm nghề nghiệp và tính công dân. Tác giả cho rằng ngoài việc tuân theo những nghĩa vụ trụ cột, Cảnh sát còn phải tuân theo các quy tắc phục vụ cộng đồng.
Tác giả Hủm Phăm Phỉu Khêm Phon, trong Luận án tiến sĩ Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước “Chất lượng tổ chức cơ sở đảng thuộc Đảng bộ Bộ An ninh Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn hiện nay” [153], bảo vệ năm 2016, đã trình bày cơ sở lý luận và phân tích thực trạng xây dựng
tổ chức cơ sở đảng tại Bộ An ninh Lào. Trên cơ sở đánh giá các thành tựu và hạn chế, luận án đề xuất một số giải pháp, trong đó đề cập đến yêu cầu quán triệt chủ trương, đường lối xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trong lực lượng An ninh của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Các Luận văn thạc sĩ Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước “Đảng ủy Tổng cục Chính trị Bộ An ninh Lào lãnh đạo thực hiện công tác đào tạo cán bộ giai đoạn hiện nay” [159] của Souksavanh Silavong, bảo vệ năm 2019 và “Công tác đào tạo đội ngũ sĩ quan của Bộ An ninh, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn hiện nay” [64] của Duangvichit Damanivong, bảo vệ năm 2020, cho thấy vai trò của cơ quan chính trị trong lực lượng vũ trang, tương đồng với Việt Nam. Các luận văn này đều đánh giá thực trạng, nguyên nhân và đề ra giải pháp nhằm khẳng định, nâng cao hơn nữa vị thế của công tác chính trị trong đào tạo sĩ quan An ninh, coi đây là yếu tố nền tảng, quyết định xây dựng lực lượng An ninh trong sạch, vững mạnh.
Các công bố khoa học của tác giả nước ngoài thể hiện nhiều quan điểm đa dạng, tuy nhiên đều thừa nhận sự ảnh hưởng nhất định của thể chế chính trị, thiết chế nhà nước đối với hoạt động đào tạo lực lượng An ninh, Cảnh sát.
Các công trình của tác giả nước ngoài ở các quốc gia có chế độ chính trị tương đồng với Việt Nam về cơ bản có cách tiếp cận và quan điểm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, mang tính Đảng, tương tự các công bố khoa học của người nghiên cứu trong nước.
Tập hợp các công bố khoa học nói trên có phạm vi nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án, có đóng góp quan trọng trong việc khẳng định tầm quan trọng của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong CAND. Tuy nhiên, chưa có công trình nào đề cập trực tiếp đến quá trình các đảng bộ trường CAND lãnh đạo công tác xây dựng Đảng. Luận án tham khảo kết quả nghiên cứu của các công trình nói trên về những thành tựu, hạn chế của quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng lực lượng tại các trường CAND; tiếp
cận lại dưới góc độ chuyên ngành lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và khu biệt đối với đối tượng cụ thể là các đảng bộ trường CAND ở TPHCM.
1.2. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CÓ LIÊN QUAN VÀ NHỮNG NỘI DUNG LUẬN ÁN CẦN TẬP TRUNG NGHIÊN CỨU